HIV là căn bệnh thế kỉ vô cùng nguy hiểm. Nhiều người đã nghe đến HIV hoặc HIV/AIDS nhưng chưa hoàn toàn hiểu rõ về bệnh. Trong bài viết này, Diag chia sẻ những thông tin quan trọng về bệnh HIV. Trong đó bao gồm: HIV là gì, cấu tạo của HIV, triệu chứng và cách phòng bệnh với thuốc kháng virus.
HIV là bệnh gì?
Nguồn gốc của HIV
Một số nghiên cứu cho biết, HIV có nguồn gốc từ SIV (Simian Immunodeficiency Virus). SIV là loại virus có nguồn gốc ở châu Phi, gây suy giảm miễn dịch chủ yếu ở khỉ và tinh tinh. Theo thời gian, SIV bắt đầu lây nhiễm sang người khi săn bắt, giết thịt, hoặc tiếp xúc với máu của tinh tinh và khỉ.
Xuyên suốt quá trình này, virus SIV dần biến đổi thành HIV (Human Immunodeficiency Virus) gây bệnh HIV ở người. Chúng xâm nhập và tấn công vào các đại thực bào hoặc tế bào Lympho T có trong máu con người. Từ đó khiến cơ thể bị suy yếu và rất dễ tổn thương trước những mầm bệnh dù là nhẹ nhất.
Sau khi truyền bệnh sang người rộng khắp châu Phi, HIV dần lan rộng toàn thế giới. Cho đến hiện tại, virus HIV được ghi nhận có 2 chủng là HIV-1 và HIV-2. Virus HIV-1 phổ biến trên toàn cầu với khả năng lây nhiễm cao, thường được nhắc đến khi nói về bệnh HIV. Trong khi đó, HIV-2 chủ yếu tập trung ở Tây Phi và một số khu vực khác như châu Âu, Hoa Kỳ và Ấn Độ.
Xem thêm: HIV từ đâu ra?
Trong các nội dung tiếp theo khi phân tích về HIV, bài viết sẽ tập trung vào virus HIV-1.
Cấu tạo của HIV
Virus HIV thuộc họ Retroviridae, giống Lentivirus, có dạng hình cầu với kích thước rất nhỏ khoảng 80 – 10nm. Khi nhìn dưới kính hiển vi, thành phần cấu tạo virus HIV gồm 3 phần: vỏ ngoài, vỏ trong (vỏ capsid), và lõi.
Vỏ ngoài của HIV được tạo thành từ 72 núm gai, đây là những protein bề mặt gọi là glycoprotein 120 (gp120). Khi HIV tấn công tế bào Lympho T CD4+ của con người, glycoprotein 120 sẽ gắn vào các thụ thể trên tế bào TCD4+. Ngoài ra, vỏ virus còn có một protein xuyên màng gọi là glycoprotein 41 (gp41).
Vỏ trong của HIV có cấu tạo gồm 2 lớp protein. Lớp ngoài hình cầu được cấu tạo bởi các protein p17. Lớp trong hình trụ, được tạo nên bởi các phân tử protein gọi là kháng nguyên p24. Kháng nguyên này là yếu tố quan trọng nhất để chẩn đoán nhiễm HIV.
Lõi HIV có cấu trúc phức tạp, chứa 2 bản sao của bộ gen RNA chuỗi đơn. Vật chất di truyền của HIV là RNA liên kết chặt chẽ với các protein nucleocapsid p6 và p7 – có nhiệm vụ bảo vệ RNA không bị tiêu hóa bởi các nuclease. Lõi virus còn chứa các enzyme phiên mã ngược (RT: reverse transcriptase), enzyme chỉnh hợp (integrase), và enzyme thủy phân (protease). Toàn bộ cấu trúc này được bao quanh bởi các kháng nguyên bề mặt p24.
Cách thức gây bệnh của HIV
HIV gây bệnh bằng cách tấn công và làm suy giảm miễn dịch của cơ thể người. Chúng xâm nhập qua những con đường gồm: Quan hệ tình dục (QHTD), máu, và từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở hoặc cho con bú.
HIV sử dụng các glycoprotein trên vỏ (gp120 và gp41) để gắn kết với thụ thể CD4 trên bề mặt tế bào bạch cầu TCD4+. Sau khi gắn kết thành công, HIV hòa màng với màng tế bào TCD4+, và bắt đầu xâm nhập vào bên trong tế bào.
Bên trong tế bào TCD4+, vật chất di truyền của virus HIV là RNA được chuyển đổi thành DNA nhờ enzyme phiên mã ngược (reverse transcriptase). DNA của virus sau đó được vận chuyển vào nhân tế bào và tích hợp vào DNA của tế bào chủ nhờ enzyme tích hợp (integrase). Khi hoàn thành quá trình tích hợp, DNA của virus được gọi là provirus.
Provirus trong DNA của tế bào chủ sử dụng cơ chế sao chép của tế bào để sản xuất RNA virus và các protein virus mới. Các thành phần này sau đó được lắp ráp thành các hạt virus mới tại màng tế bào. Các hạt virus mới nảy chồi khỏi màng tế bào, mang theo các mảnh vỏ bọc, và trở thành các virus hoàn chỉnh có khả năng lây nhiễm các tế bào TCD4+ khác.
Quá trình phát triển và nhân lên của HIV diễn ra với tốc độ cực nhanh trong 1 tuần đầu tiên kể từ lúc phơi nhiễm. Virus gây tổn thương và phá hủy tế bào TCD4+. Đồng thời, hệ miễn dịch cũng có thể tiêu diệt các tế bào nhiễm HIV do xác định đây là một tác nhân gây hại cho cơ thể. Điều này dẫn đến giảm số lượng TCD4+. Chính sự suy giảm liên tục số lượng tế bào TCD4+ sẽ làm suy yếu miễn dịch, khiến cơ thể dễ mắc các bệnh cơ hội.
Con đường lây truyền HIV
Đường máu
HIV khi được lây truyền qua máu sẽ tấn công trực tiếp vào tế bào Lympho TCD4+. Đây là tế bào có trong máu giúp bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây hại. Virus sẽ bám vào TCD4+ và nhân lên, sau đó lây lan nhanh chóng sang những tế bào khác. Số lượng TCD4+ bị tấn công càng nhiều thì hệ miễn dịch càng yếu. Nghĩa là cơ thể rất dễ tổn thương trước các bệnh lý và nhiễm trùng cơ hội.
Nguyên nhân bị HIV qua đường máu thường là:
- Tiếp xúc với máu người nhiễm HIV qua vết thương hở hoặc niêm mạc bị trầy xước.
- Bị các vật sắc nhọn đã dính máu người nhiễm HIV cắt xuyên qua da.
- Được hiến máu, cấy mô, hoặc ghép tạng từ người nhiễm HIV.
Đường tình dục
Miệng, dương vật, hậu môn, và âm đạo là những vị trí lây truyền chính. Do virus có thể tồn tại trong dịch cơ thể của nam và nữ nên dễ dàng truyền bệnh nếu không có biện pháp bảo vệ phù hợp. Đặc biệt, những người nhận tinh dịch có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, bất kể đó là hình thức QHTD nào.
Xem thêm: HIV truyền qua đường nào?
Đường sinh sản từ mẹ sang con
Virus có thể tồn tại trong nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo và sữa của người mẹ. Do đó HIV có thể lây truyền khi mang thai, sinh nở và sau sinh nếu không có biện pháp phòng tránh phù hợp.
- Mang thai: Truyền virus từ máu nhiễm bệnh của mẹ sang thai nhi qua nhau thai.
- Chuyển dạ: Truyền sang con qua các vùng như hậu môn, mắt, mũi, hoặc các vết xây xát trên cơ thể bé.
- Cho con bú: Truyền qua sữa mẹ hoặc thông qua các tổn thương ở núm vú của mẹ. Tỷ lệ nhiễm tăng cao ở những trẻ có tổn thương vùng miệng hoặc đường hô hấp.
Những con đường không lây truyền HIV
HIV không thể tồn tại khi ở bên ngoài vật chủ. Các chuyên gia y tế chỉ ra những con đường không thể bị nhiễm HIV như sau:
- Nước bọt, nước mắt, và mồ hôi.
- Không khí.
- Dùng chung chén đĩa và vật dụng ăn uống.
- Các hoạt động hàng ngày: Bắt tay, ôm ấp, hôn môi, ăn uống, dùng chung nhà vệ sinh…
- Muỗi, ve, hoặc các loài côn trùng khác.
Xem thêm: Virus HIV sống được bao lâu ngoài môi trường?
Triệu chứng nhiễm HIV
Bệnh HIV tiến triển qua 4 giai đoạn (sơ nhiễm → nhiễm trùng không triệu chứng → cận AIDS → bệnh AIDS). Người nhiễm HIV có nhiều triệu chứng khác nhau ở mỗi thời kỳ. Tuy giống với bệnh cúm hoặc truyền nhiễm thông thường, nhưng các triệu chứng lặp đi lặp lại và ngày càng nặng theo thời gian.
Một số triệu chứng phổ biến ở các giai đoạn HIV thường là:
- Sốt cao kéo dài trên 38 độ mà không có nguyên nhân rõ ràng.
- Ớn lạnh.
- Tiêu chảy.
- Sụt cân.
- Đổ mồ hôi đêm.
- Nổi phát ban đỏ, có thể gây ngứa hoặc không.
- Mất ngủ, mệt mỏi.
- Đau nhức cơ thể, đau đầu, xương khớp, và cơ bắp.
- Sưng hạch bạch huyết, chủ yếu ở cổ, nách, hoặc bẹn.
- Ho, đau họng, viêm họng.
- Loét dương vật và bộ phận sinh dục.
- Nhiễm nấm âm đạo, chảy máu kinh nguyệt, rối loạn kinh nguyệt, và đau bụng dưới.
Điều nguy hiểm là các dấu hiệu HIV kể trên có thể giảm dần và biến mất sau khi kết thúc giai đoạn 1. Người bệnh có cảm giác khỏe mạnh và nhầm tưởng bản thân đã khỏi bệnh, tuy nhiên HIV vẫn âm thầm phát triển.
Giai đoạn 2 còn gọi là nhiễm trùng không triệu chứng. Đây là giai đoạn virus vẫn âm thầm phát triển mạnh trong cơ thể mà không ai hay biết. Thậm chí cả người bệnh cũng không cảm nhận được bản thân đang nhiễm bệnh. Các triệu chứng thường không xuất hiện trở lại trong giai đoạn này.
Khi bệnh tiến triển đến cận AIDS, bệnh AIDS thì các triệu chứng tái phát nặng hơn và có thêm những triệu chứng mới:
- Tiêu chảy kéo dài hơn 1 tháng.
- Sụt cân nặng khoảng 10% trọng lượng cơ thể, dẫn đến tình trạng “da bọc xương.”
- Nổi hạch và ngứa toàn thân.
- Cơ thể suy nhược, không thể tập trung.
- Viêm họng nặng, gây khó khăn trong việc thở, ăn uống, và nói chuyện.
- Nấm miệng xuất hiện ở khoang miệng, họng, lưỡi với nhiều mảng trắng và lở loét.
Xem thêm: Tải lượng virus HIV bao nhiêu là cao?
HIV có đáng sợ không?
HIV khi xâm nhập vào cơ thể sẽ để lại nhiều hệ quả nặng nề đối với sức khỏe. Khi miễn dịch suy yếu, cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh. Người bệnh có khả năng mắc ung thư, hoặc nhiễm trùng cơ hội từ vi khuẩn, virus, nấm, và ký sinh trùng. Đây đều là những biến chứng nghiêm trọng đe dọa trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân.
Xem thêm: Người nhiễm HIV dễ mắc bệnh gì?
Nhiễm trùng cơ hội:
- Bệnh lao: Gây các tổn thương như tràn dịch và tràn khí màng phổi tự phát, nhu mô phổi. Lao là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở các bệnh nhân HIV.
- Nhiễm nấm Candida: Làm tổn thương miệng, thực quản, niêm mạc, nhiễm nấm máu, và nhiễm trùng khu trú tại nhiều vị trí trên cơ thể. Người bệnh có thể bị xuất huyết võng mạc, giảm bạch cầu trung tính, và nhiễm trùng mắt.
- Nhiễm nấm Cryptococcus: Ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương dẫn đến tổn thương phổi, da, và não. Nặng nhất là viêm phổi và viêm màng não.
- Nhiễm Toxoplasma gondii: Gây viêm não với các biểu hiện như hôn mê, rối loạn thị giác, xuất huyết não, tai biến mạch máu não.
Biến chứng ung thư:
- Ung thư hạch: Xuất hiện tình trạng nổi hạch bạch huyết ở cổ, nách, và bẹn – sưng nhưng không đau.
- Ung thư Kaposi Sarcoma: Một loại ung thư da với biểu hiện là các mảng màu tím/hồng/nâu/đỏ liên kết thành từng mảng. Các nốt sưng này có thể sưng phù, xâm nhập mô mềm và xương.
- Ung thư cổ tử cung: Chủ yếu do virus HPV gây nên, gây chảy máu âm đạo bất thường, khí hư âm đạo có mùi hôi…
Những biến chứng nguy hiễm khác:
- Hội chứng suy nhược mãn tính: Người bệnh sụt cân đáng kể. Tiêu chảy, sốt, và ho chuyển sang mãn tính kéo dài, gây suy nhược nặng.
- Biến chứng thần kinh: Lú lẫn, mau quên, mất trí nhớ, trầm cảm… có thể biến chứng từ nhẹ đến nặng.
Xem thêm: Tác hại của HIV/AIDS
Nếu không được điều trị, HIV có thể tiến triển thành AIDS. Đây là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (Acquired ImmunoDeficiency Syndrome), còn được biết đến là giai đoạn cuối của bệnh HIV.
Xem thêm: AIDS là gì?
Một người được xác định AIDS khi có một hoặc nhiều đặc điểm như sau:
- Số lượng tế bào Lympho T CD4+ giảm xuống dưới 200 tế bào/mm³ máu.
- Tỷ lệ tế bào Lympho T CD4+ ≤ 14% tổng số tế bào Lympho.
- Mắc một hoặc nhiều biến chứng xác định bệnh AIDS: Nhiễm trùng cơ hội, ung thư do khiếm khuyết đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào, hội chứng suy mòn, rối loạn chức năng thần kinh.
AIDS là tình trạng mà hệ miễn dịch đã bị tàn phá nghiêm trọng. Lúc này các triệu chứng ban đầu như sốt, đau người, nôn mửa bắt đầu tái phát nặng hơn. Tình trạng mệt mỏi, tiêu chảy và sụt cân khiến người bệnh trở nên suy nhược, kiệt sức. Những vấn đề viêm họng, đau họng chuyển biến nặng khiến người bệnh khó ăn uống và nói chuyện. Người bệnh có nguy cơ rất cao mắc bệnh lao, nhiễm nấm HIV như Candida, hoặc ung thư hạch, ung thư Kaposi Sarcoma.
AIDS là căn bệnh mãn tính nguy hiểm và đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất kỳ phương thuốc chữa trị nào. Tuy nhiên, việc dùng thuốc trong giai đoạn cuối chỉ nhằm mục đích kéo dài tuổi thọ và làm chậm tiến triển của bệnh. Tất cả các phương pháp chữa trị HIV hoặc AIDS hiện nay đều không có khả năng điều trị dứt điểm căn bệnh này. Do đó, có thể nói rằng AIDS chính là “cửa tử” đối với người nhiễm HIV.
Đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV
Tất cả mọi người đều có thể bị nhiễm HIV. Đặc biệt là những đối tượng sau có nguy cơ rất cao:
- Quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su, có nhiều bạn tình.
- Quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và đường miệng.
- Có bạn tình nhiễm/nghi nhiễm HIV, hoặc các bệnh qua đường tình dục như bệnh chlamydia, lậu, giang mai…
- Nam giới có quan hệ tình dục qua đường hậu môn không an toàn với một người đàn ông khác.
- Đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu, giang mai, sùi mào gà…
- Nhiễm virus viêm gan B, viêm gan C.
- Tham gia vào các hoạt động bán dâm, tiêm chích ma túy, chất gây nghiện… hoặc có bạn tình thuộc trường hợp này.
- Dùng chung vật dụng sắc nhọn dễ gây chảy máu như bơm kim tiêm, dao cạo… với người nhiễm/nghi nhiễm HIV.
- Vô tình bị kim hoặc vật sắc nhọn đâm vào người khi đến thăm khám tại các cơ sở y tế.
- Thường xuyên tiếp xúc và làm việc với các nguồn máu: Y bác sĩ, kỹ thuật viên lấy máu và xét nghiệm máu, công an, quân đội…
- Người mắc bệnh lao: Đã được khám lâm sàng và được xét nghiệm cận lâm sàng. Tuy nhiên, vẫn không phát hiện được nguyên nhân gây bệnh hoặc có các triệu chứng gợi ý nhiễm HIV.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị HIV
Chẩn đoán HIV bao gồm việc thực hiện xét nghiệm kháng thể/kháng nguyên HIV để phát hiện sự hiện diện của virus trong cơ thể. Trong đó, một số loại xét nghiệm có thể được thực hiện từ ngày thứ 10 kể từ lúc phơi nhiễm.
Nếu kết quả xét nghiệm ban đầu dương tính, xét nghiệm Western Blot hoặc PCR sẽ được thực hiện để xác nhận kết quả. Việc đo số lượng tế bào TCD4+ và tải lượng virus giúp đánh giá mức độ suy giảm miễn dịch và theo dõi tiến triển bệnh.
Điều trị HIV chủ yếu sử dụng thuốc kháng virus ARV theo các phác đồ phù hợp. Việc này cần được thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo sức khỏe ổn định và gia tăng tuổi thọ. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần duy trì thói quen sống lành mạnh cùng chế độ ăn đủ dinh dưỡng. Đây là giải pháp tốt nhất giúp tăng cường đề kháng chống lại sự tấn công virus.
Cách phòng ngừa HIV hiệu quả
Phương pháp phòng ngừa HIV tập trung vào việc hạn chế sự lây lan của virus, đặc biệt là qua đường tình dục.
- Quan hệ tình dục an toàn có sử dụng bao cao su.
- Không quan hệ với nhiều đối tác và những người chưa rõ lai lịch.
- Không tiếp xúc với nguồn máu lạ.
- Tránh ma túy hoặc chất gây nghiện có thể ảnh hưởng đến sự tỉnh táo và khả năng kiểm soát của bản thân về các hoạt động tình dục.
- Tránh dùng chung kim tiêm và ống tiêm đã được sử dụng bởi những người sử dụng ma túy.
- Không đến những nơi tụ tập nhiều người nghiện, hút chích.
- Chủ động kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm sàng lọc HIV định kỳ.
Bên cạnh đó, chuyên gia y tế khuyến cáo nên sử dụng thuốc chống phơi nhiễm HIV để bảo vệ bản thân tốt hơn. Thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) dành cho người có nguy cơ cao mắc bệnh. Thuốc dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) dành cho đối tượng đã tiếp xúc với HIV mà không có biện pháp bảo vệ.
Cả hai loại thuốc rất quan trọng trong việc phòng ngừa HIV, tuy nhiên cần sử dụng theo hướng dẫn y tế để tránh tác dụng phụ.
- Đối với PrEP, cần dùng thuốc trước chứ không chỉ sau mỗi lần có thể phơi nhiễm.
- Đối với PEP, tối ưu nhất là trong vòng ba ngày kể từ khi tiếp xúc với virus.
Một số thắc mắc liên quan đến bệnh HIV
1. HIV và AIDS có gì khác nhau?
HIV sau khi tiến triển qua một khoảng thời gian sẽ đến AIDS. Thuật ngữ HIV được sử dụng để chỉ tình trạng nhiễm HIV nói chung. Còn thuật ngữ AIDS dùng để chỉ giai đoạn AIDS.
2. Nhiễm HIV bao lâu thì chuyển sang AIDS?
Thời gian từ lúc nhiễm HIV đến khi chuyển sang AIDS có thể khác nhau ở mỗi người. Điều này phụ thuộc các yếu tố như hệ miễn dịch mạnh hay yếu, tình trạng sức khỏe tổng thể, và khả năng tiếp cận điều trị. Nếu được điều trị, quá trình chuyển biến bệnh này có thể kéo dài từ 10 đến 15 năm hoặc lâu hơn.
3. Bội nhiễm HIV là gì?
Bội nhiễm HIV là hiện tượng người nhiễm HIV mắc thêm các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Trong đó, các bệnh truyền nhiễm khác có thể là lao, nhiễm nấm Candida, nấm Cryptococcus và Toxoplasma gondii.
4. Có thể đồng nhiễm lao/HIV không?
Đồng nhiễm lao/HIV là tình trạng một người nhiễm HIV và mắc thêm bệnh lao. Trong trường hợp này, lao là bệnh nhiễm trùng cơ hội thường xảy ra khi nhiễm HIV ở giai đoạn AIDS.
Như vậy, bài viết đã chia sẻ toàn bộ thông tin về virus HIV và những vấn đề xoay quanh căn bệnh HIV/AIDS là gì. Đây là một căn bệnh đáng sợ và chưa có cách chữa trị dứt điểm. Vậy nên, việc tìm hiểu HIV là gì rất cần thiết trong quá trình hỗ trợ phát hiện, chẩn đoán, theo dõi, và điều trị. Phát hiện càng sớm thì khả năng điều trị hiệu quả càng cao.
Xem thêm: