VTV.vn – Khoảng 2 tuần trở lại đây, số trẻ đến khám và nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) với những triệu chứng như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy gia tăng.

Nôn trớ, đau bụng, sốt, tiêu chảy… không ít bệnh nhi đã phải nhập viện trong vòng 2 tuần trở lại đây. Riêng tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, số trẻ đến khám và nhập viện liên quan đến các bệnh về đường tiêu hóa tăng lên khoảng 40%, cụ thể mỗi ngày có tới gần 100 trẻ mắc bệnh, trong đó có từ 3 – 5 trẻ chuyển nặng cần nhập viện.

Cùng thời điểm này, thông tin cảnh báo về bệnh viêm gan cấp tính do virus bí ẩn tại một số nước trên thế giới ngày càng nhiều, khiến không ít phụ huynh lo lắng. Bởi nôn và tiêu chảy cũng là những triệu chứng ban đầu khi trẻ bị viêm gan.

Tuy nhiên, theo ghi nhận ban đầu, hiện các bác sĩ kết luận tình trạng mà đa số bệnh nhi đang gặp phải chủ yếu là do nhiễm khuẩn đường tiêu hoá.

BSCKII. Nguyễn Thị Nga – Phó Khoa Khám bệnh, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết: “Triệu chứng nôn, tiêu chảy, đau bụng hay sốt, nguyên nhân chính là do nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa thường 50% do virus và Rota virus chiếm trên 50%”.

Theo các bác sĩ, sở dĩ nhóm bệnh tiêu chảy gia tăng đột biến trong thời gian gần đây là bởi việc tiếp xúc với nguồn bệnh ở trẻ tăng lên khi quay trở lại trường học, thức ăn hay nguồn nước bị nhiễm khuẩn hoặc trẻ ngậm tay, chơi đồ chơi bị nhiễm bẩn…

Bên cạnh đó, thời tiết đầu hè gia tăng sự phát triển của vi khuẩn, cũng dễ khiến cho nguồn bệnh lây lan.

Các bệnh về đường tiêu hóa được coi là bệnh theo mùa, vậy nên, các bác sĩ khuyến cáo: phụ huynh không nên quá lo lắng mà tự ý dùng các loại thuốc chống nôn, cầm tiêu chảy hay kháng sinh chưa được bác sĩ chỉ định cho trẻ. Thay vào đó, cha mẹ cần tham khảo ý kiến làm theo hướng dẫn của các bác sĩ.

BSCKII. Nguyễn Thị Hồng Nhân – Trường Khoa Nhi tiêu hoá, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn lưu ý: “Đầu tiên, chúng ta phải bù nước cho trẻ vì khi trẻ bị nôn với tiêu chảy là cơ thể mất nước. Nếu thấy tình trạng trẻ nôn tất cả mọi thứ hoặc kèm sốt cao, mệt lả, kèm những dấu hiệu nguy hiểm, co giật, hôn mê, bỏ bú, bỏ ăn, thì bắt buộc phải đến bệnh viện ngay”.

Để phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa cho trẻ trong mùa hè, cha mẹ cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường cho trẻ nhằm giảm thiểu tối đa các tác nhân gây bệnh. Một biện pháp quan trọng nữa để phòng ngừa lây nhiễm bệnh mà các bác sĩ khuyến cáo đó là phụ huynh hãy thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở trẻ sát khuẩn tay, nhất là sau khi đi chơi hay đi học về.

Nguồn: https://vtv.vn/suc-khoe/gia-tang-tre-mac-cac-benh-ve-duong-tieu-hoa-va-nguyen-nhan-gay-benh-20220509155442963.htm