Trở lại

Xét Nghiệm Độ Thanh Thải Creatinin Là Gì?

Xét nghiệm độ thanh thải Creatinin là xét nghiệm giúp đánh giá chức năng thận và các bệnh lý thường gặp ở thận như suy thận, viêm bể thận, viêm cầu thận,…Vậy chỉ số Creatinin thận là gì? Ý nghĩa độ thải Creatinin? Tính hệ số thanh thải Creatinin như thế nào? Dưới đây là những thông tin chi tiết về xét nghiệm này.

Creatinin Là Gì?

Creatinin là sản phẩm được tạo thành từ quá trình thoái hóa Creatin trên các cơ bắp của cơ thể. Creatin là hợp chất có nhiệm vụ chuyển hóa thức ăn thành năng lượng cho các cơ hoạt động. Khi Creatin bị thoái hóa sẽ tạo thành Creatinin đi vào trong máu và được lọc qua cầu thận. Trong cơ thể Creatinin bao gồm Creatinin nội sinh và Creatinin ngoại sinh. Creatinin nội sinh có nguồn gốc chủ yếu ở gan, thận, tụy, gân và được tổng hợp từ Arginin và Methionine. Trong khi đó Creatinin ngoại sinh là do những loại thức ăn chúng ta tiêu thụ hàng ngày cung cấp.

EKu2YaDGKuWuYxzzzzTYDlAIJg6X8nTBnOlmM0qh8yPMl1afRy8LfDZLOe8BhhVr9zSHYEJ9YCpUpylN_1626514585.jpg
Creatin là hợp chất có nhiệm vụ chuyển hóa thức ăn thành năng lượng cho các cơ hoạt động

Creatinin được thải trừ hoàn toàn bởi thận. Tại đây, Creatinin sẽ được lọc qua các cầu thận, tuy nhiên không được ống thận tái hấp thu lại mà sẽ bài tiết ra ngoài qua nước tiểu. Do đó độ thải Creatinin là chỉ số quan trọng giúp phản ánh chức năng lọc cầu thận và tình trạng của thận.

Hệ số thanh thải Creatinin được tính toán theo công thức:

Độ thanh thải creatinin = (U x V) / P

Trong đó:

U: là số miligam Creatinin bài tiết trong mỗi decilit nước tiểu trong vòng 24 giờ (mg/dL)

V: là thể tích nước tiểu thải ra mỗi phút (ml)

P: Creatinin huyết thanh tính theo mg/dL

 

uHVFnP6OJsgCm4q7NDg6zoPlSlRzcKQqAJfPZGDNctbszv00oI9kDQNhxR9I1cVL9LgELyvZ9L9AI9ZT_1626514620.jpg
Công thức tính hệ số thanh thải Creatinin

Các Xét Nghiệm Định Lượng Creatinin

Xét nghiệm định lượng Creatinin là vô cùng quan trọng giúp bác sĩ đánh giá chính xác chức năng thận của người bệnh. Hiện nay có thể định lượng Creatinin thông qua xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước tiểu.

Xét nghiệm Creatinin máu

Xét nghiệm Creatinin máu hay định lượng Creatinin huyết thanh được sử dụng phổ biến trong các xét nghiệm hóa sinh cơ bản. Khi bệnh nhân mắc các bệnh lý cấp tính hoặc có nghi ngờ về chức năng thận thì bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm này.

Khi chức năng thận bị suy giảm, nồng độ Creatinin trong máu sẽ tăng lên do khả năng thanh thải Creatinin bị giảm đi.

Xét nghiệm Creatinin nước tiểu

Xét nghiệm Creatinin nước tiểu là phương pháp đo lường mức độ Creatinin có trong mẫu nước tiểu 24 giờ. Thông thường Creatinin sẽ được thải trừ qua thận. Tuy nhiên, khi chức năng thận có vấn đề thì Creatinin sẽ tích tụ lại trong cơ thể. 

Y5U9mGAoD4on998nrEJDonl1ZRtqeCnjfomrI18sjTjBo2K4oK2fF7EO8awpynmk7jceNun2lbLXmZPb_1626514673.jpg
Xét nghiệm Creatinin nước tiểu là phương pháp đo lường mức độ Creatinin có trong mẫu nước tiểu 24 giờ

Xét nghiệm Creatinin nước tiểu sẽ cho chúng ta biết được thận của bạn có đang làm việc tốt hay không. Nếu chỉ số Creatinin cao hơn bình thường có thể là dấu hiệu cảnh báo người bệnh mắc các bệnh về thận. Lúc này, bạn cần  gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Khi Nào Cần Xét Nghiệm Độ Thanh Thải Creatinin?

Khi cơ thể người bệnh gặp phải một số dấu hiệu bất thường và nghi ngờ mắc các bệnh về thận là lúc bạn cần làm xét nghiệm độ thanh thải Creatinin để kiểm tra chính xác tình trạng bệnh của mình.

1M5h3ShvQxelBhTm6wMCu3bpmUh8Qu3m3ksRe6qJlW2AKSwxFywskQR7ltVsQSXtVufzXSefgaktyTra_1626514708.jpg
Nên đi xét nghiệm độ thanh thải Creatinin ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường nghi mắc bệnh thận

Một số triệu chứng mà bạn có thể gặp phải như:

  • Cơ thể mệt mỏi, chán ăn
  • Mất ngủ kéo dài
  • Đau ở các vị trí gần vùng thận, vùng thắt lưng ngang hông
  • Lượng nước tiểu giảm, có cảm giác khó chịu, nóng rát khi đi tiểu
  • Nước tiểu có các bọt trắng, thấy xuất hiện dịch bất thường như tiểu ra máu, tiểu có màu tối như cafe.
  • Phù: khi chức năng thận bị suy giảm sẽ dẫn tới ứ dịch gây phù. Có thể phù ở vùng mặt, vùng bụng, chân tay và mắt cá chân…thậm chí là toàn thân.

Bên cạnh đó, xét nghiệm độ thanh thải Creatinin còn dùng để theo dõi tình trạng của những bệnh nhân mắc các bệnh lý liên quan đến thận như:

  • Người bị cao huyết áp, tiểu đường, người đang dùng những thuốc có tác dụng phụ đến thận,…cần thực hiện xét nghiệm này ít nhất 1 lần/ năm.
  • Người mắc bệnh thận cần làm xét nghiệm thường xuyên để theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân.

Chỉ Số Creatinin Cho Bạn Biết Điều Gì?

Ở người khỏe mạnh, nồng độ Creatinin trong máu bình thường là:

  • Nam giới trưởng thành : 0,6 – 1,2 mg/dL hay 53 – 106 mmol/L
  • Nữ giới trưởng thành: 0,5 – 1,1 mg/dL hay 44 – 97 mmol/L
  • Thiếu niên: khoảng từ 0,5 – 1,0 mg/dL
  • Ở trẻ em: 0,3 – 0,7 mg/dL

Hệ số thanh thải Creatinin bình thường trong nước tiểu là:

  • Nam giới dưới 40 tuổi: 107 – 139 ml/phút hoặc 1,78 – 2,32 ml/s đơn vị SI
  • Nữ giới dưới 40 tuổi: 87 – 107 ml/phút hay 1,45 – 1,78 ml/s đơn vị SI

Trẻ em: 40 – 65 ml/phút

KboMJ3EZfSUk0B7wlKdTosgCGvOkqOdWXq2yGn0aJfqNoUJETAhbns3i562v1pJofBWQsydSsrfzqPAH_1626514758.jpg
Khi chỉ số Creatinin tăng hoặc giảm đều là những dấu hiệu cảnh báo vấn đề về sức khỏe

Creatinin là chỉ số đáng tin cậy giúp bác sĩ đánh giá chức năng thận. Thậm chí ngay cả khi người bệnh chưa có những triệu chứng bệnh thì chỉ số này cũng báo hiệu rối loạn chức năng thận mà người bệnh gặp phải. Tuy nhiên chỉ số này có thể thay đổi do các yếu tố khác nhau như: giới tính, tuổi tác, kích thước cơ thể,…Vì vậy dựa trên từng đối tượng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra những đánh giá về chức năng của thận.

  • Nếu chỉ số Creatinin trong máu ở mức ổn định: có nghĩa là chức năng bài tiết của thận vẫn hoàn toàn bình thường.
  • Nếu chỉ số Creatinin cao cho thấy rằng chức năng của thận đang bị suy giảm. Người bệnh có nguy cơ mắc các bệnh về thận như: suy thận, viêm bể thận, viêm cầu thận, hoại tử ống thận cấp tính, tắc nghẽn đường tiết niệu,…
  • Nếu chỉ số Creatinin thấp là dấu hiệu của các bệnh gan mạn tính, suy nhược cơ thể, giảm khối lượng cơ trong cơ thể do suy cơ, loạn dưỡng cơ  hay tuổi già. Phụ nữ mang thai, người đang sử dụng thuốc chống động kinh cũng làm giảm nồng độ Creatinin.

Cách Giảm Chỉ Số Creatinin

Nguyên nhân làm tăng chỉ số Creatinin trong máu

Có nhiều nguyên nhân làm chỉ số Creatinin trong máu tăng cao như:

  • Suy thận và các bệnh lý liên quan đến thận. Suy thận do các nguyên nhân trước thận như: suy tim mất bù, mất nước, xuất huyết, hẹp động mạch thận, bệnh lupus ban đỏ hệ thống,…Hay các bệnh lý tổn thương thận như viêm cầu thận, sỏi thận, nhiễm độc thận. Ngoài ra bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, tăng acid uric, u bàng quang, u tử cung, ung thư tiền liệt tuyến… cũng là nguyên nhân làm creatinin tăng cao.
  • Hoại tử cơ bắp: nếu người bệnh mắc các bệnh khiến cơ bắp bị hoại tử thì những tế bào bị phân rã từ các mô này sẽ tạo Creatinin và đi vào máu làm tăng lượng Creatinin.
  • Một bữa ăn chứa quá nhiều thịt cũng có thể là nguyên làm tăng nồng độ Creatinin trong máu.

Người bệnh đang sử dụng các thuốc như: Captopril, Amphotericin B, Trimethoprim, Cephalosporin, Corticoid, Testosterone,…cũng dẫn đến tình trạng tăng Creatinin trong máu.

yyM5bW63JTfgxI4hV8MPkgzxrLn9ma5LJaebyaPx3j6XEtXNG8lFLxeilOOmUIRKSwv43YLVepBivstW_1626514835.jpg
Có nhiều nguyên nhân khiến chỉ số Creatinin trong máu tăng
  • Bệnh nhược giáp có thể làm giảm khả năng lọc những chất thải của thận ra khỏi cơ thể dẫn tới nồng độ Creatinin trong máu tăng.

Cách giảm chỉ số Creatinin

Làm sao để giảm Creatinin trong máu? chắc hẳn là vấn đề được nhiều người quan tâm đến. Có nhiều phương pháp để giảm lượng Creatinin trong máu:

  • Sử dụng thuốc: các thuốc tăng cường chức năng thận, thuốc giảm Creatinin, thuốc huyết áp, thuốc tiểu đường,…đều hướng tới điều trị nguyên nhân gốc rễ của tình trạng tăng Creatinin. Dù vậy, chỉ khi có chỉ định của bác sĩ bạn mới sử dụng các loại thuốc này. Không tự ý sử dụng thuốc bởi có thể gây ra những vấn đề nguy hiểm cho cơ thể.

Thay đổi chế độ ăn uống: chế độ ăn uống hàng ngày ảnh hưởng rất nhiều tới chỉ số Creatinin trong cơ thể. Bạn nên có một chế độ ăn uống cân bằng và hợp lý để giảm chỉ số Creatinin. Cần kiểm soát lượng Protein, giảm lượng Kali và Phospho đưa vào cơ thể, đặc biệt là nên ăn nhạt. Ngoài ra cố gắng kiểm soát lượng nước đưa vào cơ thể hàng ngày. Nếu bạn uống ít nước, thận sẽ bài tiết ít nước tiểu, làm cho việc đào thải Creatinin trở nên khó khăn hơn.

1d9Ze9xASLJ7GvpvT3yY5tioOUYdO2do6IpxEvrhywItbVFJ37xsVSLzYRIvugepyZseM4kjNSmVkUlG_1626514871.jpg
Sử dụng thuốc, thay đổi thói quen sinh hoạt, dinh dưỡng là cách làm giảm chỉ số Creatinin
  • Điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày. Khi cơ thể hoạt động mạnh thì Creatin sẽ chuyển hóa thức ăn thành năng lượng nhanh hơn, do đó làm tăng cao lượng Creatinin trong máu. Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga,…là phương pháp mang lại lợi ích rất lớn cho sức khỏe. Bạn nên hạn chế vận động quá sức, hạn chế tập những bài thể dục với cường độ lớn để đảm bảo sức khỏe của mình.

Thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín là việc làm cần thiết đối với tất cả mọi người để bảo vệ sức khỏe của chính mình. Từ đó giúp phát hiện sớm những vấn đề về sức khỏe để có biện pháp điều trị kịp thời. Với những thông tin trên đây, hy vọng đã giúp bạn hiểu rõ hơn về xét nghiệm độ thanh thải Creatinin và ý nghĩa của nó trong chẩn đoán các bệnh lý về thận.

Để tìm hiểu thêm về các dịch vụ ưu đãi và tiện ích tại Diag, quý khách vui lòng truy cập Tại Đây.

Trang này không thể và không chứa đựng thông tin tư vấn y khoa. Các nội dung này được cung cấp chỉ nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền, không thay thế cho bất kỳ tư vấn y khoa nào. Theo đó, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin này, vui lòng gặp nhân viên y tế phù hợp để được tư vấn.