Trở lại

Xét Nghiệm CEA Là Gì? Những Điều Cần Biết Về Xét Nghiệm CEA

Table of Contents


Xét nghiệm CEA là một loại xét nghiệm để chẩn đoán, tiên lượng một số loại ung thư như: ung thư đại trực tràng, ung thư trực tràng, ung thư phổi, ung thư tuyến tụy,….Các bác sĩ sẽ dựa vào chỉ số CEA trong xét nghiệm để đánh giá tỷ lệ mắc bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu chỉ số xét nghiệm máu CEA là gì, khi nào nên xét nghiệm CEA, xét nghiệm CEA phát hiện bệnh gì,…

1. Xét Nghiệm CEA Là Gì?

CEA là tên viết tắt của cụm từ Carcinoembryonic antigen. Đây là một kháng nguyên có trong huyết thanh chỉ điểm cho các khối u liên quan đến đường tiêu hóa như: ung thư trực tràng, dạ dày,…Loại protein này cũng xuất hiện trong mô thai nhi, tuy nhiên sẽ giảm xuống ở mức rất thấp hoặc không còn tồn tại khi trẻ ra đời. Do đó nếu nồng độ CEA xuất hiện bất thường ở người lớn thì có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư. Nồng độ CEA tăng cao cũng có thể là do các bệnh lý ác tính khác hoặc xuất hiện ở người hút nhiều thuốc lá.

Xét nghiệm CEA là một trong những xét nghiệm tầm soát một số loại ung thư gây tăng nồng độ CEA như: ung thư trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư tuyến tụy, vú, phổi, bệnh viêm tụy, xơ gan, viêm ruột,…hay các khối u lành tính khác. Thực hiện xét nghiệm CEA giúp phát hiện sớm các bệnh lý gây tăng CEA. Đồng thời theo dõi quá trình điều trị bệnh hiệu quả.

2. Ý Nghĩa Của Xét Nghiệm CEA

Thực hiện xét nghiệm CEA giúp:

2.1 Tiên lượng và xác định giai đoạn ung thư

Dựa vào nồng độ CEA các bác sĩ sẽ biết được giai đoạn ung thư của người bệnh.

  • Nếu nồng độ CEA ở mức bình thường hoặc tăng nhẹ với những người xét nghiệm lần đầu, thì điều đó chứng tỏ người xét nghiệm có khối u nhỏ hoặc mới chớm ung thư giai đoạn đầu.
  • Nếu nồng độ CEA tăng cao thì cơ thể người bệnh đang có những khối u lớn hoặc ung thư đã bước vào giai đoạn muộn hoặc có thể đã di căn lan sang các cơ quan trong cơ thể.

2.2 Theo dõi quá trình điều trị của bệnh nhân

Trong quá trình điều trị, việc thực hiện xét nghiệm CEA cũng giúp đánh giá phương pháp điều trị có đem lại hiệu quả hay không. Nếu CEA tăng nhẹ và bắt đầu có dấu hiệu giảm trong 4-6 tuần về mức bình thường thì chứng tỏ phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả. Ngược lại, nếu nồng độ CEA tăng đều ít nhất là trong 2 tháng thì chứng tỏ việc điều trị không hiệu quả, bệnh có khả năng tái phát lại.

vPtgy9iOfUnPAtmLMIDDAsnDPDP9jdcmIQljT4CIa4ptEPoFCMSdVnL44QfCQfEYEST3Zmpgzh5tKay7_1640202016.jpg
Xét nghiệm CEA được áp dụng trong quá trình điều trị bệnh, CEA giảm thì thì điều trị hiệu quả. CEA tăng thì điều trị không hiệu quả

2.3 Xét nghiệm di căn

Khi xét nghiệm nếu thấy CEA ở trong dịch cơ thể tăng lên (không phải CEA trong máu) thì điều đó đồng nghĩa với việc ung thư đã có dấu hiệu di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể trong phạm vi gần hoặc xa.

2.4 Hỗ trợ phát hiện một số bệnh lý

Xét nghiệm CEA hỗ trợ phát hiện những bệnh lý nào? Nồng độ CEA cũng có thể tăng khi mắc một số bệnh lý lành tính như: bệnh xơ gan, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm loét đại tràng, viêm phổi, polyp trực tràng,…gây nên hiện tượng dương tính giả.

3. Xét Nghiệm CEA Được Chỉ Định Khi Nào?

NlWAy6JuPwx30QMbeOcoQkTaa7vJczHaqBu6eFjJtN72Er3BV1R5n7OFXMBDXh8wRaRrK5WhpWjusgdI_1640202053.jpg
Xét nghiệm CEA được chỉ định đối với bệnh nhân mắc một số loại ung thư, nghi ngờ mắc bệnh ung thư hoặc xác định di căn

Trong một số trường hợp dưới đây, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm CEA để chẩn đoán bệnh.

  • Chỉ định đối với những bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi. Trước khi tiến hành điều trị, bệnh nhân sẽ được định lượng CEA, sau đó trong quá trình sẽ được xét nghiệm để đánh giá hiệu quả điều trị, tiên lượng và phát hiện di căn, tái phát nếu có. Đây là trường hợp được chỉ định xét nghiệm CEA nhiều nhất.
  • Đối với những trường hợp nghi ngờ mắc ung thư cũng có thể thực hiện nhưng chưa được chẩn đoán. Vì nồng độ CEA có thể tăng ở nhiều bệnh lý và nhiều loại ung thư khác nhau.
  • Chỉ định để xác định ung thư đã di căn hay chưa bằng việc xét nghiệm CEA trong dịch cơ thể.

4. Cách Đọc Chỉ Số CEA

4.1 Chỉ số CEA bình thường là bao nhiêu?

– Chỉ số CEA trong huyết tương

  • Với người bình thường không hút thuốc lá thì giá trị CEA trong huyết tương thường < 2,5 ng/ml.
  • Với người sử dụng thuốc lá thì giá trị CEA thường < 5 ng/ml
  • Với người có bệnh lý lành tính thì giá trị CEA thường không quá 10 ng/ml.

– Chỉ số CEA trong dịch cơ thể

Chỉ số CEA trong dịch cơ thể của những người bình thường (người không bị ung thư) có giá trị gần giống với CEA trong huyết tương. Cụ thể như sau:

  • giá trị CEA tại dịch màng phổi của người bình thường có giá trị cắt là 2,4 ng/ml.
  • giá trị CEA tại dịch màng bụng của người bình thường < 4,6 ng/ml, giá trị cắt < 5,0 ng/ml.
  • giá trị tại dịch não tủy ở người bình thường là 1,53 (cộng trừ sai số 0,38 ng/ml).

4.2 Chỉ số CEA bao nhiêu là nguy hiểm

Nồng độ CEA ở mức bình thường là từ 0-5 ng/ml.    Nếu nồng độ này tăng lên ở mức > 5 ng/ml thì có tỷ lệ mắc ung thư cao.

Một số loại ung thư có nồng độ CEA tăng cao như: ung thư trực tràng, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư tuyến tụy,…

4.3 Một số yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số CEA

Chỉ số CEA trong xét nghiệm cũng có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như:

  • Hút thuốc lá nhiều
  • Các bệnh lý viêm dạ dày, ruột như: viêm loét đại tràng, viêm túi mật, viêm tụy, viêm túi thừa,…
  • Bệnh xơ gan và các bệnh lý khác liên quan đến gan
  • Nhiễm trùng phổi, viêm phổi
  • Máu tích tụ dưới da (tụ máu)
  • Carcinoma niệu – sinh dục
  • Nhiễm trùng
  • Cảm giác chóng mặt, ngất xỉu

Chính vì thế nếu chỉ dựa vào chỉ số CEA thì chưa thể đánh giá chính xác bệnh lý. Các bác sĩ sẽ thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để có kết quả chính xác nhất.

y4xzWBorHiQJ3RCCkdCgJJfu0IUjpv6ljE21GvdzitfCL9leM50Zqr5ipc3DBxoyBbXDFYAlDnMAwyN1_1640202094.jpg
Các yếu tố làm ảnh hưởng tới chỉ số xét nghiệm CEA như: chóng mặt, ngất xỉu, hút thuốc lá nhiều, xơ gan, các bệnh lý viêm dạ dày, ruột,…

5. Quy Trình Thực Hiện Xét Nghiệm CEA

5.1 Cần chuẩn bị gì trước khi xét nghiệm

Đối với xét nghiệm CEA nếu bạn là người hút thuốc thì trước khi thực hiện xét nghiệm trong khoảng thời gian ngắn, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn ngừng hút thuốc.

Ngoài ra, hãy trao đổi thêm với bác sĩ về tình trạng sức khỏe hiện tại, các loại thuốc bạn đang sử dụng (nếu có) hoặc thuốc uống trong thời gian gần. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến xét nghiệm CEA bạn hãy hỏi trực tiếp bác sĩ thực hiện.

5.2 Quy trình xét nghiệm CEA

Khi thực hiện xét nghiệm CEA, các bác sĩ sẽ tiến hành theo quy trình dưới đây:

  • Dùng băng đàn hồi quấn quanh cánh tay để ngăn chặn dòng màu và khiến cho tĩnh mạch nổi rõ hơn.
  • Làm sạch kim tiêm bằng xà phòng sát khuẩn hoặc chất không chứa cồn povidone–iodine
  • Chích kim vào tĩnh mạch để lấy máu
  • Gắn ống xilanh để chứa máu
  • Sau khi đã lấy đủ lượng máu cho xét nghiệm thì tiến hành tháo băng ở cánh tay.
  • Dùng bông bạc đặt vào vị trí chích kim và dán băng lại.

Sau khi lấy máu xét nghiệm, bạn có thể hoạt động bình thường.

96RhP7ieBDhUV5qRVSnZzI2a8JkTiRgasGL8UCm4PeCa2xSVD0KL9hLlrMBTHTGTmOpUKsGrSzhnm5G8_1640202124.jpg
Khi thực hiện xét nghiệm CEA, các bác sĩ sẽ tiến hành theo quy trình cụ thể để đảm bảo an toàn và cho kết quả chính xác nhất

6. Xét Nghiệm CEA Ở Đâu? Giá Xét Nghiệm CEA Bao Nhiêu?

Hiện nay, xét nghiệm CEA tầm soát ung thư có tại hầu hết các bệnh viện, trung tâm xét nghiệm,…Tuy nhiên, để có kết quả xét nghiệm chính xác và nhanh chóng bạn nên chọn lựa chọn những địa chỉ uy tín, chất lượng tốt. Trong đó, Diag là trung tâm xét nghiệm và chẩn đoán y khoa sử dụng máy móc hiện đại, đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao giúp quá trình xét nghiệm diễn ra nhanh chóng và đảm bảo an toàn. Trước khi thực hiện xét nghiệm bạn sẽ được kiểm tra tổng quát, các bác sĩ cũng sẽ tư vấn và giải đáp những thắc mắc của bạn trước khi tiến hành lấy máu xét nghiệm. Sau khi có kết quả bạn sẽ được hướng dẫn đọc các chỉ số CEA để hiểu hơn về tình trạng sức khỏe của mình. Trường hợp cần thực hiện thêm xét nghiệm khác bác sĩ sẽ thông báo với bạn.

3eZrrPSZDO5RxyTbKiAJn0S7Zc7F1AK8mLlCVXrW7evzjcNkgodaSSBmF2JjdHIZV0Ob3nQpMOUd7Pnm_1640202149.jpg
Xét nghiệm CEA được thực hiện đơn giản, nhanh chóng với chi phí không quá cao

Chi phí xét nghiệm CEA thường không quá cao, giá xét nghiệm thường khoảng trên dưới 200.000 đồng. Khi xét nghiệm nếu nghi ngờ mắc bệnh, các bác sĩ có thể sẽ chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất.

Trên đây là những thông tin về xét nghiệm CEA cũng như ý nghĩa nghĩa của xét nghiệm trong việc phát hiện và điều trị các bệnh ung bướu. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong cơ thể, bạn cần đi khám càng sớm càng tốt.

Trang này không thể và không chứa đựng thông tin tư vấn y khoa. Các nội dung này được cung cấp chỉ nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền, không thay thế cho bất kỳ tư vấn y khoa nào. Theo đó, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin này, vui lòng gặp nhân viên y tế phù hợp để được tư vấn.