Trở lại

Xét Nghiệm Amylase Giúp Chẩn Đoán Bệnh Tuyến Tụy

Xét nghiệm Amylase là phương pháp thường dùng để phát hiện và chẩn đoán các bệnh lý về tuyến tụy, gan, tuyến nước bọt. Trong đó sử dụng nhiều nhất là các bệnh liên quan đến tụy thường gặp như viêm tụy, viêm tụy cấp,… Hiện nay có thể thực hiện xét nghiệm amylase bằng phương pháp xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu. Nếu bạn cũng đang tìm hiểu về xét nghiệm này thì bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích đấy.

Tìm Hiểu Về Enzyme Amylase

Enzyme Amylase thuộc nhóm enzyme thủy phân, được sản sinh ra chủ yếu từ tuyến tụy của cơ thể. Ngoài ra, các tuyến nước bọt cũng tiết ra amylase, một lượng ít có ở gan, niêm mạc ruột non, vòi trứng và buồng trứng. Trong quá trình chuyển hóa, Amylase giúp phân giải các carbonhydrat phức tạp như tinh bột và glucogen thành carbohydrate đơn giản: glucose, maltose để cơ thể dễ hấp thu hơn. Sau đó thì amylase sẽ được thải trừ chủ yếu qua đường nước tiểu.

Ở người bình thường trong máu, nước tiểu và một số dịch cơ thể như nước bọt, dịch cổ trướng… có nồng độ Amylase thấp. Tuy nhiên, khi mắc phải các bệnh lý về tuyến tụy hay tuyến nước bọt thì Amylase sẽ tăng giải phóng vào máu và nước tiểu. Nếu người bệnh bị viêm tụy cấp, Amylase có thể tăng lên trong máu chỉ sau vài giờ và đạt đỉnh sau 24 giờ. Sau 2-3 ngày nồng độ Amylase có thể bình thường trở lại. Thế nhưng, nồng độ Amylase trong nước tiểu còn có thể cao trong khoảng vài ngày. Đối với người bình thường, trị số Amylase trong máu khoảng 22-80U/L, trong nước tiểu khoảng 32-42 U/L.

ufsLkANTBb0OTZAEStjstVy3HYYQPmJV4CjUB0JzREB7LDKk7NYpzaFEbDdobwr6LkYxuTmomzdblkJg_1626773615.jpg
Khi mắc phải các bệnh lý về tuyến tụy hay tuyến nước bọt thì Amylase sẽ tăng giải phóng vào máu và nước tiểu

Xét Nghiệm Amylase Để Làm Gì?

Xét nghiệm Amylase là xét nghiệm dùng để đo hoạt độ của enzyme Amylase trong mẫu máu hay mẫu nước tiểu. Xét nghiệm này giúp chúng ta phát hiện ra các bệnh lý liên quan đến tuyến tụy, tuyến nước bọt và một số tuyến liên quan khác.

rWg0f0VxxCegHvCbqmZVePEGeFrQOKb2Ge4OQLpD3Dchf6y113RuVE7UCqkp7E6Llw8vgiWdJwxEsmVL_1626773683.jpg
Xét nghiệm Amylase là xét nghiệm dùng để đo hoạt độ của enzyme Amylase trong mẫu máu hay mẫu nước tiểu

Nếu cơ thể bạn có những dấu hiệu nghi ngờ hay triệu chứng bất thường sau đây thì nên thực hiện xét nghiệm Amylase:

  • Nghi ngờ viêm tụy cấp hay các bệnh lý liên quan đến tụy. Cơ thể người bệnh có thể có các triệu chứng như: nặng bụng, đau bụng, đau lưng, sốt, buồn nôn, nôn, mất vị giác và mất cảm giác ăn ngon miệng…
  • Khi tuyến nước bọt có dấu hiệu bị sưng viêm. Các bệnh lý tuyến nước bọt: viêm tuyến nước bọt cấp hay mạn, tắc nghẽn ống dẫn nước bọt.
  • Xét nghiệm Amylase quai bị giúp phát hiện các trường hợp bệnh nhân bị quai bị.
  • Các trường hợp vàng da không rõ nguyên nhân
  • Sử dụng kết quả xét nghiệm để theo dõi quá trình đáp ứng thuốc của bệnh nhân trong quá trình điều trị các bệnh lý về tuyến tụy. Thông qua đó xem các phương pháp điều trị có hiệu quả hay không.
  • Xét nghiệm Amylase để chẩn đoán phân biệt đau bụng thông thường với đau bụng do viêm tụy cấp cần điều trị.
  • Ngoài ra xét nghiệm này còn giúp định lượng hoạt độ Amylase trong dịch cổ trướng hay dịch màng phổi. Bởi vì nếu Amylase tăng hoạt độ trong các dịch này gợi ý nguyên nhân tràn dịch có nguồn gốc từ tụy.

Xét Nghiệm Amylase Trong Viêm Tụy Cấp

Viêm tụy cấp là bệnh lý do các men tụy tự hủy chính các mô tụy. Bình thường men tụy như Amylase, Lipase, Trypsin,…được sản xuất ra có nhiệm vụ để tiêu hóa thức ăn. Nhưng khi gặp được các yếu tố thuận lợi cho viêm tụy cấp khởi phát thì các tế bào nang tụy tăng đáp ứng với chất kích thích, quá trình hoạt hóa men tụy được xảy ra ngay trong mô tụy. Vì thế các men tụy trong đó có cả enzyme Amylase gây tổn thương tụy tại chỗ.

Ở bệnh nhân bị viêm tụy cấp, nồng độ Amylase trong máu và trong nước tiểu đều tăng cao gấp nhiều lần so với bình thường. Nồng độ Amylase trong máu có thể tăng nhanh trong một khoảng thời gian ngắn từ 2-3 ngày. Còn nồng độ trong nước tiểu có thể tăng trong khoảng thời gian kéo dài hơn, có thể từ 7-10 ngày.

9dDJhflb2cWVpUFb0I4xgRIXlBo1LeyPf7uoO1QvWLqKvUOzUtMQE8S2zP2qowVfxAVfhuVk21fWCiDJ_1626773800.jpg
Ở bệnh nhân bị viêm tụy cấp, nồng độ Amylase trong máu và trong nước tiểu đều tăng cao gấp nhiều lần so với bình thường

Quy Trình Xét Nghiệm Amylase

Hiện nay xét nghiệm Amylase có thể được thực hiện bằng phương pháp xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước tiểu. Tuy nhiên, dù là xét nghiệm theo phương pháp nào thì bạn cũng nên lưu ý một số điểm trước khi thực hiện xét nghiệm như:

  • Không được uống rượu trong vòng 24 giờ trước khi làm xét nghiệm
  • Không ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì ngoài nước lọc trong ít nhất 2 giờ trước khi làm xét nghiệm Amylase máu
  • Nhớ uống đủ nước để làm xét nghiệm Amylase nước tiểu để tránh tình trạng mất nước

Bạn cũng đừng quên thông báo với bác sỹ tất cả những thuốc mà bạn đang sử dụng vì có thể gây ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm.

SbjjwuSzugwnySvFeewwn8eoHogLxKDoFf2wRO9JXJIP1Dl4bQ35HKLNlUKADvnqN7gatjFZIoff9aDV_1626773849.jpg
Không được uống rượu trong vòng 24 giờ trước khi làm xét nghiệm

Xét nghiệm Amylase máu

Máu được lấy từ tĩnh mạch của bệnh nhân để làm xét nghiệm Amylase. Quy trình lấy máu xét nghiệm thực hiện như sau:

  • Quấn băng thun quanh cánh tay của bệnh nhân để ngăn dòng chảy của máu và làm cho tĩnh mạch ở phần dưới phần băng quấn sẽ phồng to. Việc làm này giúp cho việc lấy máu dễ dàng hơn.
  • Sát trùng bằng cồn khu vực lấy máu
  • Thực hiện lấy máu bằng ống tiêm

Gỡ băng đã quấn sau đó băng lại khu vực lấy máu để hạn chế chảy máu.

pjK7tAduuhCwgUBZiiAOPqcWElfoysKObkyPZzVWSD5RHfdDmRkN0SktVw1rl1aMAQ6ZmOfPOwo1f1wV_1626774074.jpg
Máu được lấy từ tĩnh mạch của bệnh nhân để làm xét nghiệm Amylase và thực hiện theo một quy trình chi tiết, đảm bảo an toàn cho người bệnh

Xét nghiệm Amylase nước tiểu

Để xét nghiệm Amylase nước tiểu có thể thực hiện theo 2 cách: thứ nhất là đo mẫu nước tiểu trong 24 giờ, thứ hai là đo mẫu nước tiểu trong 2 giờ. Đối với từng phương pháp thì quy trình thực hiện cũng sẽ có sự khác nhau.

  • Đối với mẫu nước tiểu trong 24 giờ

Mẫu nước tiểu 24 giờ là lấy tất cả nước tiểu của bạn trong khoảng thời gian 24 giờ đồng hồ để thực hiện xét nghiệm. Lấy mẫu vào buổi sáng đồng thời ghi lại mốc thời gian đó. Tuy nhiên bạn cũng cần chú ý là không nên lấy mẫu ngay khi mới thức dậy hay nói cách khác là bỏ qua nước tiểu đầu và lấy ở những lần sau. Người bệnh sẽ được cung cấp một bình chứa có thể có chất bảo quản để đựng mẫu nước tiểu trong 24 giờ. Nếu không có chất bảo quản thì bảo quản mẫu nước tiểu trong tủ mát hoặc trong đá lạnh.

Bạn nên đi tiểu vào một lọ sạch rồi mới đổ vào bình chứa. Đặc biệt là không nên chạm tay vào bên trong của bình chứa. Nước tiểu lần cuối trong mốc thời gian 24 giờ cần ghi lại thời gian thực hiện rồi cho mẫu nước tiểu vào bình chứa. Cần lưu ý rằng không để lẫn giấy vệ sinh, lông mu, máu kinh nguyệt hay các tạp chất khác lẫn vào trong bình chứa nước tiểu.

  • Đối với mẫu nước tiểu trong 2 giờ

Cũng được thực hiện tương tự như lấy mẫu nước tiểu 24 giờ tuy nhiên sẽ khác nhau về thời gian. Bạn chỉ cần lấy nước tiểu trong khoảng thời gian 2 giờ. Sau đó bảo quản mẫu nước tiểu trong tủ mát hoặc trong đá lạnh rồi đưa đến để làm xét nghiệm.

R9fH7bEvItdRnkvf6U3wv4kNYJNd5DiXMSYEkcj7xZYsBNL0pRskzhYgUCsrsJYDEDLOrLqdJGWphRFg_1626774014.jpg
Xét nghiệm Amylase nước tiểu có thể thực hiện theo 2 cách là đo mẫu nước tiểu trong 24 giờ và đo mẫu nước tiểu trong 2 giờ

Có nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm Amylase. Một số yếu tố còn có thể dẫn đến các trường hợp xét nghiệm Amylase dương tính giả hoặc âm tính giả. Nếu trường hợp dương tính giả có nghĩa là bệnh nhân có kết quả xét nghiệm Amylase dương tính trong khi đó người đi kiểm tra thực sự không hề mắc bệnh. Còn trường hợp âm tính giả là kết quả cho xét nghiệm Amylase âm tính nhưng thực tế thì người kiểm tra lại mắc bệnh mà không phát hiện ra. Như vậy, âm tính giả hay dương tính giả thì kết quả xét nghiệm đều không chính xác với tình trạng bệnh. Một số yếu tố làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm Amylase như:

  • Mẫu xét nghiệm bị vỡ hồng cầu
  • Mẫu xét nghiệm nhiễm nước bọt cũng có thể làm tăng kết quả Amylase máu
  • Với bệnh nhân bị suy thận, hoạt độ Amylase máu cũng có thể tăng nhẹ
  • Bệnh nhân khi sử dụng cùng một số thuốc có thể làm tăng hoạt độ Amylase. Các thuốc làm tăng Amylase trong máu là: corticoid, aspirin, furosemid, các thuốc lợi tiểu nhóm thiazid, estrogen, paracetamol,…Các thuốc làm tăng Amylase nước tiểu bao gồm: codein, aspirin, morphin, thuốc lợi tiểu nhóm thiazid,..

Một số thuốc khi dùng lại có thể làm giảm hoạt độ của Amylase huyết thanh như: oxalat, glucose, citrat. Hoạt độ của Amylase nước tiểu giảm do dùng fluroid, glucose,..

yHLRew6Nu2wVIP7bPr0w61XdI1CFYLwykxIfS2dWnRKXE6HRwgBlswP7QhAS4V8qc2FTs7nJg2HOchzq_1626773977.jpg
Bệnh nhân khi sử dụng cùng một số thuốc có thể làm tăng hoạt độ Amylase

Thông qua xét nghiệm Amylase chúng ta có thể phát hiện sớm các bệnh liên quan đến tuyến tụy, tuyến nước bọt và các tuyến liên quan khác để từ đó chữa trị kịp thời. Hi vọng với những thông tin chia sẻ trên đây bạn có thể hiểu rõ hơn về xét nghiệm này, đồng thời bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân.

Để tham khảo về các nhóm xét nghiệm và bảng giá, quý khách vui lòng truy cập Tại Đây.

Trang này không thể và không chứa đựng thông tin tư vấn y khoa. Các nội dung này được cung cấp chỉ nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền, không thay thế cho bất kỳ tư vấn y khoa nào. Theo đó, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin này, vui lòng gặp nhân viên y tế phù hợp để được tư vấn.