Trở lại

Rối Loạn Thần Kinh Thực Vật: Triệu Chứng Và Điều Trị

Rối loạn thần kinh thực vật là căn bệnh ngày càng phổ biến có liên quan đến các rối loạn chức năng tự động của cơ thể như rối loạn nhịp tim, huyết áp, tiêu hóa và mồ hôi,… Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không điều trị rối loạn thần kinh thực vật thì bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh. Vì vậy, để hiểu rõ hơn về căn bệnh này hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Tìm Hiểu Về Hệ Thần Kinh Thực Vật

Hệ thần kinh thực vật hay hệ thần kinh tự chủ được viết tắt là ANS từ tên tiếng Anh là Autonomic nervous system. Hệ thần kinh thực vật có vai trò kiểm soát một số chức năng tự động của cơ thể như: tiêu hóa, tuần hoàn, hô hấp, bài tiết, mồ hôi và các hoạt động khác không theo ý muốn của con người. Sở dĩ còn được gọi là hệ thần kinh tự chủ bởi các hoạt động của hệ này con người không cần phải suy nghĩ và điều khiển như: tạo nhịp tim, tiết nước bọt hay tiêu hóa thức ăn,…

8oVAvgDout8RBvdCD9kBAg4ZDD2pDcjf56KC3AmptB876o28J64P4gotRqe2HxpZELWlo7A70MMORc4x_1625828761.jpg
Hệ thần kinh thực vật có vai trò kiểm soát một số chức năng tự động của cơ thể như: tiêu hóa, tuần hoàn, hô hấp, bài tiết,…

Hệ thần kinh thực vật bao gồm:

  • Hệ thần kinh giao cảm: ở vùng lưng – thắt lưng. Hệ thần kinh giao cảm có nhiệm vụ kích thích các phản ứng khẩn cấp khi cần thiết. Từ đó, giúp bạn sẵn sàng hơn khi gặp các tình huống căng thẳng.
  • Hệ thần kinh phó giao cảm: ở sọ và đoạn cùng của tủy sống. Hệ này có nhiệm vụ là bảo tồn năng lượng và phục hồi các mô để duy trì các chức năng cơ bản của cơ thể.

Hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm không chịu sự chi phối của não bộ. Hai hệ này cơ bản là trái ngược nhau nhưng lại có quan hệ mật thiết, hỗ trợ lẫn nhau để đảm bảo cân bằng cho hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.

Nếu một trong hai hệ thần kinh này bị ức chế hay giảm hoạt động sẽ làm mất cân bằng dẫn đến rối loạn hệ thần kinh thực vật. Ví dụ nếu như hệ thần kinh giao cảm làm tăng nhịp tim và huyết áp thì hệ thần kinh phó giao cảm lại điều hòa và làm chậm những quá trình này.

Tuy nhiên, hệ thần kinh phó giao cảm lại có nhiệm vụ kích thích ở trên hệ tiêu hóa, tiết niệu trong khi hệ thần kinh giao cảm làm chậm những yếu tố lại.

Rối Loạn Thần Kinh Thực Vật Có Nguy Hiểm Không?

Dù không gây nguy hại đến tính mạng nhưng những người bị rối loạn thần kinh thực vật kéo dài sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần và chất lượng cuộc sống. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhiều biến đổi của các cơ quan trong cơ thể và gây ra bệnh ở hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, bài tiết, tiết niệu, hô hấp.

rSadsDFypQY9wUWx8pAx7BExMIsC5PHU4b3YGf9XveAf3goajiPfKh3cfhO9CEAoplaeMsD0r9Hk33Zv_1625828824.jpg
Rối loạn thần kinh thực vật kéo dài sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần và chất lượng cuộc sống

Người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, mất ngủ, suy nhược cơ thể và luôn ở trong trạng thái lo âu, căng thẳng kéo dài. Đặc biệt cả trẻ em và người lớn đều có nguy cơ mắc phải nên rối loạn thần kinh thực vật trở thành căn bệnh khiến nhiều người vô cùng lo lắng.

Rối loạn thần kinh thực vật ở trẻ em có thể khiến trẻ hay đau đầu chóng mặt, khó tập trung, hồi hộp, khó thở. Trẻ cũng có thể gặp các rối loạn hệ tiêu hóa như: đầy hơi, buồn nôn, ăn không ngon, táo bón, tiêu chảy,…

Bởi vậy các bậc phụ huynh cần quan tâm và cho trẻ đi khám ngay khi xuất hiện những triệu chứng bất thường kéo dài. Kể cả người trưởng thành khi mắc bệnh cũng không nên chủ quan mà nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm.

SENQzjBFw44nG76Gr3LSYqTKW7QTyftUb9qO2qOJMbU72ZKjAEsgwrEe1KFN2I5JhfHmmH57E8z5J2tg_1625828883.jpg
Cần đi khám ngay khi có những triệu chứng bất thường kéo dài

Rối Loạn Thần Kinh Thực Vật Triệu Chứng Như Thế Nào?

Tùy thuộc vào các rối loạn mà ở mỗi bệnh nhân sẽ biểu hiện thành các triệu chứng khác nhau:

  • Triệu chứng toàn thân: người bệnh đau đầu, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, luôn cảm thấy lo âu, cảm thấy ớn lạnh, đau mỏi vai gáy, rối loạn kinh nguyệt,…Người bị rối loạn thần kinh thực vật cũng thường có phản ứng sinh học chậm chạp với ánh sáng bởi vậy gây cản trở khi lái xe vào buổi đêm
  • Trên hệ thần kinh: người bệnh thường có triệu chứng rối loạn vận mạch gây đau đầu khi thay đổi thời, rối loạn tuần hoàn não gây suy giảm trí nhớ, kém tập trung và ngủ kém. Người bệnh rối loạn thần kinh thực vật rối loạn lo âu và hay buồn bực vô cớ.
  • Trên hệ tiêu hóa: bệnh gây ra các rối loạn chức co bóp của dạ dày, ruột. Người bệnh có cảm giác ăn không ngon, bị đầy hơi, ợ hơi, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón. Một số trường hợp còn cảm thấy no ngay sau khi ăn và bị kích thích đại tiện mỗi khi căng thẳng,…
  • Trên hệ tim mạch: người bệnh hay cảm thấy hồi hộp, bồn chồn, nhịp tim nhanh hoặc chậm, huyết áp tăng giảm thất thường. Người bệnh rối loạn thần kinh thực vật còn có thể có những triệu chứng đau thắt ngực, thiểu năng mạch vành hay khó kích ứng với các hoạt động thể lực,..
  • Trên hệ hô hấp: người bệnh thường có biểu hiện khó thở do tăng co thắt cơ trơn phế quản và triệu chứng nặng hơn khi thời tiết thay đổi hay người bệnh căng thẳng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể cảm thấy hụt hơi, tức ngực, ngạt mũi do giãn cuốn mũi,…
  • Trên hệ tiết niệu: có thể gặp phải các triệu chứng rối loạn tiết niệu như bí tiểu, tiểu không tự chủ, bị kích thích tiểu tiện khi căng thẳng hay tiểu không hết nước tiểu. Những triệu chứng này kéo dài có thể dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
  • Trên hệ bài tiết: biểu hiện là rối loạn tiết mồ hôi. Người bệnh tăng hoặc giảm tiết mồ hôi làm ảnh hưởng đến việc điều tiết nhiệt độ của cơ thể, gây nóng lạnh thất thường.
  • Trên hệ cơ xương khớp: người bệnh cảm thấy chân tay buồn bực, đau nhức xương khớp đặc biệt là khi thời tiết thay đổi thì triệu chứng tăng và rõ ràng hơn.
  • Trên hệ sinh dục: người bị rối loạn thần kinh thực vật có triệu chứng rối loạn tình dục gây xuất tinh sớm, khó cương cứng và khó đạt cực khoái ở nam giới. Ở nữ giới có thể bị khô âm đạo và rối loạn kinh nguyệt.
  • Trên hệ lông tóc móng: bệnh có thể gây rụng tóc, hư móng, da khô và co giãn các mạch ngoài da,…
  • Ngoài ra rối loạn thần kinh thực vật còn là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như: Raynaud, chứng xanh tím đầu chi, bệnh xơ cứng bì,…

Rối Loạn Thần Kinh Thực Vật Và Cách Chữa Trị Hiệu Quả

Rối loạn thần kinh thực vật bao gồm những rối loạn hoạt động hệ thần kinh tự chủ nên nó không phải là một bệnh cụ thể. Bệnh có thể gây bất thường, làm giảm một hay nhiều hoạt động chức năng tự động của cơ thể. Bởi vậy, ngay khi có những triệu chứng nghi ngờ rối loạn thần kinh thực vật người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín thăm khám và chữa trị kịp thời.

vzeqDYAzvzNiYifIRIfZ92kY1a7ltNEFvpg4Ax6CoLRVNzi1cQq56Qa1aF4L15QSue1lOX1NJIRu1ep7_1625828969.jpg
Việc điều trị rối loạn thần kinh thực vật nhằm mục đích thiết lập lại sự cân bằng giữa hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm

Hiện nay, việc điều trị rối loạn thần kinh thực vật nhằm mục đích thiết lập lại sự cân bằng giữa hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Tuy nhiên, vẫn chưa có phương pháp đặc trị để điều trị bệnh. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng kết hợp với điều trị nội khoa và ngoại khoa.

Rối loạn thần kinh thực vật uống thuốc gì? chắc hẳn là câu hỏi được nhiều nhiều người quan tâm đến. Có thể sử dụng kết hợp các loại thuốc để làm giảm triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải trên các hệ cơ quan như:

  • Thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa trị chứng mất ngủ và rối loạn lo âu,…
  • Thuốc giảm đau gồm: acetaminophen và các NSAID
  • Thuốc điều chỉnh nhu động ruột
  • Thuốc điều chỉnh co thắt bàng quang để chữa những rối loạn tiểu tiện
  • Thuốc tim mạch, thuốc kiểm soát nhịp tim
  • Thuốc làm giảm tiết mồ hôi
  • Thuốc điều trị rối loạn cương dương ở nam giới, thuốc nội tiết, bôi trơn âm đạo cho nữ giới,..

Bên cạnh đó việc kết hợp các phương pháp vật lý trị liệu cũng đem lại hiệu quả cao trong việc làm thuyên giảm tình trạng bệnh như: xông hơi, xoa bóp, bấm huyệt, các liệu pháp tắm nóng, tắm lạnh,…

69iHJi1yN9W0bc8yxhzY11e3LGP1C2xbyNzEMJv9Zuk7W4n4koPjKGu9tvfoaY4xsm5GtmwAnPFZzG9X_1625829080.jpg
Các phương pháp vật lý trị liệu cũng đem lại hiệu quả cao trong việc làm thuyên giảm tình trạng bệnh

Các bác sĩ cũng đưa ra những khuyến cáo về chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt cho bệnh nhân rối loạn thần kinh thực vật. Người bệnh nên có chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng. Hạn chế các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê,…Thường xuyên thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe. Ngoài ra người bệnh rối loạn thần kinh thực vật cũng nên tập suy nghĩ tích cực, hít thở sâu để cải thiện tình trạng bệnh.

Ngay khi có những vấn đề về tâm lý, sức khỏe tâm thần thì người bệnh nên đến những cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được khám tâm lý và chẩn đoán bệnh sớm. Điều đó giúp bạn có thể dễ dàng kiểm soát sức khỏe của bản thân và có cách phòng ngừa, điều trị bệnh hiệu quả.

Với những thông tin trên đây hy vọng đã giúp bạn hiểu hơn về những triệu chứng và cách điều trị rối loạn thần kinh thực vật.

Để tìm hiểu thêm về các dịch vụ ưu đãi và tiện ích tại Diag, quý khách vui lòng truy cập Tại Đây.

Trang này không thể và không chứa đựng thông tin tư vấn y khoa. Các nội dung này được cung cấp chỉ nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền, không thay thế cho bất kỳ tư vấn y khoa nào. Theo đó, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin này, vui lòng gặp nhân viên y tế phù hợp để được tư vấn.