Trở lại

Xét Nghiệm Suy Thận Là Gì? Thực Hiện Bằng Cách Nào?

Xét nghiệm suy thận đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về thận hiện nay. Thông qua các chỉ số chức năng thận các bác sĩ có thể biết được mức độ suy thận cũng như các nguy cơ bệnh nhân gặp phải nếu không được chữa trị sớm. Vậy xét nghiệm suy thận là gì? Xét nghiệm suy thận được thực hiện như thế nào?

Xét Nghiệm Suy Thận Là Gì?

Bệnh suy thận là tình trạng chức năng của thận bị suy giảm hay tổn thương thận khiến chất thải tích tụ lâu này trong cơ thể và gây bệnh. Bệnh được chia thành 2 nhóm bệnh chính dựa vào thời gian mắc bệnh là suy thận cấp và suy thận mạn. Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như cơ thể mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, đau ngực, đau hông lưng, rối loạn giấc ngủ,…Tuy nhiên các triệu chứng này thường không rõ ràng và có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh lý khác. Chính vì thế việc xét nghiệm suy thận là vô cùng cần thiết.

zzdnnKjuBjaKHUYi6lwXfFxWIOP4I6rs9M5pLHM1COYzN4ggW8hown1i1lJB6i54hvW8Ml2dwKD68nIm_1626685016.jpg
Bệnh suy thận là tình trạng chức năng của thận bị suy giảm hay tổn thương thận khiến chất thải tích tụ lâu này trong cơ thể và gây bệnh

Xét nghiệm suy thận là xét nghiệm giúp xác định hàm lượng chất dư thừa có trong máu và nước tiểu. Các bác sĩ dựa vào chỉ số xét nghiệm thận để biết được mức độ lọc máu của thận. Đồng thời chẩn đoán trước nguy cơ có thể xảy ra nếu người bệnh không được điều trị sớm.

w34rjCWleN3paG6gnBTDJ9heyzmsiCyjwPw4CpxXp9iZ9b9vX9u5HFpm4QzY1seCeHXK7gZ1IDZIyPeU_1626685056.jpg
Xét nghiệm suy thận là xét nghiệm giúp xác định hàm lượng chất dư thừa có trong máu và nước tiểu từ đó đánh giá mức độ lọc máu của thận

Xét Nghiệm Suy Thận Bằng Cách Nào?

Để có thể chẩn đoán chính xác bệnh suy thận, các bác sĩ thường chỉ định người bệnh thực hiện các loại xét nghiệm sau:

Xét nghiệm máu

DHdCNnug1ONwOxxgV0Cr6A64SkSpmZ1d7uDqX29IfV0QRSmFelPKS2ZysSDaPVh3AkqwtlIu6mYSMqwT_1626685090.jpg
Xét nghiệm máu là phương pháp chẩn đoán suy thận phổ biến

Xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm quan trọng để chẩn đoán bệnh suy thận. Các xét nghiệm sinh hóa máu quan trọng như:

  • Xét nghiệm Ure máu

Xét nghiệm Ure máu có tác dụng đánh giá và theo dõi các bệnh lý về thận (nếu có). Vì Ure là sản phẩm thoái hóa của protein, chúng được lọc qua cầu thận và qua nước tiểu đi ra ngoài cơ thể. Nếu chỉ số Ure màu trong khoảng từ 2,5 – 7,5 mmol/l thì đồng nghĩa với chức năng thận bình thường.

Còn trong trường hợp Ure máu tăng thì bệnh nhân mắc các bệnh viêm cầu thận, suy thận, sỏi thận, viêm ống thận, sỏi niệu quản, tiêu chảy, suy tim sung huyết,…

Nếu Ure máu giảm  thì chứng tỏ người bệnh ăn ít protein, truyền dịch nhiều, chức năng gan bị suy giảm,…

  • Xét nghiệm creatinin huyết thanh

Chỉ số creatinin đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm tra chức năng thận. Vì creatinin đào thải qua thận (creatinin là sản phẩm của sự thoái hóa creatinin trong các cơ).

Chỉ số creatinin ở mức bình thường đối với nam là 0,6 – 1,2 mg/dl và là 0,5 – 1,1 mg/dl đối với nữ.

Khi xét nghiệm creatinin huyết thanh, nếu chỉ số creatinin tăng cao thì chứng tỏ chức năng thận bị suy giảm nên việc lọc creatinin kém hơn khiến nồng độ creatinin tăng cao hơn bình thường. Tùy thuộc vào mức độ creatinin mà các bác sĩ sẽ đưa ra kết luận người bệnh bị suy thận độ mấy.

  • Xét nghiệm rối loạn cân bằng kiềm toan

Đối với những bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh thận bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm này. Nồng độ pH máu thông thường được duy trì ở mức 7,37 – 7,43 để có thể đảm bảo hoạt động tối ưu của men tế bào, các protein co cơ và yếu tố đông máu. Bệnh suy thận sẽ làm giảm thải acid trong quá trình vận chuyển hoặc có thể gây mất bicarbonat, tăng nồng độ acid trong máu và các cơ quan trong cơ thể.

  • Điện giải đồ

Các chất điện giải trong cơ thể cũng bị thay đổi khi rối loạn chức năng thận. Cụ thể như:

Natri máu giảm ở người mắc bệnh suy thận do mất natri qua thận, da, đường tiêu hóa hoặc do thừa nước. (Ở người bình thường natri máu dao động trong khoảng 135 – 145 mmol/L).

Bệnh suy thận khiến cho Canxi máu bị giảm và Phosphat tăng (Canxi máu ở người bình thường dao động trong khoảng từ 2,2 – 2,6 mmol/L.

Kali (Potassium) ở bệnh nhân suy thận thường tăng cao do khả năng đào thải của thận bị suy giảm (Kali máu của người bình thường dao động trong khoảng từ 3,5 – 4,5 mmol/L).

  • Xét nghiệm acid uric máu

Xét nghiệm acid uric máu thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh thận, bệnh gout,…Đối với những người mắc các căn bệnh này thì chỉ số acid uric trong máu thường tăng cao hơn mức bình thường. Chỉ số acid uric trong máu ở người bình thường là 180 – 420 mmol/L (đối với nam giới) và là 150 – 360 mmol/L (đối với nữ giới).

  • Một số xét nghiệm khác

Bên cạnh những xét nghiệm kể trên thì các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm khác như:

Albumin huyết thanh: giảm mạnh ở người mắc bệnh lý cầu thận cấp.

Protein toàn phần huyết tương: giảm ở người mắc bệnh thận.

Tổng phân tích tế bào máu: người bị suy thận mạn tính thường có số lượng hồng cầu giảm.

Xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu là một trong những phương pháp xét nghiệm không thể bỏ qua khi đánh giá chức năng thận. Bởi chất lượng nước tiểu sẽ phản ánh khả năng lọc của thận.

uLr08vSUywEUgugyynE1x7cE8PpsNyckxgB9KwLHQjw9qessBw1OqJDolCMA0xcRApPytjPd4sjkm88v_1626685130.jpeg
Phát hiện suy thận thông qua xét nghiệm nước tiểu

Có 2 loại xét nghiệm nước tiểu phổ biến:

  • Tổng phân tích nước tiểu

Xét nghiệm này giúp biết được tỷ trọng của nước tiểu. Ở những người bị suy thận thì tỷ trọng nước tiểu sẽ thấp hơn so với bình thường, do chất thải trong máu không được đưa ra nước tiểu. Tỷ trọng nước tiểu ở người bình thường dao động trong khoảng 1,01 – 1,020. Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm như nghiệm pháp pha loãng nước tiểu, nghiệm pháp cô đặc nước tiểu, so sánh tỷ trọng nước tiểu ngày và đêm,…để đưa ra chẩn đoán chính xác.

Trong mẫu tổng phân tích nước tiểu có protein sẽ hỗ trợ các bác sĩ chỉ định người bệnh thực hiện thêm xét nghiệm định lượng đạm niệu 24h.

  • Định lượng đạm niệu (protein nước tiểu) 24h

Chỉ số xét nghiệm định lượng đạm niệu được xác định trong vòng 24h. Đối với một người khỏe mạnh thì lượng protein trong nước tiểu dao động từ 0 – 0,2g/l/24h. Đối với những bệnh nhân mắc các bệnh về thận như: viêm cầu thận cấp, suy thận, tổn thương cầu thận, đái tháo đường, lupus ban đỏ, tăng huyết áp,…thường có protein niệu tăng lên trên 0,3g/l/24h.

Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh

Để chẩn đoán bệnh suy thận các bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Thông qua hình ảnh của thận có thể phát hiện được những vấn đề bất thường mà bệnh nhân gặp phải.

Một số xét nghiệm suy thận qua hình ảnh phổ biến như:

  • Siêu âm ổ bụng

giúp phát hiện sỏi thận, khối u thận, tình trạng tắc nghẽn niệu quản khiến thận bị ứ nước,..Trong trường hợp thận bị ứ nước ở cả 2 bên thì có thể người bệnh bị suy thận cấp hoặc mãn tính.

  • Chụp CT bụng

Khi nghi ngờ người bệnh bị tắc nghẽn đường tiết niệu các bác sĩ có thể chỉ định chụp CT bụng. Phương pháp sử dụng tia X để tái tạo hình ảnh hệ tiết niệu

  • Chụp xạ hình bằng đồng vị phóng xạ

Để đánh giá chức năng của từng bên thận thì đây là phương pháp duy nhất được thực hiện. Với phương pháp này các bác sĩ có thể quan sát được khả năng lọc của thận cũng như tỷ lệ tưới máu. Từ đó có thể đưa ra chẩn đoán về chức năng thận của người bệnh.

Sinh thiết thận

Đối với những trường hợp nghi ngờ bị ung thư thận, suy thận cấp nội tại, viêm mô giữa ống thận, viêm kẽ thận, viêm cầu thận, hoại tử ống thận cấp, chết mô thận,…sẽ được chỉ định thực hiện sinh thiết thận.

kGYyjhUnk2jdQLH7mIFWMxvs6gtb6eHOhRjtvxriP0sjt6EjHhsazbnElkUnjFPquRY4ACidMVgVav85_1626685290.jpg
Sinh thiết thận được chỉ định đối với những trường hợp nghi ngờ ung thư thận, chết mô thận, suy thận cấp nội tại,….

Một Số Lưu Ý Khi Thực Hiện Xét Nghiệm Suy Thận

Để đảm bảo xét nghiệm suy thận cho kết quả chính xác người bệnh cần ghi nhớ một số lưu ý dưới đây:

  • Nói với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bạn, các triệu chứng hoặc dấu hiệu mà bạn thường gặp.
  • Nếu bạn đang sử dụng thuốc (bất kể là thuốc gì) cần thông báo với bác sĩ hoặc người làm xét nghiệm để loại bỏ nguy cơ kết quả xét nghiệm bị ảnh hưởng do một số thành phần có trong thuốc.
  • Thông báo với bác sĩ về các sản phẩm bạn đang điều trị bệnh lý đường sinh dục (nếu có).

Trong suốt quá trình xét nghiệm cần tuân thủ theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

eH8rxZcGR8BBrP7tzowEvoI4DrBVxvKowGThIIRemgJNtOJsLqQxnv5U3DRhIJKpPEvGafRuHkU0lOTf_1626685331.jpg
Trước và trong khi tiến hành xét nghiệm cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ
  • ​​​​​​​Nên vệ sinh sạch sẽ vùng kín trước khi thực hiện xét nghiệm suy thận. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc hoặc hóa chất vệ sinh vùng kín vì chúng có thể làm ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm.

Xét Nghiệm Suy Thận Ở Đâu?

Bệnh suy thận có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh cần đến các bác sĩ tay nghề cao và máy móc trang thiết bị hiện đại. Chính vì thế việc lựa chọn xét nghiệm tại những cơ sở y tế chuyên khoa uy tín là vô cùng cần thiết. Diag là trung tâm xét nghiệm và chẩn đoán y khoa được nhiều người tin tưởng lựa chọn hiện nay. Giúp bạn xét nghiệm suy thận cấp, xét nghiệm suy thận mạn nói riêng và các bệnh lý về thận nói chung một cách nhanh chóng, an toàn và chính xác.

Để tìm hiểu thêm về các dịch vụ ưu đãi và tiện ích tại Diag, quý khách vui lòng truy cập Tại Đây.

Trang này không thể và không chứa đựng thông tin tư vấn y khoa. Các nội dung này được cung cấp chỉ nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền, không thay thế cho bất kỳ tư vấn y khoa nào. Theo đó, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin này, vui lòng gặp nhân viên y tế phù hợp để được tư vấn.