Table of Contents
Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tiểu đường hay những bệnh nhân đang trong quá trình điều trị tiểu đường, thì bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân cần tiến xét nghiệm C peptide để kiểm tra.
Thông qua kết quả xét nghiệm này, sẽ là cơ sở để bác sĩ theo dõi, đánh giá tình trạng bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường thuộc tuýp 1 hay tuýp 2 và liệu rằng bệnh nhân có để kháng insulin hay không. Bài viết này sẽ cùng bạn tìm hiểu kỹ hơn những thông tin của xét nghiệm này.
1. Mục Đích Của Xét Nghiệm C Peptide
Peptide C là một peptide bao gồm 31 gốc acid amin, do tế bào beta của đảo tụy sinh ra và tổng hợp cùng lúc với insulin và proinsulin. Tuy nhiên, Peptide C có điểm khác biệt với insulin chính là có thời gian tồn tại lâu hơn ở tuần hoàn máu ngoại biên, nên việc định lượng sẽ dễ dàng hơn.
Xét nghiệm c peptide là gì? Thông qua việc đo nồng độ Peptide C, có thể biết được hàm lượng của insulin trong máu là bao nhiêu, hoặc có thể dựa vào đây để đánh giá hoạt động của tế bào beta đảo tuỵ, do hàm lượng của chúng là tương đương nhau.
Mặc dù nồng độ insulin đặc trưng giúp phát hiện, chẩn đoán và phân biệt bệnh tiểu đường, nhưng việc đo và định lượng insulin không phải lúc nào cũng thuận lợi và cho kết quả chính xác tuyệt đối. Vì thế, có một cách dễ dàng hơn chính là đo gián tiếp thông qua xét nghiệm C Peptide.
Đối với bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, thông qua cả 2 xét nghiệm insulin và Peptide C trong máu cho kết quả chỉ số khá thấp do tuyến tụy không tiết ra insulin.
Nhưng đối với tiểu đường tuýp 2, lượng insulin và Peptide C trong cơ thể vẫn được sản xuất một cách ổn định nên nồng độ cả 2 chất này trong máu sẽ cho kết quả từ trung bình đến cao.
Bên cạnh đó, xét nghiệm C Peptide còn được sử dụng trong trường hợp cần tìm nguyên nhân gây ra tình trạng hạ đường huyết. Điển hình là khi bệnh bệnh nhân sử dụng quá nhiều insulin tổng hợp thì hàm lượng chất này trong máu sẽ tăng cao, nhưng Peptide C máu lại cho kết quả chỉ số thấp.
Còn với trường hợp bệnh nhân bị u đảo tuỵ, thì do đảo tụy sản xuất dư thừa insulin sẽ khiến người bệnh bị hạ đường huyết. Chính vì thế, dù là nồng độ insulin hay Peptide C đều tăng cao.
2. Trường Hợp Cần Xét Nghiệm C Peptide
Như vậy, mặc dù hàm lượng Peptide C và insulin được đánh giá là tương đương nhau. Nhưng khi đo trực tiếp thì việc đo nồng độ insulin vẫn được ưu tiên hơn do kết quả sẽ chính xác hơn.
Còn đối với xét nghiệm C Peptide sẽ được bác sĩ chỉ định trong trường hợp cần phản ánh chức năng của tế bào tiểu đảo chính xác hơn.
Về ý nghĩa xét nghiệm c peptide và trường hợp cần xét nghiệm C Peptide như sau:
Người mắc bệnh tiểu đường đang được điều trị bằng thuốc tiêm insulin và trường hợp người có kháng thể insulin:
Nồng độ insulin máu tăng cao do bệnh nhân đang trong quá trình điều trị bằng thuốc tiêm insulin. Bên cạnh insulin cơ thể tạo ra, thì khi đo trực tiếp, nồng độ insulin sẽ không phản ánh chính xác hoạt động của tế bào beta. Lúc này, việc sử dụng xét nghiệm C peptide sẽ cho kết quả chính xác hơn.
Bệnh nhân đang điều trị tiểu đường bằng insulin cần theo dõi mức độ thuyên giảm của bệnh theo từng giai đoạn:
Thông qua xét nghiệm C Peptide sẽ phản ánh chính xác lượng insulin mà cơ thể tạo ra hơn là xét nghiệm trực tiếp.
Nhờ vào kết quả này, sẽ giúp bác sĩ biết được mức độ hiệu quả của các phương pháp điều trị và tình trạng bệnh của bệnh nhân đã thuyên giảm hay chưa. Nếu bệnh tiến triển nặng hơn, bác sĩ sẽ cân nhắc thay đổi phương pháp điều trị để tránh biến chứng tiểu đường.
Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế, có thể bệnh nhân sẽ được giảm hoặc không cần dùng đến thuốc insulin để điều trị nữa nếu có dấu hiệu đáp ứng tốt với phương pháp điều trị.
Phân biệt tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2:
Nhờ vào việc phân biệt bệnh tiểu đường tuýp 1 hay tuýp 2 sẽ có giá trị lớn trong việc chẩn đoán và điều trị đái tháo đường đối với bệnh nhân mới được chẩn đoán.
Trường hợp bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có u đảo tuỵ thì cũng có thể cần đến xét nghiệm C Peptide phản ánh được mức độ tăng của Peptide này, tương đương với lượng insulin mà cơ thể tạo ra.
Khi bệnh nhân đã được chẩn đoán bị u đảo tuỵ thì thông qua xét nghiệm Peptide vẫn có giá trị trong việc đánh giá mức độ hiệu quả của việc điều trị bằng thuốc hoặc sau khi bệnh nhân phẫu thuật loại bỏ khối u.
Xét nghiệm C Peptide nước tiểu:
Xét nghiệm C Peptide nước tiểu sẽ giúp bác sĩ đánh giá được chức năng đảo tuỵ ở bệnh nhân nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Bên cạnh đó, còn có thể đánh giá chức năng của tế bào beta liên tục đối với hội chứng kháng insulin.
3. Những Lưu Ý Trước Khi Xét Nghiệm C Peptide
Trước khi thực hiện xét nghiệm nào cũng vậy, đối với người lần đầu tiên xét nghiệm, rất quan tâm về vấn đề đối với xét nghiệm chuẩn bị thực hiện có những vấn đề nào cần lưu ý, để có sự chuẩn bị cho chu đáo.
Về xét nghiệm C Peptide, trước khi tiến hành, sẽ phụ thuộc vào tuổi tác và lý do xét nghiệm của bệnh nhân. Có một số trường hợp, bệnh nhân sẽ được bác sĩ thông báo trước, cần phải nhịn ăn trong vòng từ 8 – 12 giờ tính tới thời điểm xét nghiệm.
Bệnh nhân nên chủ động thông báo với bác sĩ những loại thuốc đang sử dụng. Thông thường, bác sĩ sẽ thông báo bệnh nhân cần phải ngưng sử dụng một số loại thuốc điều trị tiểu đường, để hạn chế mức độ ảnh hưởng, khiến cho kết quả chỉ số C peptide bị sai lệch.
Về quy trình xét nghiệm C Peptide sẽ lấy mẫu bệnh phẩm là mẫu máu tĩnh mạch, thường ở vị trí tĩnh mạch tay của bệnh nhân như sau:
- Nhân viên y tế sẽ quấn garo quanh ở phần bắp tay của bệnh nhân, nhằm ngăn máu lưu thông, giúp cho tĩnh mạch phình to hơn ở vùng dưới chỗ quấn dây chun. Điều này giúp cho việc tiêm dễ thực hiện hơn.
- Dùng cồn và bông y tế để khử trùng.
- Tìm ven, xác định vị trí và chích kim lấy máu.
- Lấy một lượng máu vừa đủ khoảng từ 5 – 10 ml máu cho vào ống xi-lanh.
- Tháo dây chun, giúp cho máu lưu thông bình thường.
- Rút kim, song song đó ấn bông hay băng gạc vào chỗ tiêm và giữ yên để cầm máu.
Mẫu máu này sẽ được bảo quản trong điều kiện thích hợp và nhanh chóng gửi đến phòng xét nghiệm để tiến hành phân tích.
4. Những Yếu Tố Ảnh Hưởng Và Rủi Ro Của Xét Nghiệm C Peptide
Những yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm C Peptide như sau:
- Bệnh nhân mắc bệnh suy thận, có thể khiến cho nồng C Peptide tăng hoặc giảm, do nguyên nhân Peptide C bị phân huỷ trong thận.
- Bệnh nhân có sử dụng thuốc điều trị đường huyết khiến kết quả bị ảnh hưởng bởi thành phần của thuốc.
Bên cạnh đó, khi thực hiện xét nghiệm C Peptide, người bệnh cũng có thể đối mặt với một số rủi ro như:
- Công đoạn lấy mẫu bệnh phẩm gặp khó khăn, khiến việc chích mũi tiêm phải thực hiện nhiều lần mới chính xác.
- Bị chảy máu quá nhiều ở khu vực tiêm.
- Nếu mất máu nhiều, bệnh nhân có thể ngất.
- Ở vùng thực hiện thủ thuật, có thể bị bầm tím do máu tích tụ.
- Bị nhiễm trùng vùng tiêm.
Mặc dù tình trạng này thường rất ít gặp, nhưng bệnh nhân cũng cần chú ý đến, nên lựa chọn nơi tiến hành xét nghiệm uy tín, nhân viên y tế có chuyên môn, kinh nghiệm để quá trình lấy mẫu xét nghiệm thuận lợi.
5. Kết Quả Xét Nghiệm C Peptide
Về kết quả xét nghiệm C Peptide sẽ được đo bằng đơn vị nanogram/ml. Theo đó, kết quả sẽ rơi vào 1 trong 3 trường hợp như sau:
Vùng chỉ số bình thường:
- Giới hạn bình thường của xét nghiệm C Peptide là 0,51-2,72 nanogram/ml (ng/ml).
Hoặc cũng có thể hiểu là 0,17–0,90 nanomol/lít (nmol/l).
Vùng chỉ số thấp:
Nếu kết quả xét nghiệm C Peptide cho giá trị thấp hơn giới hạn bình thường và đường máu cao thì đây là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường tuýp 1.
Nếu kết quả đường huyết và Peptide C đều thấp hơn giá trị bình thường thì đây là dấu hiệu liên quan đến bệnh gan, nhiễm trùng hoặc cũng có thể là bệnh Addison cần phải chẩn đoán chuyên sâu để xác định lại.
Vùng kết quả cao:
Nếu chỉ số Peptide C cho giá trị cao hơn bình thường và kết quả đường huyết cao thì đây là dấu hiệu của tình trạng kháng insulin, hội chứng Cushing hoặc bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Nếu kết quả Peptide C cao hơn mức bình thường nhưng đường huyết thấp thì đây là dấu hiệu u đảo tụy hoặc do bệnh nhân dùng thuốc hạ đường huyết loại Sulfonylurea.
Cần lưu ý rằng, xét nghiệm Peptide C cần được làm cùng với xét nghiệm đường huyết. Bác sĩ sẽ dựa vào độ tuổi của bệnh nhân, cân nặng, thời gian mắc bệnh để có thể phân biệt được bệnh tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2 theo các bước sau:
- Mẫu máu lấy lần đầu tiên sẽ được lấy làm chuẩn.
- Tiếp đến, bệnh nhân sẽ được tiêm glucagon đây là hormon khiến lượng đường huyết tăng và lấy máu lần thứ 2 để so sánh.
- Đối với bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1 thì nồng độ Peptide C sẽ cho kết quả luôn thấp, nguyên nhân là vì tuyến tụy không thể sản xuất ra insulin khi nồng độ glucagon tăng lên.
- Đối với bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2 thì nồng độ Peptide C trong máu lần xét nghiệm 2 sẽ cao hơn so với lần đầu tiên, do tuyến tụy sản xuất quá nhiều insulin hơn bình thường do bị kích thích bởi glucagon.
Hy vọng, thông qua bài viết này, bạn đã hiểu thêm về xét nghiệm C Peptide và những thông tin liên quan, cũng như cách đọc hiểu kết quả cơ bản nhất. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để nhận được sự tư vấn chính xác theo tình trạng bệnh của bệnh.
Để tìm hiểu thêm thông tin xét nghiệm C Peptide và đặt lịch hẹn thăm khám, chẩn đoán tiểu đường, bạn có thể gọi đến hotline 19001717 – Diag trung tâm xét nghiệm chẩn đoán y khoa uy tín tại TP.HCM để được tư vấn hỗ trợ nhanh nhất.
Trang này không thể và không chứa đựng thông tin tư vấn y khoa. Các nội dung này được cung cấp chỉ nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền, không thay thế cho bất kỳ tư vấn y khoa nào. Theo đó, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin này, vui lòng gặp nhân viên y tế phù hợp để được tư vấn.