Table of Contents
Xét nghiệm Beta-2-microglobulin (B2M) được dùng như một xét nghiệm chất chỉ dấu khối u. Giúp phát hiện và chẩn đoán một số bệnh ung thư như: u hạch ác tính, u lympho và u tủy xương,… Cũng có thể được sử dụng như một dấu ấn sinh học để đánh giá các rối loạn chức năng của thận. Bởi vậy, xét nghiệm beta-2-microglobulin có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
1. Xét Nghiệm Beta 2 Microglobulin Là Gì?
Beta-2-microglobulin viết tắt là B2M là một protein đặc trưng có ở hầu hết bề mặt tế bào, trong các dịch cơ thể và máu. B2M có khối lượng phân tử nhỏ chỉ 11,8 kDa. Hàng ngày, beta-2-microglobulin được các tế bào trong cơ thể tổng hợp, trong đó nhiều nhất là tế bào lympho. Sau đó B2M sẽ được giải phóng vào máu. Ngoài ra thì trong dịch não tủy và nước tiểu ở người cũng có một lượng nhỏ beta-2-microglobulin.
Xét nghiệm beta 2 microglobulin là xét nghiệm để đo lường chất dự đoán ung thư, đánh giá các rối loạn chức năng của thận và một số bệnh lý khác. Bình thường B2M ở dạng tự do, là một protein không có hoạt tính sinh học. Tuy nhiên khi nồng độ B2M tăng, các phân tử protein liên kết với nhau tạo thành chuỗi polypeptide. Chuỗi ngày dài và lắng đọng ở các tạng, khớp…gây ra trạng thái viêm ở tổ chức bị lắng đọng hoặc rối loạn chức năng của các cơ quan đó.
Nồng độ B2M trong máu có liên quan mật thiết với các bệnh lý tăng tế bào ác tính. Đặc biệt là bệnh ác tính của máu liên quan đến dòng tế bào lymphocyte B.
Nồng độ B2M trong nước tiểu có thể tăng do rối loạn chức năng lọc và tái hấp thu của thận ở bệnh nhân bị suy thận, bệnh nhân bị bệnh ống thận, bệnh nhân thận thoái hóa dạng bột. Ngoài ra thì nồng độ B2M có trong huyết thanh cũng tăng lên ở một số bệnh lành tính như viêm khớp dạng thấp, các bệnh tự miễn, bệnh gan, nhiễm cấp một số virus,…
2. Những Đối Tượng Nào Cần Làm Định Lượng Beta 2 Microglobulin?
Định lượng B2M góp phần giúp phân loại, tiên lượng và theo dõi hiệu quả điều trị ở nhiều bệnh lý khác nhau.
Xét nghiệm beta-2-microglobulin máu và nước tiểu sẽ được chỉ định khi người bệnh có các dấu hiệu và triệu chứng như sau:
- Người bệnh có dấu hiệu trong u đa tủy xương, u hạch ác tính, bệnh bạch cầu lympho,..
- Đối với người bệnh mắc u đa tủy xương được chỉ định làm xét nghiệm để thấy được mức độ nghiêm trọng của bệnh. Từ đó bác sĩ tiên lượng bệnh, theo dõi sự đáp ứng của phác đồ điều trị.
- Có rối loạn chức năng thận và bác sĩ muốn làm rõ các rối loạn đó là do bệnh lý ở cầu thận hay ống thận.
- Theo dõi bệnh nhân đã ghép thận hoặc người bị phơi nhiễm thủy ngân hoặc cadmium. Từ đó nhằm phát hiện sớm các rối loạn chức năng thận
- Bệnh nhân đã chạy thận nhân tạo trên 5 năm để kiểm tra sự lắng đọng B2M trong các dịch và mô cơ thể.
- Ngoài ra thì xét nghiệm beta-2-microglobulin dịch não tủy được chỉ định để hỗ trợ chẩn đoán bệnh u hạch, đánh giá ảnh hưởng của bệnh lên hệ thần kinh trung ương và trong tủy.
3. Chỉ Số Beta 2 Microglobulin Như Thế Nào Là Bình Thường?
Chỉ số xét nghiệm beta-2-microglobulin là bình thường khi kết quả nằm trong khoảng như sau:
- Chỉ số beta-2-microglobulin huyết tương hoặc huyết thanh là 0-3 μg/mL hay 0-3 mg/L.
- Chỉ số beta-2-microglobulin trong nước tiểu là 0 – 0,3 μg/mL hay 0 – 0,3 g/L
Tuy nhiên, khoảng giá trị bình thường ở mỗi phòng xét nghiệm là khác nhau do sử dụng các bộ hóa chất khác nhau.
Chỉ số xét nghiệm beta-2-microglobulin trong huyết tương thấp được xem như bình thường. Mức độ beta-2-microglobulin trong nước tiểu và dịch não tủy bình thường còn có thể thấp đến mức không thể phát hiện ra được. Vì vậy, để có kết quả chính xác bạn nên thực hiện xét nghiệm ở những trung tâm, cơ sở uy tín, trang thiết bị hiện đại. Với đội ngũ bác sĩ chuyên gia đầu ngành chuyên khoa ung bướu, chuyên khoa thận,…sẽ giúp bạn tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
4. Ý Nghĩa Xét Nghiệm Beta 2 Microglobulin
Xét nghiệm beta-2-microglobulin vô cùng quan trọng và cần thiết trong việc chẩn đoán bệnh ung thư, bệnh thận và một số bệnh lý khác.
4.1. Trong chẩn đoán bệnh ung thư
Trong một số bệnh ung thư như u đa tủy xương, bệnh bạch cầu lympho mạn tính, u hạch ác tính thì định lượng beta-2-microglobulin trong huyết tương tăng lên. Từ đó bác sĩ có thể tiên lượng bệnh chính xác hơn.
- Nếu định lượng beta-2-microglobulin huyết tương < 4μg có nghĩa là tỷ lệ sống sót cao hơn. Thời gian sống sót trung bình của bệnh nhân khoảng 43 tháng.
- Nếu định lượng beta-2-microglobulin huyết tương > 4μg có nghĩa là tiên lượng xấu hơn, thời gian sống sót trung bình của bệnh nhân chỉ khoảng 1 năm.
Xét nghiệm beta-2-microglobulin trong dịch não tủy tăng còn cho thấy rằng bệnh ung thư tế bào máu có thể đã ảnh hưởng đến não và tủy xương.
Ngoài ra xét nghiệm cũng được dùng để theo dõi sự đáp ứng điều trị ở những bệnh nhân ung thư.
- Nếu chỉ số B2M đang tăng lên có thể là tình trạng ung thư của bệnh nhân đang lan rộng hoặc phương pháp điều trị hiện tại không hiệu quả
- Nếu chỉ số B2M giảm có nghĩa là bệnh nhân có đáp ứng với điều trị
- Nếu chỉ số B2M ổn định không thay đổi có nghĩa là tình trạng bệnh đang trong giai đoạn ổn định
- Nếu chỉ số B2M đã giảm nhưng sau một thời gian lại tăng thì có thể bệnh ung thư đang tái phát lại sau đợt điều trị
4.2 Trong chẩn đoán bệnh thận và biến chứng bệnh thận
Do beta-2-microglobulin có trọng lượng phân tử thấp chỉ 11,8 kDa nên nó nhanh chóng được lọc qua cầu thận. Sau đó gần như được tái hấp thu hoàn toàn ở ống lượn gần. Vì vậy, nếu chỉ số beta-2-microglobulin huyết tương tăng và trong nước tiểu giảm, chứng tỏ rối loạn liên quan đến sự suy giảm chức năng lọc của cầu thận. Khi đó, quá trình tái hấp thu sẽ bị hạn chế và gây ứ đọng B2M trong máu. Nồng độ B2M trong máu tăng cao sẽ là nguyên nhân gây ra các bệnh lý như:
- Viêm cầu thận cấp và mạn tính
- Thận đa nang
- Tổn thương thận do tăng huyết áp
- Bệnh thận do tiểu đường
Nếu chỉ số beta-2-microglobulin trong huyết tương giảm nhưng trong nước tiểu lại tăng thì bệnh nhân có thể bị tổn thương ống thận, dẫn đến chức năng tái hấp thu ở ống lượn gần bị giảm. Các tổn thương ở ống thận có thể là:
- Hoại tử ống thận cấp
- Viêm khe thận
- Hoại tử ống thận do ngộ độc thuốc, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, bệnh thận tắc nghẽn,…
- Phản ứng thải ghép sau ghép thận
Ở những bệnh nhân chạy thận nhân tạo trong một thời gian dài, nếu chỉ số beta-2-microglobulin trong huyết tương tăng có thể liên quan đến bệnh thận thoái hóa dạng bột do lọc máu. Còn đối với trường hợp bệnh nhân ghép thận, chỉ số beta-2-microglobulin trong nước tiểu tăng có thể là dấu hiệu của sự thải ghép sớm.
Ngoài ra xét nghiệm beta-2-microglobulin còn giúp chẩn đoán một số bệnh lý ở thận khác như: bệnh thận thoái hóa dạng bột do lọc máu, nhiễm độc thủy ngân hoặc cadmium, biến chứng thận do đái tháo đường,..
4.3 Trong chẩn đoán các bệnh lý khác
- Bệnh lý về cơ, xương, khớp
Sự lắng đọng, tích tụ lâu năm của B2M trong các khớp gây ra triệu chứng: đau, cứng cơ, có dịch trong khớp, đau vai, rãnh cổ tay.
- Bệnh về tim mạch
Beta-2-microglobulin lắng đọng nhiều trong máu có thể gây ra bệnh suy tim ứ huyết
- Bệnh về thần kinh
Sự lắng đọng nhiều của beta-2-microglobulin gây ra rối loạn cảm giác. Người bệnh gặp phải các triệu chứng như tê cóng, châm chích, rát bỏng,…Sau rối loạn cảm giác, bệnh tiến triển lan rộng từ 2 chi dưới dần lên giữa cơ thể, 2 chi trên tới đỉnh đầu. Từ rối loạn cảm giác chuyển sang rối loạn vận động.
- Bệnh ống tiêu hóa
Người bệnh bị lắng đọng nhiều B2M có thể bị giảm nhu động ruột, giả tắc ruột, tiêu chảy, xuất huyết, gan to,…
- Sự tăng của chỉ số beta-2-microglobulin trong dịch não tủy ở bệnh nhân HIV/AIDS còn cho thấy tình trạng bệnh có thể đã ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương.
Ngày này, xét nghiệm beta-2-microglobulin được sử dụng phổ biến bởi có nhiều ứng dụng trong phát hiện, chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý. Điều đó giúp bạn dễ dàng kiểm soát tình trạng sức khỏe của bản thân và có cách phòng ngừa, điều trị sớm nhất. Với những thông tin trên đây, hy vọng đã giúp bạn hiểu rõ hơn về xét nghiệm beta-2-microglobulin để chăm sóc sức khỏe của chính mình và gia đình một cách toàn diện nhất.
Trang này không thể và không chứa đựng thông tin tư vấn y khoa. Các nội dung này được cung cấp chỉ nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền, không thay thế cho bất kỳ tư vấn y khoa nào. Theo đó, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin này, vui lòng gặp nhân viên y tế phù hợp để được tư vấn.