Trở lại

Tiền Sản Giật Là Gì? Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, Cách Phòng Ngừa

Tiền sản giật là hội chứng bệnh lý có thể xảy ra ở giai đoạn sau của thai kỳ. Nếu sức khỏe thai phụ có vấn đề hoặc cách chăm sóc bà bầu không đúng cách thì nguy cơ mắc tiền sản giật sẽ cao hơn và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Các triệu chứng tiền sản giật có thể gặp phải như: tăng huyết áp thai kỳ, sưng mặt và tay, tăng cân nhanh, khó thở, đau bụng trên, tầm nhìn hạn chế, đi tiểu ít,…Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, dấu hiệu cũng như cách phòng ngừa tiền sản giật.

Tiền Sản Giật Là Gì?

Tiền sản giật là một biến chứng thai kỳ xảy ra khi huyết áp tăng cao cùng với các dấu hiệu tổn thương ở các cơ quan khác, chủ yếu là thận.

Tuy nhiên, tiền sản giật cũng có thể xảy ra vào khoảng tuần 21 ở những phụ nữ có huyết áp bình thường khi mang thai.

Bệnh tiền sản giật có thể xảy ra với các mức độ khác nhau. Trường hợp bị tiền sản giật nặng có thể làm ảnh hưởng tới thận, tim, phổi, gan của thai phụ cũng như khiến thai nhi suy dinh dưỡng, giảm nước ối hoặc có thể khiến thai nhi bị chết lưu trong tử cung. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn tới sản giật (co giật) gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới não.

Nguyên Nhân Gây Tiền Sản Giật

eayqCq4xKnT3Q3n1QMHh6bfgEYIsEZRUVhIzjjnRvXkPYxcygTBmEOAIpVTGwMqca097zTwg7afXBTHz_1626282109.jpg
Nguyên nhân gây tiền sản giật hiện chưa được xác định rõ

Chưa có nguyên nhân rõ ràng gây nên tiền sản giật. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng nó bắt đầu tại nhau thai (cơ quan nuôi dưỡng thai nhi).

Ở giai đoạn đầu thai kỳ, các mạch máu bắt đầu phát triển để cung cấp lượng máu đủ đến nhau thai để nuôi thai nhi. Nhưng với những thai phụ mắc tiền sản giật thì những mạch máu này không phát triển đầy đủ. Chúng hẹp hơn bình thường và đáp ứng không đúng với kích thích nội tiết tố khiến lượng máu giảm dần.

Nguyên nhân của sự phát triển mạch máu bất thường này có thể là do:

  • Tổn thương mạch máu.
  • Do gen.
  • Lượng máu tới tử cung không đủ.
  • Hoặc do các bệnh liên quan tới hệ thống miễn dịch.

Các Yếu Tố Nguy Cơ Gây Tiền Sản Giật

8f26fHIRS8T1wKb2yGIZsgbi3XT6ydtvW3iqSfdPRpOsJRjbHDHvDklTaMbkLnJhAmVxO2IAA1nstoRG_1626282204.jpg
Thai phụ thừa cân có nguy cơ mắc tiền sản giật cao hơn

Khoảng 6-8% phụ nữ khi mang thai gặp phải các tình trạng: tiền sản giật khi mang thai, tiền sản giật trước sinh, tiền sản giật sau sinh. Tuy nhiên những đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ mắc tiền sản giật cao hơn.

  • Người có tiền sử cá nhân hoặc người trong gia đình từng bị tiền sản giật sẽ có nguy cơ mắc cao hơn.
  • Sản phụ bị tăng huyết áp mãn tính.
  • Phụ nữ mang thai lần đầu
  • Những phụ nữ sinh đôi, sinh ba,…
  • Khi mang thai với người chồng thứ 2 trở đi bạn sẽ có nguy cơ mắc tiền sản giật cao hơn so với mang thai lần 2, lần 3 với người chồng đầu tiên.
  • Phụ nữ mang thai trên 40 tuổi.
  • Khoảng cách giữa các lần mang thai quá gần (dưới 2 năm) hoặc quá xa (trên 10 năm).
  • Thai phụ béo phì có nguy cơ tiền sản giật cao.
  • Phụ nữ trước khi mang thai mắc các bệnh: đau nửa đầu, tiểu đường, tăng huyết áp mãn tính, bệnh thận,…
  • Nếu thụ thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm thì sản phụ có nguy cơ mắc tiền sản giật cao hơn.
  • Phụ nữ da đen khi mang thai có nguy cơ mắc cao hơn so với phụ nữ ở các chủng tộc khác.

Dấu Hiệu Thường Gặp Khi Bị Tiền Sản Giật

bChI1OCeMlcvUIW8l7GliagMrwEcXcUSQChbJSNuwJfe3v6WFAOEhkxHrdJNxPP1EXEnEtk4pUr8W4dv_1626282284.jpg
Phụ nữ mang thai mắc tiền sản giật có thể gặp phải một số biểu hiện như: tăng huyết áp, sưng mặt, tay, tăng cân nhanh chóng,…

Phụ nữ mang thai mắc tiền sản giật có thể có hoặc không có biểu hiện ra bên ngoài. Vì thế bà bầu cần đi khám và theo dõi sức khỏe thường xuyên. Nếu xuất hiện những dấu hiệu dưới đây thì cần tới cơ sơ y khoa gần nhất để được chẩn đoán và điều trị sớm.

  • Tăng huyết áp thai kỳ

Sản phụ cần theo dõi huyết áp khi mang thai vì huyết áp tăng là dấu hiệu đầu tiên của tiền sản giật.

  • Sưng mặt hoặc sưng ở tay

Khi mang thai nếu bà bầu bị sưng mặt (đặc biệt ở vùng quanh mắt) hoặc tay bị sưng thì cần lưu ý và quan sát thêm các triệu chứng khác.

  • Xuất hiện những cơn đau đầu dai dẳng

Nếu xuất hiện những cơn đau đầu kéo dài và thường xuyên thì bà bầu cần đi khám ngay.

  • Tăng cân nhanh chóng

Tăng cân là tình trạng bình thường ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên việc tăng cân quá nhanh và bất thường là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe.

  • Đau bụng trên

Phụ nữ mang thai nếu bị đau bụng trên mà nguyên nhân không phải do ợ nóng hoặc do bé đạp thì đó có thể là biểu hiện của tiền sản giật.

  • Khó thở, thở hụt hơi

Đây là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe mà bà bầu tuyệt đối không được bỏ qua.

  • Buồn nôn, nôn mửa đột ngột

Khi đã hết thời kỳ nghén mà mẹ bầu vẫn cảm thấy buồn nôn và bị nôn đột ngột thì cần đi khám để tìm hiểu nguyên nhân chính xác.

  • Hoa mắt, tầm nhìn thay đổi hoặc mất thị lực

Nếu khi mang thai xuất hiện tình trạng hoa mắt, nhìn các vật không rõ, xuất hiện đốm sáng,…thì cần đi khám sớm.

  • Đi tiểu ít

Đi tiểu ít, lượng nước tiểu giảm cũng là dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật mà bà bầu cần lưu ý.

Tiền Sản Giật Có Thể Gây Ra Những Biến Chứng Gì?

Tiền sản giật nếu không được theo dõi và phát hiện sớm có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Dưới đây là một số biến chứng thường gặp ở sản phụ bị tiền sản giật.

Sản giật

Phụ nữ mang thai bị tiền sản giật nếu không được kiểm soát thì có thể dẫn tới biến chứng sản giật (tình trạng co giật khi mang thai). Đây là một biến chứng vô cùng nghiêm trọng gây ảnh hưởng cho cả mẹ và bé.

Sinh non

Sinh non là biến chứng dễ gặp đối với những sản phụ mắc tiền sản giật ở mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong những trường hợp cấp bách thì việc sinh sớm sẽ hạn chế nguy hiểm đến tính mạng cho cả mẹ và bé.

Nhau thai bong non

Nguy cơ vỡ nhau thai khi bị tiền sản giật thường ở mức cao. Nhau thai bị tách ra khỏi thành trong tử cung trước khi sinh. Những trường hợp có diễn biến đột ngột và nghiêm trọng có thể gây nên tình trạng chảy máu nhiều, đe dọa tính mạng cho mẹ và bé.

Hội chứng HELLP

Hội chứng HELLP được xem là một biến thể của tình trạng sản giật. Hội chứng này thường xảy ra ở giai đoạn cuối thai kỳ, một số trường hợp có thể xảy ra ở thời điểm sau sinh.

Bệnh tim mạch

Phụ nữ mang thai bị tiền sản giật có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch và mạch máu trong tương lai. Đặc biệt với những phụ nữ sinh non hoặc bị tiền sản giật nhiều lần.

Tổn thương cơ quan khác

Khi bị tiền sản giật, thai phụ cũng có thể gặp phải các biến chứng dẫn tới tổn thương thận, gan, tim, phổi, mắt,…Tùy vào mức độ nghiêm trọng của tiền sản giật mà các cơ quan trong cơ thể bị tổn thương nhiều hay ít.

5RNsbqzPUo8z7hTlNXA9DNo5AiR49oc7sXRs3O2gQNBYPmdY9SQlOk3wzxSBynh6JkyzogrzqXCz7o4u_1626282402.jpg
Sinh non là biến chứng dễ gặp đối với những sản phụ mắc tiền sản giật ở mức độ nghiêm trọng

Cách Phòng Ngừa Tiền Sản Giật Trước Và Sau Sinh

Để hạn chế nguy cơ mắc tiền sản giật trước và sau sinh thì mẹ bầu có thể áp dụng những biện pháp phòng ngừa dưới đây:

  • Khám thai định kỳ để theo dõi sức khỏe thường xuyên, đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời bất thường trong cơ thể.
  • Tập luyện thể dục thường xuyên với các động tác phù hợp giúp mẹ bầu nâng cao sức khỏe, duy trì cân nặng và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Đồng thời hạn chế tình trạng căng thẳng, mệt mỏi trong suốt thai kỳ.
  • Khi mang thai mẹ bầu cần đảm bảo giấc ngủ, nên ngủ từ 8 tiếng trở lên mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe cũng như giúp cho đầu óc được thư giãn.
  • Nước là thành phần không thể thiếu, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai thì việc bổ sung đủ khoảng 8 ly nước mỗi ngày là vô cùng cần thiết.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều rau củ, trái cây tươi giúp cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể đồng thời hạn chế tình trạng cao huyết áp. Các thực phẩm tốt giúp ngăn ngừa tiền sản giật như: bơ, khoai lang, chuối, dưa chuột,…
  • Bổ sung vitamin, khoáng chất cần thiết cho mẹ bầu như: axit folic, sắt, canxi, vitamin C, B, E, phốt pho, magiê,…Ngoài ra, mẹ bầu còn cần tăng cường bổ sung vitamin D cho cơ thể ở mức cần thiết.
Y1vQbC9ENY6IYhZhdE8mLOwAIzxS9WDC8xdbiHREkSMu0qr0dT7rrrPO3nRqgQoM24ujyyYBvGfAvE8N_1626282493.jpg
Khám thai định kỳ giúp mẹ bầu theo dõi sức khỏe thường xuyên, đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời bất thường trong cơ thể

Để ngăn ngừa tiền sản giật khi mang thai cũng như vượt cạn an toàn thì mẹ bầu cần có chế độ ăn uống, tập luyện điều độ, kết hợp với khám thai định kỳ để theo dõi sức khỏe tốt nhất.

Để tìm hiểu thêm về các dịch vụ ưu đãi và tiện ích tại Diag, quý khách vui lòng truy cập Tại Đây.

Trang này không thể và không chứa đựng thông tin tư vấn y khoa. Các nội dung này được cung cấp chỉ nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền, không thay thế cho bất kỳ tư vấn y khoa nào. Theo đó, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin này, vui lòng gặp nhân viên y tế phù hợp để được tư vấn.