Trở lại

Thiếu Men G6PD Ở trẻ Và Những Nguy hiểm Khôn Lường Cha Mẹ Nên Biết!

Thiếu men G6PD có thể gây ra những bệnh nguy hiểm ở trẻ sơ sinh nếu không phát hiện kịp thời, ảnh hưởng đến sự phát triển khoẻ mạnh của bé. Nhưng nhiều cha mẹ vẫn còn khá mơ hồ thậm chí là không hiểu rõ khái niệm thiếu men G6PD là gì, nguyên nhân bắt nguồn từ đâu, cần làm gì khi trẻ bị thiếu men G6PD để nhanh chóng chữa trị. Nếu bạn còn đang băn khoăn về vấn đề này hãy cùng tìm hiểu những thông tin bổ ích dưới đây nhé!

Thiếu Men G6PD Là Gì?

hIL6YQMTHx00mcBRCgogYQxsNr4bMUl8XCJit0z2r4qO1AdN0uV8Y3JCoSlVNC8i0IOhrKfWYg5wrxcw_1610702665.jpg
Thiếu men G6PD là bệnh gì

Men G6PD có tên đầy đủ là Glucose-6-phosphate Dehydrogenase. Đối với cơ thể người bình thường, men G6DP sẽ được sản sinh ra trong mọi tế bào, tham gia vào phản ứng chuyển hoá của tế bào, giúp cho màng tế bào hồng cầu được bền vững chống lại các tác nhân gây bệnh do stress oxy hóa.

Nhưng khi thiếu men G6PD sẽ khiến quá trình chuyển hoá bị ngưng trệ, hồng cầu trở nên nhạy cảm và dễ vỡ là tác nhân gây ra những tổn thương cho cơ thể, về lâu dài ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường ở trẻ.

Yếu Tố Khởi Phát Bệnh Thiếu Men G6PD

p1wUzavIbz99MW0FtcBRs0hCTvm5XfE2GpQtFgBpyeYw1bncydN07zs0KJx8LsoYdDIfKZ92tGF246Go_1610702747.jpg
 Yếu tố khởi phát bệnh thiếu men G6PD

Thông thường trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD vẫn phát triển tốt và khỏe mạnh như những đứa trẻ khác, nhưng khi tiếp xúc với các chất oxy hoá sẽ khiến cho bệnh khởi phát, thường được chia làm 3 nhóm chính:

  • Do thực phẩm: Khi ăn phải các thực phẩm chứa chất oxy hóa cao phổ biến nhất là đậu tằm (Fava)
  • Do sử dụng thuốc có chứa các thành phần gây tán huyết như Sulfonamides, Methyldopa, dùng vitamin K, vitamin C với liều lượng quá cao…
  • Do bị nhiễm trùng: Virus viêm gan, vi khuẩn E.coli sẽ khiến cho bệnh khởi phát nhanh chóng.

Ngoài ra trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ, nếu người mẹ ăn phải các thực phẩm hoặc dùng thuốc sẽ khiến cho bệnh ở bé khởi phát thông qua nguồn sữa chứa các chất oxy hoá.

Ai Có Nguy Cơ Bị Thiếu Men G6PD?

47QINFm9hEFCPejbA6LoVOCwCGayTZuKUPIUqWGjFw8ZQE48cSXdFiDtF8n8xQJA67KjR5pID3qGQjbz_1610702824.jpg
Ai có khả năng bị thiếu men G6PD?

Thật ra thiếu men G6PD là một thường gặp do yếu tố di truyền gây nên. Theo thống kê, hiện nay trên thế giới ước tính có đến 400 triệu người mắc phải căn bệnh này, và gặp nhiều ở người Châu Á, Địa Trung Hải, đặc biệt là người Châu Phi chiếm khoảng 15 -26%. Ở Việt Nam cứ 1000 trẻ được sinh ra có đến 3 – 4 trẻ có nguy cơ mắc bệnh. Do người bị thiếu men G6PD sẽ bị dị ứng đậu Fava rất nghiêm trọng cho nên còn được gọi với tên “Favism”.

Nguy cơ thiếu men G6PD ở nam cao hơn nữ giới vì đây là bệnh di truyền liên quan đến gen lặn trên nhiễm sắc thể X từ bố mẹ do bé trai chỉ có một nhiễm sắc thể X. Đối với nữ giới khi cả 2 nhiễm sắc thể giới tính gặp bất thường thì mới có nguy cơ gây bệnh.

Trong gia đình nếu có một người mắc bệnh do thiếu men G6PD thì các thành viên thuộc thế hệ F1 bao gồm anh chị em có quan hệ huyết thống cũng dễ có nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó người đã xác định thiếu men G6DP cũng có khả năng mang gen bệnh trong người tiếp tục di truyền cho thế hệ sau.

Bệnh thiếu men G6PD không lây truyền từ người sang người qua các con đường truyền nhiễm thông thường như ăn uống, dùng chung đồ sinh hoạt… Chỉ mang yếu tố di truyền từ gia đình chính vì thế không gây trở ngại trong cuộc sống hằng ngày của trẻ nếu cha mẹ biết cách chăm sóc tránh các yếu tố làm khởi phát bệnh.

Thiếu Men G6PD Gây Ra Những Nguy Hiểm Gì?

dXoIUasHEtJHg27vdCsjIr27BwzxI0YllwUWDGR4SCHRGMMnHB2fkrUcehvRcWBOuWBuL5aucrAxbUQ6_1610702907.jpg
Thiếu men G6PD gây ra những nguy hiểm gì?

Nếu trẻ sinh ra bị thiếu men G6PD có nguy hiểm không? Chính là mối lo ngại lớn nhất của cha mẹ khi có con mắc phải bệnh lý này. Thực ra tùy theo sự phát hiện sớm hay muộn của bệnh sẽ gây ra những mức độ ảnh hưởng khác nhau từ nhẹ đến nặng lên cơ thể của trẻ.

Men G6PD được sản sinh ra giúp hồng cầu chống lại các tác nhân oxy hóa. Khi cơ thể trẻ bị thiếu hụt men G6PD sẽ khiến cho hồng cầu kém bền, dễ bị vỡ khi bị chất oxy hóa tấn công dẫn đến tình trạng tán huyết.

Nếu tình trạng tán huyết kéo dài sẽ gây ra hiện tượng thiếu máu ở trẻ khiến lượng oxy không đủ cung cấp cho các hoạt động sống, trẻ trở nên mệt mỏi, không linh hoạt, tim đập nhanh, thể chất kém phát triển. Nếu trẻ bị thiếu máu nặng, chức năng của gan, thận sẽ bị suy giảm gây tử vong nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời.

Không chỉ vậy, hồng cầu vỡ còn gây ra hậu quả vàng da, vàng mắt ở trẻ do chất Bilirubin tự do bị phóng thích vào trong máu, khi đó cơ thể không kịp đào thải khiến nồng độ chất này tăng cao. Những tổn thương nghiêm trọng hơn do thiếu men G6PD sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây vàng da nhân, dẫn đến biến chứng bại não, khiến bé chậm phát triển về mọi mặt và khó có khả năng phục hồi.

Tuy nhiên nếu bệnh thiếu men G6PD thông qua sàng lọc sơ sinh sẽ giúp phát hiện nhanh, giảm thiểu được rủi ro không đáng có. Khi cha mẹ biết cách chăm sóc trẻ đúng cách, loại bỏ các tác nhân gây dị ứng thông qua việc ăn uống và dùng thuốc sẽ giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển tốt mặc dù mang bệnh.

Dấu Hiệu Khi Trẻ Thiếu Men G6PD

Thiếu men G6PD ở trẻ rất khó nhận biết vì không có triệu chứng rõ ràng. Trẻ chỉ biểu hiện bệnh cho đến khi tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh từ các nguồn cung cấp khác nhau như: Thức ăn, dùng thuốc hoặc thông qua nguồn sữa mẹ chứa chất oxy hóa cao.

Tuỳ theo mức độ thiếu hụt men G6PD của cơ thể sẽ có những phản ứng khác nhau, thông thường sẽ gây nên những biểu hiện như:

  • Gây ra bệnh vàng da, có thể kiểm tra bằng cách quan sát màu da của trẻ ở nơi có ánh sáng khoảng 1-2 ngày sau sinh. Nhưng đối với trẻ bị thiếu men G6PD nặng thường có biểu hiện vàng da ngay khi chào đời.
  • Bé có biểu hiện bất thường như: Bú yếu, quấy khóc, sốt cao, khó thở, mạch đập nhanh, nôn ói, nước tiểu có màu đậm…

Khi bé có dấu hiệu trên có thể bé đã mắc phải bệnh thiếu men G6PD, lúc này sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm cho cơ thể trẻ nếu cha mẹ nhầm lẫn với các bệnh thông thường. Chính vì thế, để hạn chế nguy cơ phát hiện muộn gây những hậu quả nghiêm trọng, cha mẹ nên phòng ngừa bằng cách làm sàng lọc sơ sinh thông qua lấy máu gót chân ở trẻ trong vòng 48h sau sinh để làm xét nghiệm kiểm soát bệnh.

Xét Nghiệm Kiểm Soát Thiếu Men G6PD Ở Trẻ

PWJogsqhc6YsHQGSFeNBPuAOpdES1lPoXw9Pv6lwwhbAIublCxLawreIbToL23kL6I9T1psYpTsl8QPY_1610703024.jpg
Xét nghiệm thiếu men G6PD ở trẻ

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào trị dứt điểm hoàn toàn bệnh thiếu men G6PD ở trẻ. Chính vì thế biện pháp tốt nhất chính là thông qua sàng lọc để phát hiện kịp thời, xem xét sự thiếu hụt men G6PD ở trẻ đang ở mức độ nào và có cách phòng ngừa và ngăn chặn hậu quả do của tác nhân gây bệnh.

Vì đây là bệnh mang tính chất di truyền nên nếu cha mẹ mang gen bệnh trong người nhất định không nên chủ quan, cần làm xét nghiệm trước và sau sinh một cách kỹ lưỡng để tránh làm ảnh hưởng nặng nề đến trẻ.

Khi cha mẹ có cách phòng ngừa tốt, chăm sóc bé đúng cách trong giai đoạn đầu đời cực kỳ quan trọng sẽ giúp trẻ an toàn và phát triển khoẻ mạnh như những trẻ đồng trang lứa.

Cần Làm Gì Khi Trẻ Thiếu Men G6PD

Khi trẻ bị thiếu men G6PD việc cần thiết nhất chính là tránh xa các yếu tố khiến cho bệnh khởi phát. Nhiều bậc cha mẹ thường lo lắng quá mức và không biết cách chăm sóc như thế nào là phù hợp.

Thực tế tuỳ theo mức độ thiếu men G6PD ở trẻ cao hay thấp mà cha mẹ có cách chăm sóc và kiêng cữ đúng cách, hạn chế hay loại bỏ hoàn toàn tác nhân chứa oxy hoá từ thực phẩm và thuốc. Dựa vào kết quả xét nghiệm, cha mẹ có thể tham vấn ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để có chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất với thể trạng từng bé.

Nhiễm trùng cũng là một tác nhân khiến bệnh khởi phát, vì thế cha mẹ cần cho bé tiêm phòng vacxin đầy đủ như virus viêm gan A, virus viêm gan B.

Khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn cấp tính, hồng cầu bị vỡ thì truyền máu cũng là một phương pháp cấp thiết để điều trị bệnh là giảm nhẹ triệu chứng do thiếu hụt men G6PD gây ra. Do tế bào hồng cầu của người hiến máu sẽ tồn tại lâu hơn giúp cơ thể được cung cấp đủ oxy cho mọi hoạt động sống diễn ra bình thường. Nếu tình hình bệnh chuyển biến nặng hơn các bác sĩ sẽ tiến hành phương pháp lọc máu cho bệnh nhân.

Một số lưu ý bậc phụ huynh có thể tham khảo như sau:

  • Tránh xa các loại thuốc có thể gây ra tán huyết cho bé, thông thường thuộc các nhóm thuốc tẩy giun có chứa Niridazole, Stibophen,thuốc kháng sinh chứa Nitrofuran, Chloramphenicol, thuốc trị sốt rét chứa mepacrine, sử dụng thuốc có Vitamin K…
  • Khi trẻ bị bệnh hoặc sốt cao nếu cha mẹ không rành về thuốc không nên tùy tiện sử dụng, cách tốt nhất là đưa bé đến bệnh viện và nói rõ tình trạng bệnh thiếu men G6PD để được bác sĩ chuyên khoa điều trị đúng cách.
  • Tuyệt đối không được sử dụng long não (băng phiến) trong nhà, để những nơi trẻ dễ tiếp xúc như tủ quần áo, phòng ngủ, trên giường…
  • Không nên sử dụng các loại thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ đặc biệt là các thuốc bổ trợ khác bên cạnh thuốc tây như thuốc đông y, thuốc nam, các loại dược liệu phơi khô…
  • Đậu Fava hay còn gọi là đậu tằm là tác nhân gây oxy hoá mạnh không được sử dụng cho trẻ thiếu men G6PD.
  • Bên cạnh đó cần hết sức lưu ý khi sử dụng các loại họ đậu và sản phẩm từ đậu như: Đậu nành, đậu đen, đậu đỏ, đậu hà lan, đậu đũa…
  • Các thực phẩm chứa Sulfite là chất chứa oxi hoá cũng nên hạn chế như: Rau diếp cá, khoai tây chiên, sốt cà chua đóng hộp…
  • Không chỉ tránh xa những loại thực phẩm chứa chất oxy hóa cao cho người mắc bệnh thiếu men G6PD mà cả đối với mẹ sau sinh nuôi con bằng sữa mẹ cũng nên lưu ý để không sử dụng các loại thực phẩm này. Vì thông qua nguồn sữa mẹ cũng sẽ gây nên những ảnh hưởng trực tiếp đối với cơ thể của trẻ.
vcCOZ8qmWtwzOWc1nBBCFJv26pMhHMN33rDcI1a5hUwkxa76uZNEOdDrjeNP0dDh0RDe6X9wOexttVE8_1610703119.png
Cần làm gì khi trẻ bị thiếu men G6PD?

Như vậy thiếu men G6PD ở trẻ là một bệnh nếu cha mẹ hiểu rõ và tránh các tác nhân khởi phát bệnh sẽ giúp trẻ có một cuộc sống bình thường và phát triển khoẻ mạnh. Để làm được điều này cha mẹ cần nên lưu tâm đến những biểu hiện của trẻ và cách tốt nhất là làm sàng lọc trẻ sơ sinh để chủ động trước bệnh thiếu men G6PD.

Hãy chọn chi nhánh gần bạn để thăm khám và nhận kết quả trực tuyến nhanh chóng. Để tham khảo về các nhóm xét nghiệm và bảng giá, quý khách vui lòng truy cập Tại Đây.

Trang này không thể và không chứa đựng thông tin tư vấn y khoa. Các nội dung này được cung cấp chỉ nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền, không thay thế cho bất kỳ tư vấn y khoa nào. Theo đó, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin này, vui lòng gặp nhân viên y tế phù hợp để được tư vấn.