Nhiều người bị đau bụng thường xuyên ở vùng hạ sườn, kèm sốt cao nhưng thường lơ là không nghĩ rằng mình có nguy cơ bị sỏi ống mật chủ.
Vậy sỏi ống mật chủ là gì? Có dấu hiệu như thế nào để phân biệt với các bệnh lý khác? Điều trị sỏi đường mật có hết hoàn toàn không? Bài viết này sẽ giúp bạn có thêm thông tin để phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh này.
Sỏi Ống Mật Chủ Là Gì?
Ống mật chủ là gì? Có thể hiểu đơn giản rằng ống mật chủ đảm nhiệm vai trò dẫn dịch mật trực tiếp từ gan hoặc túi mật xuống đến tá tràng nhằm mục đích giúp hỗ trợ tiêu hoá chất béo.
Sỏi ống mật chủ (OMC) là một căn bệnh không hiếm gặp. Khi có sự xuất hiện của các viên sỏi trong ống mật chủ (đường dẫn mật từ gan nối với túi mật dẫn đến tá tràng) được gọi là sỏi ống mật chủ.
Sỏi ống mật chủ được chia ra thành 2 loại dựa vào thành phần cấu tạo như sau:
- Sỏi sắc tố (thành phần chứa nhiều sắc tố của mật và lipid).
- Sỏi cholesterol (thành phần chứa nhiều cholesterol).
Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh sỏi sắc tố cao hơn sỏi cholesterol. Nhưng ở các nước phương Tây thì bệnh nhân mắc bệnh sỏi ống mật chủ cholesterol chiếm nhiều hơn.
Ở mỗi bệnh nhân sẽ có số lượng sỏi và kích thước khác nhau. Có trường hợp sỏi chỉ xuất hiện đơn độc, hoặc xuất hiện với số lượng khoảng 2, 3 viên sỏi nằm trong túi mật hoặc ở vị trí đường mật trong gan.
Nguyên Nhân Gây Ra Sỏi Ống Mật Chủ
Sỏi túi mật nguyên phát: Khi cơ thể bị nhiễm trùng và bị vi khuẩn xâm nhập vào ống mật sẽ gây ra hiện tượng viêm nhiễm, các thành phần của dịch mật bị kết tủa lại tạo thành sỏi mật.
Nếu bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng là các loại giun sán đi lạc, trứng giun rớt vào ống mật sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các sắc tố trong túi mật bám vào bề mặt tạo thành sỏi.
Thêm nguyên nhân khác là khi các thành phần của dịch mật trong cơ thể mất cân bằng sẽ gây ra sỏi mật. Khi sỏi mật này bị lọt xuống ống dẫn mật thông qua đường dẫn mật trong gan sẽ được gọi là sỏi ống mật chủ.
Mặc dù ai cũng có khả năng bị sỏi ống mật chủ, nhưng những người là đối tượng nguy cơ dễ mắc bệnh này là:
- Phụ nữ trong thời kỳ mang thai.
- Người bước vào giai đoạn tiền mãn kinh.
- Những người có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường hoặc bị béo phì.
- Bệnh nhân đã từng cắt túi mật.
- Người ăn chay trường.
- Những người ít vận động.
- Giảm cân một cách đột ngột.
Triệu Chứng Của Sỏi Ống Mật Chủ
Triệu chứng lâm sàng của sỏi ống mật chủ mà người bệnh có thể gặp phải như sau:
Đau vùng hạ sườn phải
Người bệnh sỏi ống mật chủ thường xuất hiện những cơn đau hạ sườn bên phải một cách đột ngột. Cơn đau có xu hướng lan ra phía sau lưng hoặc lan lên bả vai. Có những trường hợp đau thường kéo dài từ 2 – 3 tiếng.
Sau khi ăn no thì người bệnh lại có cảm giác đau dữ dội hơn. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do kích thước đường mật to hơn bình thường và co thắt mạnh gây ra sự đau đớn.
Sốt
Triệu chứng của sỏi mật là hiện tượng sốt cao từ 39 – 40 kèm theo cơn co giật hoặc rét run. Cơn sốt thường xuất hiện cùng lúc với cơn đau hạ sườn hoặc sau khi cơn đau kết thúc vài giờ khiến người bệnh có cảm giác rất mệt mỏi.
Biểu hiện do bị nhiễm trùng
Người mệt mỏi, môi khô nứt nẻ, lưỡi bẩn, sụt cân một cách không kiểm soát.
Vàng da, vàng tròng mắt
Khi chất Bilirubin trong máu tăng cao sẽ gây ra hiện tượng vàng da và vàng tròng mắt. Đây là triệu chứng dễ nhận biết nhưng thường xuất hiện muộn hơn những triệu chứng khác.
Ban đầu, người bệnh chỉ bị vàng nhẹ ở trong mắt, về sau lan dần ra khắp cơ thể và niêm mạc với màu sắc vàng sẫm.
Cùng với sốt và đau hạ sườn, vàng da là một trong 3 biểu hiện nổi bật nhất của sỏi ống mật chủ, thường xuất hiện rồi biến mất, sau một thời gian lại tiếp tục tái phát.
Túi mật sưng to
Có những trường hợp bệnh nhân sẽ cảm nhận và nhìn thấy được túi mật căng to với kích thước như quả trứng gà ở vị trí hạ sườn bên phải, khi sờ vào có cảm giác rất đau.
Xuất hiện các điểm đau
Ở vị trí của gan, mật nằm bên phải của ổ bụng, khi bệnh nhân dùng ngón tay ấn vào sẽ có cảm giác đau.
Ngoài ra bệnh nhân bị sỏi ống mật chủ còn gặp phải những biểu hiện khác như:
- Có vấn đề về tiêu hóa, thường xuyên buồn nôn.
- Phân bạc màu khi người bệnh bị tắc ống mật hoàn toàn.
- Tình trạng tiểu ít, nước tiểu chuyển sang màu sẫm như nước vối.
- Một triệu chứng sỏi ống mật ít gặp hơn là ngứa da do bị nhiễm độc muối mật.
Biến Chứng Của Sỏi Mật
Nhiều người quan tâm biến chứng của sỏi ống mật chủ là gì? Khi sỏi ống mật chủ không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh như:
Viêm đường mật: Khi có sỏi trong ống dẫn mật sẽ khiến lượng dịch mật bị ứ nghẹn lại, tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển gây ra viêm đường mật.
Áp xe đường mật, gan: Tình trạng viêm đường mật kéo dài sẽ dẫn đến áp xe đường mật. Nếu vị trí viêm nhiễm bắt đầu lan rộng đến gan sẽ gây ra viêm gan và áp xe gan.
Chảy máu đường mật: Khi bị áp xe sẽ gây ra lở loét khiến ống mật sẽ thông với các mạch máu trong gan dẫn đến tình trạng nôn ra máu và cả đi ngoài phân đen. Chảy máu đường mật thường kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Viêm phúc mạc mật: Dịch mật bị ứ nghẹn không chỉ gây viêm túi mật mà còn có nguy cơ thấm qua thành túi mật đi vào ổ bụng gây ra tình trạng viêm phúc mạc mật. Đây cũng là một trong những biến chứng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp sẽ có nguy cơ tử vong cao.
Bị sốc nhiễm trùng đường mật: Khi bị sỏi ống mật chủ kéo dài, bệnh nhân có thể rơi vào trường hợp sốc nhiễm trùng đường mật, với tỷ lệ tử vong rất cao.
Xơ gan ứ mật: Đây cũng là một biến chứng nguy hiểm của sỏi ống mật gây nên nhưng ít gặp hơn, làm suy giảm chức năng gan, lâu dài có thể chuyển từ xơ gan sang ung thư gan.
Chẩn Đoán Sỏi Ống Mật Chủ
Để chẩn đoán sỏi ống mật chủ, các bác sĩ sẽ phải dựa vào việc thăm khám ban đầu để tìm hiểu thông tin liên quan như tiền sử gia đình, triệu chứng. Tiếp đến, thông qua những phương pháp y khoa giúp chẩn đoán bệnh như sau:
- Xét nghiệm máu: Để kiểm tra tình trạng bạch cầu, tốc độ máu lắng và đo nồng độ chất Bilirubin trong máu…
- Xét nghiệm nước tiểu: Quan sát màu sắc nước tiểu và phân tích các thành phần trong nước tiểu. Khi bệnh nhân bị sỏi ống mật chủ thì trong nước tiểu thường có nhiều sắc tố mật và cả muối mật.
- Chụp X quang: Thông qua phim X quang sẽ quan sát được hình ảnh của đường mật trong cơ thể, phát hiện sỏi đường mật, vị trí, kích thước của sỏi nếu có.
- Siêu âm: Thường có giá trị chẩn đoán cao, giúp xác định được kích thước đường mật, túi mật và cả sỏi mật nếu có.
- Chụp cắt lớp vi tính: Có giá trị trong việc phát hiện những tổn thương nhỏ mà các xét nghiệm khác khó nhận ra ở tuỵ và gan.
- Chụp cộng hưởng từ hạt nhân: Thông qua phương pháp này sẽ thấy được các đường ống trong cây đường mật một cách rõ ràng.
Điều Trị Sỏi Ống Mật Chủ
Điều trị sỏi ống mật chủ thường được áp dụng nhằm làm giảm tình trạng tắc nghẽn bao gồm các phương pháp sau:
Điều trị không phẫu thuật thường áp dụng đối với trường hợp bệnh nhân bị tắc mật cấp tính, hoặc tắc mật do nhiễm trùng bằng các loại kháng sinh giúp ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Giải phẫu ống mật chủ:
- Mổ nội soi sỏi ống mật chủ hoặc mổ hở để lấy sỏi ra bên ngoài, giúp lưu thông đường mật.
- Khi bệnh nhân bị sỏi ống mật chủ kèm cả sỏi túi mật sẽ phải áp dụng phương pháp giải phẫu cắt túi mật, đồng thời lấy sỏi bằng cách mổ nội soi.
Tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh nhân ở các mức độ nghiêm trọng khác nhau như vị trí, kích thước sỏi và biến chứng bệnh sẽ được áp dụng phác đồ điều trị bao gồm cả phương pháp giải phẫu ống mật chủ thích hợp.
Chăm Sóc Bệnh Nhân Sỏi Ống Mật Chủ
Chăm sóc bệnh nhân sỏi ống mật chủ sau khi phẫu thuật là điều vô cùng quan trọng. Nếu bệnh nhân được chăm sóc đúng cách sẽ giúp nhanh chóng hồi phục và ngăn ngừa những biến chứng xảy ra.
Ngay sau khi điều trị bệnh nhân sẽ được các bác sĩ tiếp tục theo dõi các chỉ số. Bên cạnh đó người nhà cũng cần hỗ trợ, khi có dấu hiệu bất thường như vết thương chảy máu, bệnh nhân khó thở cần báo ngay cho y tá hoặc bác sĩ.
Bệnh nhân có thể ăn uống sau khi phẫu thuật 6 – 8 tiếng. Nên chọn thức ăn dễ tiêu hoá, thanh đạm như cháo hoặc súp.
Sau khi được xuất viện, người nhà nên tham khảo ý kiến bác sĩ về cách chăm sóc bệnh nhân cũng như chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Cần theo dõi bệnh nhân thường xuyên để kịp thời phát hiện các biến chứng sau phẫu thuật và lập tức đưa họ đến bệnh viện để kiểm tra.
Vài ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ bắt đầu xuất hiện các cơn đau do vết thương chưa lành. Bệnh nhân không nên di chuyển mạnh, cần được kiểm tra vết thương và thay băng thường xuyên. Bên cạnh đó, có thể nằm ở tư thế fowler để giảm được cảm giác đau và khó chịu.
Nên có chế độ luyện tập phù hợp với sức khỏe mỗi ngày và cần tái khám theo định kỳ để đảm bảo tình trạng hồi phục tốt và không có biến chứng xảy ra.
Như vậy, sỏi ống mật chủ là căn bệnh gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh. Nếu không được điều trị sớm sẽ tìm ẩn những biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, mọi người nên quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ và những triệu chứng có thể do sỏi mật gây ra để có hướng điều trị sớm, tránh được những rủi ro không đáng có.
Hãy chọn chi nhánh gần bạn để thăm khám và nhận kết quả trực tuyến nhanh chóng. Để tham khảo về các nhóm xét nghiệm và bảng giá, quý khách vui lòng truy cập Tại Đây.
Trang này không thể và không chứa đựng thông tin tư vấn y khoa. Các nội dung này được cung cấp chỉ nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền, không thay thế cho bất kỳ tư vấn y khoa nào. Theo đó, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin này, vui lòng gặp nhân viên y tế phù hợp để được tư vấn.