Trở lại

Dị Ứng Ở Trẻ Là Gì? 5 Loại Dị Ứng Thường Gặp Ở Trẻ Nhỏ

Dị ứng ở trẻ em là tình trạng phản ứng của hệ thống miễn dịch quá mức khi ăn uống, hít thở, khi bị tiêm/chích/đốt hay sờ vào một vật nào đó có thể gây ra tình trạng dị ứng. Dị ứng ở trẻ có nhiều dạng, có thể ảnh hưởng tới những bộ phận khác nhau trên cơ thể, dẫn tới các biểu hiện khác nhau.

5 Loại Dị Ứng Thường Gặp Nhất Ở Trẻ

1. Viêm Da Cơ Địa (Chàm Thể Tạng)

owJ1pinopAngWlenFLIiYiUKxRV5uDfjykG4KDWCoBZqdYKwlWzCaqPtUMP61diMC16ceDWP7Lu4Gru1_1608612237.jpg
Viêm da cơ địa (Chàm thể tạng) là một trong những dị ứng ở trẻ khá phổ biến hiện nay

Viêm da cơ địa (Atopic Dermatitis) hay còn có tên gọi khác là chàm thể tạng là một trong số những dạng dị ứng phổ biến nhất ở trẻ. Đây là tình trạng lớp bảo vệ da bị tổn thương khiến da dễ mất nước và trở nên khô hơn. Các vi khuẩn bên ngoài cũng có điều kiện xâm nhập, gây nên mụn nước và các nốt mẩn đỏ khiến các bé cảm thấy ngứa ngáy.

Biểu hiện thường thấy nhất ở bệnh là da nổi sần, có những đám da đỏ, nổi mụn nước, da phù nề, đóng vảy tiết,…Bệnh thường xuất hiện ở các khu vực như hai bên má, trán, cằm của trẻ. Nếu nặng hơn có thể lan ra cánh tay, thân mình,….Ở những giai đoạn khác nhau bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau.

Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em nếu có thường xuất hiện trong giai đoạn các bé từ 3 tháng tuổi và có thể kéo dài tới khoảng 5 tuổi. Đối với các bé lớn hơn thì tỉ lệ mắc viêm da cơ địa ở mức thấp (thường chỉ là 10%). Hầu hết loại dị ứng ở trẻ này thường biến mất khi trẻ trưởng thành. Một số trường hợp đặc biệt viêm da cơ địa bị tái phát nhiều lần, gây ảnh hưởng tới cuộc sống và tâm lý cho trẻ.

Nguyên nhân của loại dị ứng ở trẻ này chủ yếu là do di truyền. Nếu người thân trong nhà, đặc biệt là cha, mẹ của bé từng bị viêm da cơ địa khi còn nhỏ thì em bé đó cũng có nguy cơ mắc viêm da cơ địa cao hơn.

Ngoài ra, nguyên nhân còn có thể do các yếu tố từ bên ngoài tác động như: chất thải từ môi trường, dị ứng do quần áo, vải móc, mùi hương hay do dị ứng thức ăn, dị ứng sữa,….

Viêm da cơ địa là một trong những loại dị ứng ở trẻ khá phổ biến. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như: để lại sẹo vĩnh viễn trên cơ thể bé khiến bé tự ti, ảnh hưởng tới cuộc sống sau này. Ngoài ra, bệnh còn có thể làm ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa khiến bé chán ăn, dẫn tới suy dinh dưỡng. Trường hợp bệnh nặng còn có thể tác động tới hệ thần kinh của bé. Do đó cần đưa bé tới gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị đúng cách.

2. Viêm Mũi Dị Ứng Và Viêm Kết Mạc Dị Ứng

Viêm mũi dị ứng và viêm kết mạc dị ứng là dạng dị ứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Trong đó:

  • Viêm mũi dị ứng ở trẻ em là tình trạng màng lót bên trong mũi (niêm mạc) bị viêm do dị ứng khi tiếp xúc với các tác nhân bên ngoài và bên trong cơ thể. Khi đó cơ thể sẽ giải phóng histamin gây nên tình trạng sưng, ngứa và tích tụ chất lỏng ở bên trong mũi. Tình trạng này có thể xảy ra quanh năm hoặc xuất hiện theo mùa.

Đặc biệt, ở những vùng có khí hậu hàn đới như ở miền Bắc nước ta thì hai mùa dễ khiến các bé mắc viêm mũi dị ứng nhất là mùa xuân và mùa đông. Lúc này, phấn hoa phát tán nhiều và độ ẩm trong không khí cao khiến nấm mốc có điều kiện phát triển.

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ chủ yếu là do phản ứng của cơ thể bé khi gặp các vật thể lạ từ môi trường bên ngoài như thay đổi thời tiết, bụi bẩn, phấn hoa, lông chó mèo,…Đặc biệt, ở những trẻ có cơ địa dị ứng thì khả năng mắc viêm mũi dị ứng thường cao hơn.

Viêm mũi dị ứng mặc dù có triệu chứng không nặng nề nhưng thường khiến các bé cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Một số triệu chứng khi trẻ bị viêm mũi dị ứng như: hắt hơi, ngứa mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi,…

ns6Gyc6Sx8K8NsHDEwIbtcMrOZ20n3CD6Tf04QAoVFnXCouuRairtvp2P7osO8zvEu3ayCJ6b8Kbai4T_1608612350.jpg
Viêm mũi dị ứng ở trẻ em có thể xảy ra theo mùa hoặc xảy ra quanh năm
  • Viêm kết mạc dị ứng xảy ra do mắt tiếp xúc với một số dị nguyên (chất gây dị ứng) khiến kết mạc bị kích thích. Một số triệu chứng của viêm kết mạc dị ứng ở trẻ như chảy nước mắt, mắt ngứa và sưng đỏ hoặc có thể đau. Mặc dù có những triệu chứng khó chịu nhưng viêm kết mạc dị ứng ít gây nguy hiểm cho thị lực, thường chỉ tạm thời làm mờ mắt. Đặc biệt không giống với các bệnh như đau mắt đỏ, viêm kết mạc dị ứng hoàn toàn không lây nhiễm. Loại dị ứng này cũng thường xuất hiện theo các mùa trong năm hoặc có thể xuất hiện quanh năm.
IJsTJx1MPPMAPK7PMqHl0YAXx0Z6HzZaCMYswkTvDLDAwaWyjsDxs9rwoe8cuS43iWSqoayaaJ1jN90U_1608612744.jpg
Viêm kết mạc dị ứng có thể khiến trẻ bị chảy nước mắt,
mắt ngứa và sưng đỏ hoặc có thể gây đau

3. Dị Ứng Thức Ăn Ở Trẻ

Một trong những loại dị ứng ở trẻ thường gặp khác chính là dị ứng thức ăn, đặc biệt đối với các bé còn đang bú mẹ thì có thể là dị ứng sữa. Dị ứng thức ăn nói chung là triệu chứng của hệ miễn dịch cơ thể khi gặp phải những thành phần “lạ” có trong thức ăn gây nên phản ứng. Ở những đứa trẻ có cơ địa dị ứng thì khả năng bị dị ứng thức ăn cũng thường cao hơn.

Biểu hiện khi bé bị dị ứng thức ăn rất đa dạng, nhưng chủ yếu vẫn có 3 dạng biểu hiện chính sau:

  • Các biểu hiện liên quan đến đường tiêu hóa như đi ngoài phân lỏng, buồn nôn, chớ, đau bụng,…
  • Các biểu hiện ngoài da như nổi ban đỏ bên trong hoặc quanh miệng, phù môi, phù mặt,…
  • Biểu hiện ở vùng mắt, mũi như chảy nước mắt, ngạt mũi, ngứa mũi,….

Một số trường hợp dị ứng nặng có thể gây co thắt phế quản, tụt huyết áp, phù thanh môn,….Các triệu chứng này thường tiến triển rất nhanh, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.

Khi bị dị ứng thức ăn, đa phần các bé sẽ có biểu hiện sớm. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp trẻ xuất hiện triệu chứng muộn, có thể là vài ngày sau khi ăn thức ăn nên cha mẹ cần theo dõi bé thật kỹ. Nếu có những dấu hiệu bất thường cần đưa đến các cơ sở y khoa sớm nhất.

4buUFerzBMVPCeOdkri4Yj7gblZ7Z2CeLIFcBxcvJ7q0cXSpbvbWiPsoyyYhuRrBSkgRB3MvpIia1Vkv_1608612795.jpg
Dị ứng thức ăn hay dị ứng sữa ở trẻ có thể xuất hiện triệu chứng sớm hoặc muộn,
cha mẹ cần theo dõi kỹ khi cho bé ăn những đồ “lạ”

4. Hen Phế Quản

Hen phế quản là một trong những bệnh liên quan tới đường hô hấp ở trẻ nhỏ. Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh hen phế quản ở trẻ nhỏ, một trong số đó là do cơ địa của bé và do các yếu tố từ môi trường khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Những trẻ em mắc bệnh hen phế quản thường có những biểu hiện như thường xuyên ho ngay cả khi trẻ đang ngủ hoặc có thể ho nhiều hơn khi thời tiết lạnh hay khi bé vận động, thở khò khè, tức ngực hoặc ngực tắc nghẽn,…Những triệu chứng này có thể gây nên tình trạng khó ngủ ở bé, nhiễm trùng đường hô hấp, gây mệt mỏi, ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của bé.

Để có thể tìm ra được nguyên nhân chính xác cần tiến hành xét nghiệm để tìm ra các dị nguyên gây ra cơ hen ở trẻ. Ngoài ra còn cần khai thác tiền sử gia đình để xem trong gia đình từng có người có tiền sử bị hen hay không. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu sức khỏe trên cần đưa bé tới gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

wtFySllQE047kPtuuHLUZVpt2TUxqjl9Ly8uYdRvbuXDcsTnN7eU7g5HK8DRlAHWHMPX6wmLQLfZtcKx_1608612997.jpg
Một trong những nguyên nhân gây hen phế quản là do cơ địa và tác nhân từ môi trường
khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn

5. Mày Đay ấp Và Mạn

Mày đay là một loại dị ứng ở trẻ xuất hiện do cơ thể tiếp xúc với các dị nguyên lạ hoặc cũng có thể xuất hiện trong trường hợp bị các loại dị ứng nói trên. Mày đay thông thường được chia thành 2 dạng là mày đay cấp (là loại mày đay xuất hiện trong thời gian ngắn thường phản ứng trong 24h và có thể bị kéo dài tới 6 tuần) và mày đay mạn (là mày đay tồn tại trong thời gian dài, thời gian tồn tại trên cơ thể trên 6 tuần được coi là mày đay mạn). Ngoài ra, còn một số dạng khác như mày đay vật lý, phù mạch, mày đay tiếp xúc, viêm mạch mày đay.

Khi trẻ mắc bệnh mày đay cần được xe đi khám và xét nghiệm dị nguyên hoặc xét nghiệm máu để tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị phù hợp. Mày đay cũng có thể tự hết, tuy nhiên với những trường hợp bị nặng và kéo dài có thể phải sử dụng thuốc uống hoặc tiêm.

5MmLO3oDlwodjeAMCFJlIgJjLRspwEkfjFGiXhYQ8ahFwpyWQjxYXyUnUPgsUCbdNj6kZW7Zqj1OajL1_1608613066.jpg
Mày đay thông thường (gồm mày đay cấp và mạn tính) là một loại dị ứng thường gặp ở trẻ nhỏ

Dị ứng ở trẻ em là tình trạng phổ biến. Tuy nhiên, cần được theo dõi và xử lý sớm để không để lại những hậu quả đáng tiếc. Khi trẻ có những dấu hiệu dị ứng trên cha mẹ cần đưa bé tới các sơ sở y tế chuyên khoa để tìm được nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống bất kỳ loại thuốc dị ứng nào nếu chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Nên lựa chọn những cơ sở y khoa uy tín, đầy đủ trang thiết bị hiện đại để được chẩn đoán chính xác nhất.

Trang này không thể và không chứa đựng thông tin tư vấn y khoa. Các nội dung này được cung cấp chỉ nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền, không thay thế cho bất kỳ tư vấn y khoa nào. Theo đó, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin này, vui lòng gặp nhân viên y tế phù hợp để được tư vấn.