Trở lại

Tìm Hiểu Bệnh Lý Liên Quan Đến Dây Chằng Khớp Vai Và Cách Điều Trị?

Dây chằng khớp vai là nơi dễ gặp tổn thương, nhất là trong những hoạt động dùng quá sức như chơi thể thao, với những biểu hiện đau âm ỉ kéo dài, khiến người bệnh hạn chế vận động và sinh hoạt.

Vậy khi dây chằng bị tổn thương thì cách xử lý như thế nào? Trong trường hợp nào nên đi gặp bác sĩ để điều trị là những thông tin quan trọng bạn có thể tìm hiểu thông qua bài viết này.

Tìm Hiểu Về Dây Chằng Khớp Vai

Cấu tạo của khớp vai bao gồm xương đòn, xương bả vai, chỏm xương cánh tay kết hợp cùng các mô mềm ở vai để tạo nên khớp vai có thể cử động linh hoạt.

Ở nơi giao nhau của các xương tạo nên khớp ổ chảo cánh tay và khớp cùng đòn, trong đó nhiệm vụ giữ các khớp là do dây chằng khớp vai và bao khớp đảm nhiệm. 

Để chỏm xương cánh tay có thể treo được vào ổ chảo – cánh tay phải nhờ vào các gân cơ bao quanh khớp vai (còn gọi là chóp xoay) và dây chằng.

me3x38nB2ozVoaQ8pMOGiLSjPERPQuTgP7NWvLBypAkOvGg8VKnd79wxoCInUgE5YQ1WR5fbh64G8rNg_1615460771.jpg
Dây chằng khớp vai cho phép cánh tay cử động một cách linh hoạt

Trên thực tế, hệ dây chằng của khớp vai (coracohumeral ligament) chỉ có dây chằng quạ cánh tay, có vị trí nằm tự mỏm quạ kéo dài đến bao khớp. Đối với dây chằng ổ chảo – cánh tay (glenohumeral ligaments) lại được tạo thành nhờ vào sự dày lên của bao khớp.

Được đánh giá là khớp linh hoạt nhất trong cơ thể, dây chằng bả vai giúp cho cánh tay có thể di chuyển một cách tự do và nhẹ nhàng nhưng đây cũng là nguyên do khiến xương vai dễ gặp những tổn thương ở mô mềm.

Những nguyên nhân có thể dẫn đến đứt dây chằng hay làm chấn thương bả vai có thể xuất phát từ:

  • Khi thực hiện những động tác của khớp có biên độ lớn, đột ngột, hoặc kéo dài.
  • Bao khớp bị mỏng.
  • Khớp ổ chảo – cánh tay bị bất ổn định.
  • Do dây chằng bị lỏng lẻo hoặc có sự thiếu hụt xảy ra.
  • Khi các cơ bắp đảm nhiệm vai trò quanh khớp vai bị yếu đi.

Triệu Chứng Khi Dây Chằng Khớp Vai Gặp Vấn Đề

Một trong những tổn thương ở dây chằng khớp vai là đứt dây chằng. Thông thường, triệu chứng điển hình nhất của đứt dây chằng bả vai là người bệnh có cảm giác đau dữ dội với những cơn đau đến một cách đột ngột. Ngoài ra, cũng có thể xuất hiện những triệu chứng khác bao gồm:

2FnEyWsdmQPHYuOZVJu7H1iwcP5IcG7RFTYFCYuRGdfOhvlMvflSK8UytzTgZUFllBc4PdGpraqeAuIn_1615460852.jpg
Triệu chứng điển hình khi bị đứt dây chằng bả vai
  • Ở vùng vai bị tổn thương xuất hiện vết bầm tím.
  • Bị sưng khớp vai.
  • Vận động ở khớp vai gặp khó khăn.
  • Sau khoảng 2 – 3 tuần không được điều trị, đứt dây chằng có thể xuất hiện tình trạng teo cơ quanh vai.

Đối với trường hợp đứt dây chằng thường gặp ở những vận động viên thể thao hoặc những người làm việc thường xuyên phải tác động lực mạnh khiến dây chằng khớp vai dễ gặp tổn thương.

Một bệnh lý phổ biến khác liên quan đến dây chằng khớp vai là giãn dây chằng. Giãn dây chằng tay hay giãn khớp vai thường do căng khớp quá phạm vi cho phép trong những hoạt động đột ngột, hoặc khi người bệnh ngồi sai tư thế kéo dài, hoặc cũng có thể xuất phát từ vấn đề tuổi tác khiến cho dây chằng bị dãn. Về triệu chứng, ở giai đoạn đầu, nếu bị giãn dây chằng bả vai sẽ có những biểu hiện như:

  • Vùng bả vai, sau gáy bị sưng đỏ, chạm vào có cảm giác đau.
  • Xuất hiện những cơn đau kèm theo cảm giác hơi nhói thường, đến đột ngột nhưng thưa thớt và cảm giác đau tự giảm dần sau một khoảng thời gian.
  • Giãn dây chằng nếu không được điều trị sớm sẽ phát triển một cách âm thầm, dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm.
  • Nếu tình trạng kéo dài, cơn đau sẽ lan rộng ra cánh tay, xuống vùng lưng và cảm giác đau thường liên tục và dữ dội hơn trước.

Đối với giãn dây chằng khớp vai, người bệnh còn có cảm giác mệt mỏi, gây khó khăn trong vận động và dễ bị trật khớp vai.

Mặc dù đây là bệnh lý khớp vai không quá nguy hiểm nếu nghỉ ngơi, điều trị đúng cách nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn của bệnh nhân tuân theo phác đồ điều trị, vì cách trị giãn dây chằng vai tương đối phức tạp và kéo dài.

Vxb4mXFXnbi0EK5Usia243EDhD8hIawVlxLqyk5fPv8xGGrN4awtHYs58A35oPiCzlzi4so8hbSqr57v_1615460970.jpg
Bị trật khớp vai khi ngủ là tình trạng có thể gặp ở mọi lứa tuổi

Bị trật khớp vai khi ngủ cũng không phải là tình trạng hiếm gặp, với những triệu chứng điển hình là cảm giác đau âm ỉ hoặc dữ dội kéo dài tuỳ mức độ ở vùng vai gáy, nếu tình trạng nặng hơn sẽ gây chóng mặt, ù tai, người mệt mỏi… khiến nhiều người lo lắng rằng liệu có gây ra nguy hiểm nghiêm trọng không.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, trật khớp vai khi ngủ không phải là vấn đề quá nghiêm trọng, có thể khỏi sau vài tuần điều trị không cần phẫu thuật.

Tuy nhiên, cũng không nên quá chủ quan, nếu trật khớp vai không được điều trị hồi phục đúng cách có thể dẫn đến một số biến chứng làm tổn thương dây thần kinh, gây khó khăn trong vận động và khó đi vào giấc ngủ, nguy hiểm hơn có thể làm cánh tay mất cảm giác không cử động được.

Nên Làm Gì Khi Đau Dây Chằng Khớp Vai?

Giãn dây chằng vai bao lâu thì khỏi? Hay giãn dây chằng cổ tay bao lâu thì khỏi là những thắc mắc chung của nhiều người khi bị giãn dây chằng nói chung.

Tuỳ thuộc vào tình trạng tổn thương, mới có thể khẳng định được chính xác thời gian hồi phục của bệnh nhân. Bên cạnh đó, quá trình điều trị cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Mức độ nặng nhẹ của tình trạng tổn thương, trật khớp… ở dây chằng khớp vai.
  • Phác đồ điều trị thích hợp và hiệu quả.
  • Sự phối hợp giữa bác sĩ và bệnh nhân, cũng như kiêng cữ thay đổi thói quen sinh hoạt hợp lý.

Nhưng yếu tố đầu tiên người bệnh cần nhớ là khi bị chấn thương bả vai có những triệu chứng của đứt dây chằng, giãn dây chằng… với những cơn đau khớp bả vai dữ dội thì không nên tự điều trị tại nhà mà hãy đến bệnh viện để được can thiệp y tế, điều trị sớm đúng theo tình trạng bệnh.

Trong trường hợp, giãn dây chằng ở mức độ nhẹ, không có cảm giác đau đớn dữ dội thì tình trạng sẽ dần cải thiện theo thời gian, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh để nhanh chóng hồi phục. Nhưng nếu cảm giác đau kéo dài không có dấu hiệu thuyên giảm hay cơn đau xuất hiện với tần suất dày đặc cần đến bệnh viện để được thăm khám chính xác nhất.

Chẩn Đoán Tổn Thương Dây Chằng Khớp Vai

Khi thăm khám, đầu tiên bác sĩ sẽ khai thác những thông tin để có cơ sở chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân  như:

  • Thời điểm bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những cơn đau, tình trạng kéo dài trong bao lâu.
  • Cần miêu tả cơn đau một cách chi tiết để có thêm cơ sở xác định.
  • Tiền sử bị đau trước đó, bệnh lý.
  • Các phương pháp điều trị trước đó mà bệnh nhân đã áp dụng.
  • Thói quen sinh hoạt sau khi gặp chấn thương xuất hiện cơn đau.

Việc đánh giá được tình trạng tổn thương ở bả vai, giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân, xác định mức độ nghiêm trọng để có phác đồ điều trị thích hợp nhất. Thường những phương pháp chẩn đoán được áp dụng là:

Vx18zOHi7QiJoJEMdFq5EUSSlZRGhseRItz5VCHsJXdWgf1KpJDgQ9ghRwHN4YHAwzzFCjXHlicDupOZ_1615461078.jpg
Chẩn đoán và điều trị khi gặp tổn thương dây chằng khớp vai như thế nào?
  • Quan sát tìm kiếm những dấu hiệu bất thường ở vị trí vùng vai tổn thương như bị sưng đỏ, cơ bị yếu, dị dạng…
  • Kiểm tra đánh giá biên độ vận động ở khớp vai, vùng gân, sức mạnh của cơ vai có vấn đề hay không.
  • Chụp X quang, chụp CT: Giúp bác sĩ quan sát được hình ảnh một cách chi tiết nhất, phát hiện những tổn thương nếu có ở khớp vai của bệnh nhân.
  • Chụp X quang có sử dụng thuốc cản quang: Đây là phương pháp có thể thấy được tổn thương nếu có ở khớp và quan sát một cách rõ nhất về cấu trúc gân cơ xung quanh vùng bị tổn thương.
  • Chụp MRI và siêu âm: Phát hiện được những dấu hiệu đứt dây chằng vai, xem chi tiết về hình ảnh ở những mô mềm và tổn thương liên quan đến gân cơ bao khớp vai.
  • Đo điện cơ: Đây là phương pháp nhằm đánh giá được chức năng thần kinh.
  • Nội soi khớp: Thông qua nội soi khớp sẽ giúp bác sĩ tìm hiểu được nguyên nhân chính xác dẫn đến đau dây chằng khớp vai và phát hiện được những tổn thương liên quan đến mô mềm.

Điều Trị Dây Chằng Khớp Vai Bị Tổn Thương Như Thế Nào?

Điều trị bằng thuốc

Khi đã xác định được nguyên nhân dẫn đến những cơn đau dây chằng vai gáy hay mức độ tổn thương, tuỳ theo trường hợp bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể. Nhưng thông thường, có đến khoảng 90% những trường hợp đau khớp bả vai đáp ứng được phác đồ điều trị thông thường bằng cách dùng thuốc.

Y4gkcECBcJjiW0Jv8L6rNMUnmwWfcP0Bk1lfeqRRAE5n0eehetP7ckgLcGJk6HCahymKfP5FVf4wttWn_1615461170.jpg
Điều trị bằng thuốc giúp giảm tình trạng sưng viêm khi bị đau dây chằng khớp vai

Bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc có tác dụng giảm sưng, kháng viêm, cũng có thể yêu cầu chích thuốc tê hoặc corticoid trong một số trường hợp nhằm giảm đau cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc phải theo sự chỉ định của bác sĩ và khi có những vấn đề bất thường xảy ra cần thông báo ngay tránh việc lạm dụng thuốc giảm đau quá mức có thể dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn.

Phẫu thuật

Khi phương pháp vật lý trị liệu và dùng thuốc trong thời gian dài không đem lại hiệu quả cao, bác sĩ sẽ xem xét để chỉ định phẫu thuật ở những trường hợp nặng liên quan đến dây chằng khớp vai.

Có những phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng là phẫu thuật nội soi khớp vai giúp sửa chữa những mô bị rách, loại bỏ được những mô sẹo, hoặc mổ hở giúp phục hồi được tổn thương ở mức độ nặng và lan rộng như khi bệnh nhân bị gãy xương, rách cơ gân rộng hoặc trong trường hợp thay khớp vai.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cũng cần lưu ý tránh những thói quen không tốt hoặc tự chữa trị không đúng cách sẽ khiến tình trạng thêm nặng hơn như:

WsguSso53Re96YaKYANjJipWIMp6cGwUsxSJHJYubTjmwL8i9bemzUXUCFET0avmPEMUMNMiOlpx9ESS_1615461248.jpg
Tránh những sai lầm trong việc tự điều trị khiến tình trạng đau khớp vai thêm nặng
  • Tự ý nắn sửa khớp vai không theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Dùng một số loại dầu hoặc rượu xoa bóp tự điều trị.
  • Bất động quá mức dẫn đến tình trạng nghiêm trọng hơn.
  • Tập vật lý trị liệu và vận động không hiệu quả.
  • Việc vận động quá sức và không không chú trọng theo dõi sau điều trị.

Như vậy dây chằng khớp vai là nơi dễ gặp phải những tổn thương không mong muốn xuất phát từ nhiều nguyên do bởi chức năng khá đặc thù của khu vực này. Khi xuất hiện những triệu chứng liên quan đến dây chằng khớp vai như cơn đau dữ dội, kéo dài và hạn chế vận động, người bệnh nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh và tốt nhất nên đến bệnh viện để được chẩn đoán điều trị phù hợp nhất.

Trang này không thể và không chứa đựng thông tin tư vấn y khoa. Các nội dung này được cung cấp chỉ nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền, không thay thế cho bất kỳ tư vấn y khoa nào. Theo đó, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin này, vui lòng gặp nhân viên y tế phù hợp để được tư vấn.