Trở lại

Cách Bổ Sung Axit Folic Cho Mẹ Bầu An Toàn, Hiệu Quả Nhất

Cách bổ sung axit folic cho mẹ bầu như thế nào cho hiệu quả là vấn đề quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Bởi Axit folic là dưỡng chất cần thiết giúp dự phòng các dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Nếu thai sản không được bổ sung axit folic đầy đủ, sẽ có nguy cơ cao mắc phải các dị tật ống thần kinh đối với thai nhi. Do đó ngay từ khi có kế hoạch mang bầu, phụ nữ đã được khuyến cáo bổ sung axit folic.

Tổng Quan Về Axit Folic

Axit Folic là gì?

Axit folic là vitamin B9 – một loại vitamin nhóm B đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển của tế bào. Trong thời kỳ mang thai, axit folic tham gia vào quá trình hình thành và phát triển hệ thần kinh ở thai nhi, bao gồm não bộ và tủy sống. Bởi vậy việc bổ sung axit folic nên được thực hiện cả trước, trong và sau thai kỳ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.

Axit folic có phải là sắt?

Thực tế cho thấy có nhiều mẹ bầu lầm tưởng axit folic và sắt là một. Nguyên nhân có thể là do trong các sản phẩm bổ sung sắt thường kèm theo axit folic, nên nhiều mẹ đã nghĩ rằng axit folic là tên gọi khác của sắt.

VgYm1jtSy8HqHqGzCsRcgygvDqFAG7qmodFXKOuklfcRFC8WpxhJcXUIH7TJGpErAQTMS0W6kakEEYmu_1625591489.jpg
Axit folic và sắt là hai chất hoàn toàn khác nhau, có công dụng khác nhau, nhưng đều đóng vai trò quan trọng đối với phụ nữ mang thai

Thực ra đây là hai chất hoàn toàn khác nhau, có công dụng khác nhau. Tuy nhiên chúng đều có vai trò quan trọng trong thai kỳ ở phụ nữ mang thai. Bởi vậy mẹ bầu cần có kiến thức về axit folic cũng như sắt để tránh nhầm lẫn, dẫn tới việc bổ sung thừa thiếu mà không biết.

Axit folic có trong đâu?

Axit folic có nhiều ở đâu? Axit folic có nhiều trong thực phẩm nào? chắc hẳn là mối quan tâm của nhiều mẹ bầu. Theo các chuyên gia axit folic có nhiều trong các thực phẩm như:

  • Các loại rau lá xanh như: bông cải, rau chân vịt, đậu bắp, măng tây, rau diếp cá,..
  • Các loại hoa quả, trái cây: chuối, dưa gang, chanh, nước ép cam
  • Các loại hạt ngũ cốc, các loại đỗ: gạo lứt, đậu đen, đậu Hà Lan,..
  • Các thực phẩm lên men, nấm
  • Gan và thịt bò,…
kcy6LwA39zAXwY8c6YoktDu9ZKfpGrNybwJywXtMkH7LLaGIEnlTZ4VsR6HBYOGsc20CwaajaRAnVJem_1625591594.jpg
Các thực phẩm giàu axit folic như: bông cải xanh, chuối, cam, chanh, thịt bò, nấm, gạo lứt,…

Trên đây là những thực phẩm giàu axit folic cho mẹ bầu. Để đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thai kỳ các mẹ không nên bỏ qua những thức ăn chứa axit folic này.  

Vì Sao Cần Bổ Sung Axit Folic Cho Mẹ Bầu

Bổ sung axit folic không những đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của thai nhi mà còn góp phần đảm bảo sức khỏe của mẹ bầu.

  • Ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh cho trẻ

Axit folic ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ và tủy sống của trẻ. Thiếu hụt axit là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Trẻ có thể mắc các khuyết tật nghiêm trọng như chẻ đôi đốt sống, thai nhi vô sọ hay các bất thường ở não bộ.

  • Phòng ngừa thiếu máu ở mẹ

Axit folic là yếu tố không thể thiếu trong quá trình sản sinh hồng cầu của cơ thể. Bởi vậy bổ sung axit folic là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo quá trình nuôi dưỡng các tế bào trong cơ thể và ngăn ngừa bệnh thiếu máu ở phụ nữ mang thai. Trong thai kỳ, nếu mẹ bầu bị thiếu máu có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: sinh non, sảy thai, suy dinh dưỡng hoặc rối loạn tâm thần sau sinh,…Thai nhi sinh ra sẽ có nguy cơ chậm phát triển, bị thiếu máu và có nhiều khả năng mắc các bệnh về tim mạch.

  • Giảm khả năng mắc các bệnh ung thư

Một số thống kê cho thấy ở những người bổ sung đủ axit folic thì tỷ lệ mắc các bệnh ung thư đường tiêu hóa, ung thư vú, ung thư cổ tử cung thấp hơn so với những người không được bổ sung đầy đủ axit folic. Tuy nhiên vấn đề này vẫn còn cần nhiều bằng chứng hơn nữa để có thể kết luận.

0N8HFbaD3owjez3Fu58Tnq3v4OddkQoUsCF1VDK0Wfod6OBiHwPZVKoalnGtnAhamDFCHid7loLzq4xp_1625591708.jpeg
Bổ sung axit folic không những đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của thai nhi mà còn góp phần đảm bảo sức khỏe của mẹ bầu

Cách Bổ Sung Axit Folic Cho Mẹ Bầu An Toàn, Hiệu Quả Nhất

Từ trước, trong và sau khi mang thai mẹ bầu được khuyến cáo nên bổ sung đầy đủ axit folic để đảm bảo sức khỏe của mẹ và sự phát triển toàn diện của thai nhi. Hàm lượng đủ cho phụ nữ ở độ tuổi sinh sản được các chuyên gia đưa ra là 400 – 800 mcg axit folic/ngày. Tùy từng giai đoạn, hàm lượng axit folic mẹ bầu cần bổ sung hàng ngày sẽ thay đổi khác nhau. Cụ thể như sau:

  • Từ trước khi mang thai cho đến tháng thứ 3 của thai kỳ: 400mcg axit folic/ngày.
  • Trong những tháng còn lại của thai kỳ: 600mcg axit folic/ngày
  • Phụ nữ cho con bú: 500mcg axit folic/ngày
Din8TbirYcWMXqbw1qQS2uLZdChGpReRyk1K1A1NNk58V0jlig8euw3AvdU5uuR9mTt24k7fNSQGprbY_1625591820.jpg
Axit folic cần được bổ sung từ trước, trong và sau khi mang thai để đảm bảo sức khỏe của mẹ và sự phát triển toàn diện của thai nhi

Trong trường hợp người mẹ có nguy cơ cao sinh con bị các dị tật ống thần kinh, bác sĩ có thể đề nghị bổ sung axit folic mỗi ngày với liều cao hơn là khoảng 5mg cho đến khi thai nhi được 12 tuần. Việc làm này giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc khuyết tật thần kinh ở thai nhi.

Ngoài ra, ở một số phụ nữ có những yếu tố đặc biệt cần lưu ý tham khảo ý kiến bác sĩ về liều dùng axit folic sao cho phù hợp với tình trạng cơ thể:

  • Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường
  • Những người từng sinh con hoặc sảy thai bị khuyết tật ống thần kinh
  • Phụ nữ đang dùng thuốc chống động kinh
  • Người phụ nữ hoặc chồng có các dị tật bẩm sinh liên quan đến ống thần kinh
  • Trong gia đình có người thân bị khuyết tật ống thần kinh bẩm sinh

Axit folic có nhiều trong các thực phẩm mà chúng ta ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên trong quá trình chế biến nguồn axit folic có sẵn trong thực phẩm có thể dễ dàng bị mất đi. Vì vậy không nên tiến hành chế biến trong thời gian dài để tránh làm giảm hàm lượng axit folic trong thực phẩm.

Ngoài ra trong một số trường hợp, mẹ bầu gặp khó khăn khi hấp thu axit folic trực tiếp từ thực phẩm. Việc bổ sung từ thực phẩm tự nhiên cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết.

Do đó  mẹ bầu cần bổ sung thêm từ các viên uống chứa axit folic để đủ lượng axit folic cơ thể cần. Bổ sung vitamin trước khi mang thai góp phần bổ sung axit folic, đảm bảo mẹ và thai nhi có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh.

WDUB4Ca36OKLk7ISulvDbbttGrk8b5PxYDRNrxbgQScZhWA9pUq44peSBV3x6V2eJXP9T926twd7thIy_1625591924.jpg
Ngoài bổ sung axit folic từ thực phẩm thì mẹ bầu cần bổ sung thêm từ các viên uống chứa axit folic để đủ lượng axit folic cơ thể cần

Các mẹ có thể dễ dàng mua được các loại viên uống chứa axit folic từ các chế phẩm vitamin tổng hợp hay các thực phẩm chức năng tại các quầy thuốc trên thị trường. Tuy nhiên, cần xem kỹ hàm lượng axit folic trước khi sử dụng và tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Một Số Lưu Ý Khi Bổ Sung Axit Folic Cho Mẹ Bầu

Nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả thì khi bổ sung axit folic các mẹ cần chú ý một số điểm sau:

  • Bổ sung axit folic từ thuốc uống và các thực phẩm là rất cần thiết và cần được duy trì trong suốt thai kỳ. Bạn nên bổ sung theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả nhất
  • Do ở phụ nữ mang thai nhu cầu axit folic thường cao hơn 4 lần so với người bình thường nên việc bổ sung quá liều ít khi xảy ra. Tuy nhiên, cũng nên thận trọng và chú ý đến liều lượng axit folic bổ sung vào cơ thể mỗi ngày. Thông thường cần duy trì hàm lượng axit folic ở mức 400 – 800 mcg/ ngày. Nếu sử dụng axit folic liều cao trên 1000 mcg mỗi ngày trong thời gian dài có thể gây ra triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn, khó tiêu hoặc cảm thấy có vị lạ ở trong miệng,…Thừa axit folic cũng là nguyên nhân cản trở hấp thu và chuyển hóa kẽm, làm tăng nguy cơ tổn thương các tế bào thần kinh.
  • Không uống  cùng với nước có ga, đồ uống có cồn, cafein, rượu, bia,…bởi chúng có thể làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của axit folic.
  • Bạn nên uống axit folic vào giữa các bữa ăn để đảm bảo việc hấp thu được tốt nhất.
  • Vitamin C làm tăng hấp thu sắt. Do đó, nếu uống viên chứa sắt và axit folic thì bạn nên uống chung với nước cam hay nước trái cây chứa vitamin C.
  • Các mẹ nên uống đủ nước và bổ sung nhiều chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày bởi bổ sung axit folic trong thời gian dài có thể gây ra triệu chứng táo bón.
eAw2MrivfTv27uY95DDBrahb7UFClivSObaQEfZKyBJrhr17cWC9kXzCEo0R902FTcjxseEiVD7dxY5R_1625592013.jpg
Không uống  cùng với nước có ga, đồ uống có cồn, cafein, rượu, bia,…bởi chúng có thể làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của axit folic

Axit folic là vi chất đóng vai trò quan trọng trước, trong và sau thai kỳ của mẹ. Cần bổ sung đầy đủ axit folic theo từng giai đoạn để dự phòng các dị tật bẩm sinh có thể xảy ra ở thai nhi. Hơn nữa, lại có thể đảm bảo mẹ có sức khỏe tốt trong và sau quá trình sinh nở.

Với những thông tin trên đây, hy vọng bạn đã có những kiến thức bổ ích về cách bổ sung axit folic cho mẹ bầu an toàn và hiệu quả nhất.

Để tìm hiểu thêm về các dịch vụ ưu đãi và tiện ích tại Diag, quý khách vui lòng truy cập Tại Đây.

Trang này không thể và không chứa đựng thông tin tư vấn y khoa. Các nội dung này được cung cấp chỉ nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền, không thay thế cho bất kỳ tư vấn y khoa nào. Theo đó, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin này, vui lòng gặp nhân viên y tế phù hợp để được tư vấn.