Theo các thông kê cho thấy, các loại bệnh nấm da là những loại bệnh phổ biến chiếm tỷ lệ khoảng 27%. Đây là bệnh lý có thể lây truyền từ người này sang người khác với những cách lây truyền phổ biến như bào tử nấm lan truyền trong không khí, hay người bệnh lây cho người lành… Khi trong nhà có một người bị nấm da thì các thành viên còn lại cũng có nguy cơ cao mắc bệnh vì nằm chung giường và dùng chung đồ cá nhân với người bệnh.
Nguyên Nhân Khiến Nấm Da Trở Thành Bệnh Lý Phổ Biến
Bệnh nấm da hiện nay đang trở thành những bệnh lý có mức độ phổ biến cao, nguyên nhân gây ra tình trạng này đầu tiên phải kể đến khí hậu Việt Nam.
Do nước ta thuộc khí hậu nóng ẩm, trong vùng nhiệt đới nên sẽ là điều kiện thuận lợi cho các bệnh nấm da phát triển tốt. Các loại bệnh nấm da thường gặp nhất là nấm lang ben, nấm hắc lào, nấm kẽ…
Nấm là những sinh vật hạ đẳng, do chúng không có chất diệp lục nên không thể tự tổng hợp được chất hữu cơ, để duy trì sự sống, chúng phải sống ký sinh vào vật chủ.
Vật chủ có thể là bất kỳ nguồn nào xung quanh chúng ta điển hình như thực vật, động vật (chó, mèo, trâu, bò…) và cả con người. Vì khả năng lây nhiễm bệnh cao, khiến cho bệnh nấm da dần trở thành các bệnh về da phổ biến hiện nay.
Bên cạnh đó, chế độ sinh hoạt không khoa học, điều kiện vệ sinh kém cũng là những yếu tố thuận lợi khiến cho bệnh nấm da phát triển, điển hình như:
- Nấm da sẽ sinh sôi, phát triển trong môi trường thiên kiềm, có độ pH trong khoảng từ 7 – 7,2.
- Vệ sinh cá nhân không sạch sẽ cũng là nguyên nhân dẫn đến nấm vùng kín.
- Những người có tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, nơi tiết nhiều mồ hôi, đặc biệt là kẽ tay, kẽ chân và sử dụng xà phòng không đúng cách cũng rất dễ bị nhiễm các loại bệnh nấm da.
- Khi khí hậu, môi trường sống ẩm ướt, người ra nhiều mồ hôi nhưng lại mặc quần áo chật chội, cùng nhiệt độ cao khoảng từ 27 – 35% cũng là yếu tố thuận lợi cho nấm phát triển.
- Việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hay thuốc kháng sinh, phụ nữ bị rối loạn nội tiết là những đối tượng nguy cơ cao bị nhiễm nấm.
Những Loại Bệnh Nấm Da Thường Gặp
Bệnh Lang Ben
Bệnh lang ben do tác nhân là nấm Pityrosporum gây ra, đây là một trong những bệnh nấm da thường gặp. Bệnh bao gồm 2 dạng là lang ben đen và lang ben trắng. Nơi có khí hậu ấm và ẩm là điều kiện rất thuận lợi cho nấm phát triển.
Bệnh thường gặp ở người trẻ tuổi thường có tuyến mồ hôi, da dầu hoạt động mạnh, người bị suy giảm miễn dịch, mang thai và đang điều trị bằng corticosteroid…
Khi mắc bệnh sẽ khiến người bệnh bị ngứa ngáy, đôi khi có cảm giác châm chích khó chịu. Bệnh thường phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề vệ sinh da và sức đề kháng của người bệnh. Vì thế, có những trường hợp, mặc dù trong nhà có người bị bệnh lang beng nhưng người thân khác lại không mắc bệnh.
Lang ben gây ra những tổn thương trên da có hình bầu dục hay dát tròn, trên có vảy mỏng. Có thể thử xem mình bị lang ben không bằng cách dùng tay cào nhẹ trên bề mặt tổn thương để phát hiện ra lớp vảy ra bong ra.
Khi có những tổn thương lan rộng, chúng sẽ liên kết với nhau để tạo thành những mảng lớn hình nhiều cung. Thường xuất hiện ở vùng da bị tiết bã nhiều như ngực, bả vai. Ngoài ra, còn có thể gây tổn thương ở vùng mặt, vú và bẹn.
Nấm Hắc Lào
Nấm hắc lào cũng là một trong các bệnh nấm da điển hình. Khi bị nấm hắc lào, biểu hiện đầu tiên mà người bệnh cảm nhận là vùng bị bệnh bị ngứa, sau đó sẽ xuất hiện một vệt có màu hơi đỏ, có bờ và viền rất rõ nhận thấy, đồng thời trên viền sẽ có những mụn nước lấm tấm xuất hiện.
Viền nấm này theo thời gian sẽ có xu hướng ngày càng lan rộng và tạo nên nhiều hình vòng cung. Bệnh gây ra cảm giác ngứa, khó chịu, khi người bệnh gãi sẽ khiến vùng hắc lào này tiếp tục lây lan ra khắp cơ thể.
Nguyên nhân chính gây nên bệnh hắc lào là do các loại nấm thuộc nhóm Dermatophytes. Khi dùng chung đồ dùng sinh hoạt, ngủ chung giường hay mặc chung đồ với người bệnh sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh hắc lào.
Nấm Kẽ
Nấm Kẽ có nguyên nhân là do vi nấm Epidermophyton, nấm trichophyton hoặc cũng có thể do nấm Candida albicans gây nên. Theo cách gọi dân gian còn được biết đến với tên gọi khác là nước ăn chân hay viêm kẽ.
Những đối tượng nguy cơ cao dễ mắc bệnh là người phải ngâm chân thường xuyên trong nước trong thời gian dài như vận động viên bơi lội, nông dân, công nhân vệ sinh cống rãnh không có đồ bảo hộ cẩn thận… Nấm kẽ được chia thành 3 thể chính là thể mụn nước, thể tróc vảy khô và thể viêm kẽ.
Nấm Móng
Trichophyton là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh nấm móng. Trong đó, nấm sợi (dermatophytes) chiếm tỷ lệ cao trong những trường hợp bị nấm móng, thường trên 90%.
Nấm móng thường xuất hiện trên bờ tự do của móng, cũng có thể là 2 bên cạnh móng, khiến cho phần bên trong móng bị tổn thương, đồng thời móng mọc ra sẽ bị biến dạng, mọc lởm chớm, vùng da xung quanh móng bị tổn thương cũng bị sưng đỏ.
Đối với trường hợp nấm móng nghiêm trọng hơn có thể bị mưng mủ, mất màu móng trở nên sần sùi hoặc ngả sang màu vàng hay trắng đục. Đồng thời, bệnh có khả năng lây lan từ móng bệnh sang móng lành.
Bên cạnh nấm trichophyton là nguyên nhân chính gây bệnh nấm móng, còn có nấm Candida albicans cũng là tác nhân gây tổn thương bên trong góc móng.
Nấm Tóc
Nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh nấm tóc là do nấm dermatophyte gây nên. Trong đó, đối với nấm da đầu do trichophyton sẽ gây ra những biểu hiện trên vùng da bị tổn thương là thời gian đầu sẽ xuất hiện những nốt sần có kích thước nhỏ nằm phân tán trên da đầu.
Nếu bệnh không được điều trị ngay giai đoạn này, sẽ khiến bệnh thêm nghiêm trọng, làm xuất hiện thêm những mảng vảy mỏng. Khi những lớp vảy này bị bong tróc sẽ khiến cho phần da đầu của bệnh nhân bị hói tạm thời.
Đối với bệnh do tác nhân là Trichosporon Beigelii và Pierdraiahortai chỉ phát triển ở phần thân tóc của người bệnh và không gây ra tình trạng rụng tóc.
Biểu hiện của bệnh nấm tóc này là trên phần chân tóc cách khoảng 2 – 3 cm sẽ xuất hiện các hạt có kích thước nhỏ chỉ bằng hạt kê màu đen, tròn và mềm.
Bệnh gây ra cảm giác khó chịu, thường xảy ra với những người ít chú ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ, da đầu luôn ẩm ướt, tiết nhiều mồ hôi…
Nấm Bẹn
Nấm bẹn là một trong những bệnh nấm sợi trên da thường gặp ở người có ý thức vệ sinh kém hay bị suy giảm miễn dịch trong điển hình như mắc bệnh đái tháo đường, bị thừa cân, béo phì, vùng kín bị ẩm ướt không vệ sinh sạch…
Khi mắc bệnh nấm bẹn sẽ gây ra những biểu hiện vào thời gian đầu là vùng da bị đỏ, đôi khi có màu nâu hay ngả màu xám đối với người có màu da sẫm màu, kèm theo tình trạng bị sưng và ngứa ngáy ở vùng nếp bẹn từ chỗ xuất hiện vùng da đỏ dần xuống đến vùng háng, cho đến mặt trong của đùi và phần eo, mông.
Vào thời gian sau, vùng da bị tổn thương sẽ bị bong vảy và có viền bờ nhô cao hơn vùng da lành, có thể kèm theo bong tróc, nứt nẻ khiến cảm giác đau, ngứa tăng lên.
Điều Trị Bệnh Nấm Da
Đối với một số bệnh nấm da thường gặp đa phần đều là bệnh lý lành tính, không gây ra vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh. Tuy nhiên, đây là bệnh lý dễ lây lan và tác động đến sinh hoạt ngày thường của người bệnh như gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
Khi bệnh không được điều trị sớm sẽ khiến thời gian mắc bệnh kéo dài dai dẳng, không dứt điểm mà tái phát nhiều lần và lần sau sẽ nặng hơn lần trước khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Vì thế, khi nhận thấy dấu hiệu nghi ngờ mắc các loại bệnh nấm trên da, bạn nên tìm đến bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Vậy bệnh nấm da khám ở đâu? Hiện nay có rất nhiều bệnh viện, trung tâm y tế chuyên khám bệnh da liễu. Bạn nên tìm đến nơi uy tín để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh như:
- Bệnh viện da liễu trung ương – 15A Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
- Bệnh viện Bạch Mai – 78 Bạch Mai, Đống Đa, Hà Nội.
- Bệnh viện da liễu TP.HCM – Số 2, Nguyễn Thông, Phường 6, quận 3, TP.HCM.
- Bệnh viện Đại Học Y Dược – 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TP HCM.
Bên cạnh đó, để được tư vấn trực tuyến và giải đáp những thắc mắc liên quan đến bệnh nấm da, bạn cũng có thể liên hệ đến hotline 19001717 – Diag Trung tâm xét nghiệm, chẩn đoán y khoa uy tín tại TP.HCM để được hỗ trợ nhanh chóng nhất.
Bệnh nấm ngoài da và cách điều trị sẽ phải dựa vào từng trường hợp cụ thể, lúc này bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân những loại thuốc bôi trực tiếp lên vùng da tổn thương để điều trị bệnh da do nấm sợi như Clotrimazol, Ciclopiroxolamin, Ketoconazole…
Người bệnh cần lưu ý sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và tái khám theo định kỳ nếu có để theo dõi tình trạng bệnh và có hướng điều chỉnh cho phù hợp.
Bên cạnh đó, để nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh, một số thói quen sinh hoạt cũng cần thay đổi để hạn chế tình trạng viêm do nấm thêm nghiêm trọng như:
- Chú ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ, mặc quần áo sạch, thoáng mát, đi dép thoáng khí, hạn chế đi chân không ở những nơi công cộng như phòng thay đồ, phòng tập gym. Tránh đi giày nếu đang bị nấm chân.
- Nên giặt quần áo sạch xà phòng và phơi dưới nắng gắt để diệt khuẩn hoặc là quần áo thường xuyên, đặc biệt là đồ lót.
- Tránh tiếp xúc với những nguồn lây bệnh từ động vật.
- Tuyệt đối không dùng chung đồ dùng cá nhân với người đang mắc bệnh.
Tránh sử dụng sản phẩm chứa nhiều hoá chất để vệ sinh như chất tẩy rửa và xà phòng trong thời gian chữa bệnh. Chỉ nên tắm bằng nước sạch và chọn sản phẩm lành tính. Có thể nhờ bác sĩ tư vấn sản phẩm phù hợp.
- Nên thường xuyên dọn dẹp để môi trường sống luôn sạch sẽ.
Hy vọng, thông qua bài viết này đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích liên quan đến các loại bệnh nấm da phổ biến hiện nay. Vì tính chất bệnh dễ lây lan, nên cần chú ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ để hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Ngay khi có những triệu chứng nghi ngờ, bạn nên đến bệnh viện để chẩn đoán, điều trị để tránh bệnh lây lan đến những vùng da lành làm kéo dài thời gian hồi phục.
Để tham khảo về các nhóm xét nghiệm và bảng giá, quý khách vui lòng truy cập Tại Đây.
Trang này không thể và không chứa đựng thông tin tư vấn y khoa. Các nội dung này được cung cấp chỉ nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền, không thay thế cho bất kỳ tư vấn y khoa nào. Theo đó, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin này, vui lòng gặp nhân viên y tế phù hợp để được tư vấn.