Xét nghiệm yếu tố dạng thấp RF là gì?
Xét nghiệm RF nhằm đo lường yếu tố dạng thấp (Rheumatoid Factor - RF) có trong máu. Yếu tố dạng thấp là một loại protein được hình thành từ hệ thống miễn dịch, đôi khi tấn công nhầm các tế bào và mô khỏe mạnh trong cơ thể. Sự xuất hiện các triệu chứng và chỉ số RF trong máu tăng cao giúp chẩn đoán các bệnh tự miễn, trong đó có viêm khớp dạng thấp.
Lưu ý: Xét nghiệm RF thường không được thực hiện đơn lẻ mà có thể được chỉ định đồng thời với các xét nghiệm khác. Điều này giúp xác định và chẩn đoán bệnh chính xác nhất.
Khi nào nên làm xét nghiệm RF?
Xét nghiệm RF được chỉ định thực hiện khi có các dấu hiệu như sau:
- Sưng đau ở các khớp, đặc biệt là khớp ở bàn tay.
- Sưng đau khớp kéo dài liên tục trong ngày và trong nhiều ngày, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi lạnh.
- Khớp thường bị cứng, khó cử động, hoặc bị đau khi cử động.
- Sốt, mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
- Sụt cân bất thường.
Phương pháp xét nghiệm RF
Xét nghiệm RF là xét nghiệm máu. Mẫu bệnh phẩm sẽ được lấy từ tĩnh mạch, thường ở cánh tay, sau đó đưa về phòng xét nghiệm để tiến hành phân tích.
Cách đọc chỉ số xét nghiệm yếu tố dạng thấp RF
Bảng tham chiếu kết quả không phân biệt theo độ tuổi và giới tính.
Bảng tham chiếu chỉ số xét nghiệm RF
Bình thường | Bất thường |
< 30 U/mL | ≥ 30 U/mL |
Lưu ý:
- Bảng tham chiếu có thể thay đổi tùy theo phòng xét nghiệm và chỉ có giá trị tham khảo.
- Phạm vi tham chiếu trên kết quả xét nghiệm tại Diag thay đổi dựa trên dữ liệu khoa học mới nhất và có thể không khớp hoàn toàn với bài viết này trong một số ít trường hợp website chưa kịp cập nhật.
Kết quả xét nghiệm RF ≥ 30 U/mL cho thấy nguy cơ cao mắc bệnh tự miễn. Một trong những nguyên nhân là viêm khớp dạng thấp.
Kết quả xét nghiệm RF < 30 U/mL cho thấy không có nguy cơ mắc các bệnh tự miễn. Tuy nhiên, một số trường hợp người bệnh viêm khớp dạng thấp vẫn có chỉ số RF bình thường. Do đó, cần kết hợp chỉ số RF với các xét nghiệm khác để chẩn đoán bệnh chính xác.
FAQ
1. Xét nghiệm RF dương tính có phải là dấu hiệu chắc chắn của viêm khớp dạng thấp không?
Kết quả RF dương tính không phải là dấu hiệu chắc chắn của viêm khớp dạng thấp. Nguyên nhân do RF dương tính có thể xuất hiện trong một số bệnh lý tự miễn khác như lupus ban đỏ hệ thống. Do đó, cần thực hiện thêm các xét nghiệm bổ sung khác để chẩn đoán chính xác viêm khớp dạng thấp.
2. Cần thiết phải xét nghiệm Anti-CCP cùng với RF không?
Xét nghiệm Anti-CCP thường được thực hiện cùng với xét nghiệm RF nếu nghi ngờ viêm khớp dạng thấp. Anti-CCP là một xét nghiệm đặc hiệu hơn RF đối với viêm khớp dạng thấp, giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm ngay cả khi kết quả RF âm tính.
Kết quả dương tính của cả Anti-CCP và RF làm tăng khả năng chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, cũng như gợi ý về tiến triển bệnh nặng hơn. Vậy nên, sự kết hợp giữa hai xét nghiệm này giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác và đánh giá tiên lượng bệnh tốt hơn.