Xét nghiệm máu lắng là gì?
Xét nghiệm máu lắng (Erythrocyte Sedimentation Rate - ESR) còn được gọi là xét nghiệm tốc độ lắng máu, giúp phát hiện tình trạng viêm của cơ thể. Trong đó, viêm là phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với các tác nhân như chấn thương, nhiễm trùng, rối loạn miễn dịch cùng nhiều tình trạng khác như ung thư và các bệnh về máu.
Khi máu được đặt trong một ống nghiệm, các hồng cầu bắt đầu lắng xuống dưới tác động của trọng lực. Trong trạng thái bình thường, hồng cầu có điện tích âm ở bề mặt, khiến chúng đẩy nhau và lắng xuống chậm. Khi có sự hiện diện của các protein phản ứng pha cấp, như fibrinogen, globulin, hoặc C-reactive protein (CRP), chúng sẽ làm thay đổi bề mặt hồng cầu, làm cho các tế bào này kết dính lại với nhau. Sự kết dính này làm cho hồng cầu lắng xuống nhanh hơn.
Khi nào nên làm xét nghiệm máu lắng?
Xét nghiệm máu lắng được chỉ định thực hiện trong những trường hợp sau:
- Kiểm tra tình trạng nhiễm trùng: Nhiễm nấm và ký sinh trùng, nhiễm trùng xương, tim, phổi…
- Kiểm tra viêm và các bệnh lý viêm: Bệnh viêm ruột, viêm đa khớp dạng thấp, viêm mạch máu, lupus ban đỏ hệ thống…
- Theo dõi và hỗ trợ điều trị các bệnh lý viêm, nhiễm trùng, và bệnh ác tính.
- Đánh giá hiệu quả điều trị các bệnh lý viêm nhiễm.
Phương pháp xét nghiệm máu lắng
Xét nghiệm máu lắng là xét nghiệm máu. Mẫu bệnh phẩm sẽ được lấy từ tĩnh mạch, thường ở cánh tay, sau đó đưa về phòng xét nghiệm để tiến hành phân tích. Bằng cách phân tích tốc độ lắng máu khi đặt trong ống nghiệm, xét nghiệm giúp phát hiện tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể qua sự hiện diện của các protein phản ứng pha cấp, như fibronogen, globulin hoặc CRP.
Cách đọc chỉ số xét nghiệm máu lắng
Bảng tham chiếu chỉ số xét nghiệm máu lắng ở nữ giới (mm/hr)
Độ tuổi | Kết quả bình thường | Kết quả bất thường |
Dưới 10 tuổi | ≤ 10 mm/hr | > 10 mm/hr |
10 - 50 tuổi | ≤ 20 mm/hr | > 20 mm/hr |
Trên 50 tuổi | ≤ 30 mm/hr | > 30 mm/hr |
Bảng tham chiếu chỉ số xét nghiệm máu lắng ở nam giới (mm/hr)
Độ tuổi | Kết quả bình thường | Kết quả bất thường |
Dưới 10 tuổi | ≤ 10 mm/hr | > 10 mm/hr |
10 - 50 tuổi | ≤ 15 mm/hr | > 15 mm/hr |
Trên 50 tuổi | ≤ 20 mm/hr | > 20 mm/hr |
Lưu ý:
- Bảng tham chiếu có thể thay đổi tùy theo phòng xét nghiệm và chỉ có giá trị tham khảo.
- Phạm vi tham chiếu trên kết quả xét nghiệm tại Diag thay đổi dựa trên dữ liệu khoa học mới nhất và có thể không khớp hoàn toàn với bài viết này trong một số ít trường hợp website chưa kịp cập nhật.
Kết quả xét nghiệm máu lắng bình thường: Không có tình trạng viêm hoặc viêm ở mức độ thấp. Tuy nhiên, kết quả này không loại trừ hoàn toàn mọi bệnh lý vì ESR là một xét nghiệm không đặc hiệu. Kết quả này cần được kết hợp với các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm khác để đưa ra chẩn đoán chính xác.
Kết quả xét nghiệm máu lắng bất thường: ESR cao không chỉ ra một bệnh cụ thể mà chỉ cho thấy có một quá trình viêm hoặc bệnh lý đang diễn ra trong cơ thể. Đây là một xét nghiệm không đặc hiệu, nghĩa là nó chỉ cho thấy có sự viêm nhiễm hoặc bất thường mà không cho biết nguyên nhân cụ thể.
Mặc dù vậy, chỉ số này cũng có thể tăng trong một số tình trạng sinh lý bình thường như mang thai, kinh nguyệt, hoặc tuổi cao. Do đó, cần kết hợp với các xét nghiệm khác để chẩn đoán và theo dõi diễn biến bệnh.
Kết quả xét nghiệm tốc độ máu lắng bất thường còn có thể do những nguyên nhân sau:
- Nhiễm trùng: Viêm ruột, viêm phổi mãn tính, viêm nội tâm mạc, lao…
- Tình trạng viêm: lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp…
- Nhiễm nấm hoặc ký sinh trùng.
- U lympho.
FAQ
1. Yếu tố nào ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu lắng?
Xét nghiệm máu lắng không phải là một xét nghiệm chẩn đoán đặc hiệu và có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.
- Tuổi tác: ESR thường tăng theo tuổi, ngay cả khi không có bệnh lý.
- Giới tính: Nữ giới thường có ESR cao hơn nam giới, đặc biệt trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc mang thai do sự thay đổi hormone.
- Viêm nhiễm cấp tính hoặc mạn tính: Sự gia tăng của các protein phản ứng pha cấp như fibrinogen hoặc CRP làm tăng tốc độ lắng của hồng cầu.
- Bệnh tự miễn: Bệnh lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, hoặc viêm động mạch khổng lồ có thể làm tăng ESR do viêm hệ thống.
- Bệnh lý ác tính: Các loại ung thư, đặc biệt là ung thư tủy xương (như đa u tủy), thường dẫn đến tăng ESR do sự gia tăng của các globulin trong máu.
- Bệnh thận mãn tính: Có thể làm tăng ESR.
- Bệnh liên quan đến máu: Thiếu máu là tình trạng khi hồng cầu trong máu giảm và lắng nhanh hơn, dẫn đến tăng ESR. Bệnh đa hồng cầu có thể khiến chỉ số ESR thấp.
- Béo phì: Người béo phì thường có ESR cao hơn bình thường do viêm hệ thống mạn tính liên quan đến béo phì.
- Thuốc: Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) hoặc corticosteroid có thể làm giảm viêm và dẫn đến giảm ESR.
2. Xét nghiệm máu lắng khác gì so với xét nghiệm CRP trong phát hiện tình trạng viêm?
Xét nghiệm máu lắng và xét nghiệm CRP (C-reactive Protein) đều được sử dụng để đánh giá tình trạng viêm trong cơ thể. Tuy nhiên, cả 2 đều có những điểm khác biệt nhất định.
Xét nghiệm ESR đo tốc độ lắng của hồng cầu trong máu. ESR tăng khi có sự hiện diện của các protein phản ứng pha cấp như fibrinogen, globulin, hoặc CRP, khiến hồng cầu kết dính và lắng nhanh hơn. Tuy nhiên, xét nghiệm ESR không đặc hiệu do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như tuổi, giới tính, và các tình trạng không liên quan đến viêm.
Xét nghiệm CRP đo nồng độ CRP - một protein do gan sản xuất nhanh chóng khi có viêm. CRP tăng rõ rệt trong vòng vài giờ sau tổn thương hoặc nhiễm trùng, và giảm nhanh khi tình trạng viêm được kiểm soát. Do đó, kết quả CRP phản ánh chính xác hơn tình trạng viêm cấp tính so với ESR.
Trên thực tế, xét nghiệm CRP có độ nhạy và đặc hiệu cao hơn, ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố không liên quan đến viêm. Do đó, kết quả xét nghiệm CRP thường được đánh giá cao hơn so với ESR.
3. Tăng tốc độ máu lắng đi cùng với tình trạng tăng bạch cầu cho biết điều gì?
Điều này thường chỉ ra sự viêm hoặc nhiễm trùng trong cơ thể. Tình trạng này thường thấy trong các tình trạng như viêm phổi, viêm màng não, hoặc các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp.
Nếu tốc độ máu lắng cao mà không đi kèm với tình trạng tăng bạch cầu, có thể chỉ ra các bệnh lý mạn tính như bệnh thận, bệnh tự miễn, hoặc ung thư. Điều này vẫn có thể xảy ra đối với viêm không điển hình hoặc sau khi điều trị một bệnh lý viêm nhiễm - khi số lượng bạch cầu đã trở về bình thường nhưng tốc độ máu lắng vẫn còn cao.