HDL-C là gì?
HDL (High-Density Lipoprotein) là các hạt nhỏ do lipid (chất béo) và protein tạo thành, có mật độ cao hơn các liprotein khác. HDL đóng vai trò chuyên chở cholesterol và các lipid khác trong máu đi khắp cơ thể, vận chuyển cholesterol dư thừa từ các mô trong cơ thể về gan để xử lý và đào thải.
HDL-C (HDL-Cholesterol) là lượng cholesterol được tìm thấy bên trong các hạt HDL. Nó giúp loại bỏ cholesterol xấu, giảm nguy cơ hình thành mảng bám trong động mạch, bảo vệ sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa các bệnh như nhồi máu cơ tim và đột quỵ, chống viêm, và ngăn ngừa sự oxy hóa của cholesterol xấu.
Xét nghiệm HDL-C là gì?
Xét nghiệm HDL-C là phương pháp đo nồng độ cholesterol HDL trong máu, giúp chẩn đoán tình trạng sức khỏe tim mạch. Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Ngoài ra, kết quả này cũng giúp bác sĩ đưa ra các khuyến nghị về lối sống, chế độ ăn uống và việc sử dụng thuốc để kiểm soát cholesterol, bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Ai nên thực hiện xét nghiệm HDL-C?
Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo người trưởng thành từ 20 tuổi nên thực hiện xét nghiệm HDL-C định kỳ 4 – 6 năm/lần. Đây là xét nghiệm thường quy, nằm trong gói khám sức khỏe định kỳ, có thể thực hiện 6 tháng/lần.
Ngoài ra, nhóm đối tượng nguy cơ cao được khuyến cáo thực hiện xét nghiệm HDL-C gồm:
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm.
- Bệnh nhân tiểu đường.
- Nam giới trên 45 tuổi.
- Phụ nữ trên 55 tuổi.
- Người bị cao huyết áp.
- Người hút thuốc lá.
- Người ít vận động.
- Người thừa cân hoặc béo phì.
- Người có thể độ ăn uống không lành mạnh (nhiều chất béo bão hòa, ít chất xơ).
- Người đã được chẩn đoán rối loạn lipid máu.
Cách đọc kết quả xét nghiệm HDL-C
Bảng tham chiếu kết quả xét nghiệm HDL-C
Mức thấp | Bình thường | Mức tối ưu |
< 1.04 mmol/L | ≥ 1.04 mmol/L | ≥ 1.55 mmol/L |
Lưu ý:
- Bảng tham chiếu có thể thay đổi tùy theo phòng xét nghiệm và chỉ có giá trị tham khảo.
- Phạm vi tham chiếu trên kết quả xét nghiệm tại Diag thay đổi dựa trên dữ liệu khoa học mới nhất và có thể không khớp hoàn toàn với bài viết này trong một số ít trường hợp website chưa kịp cập nhật.
Diễn giải:
- Mức tối ưu: HDL-C ≥ 1.55 mmol/L (≥ 60 mg/dL) - Nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp.
- Mức chấp nhận được: HDL-C từ 1.04 đến 1.54 mmol/L (40 – 59 mg/dL) - Nguy cơ trung bình.
- Mức thấp: HDL-C < 1.04 mmol/L (40 – 59 mg/dL) - Nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành CHD, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, xơ vữa động mạch...
Nguyên nhân gây giảm HDL-C:
- Do thói quen sinh hoạt: Ít vận động hoặc không tập thể dục.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn quá nhiều chất béo bão hòa, mỡ động vật, hoặc thực phẩm chế biến.
- Hút thuốc lá.
- Thừa cân, béo phì.
- Bệnh lý mạn tính: Một số bệnh như tiểu đường loại 2, bệnh thận mạn tính có thể làm giảm HDL-C.
Lưu ý: Bác sĩ sẽ xem xét kết quả HDL-C cùng với các yếu tố nguy cơ khác để đánh giá toàn diện nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đưa ra lời khuyên phù hợp.
FAQ
1. Có những xét nghiệm nào có thể thực hiện cùng với xét nghiệm HDL-C?
Các xét nghiệm khác thường được thực hiện cùng xét nghiệm HDL-C để đánh giá toàn diện nguy cơ mắc bệnh tim mạch gồm:
- Xét nghiệm Cholesterol toàn phần: Đánh giá tình trạng rối loạn lipid máu, đánh giá nguy cơ hình thành mảng vữa xơ động mạch, nghiên cứu chức năng gan, và hỗ trợ chẩn đoán tình trạng rối loạn chức năng tuyến giáp.
- Xét nghiệm LDL-C: Đo lường, phân tích nồng độ LDL-C trong máu, đánh giá nguy cơ xơ vữa động mạch, bệnh lý mạch vành, và tim mạch.
- Xét nghiệm Triglyceride: Kiểm tra tình trạng sức khỏe, đánh giá nguy cơ mắc bệnh rối loạn lipid máu.
2. Yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm?
Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm HDL-C có thể kể đến như:
- Các bệnh lý tiểu đường, rối loạn tuyến giáp, và bệnh thận.
- Nhồi máu cơ tim hoặc phẫu thuật gần đây.
- Mang thai.
- Sử dụng một số loại thuốc: Thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, steroid đồng hóa, thuốc statin...
- Hút thuốc lá.
- Ít vận động.
- Sử dụng rượu, bia.