Lưu ý cho bệnh nhân:
Tại Diag, chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân đến khám và chọc sinh thiết trực tiếp tại phòng khám (Trung tâm Diag D 001) theo lịch đặt hẹn, hoặc nhận các lam tiêu bản FNAC đã được các Bác sĩ lâm sàng chọc hút trước đó và gửi về phòng xét nghiệm Giải phẫu bệnh Diag để xử lý và phân tích kết quả.
Hướng dẫn bệnh nhân:
a. Trước khi thực hiện FNA
Bệnh nhân có thể ăn và uống bình thường trước khi thực hiện FNA. Thông báo cho bác sĩ nếu bạn mắc rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu.
b. Trong quá trình thực hiện FNA
Bệnh nhân nằm hoặc ngồi ở tư thế thuận tiện cho việc thực hiện thủ thuật. Bệnh nhân không được nuốt, nói chuyện (sinh thiết tuyến giáp) và không được cử động.
c. Sau khi thực hiện FNA
Bệnh nhân cần ở lại theo dõi vài phút trước khi rời khỏi. Bệnh nhân có thể hoạt động bình thường ngay sau đó, nhưng không nên hoạt động gắng sức và không để ướt vị trí chọc hút trong 24h.
Hướng dẫn BS lâm sàng / B2B:
(1) Một số chống chỉ định đối với chọc hút tế bào bằng kim nhỏ FNA là:
- Bệnh nhân không hợp tác.
- Bệnh nhân quá lo lắng, sợ hãi.
- Bệnh nhân có rối loạn đông máu hoặc đang điều trị dùng thuốc chống đông máu.
- Người không thể ức chế phản xạ ho khi FNA tuyến giáp.
- Nhiễm khuẩn tại vị trí chọc hút.
- Người bệnh nghi ngờ có tổn thương mạch máu.
Các chống chỉ định này chỉ là tương đối. Việc áp dụng FNA sẽ được bác sĩ cân nhắc theo từng đối tượng bệnh nhân cụ thể.
(2) Các bước chuẩn bị:
- Chuẩn bị lam: Lam cần ghi đầy đủ các thông tin:
+ Họ và tên
+ Năm sinh
+ Vị trí và cơ quan chọc hút (Ví dụ: Vú phải, vị trí 9h, cách núm vú 1cm)
+ Mã số bệnh nhân
Mỗi vị trí cần chuẩn bị tối thiếu 2 lam, tối đa 4 lam.
- Chuẩn bị lọ: Lọ cần dán nhãn (không dán lên nắp lọ) và ghi đầy đủ các thông tin:
+ Họ và tên
+ Năm sinh
+ Vị trí và cơ quan chọc hút (Ví dụ: Vú phải, vị trí 9h, cách núm vú 1cm)
+ Mã số bệnh nhân
+ Ngày giờ chọc hút
+ Số lam chọc hút
Mỗi vị trí chọc sinh thiết sẽ được bỏ vào lọ riêng biệt. Trong mỗi lọ chứa sẵn dung dịch cố định Ethanol 96 độ, ngập đến phía dưới mép vặn của lọ.
- Chuẩn bị phiếu chỉ định: Phiếu chỉ định phải đầy đủ các thông tin:
+ Họ và tên người bệnh
+ Năm sinh
+ Giới tính
+ Số điện thoại
+ Mã người bệnh, số nhập viện hoặc số hồ sơ
+ Chẩn đoán
+ Vị trí và cơ quan chọc hút
+ Số lượng lam chọc hút cho mỗi vị trí
+ Ghi chú (nếu có)
+ Bác sĩ chỉ định (chữ ký và họ tên đầy đủ)
- Chuẩn bị hình ảnh siêu âm đính kèm.
(3) Các bước thực hiện chọc hút tế bào bằng kim nhỏ:
- Bệnh nhân nằm hoặc ngồi ở tư thế thuận tiện cho việc thực hiện thủ thuật, để lộ vùng cần sinh thiết.
- Thuốc gây tê cục bộ có thể được sử dụng trong một số trường hợp cần thiết.
- Sát khuẩn vị trí chọc kim, sau đó nhẹ nhàng đưa một cây kim nhỏ vào da đến vị trí tổn thương. Nếu tổn thương có thể sờ thấy, có thể trực tiếp dùng tay cố định và đưa kim vào vùng đó, di chuyển kim qua lại để lấy được nhiều mẫu hơn. Nếu khối u nằm ở sâu hơn cần sử dụng đầu dò siêu âm để hướng dẫn chọc kim sinh thiết.
- Tổn thương có đường kính < 1cm, vị trí đâm kim ở ngay tâm điểm; tổn thương có đường kính >5cm có thể bị hoại tử trung tâm, vị trí đâm kim nên lệch ra vùng ngoại vi; tổn thương có đường kính từ 2 - 4cm, nên đâm kim ở 2 vị trí đối xứng nhau qua tâm điểm.
- Sau khi kim vào đúng vị trí, sử dụng xilanh tạo áp lực âm để hút một lượng nhỏ dịch mô 3-5 lần. Đôi khi cần thực hiện nhiều lần để thu thập mẫu từ các khu vực khác nhau để chẩn đoán.
- Sau khi lấy được mẫu, rút kim ra, bơm dịch tế bào lên lam, áp mỏng 2 mặt lam, sau đó lật ngược và dùng kẹp cặp 2 lam, bỏ ngay vào lọ chứa Ethanol 96 độ, đảm bào dung dịch cố định ngập hết phần lam có tế bào và đóng chặt nắp. Tuyệt đối không để khô ngoài không khí.
- Băng lại khu vực vừa đâm kim.
- Gửi mẫu sinh thiết đến phòng giải phẫu bệnh để phân tích.
- Sau khi thực hiện FNA, cần theo dõi bệnh nhân vài phút trước khi cho bệnh nhân rời khỏi.
- Lọ chứa bệnh phẩm cần chuyển đến phòng xét nghiệm Giải phẫu bệnh càng sớm càng tốt.
- Bệnh phẩm sau khi được cố định có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng.
(4) Thời gian cố định: Tối thiểu 15 phút và tối đa không quá 1 tuần.
(5) Bảo quản: Ở nhiệt độ phòng (22–25°C).
(6) Thời gian vận chuyển: Chuyển đến phòng xét nghiệm Giải phẫu bệnh càng sớm càng tốt.
(7) Điều kiện vận chuyển: Phiếu chỉ định không được để cùng với lọ xét nghiệm. Lọ chứa lam cần đóng nắp lọ đựng thật chặt, đảm bảo dung dịch cố định mẫu không bị rò rỉ hay đổ tràn. Lam phải còn nguyên vẹn, đủ số lượng lam và được ngâm hoàn toàn trong dung dịch cố định trong suốt quá trình vận chuyển đến phòng xét nghiệm.