Xét nghiệm Alkaline Phosphatase là gì?
Xét nghiệm Alkaline Phosphatase (ALP) đo lường enzyme phosphatase kiềm trong máu. Enzyme này được tìm thấy ở một số bộ phận của cơ thể, đặc biệt là ở gan, xương, thận, và hệ tiêu hóa. ALP là một enzyme quan trọng tham gia vào quá trình khoáng hóa xương, thải độc, và chuyển hóa các chất trong gan, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến hệ thống mật. Do đó, việc theo dõi nồng độ ALP có vai trò lớn giúp chẩn đoán và quản lý các tình trạng sức khỏe liên quan đến những cơ quan này.
ALP còn góp vai trò quan trọng trong hệ tiêu hóa và phát triển thai kỳ. Enzyme này có mặt trong đường ruột, tham gia vào quá trình hấp thụ dinh dưỡng, và bảo vệ niêm mạc ruột. ALP cũng hiện diện trong nhau thai và tăng lên một cách tự nhiên, hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Việc xét nghiệm ALP sẽ giúp kiểm tra các vấn đề về đường ruột cũng như theo dõi sự phát triển ổn định của thai kỳ.
Lưu ý: Xét nghiệm ALP cần kết hợp với nhiều chỉ số liên quan để khẳng định sự ổn định cũng như chẩn đoán chính xác các bệnh lý.
Khi nào nên làm xét nghiệm Alkaline Phosphatase?
Xét nghiệm Alkaline Phosphatase thường được thực hiện để kiểm tra sức khỏe gan ở những người có triệu chứng như: vàng da, vàng mắt, đau bụng, nôn mửa, đau sưng vùng bụng, ngứa da, nước tiểu sẫm màu, phân màu nhạt, chán ăn, mệt mỏi kéo dài, buồn nôn và nôn.
Xét nghiệm ALP còn được sử dụng để kiểm tra các vấn đề liên quan đến xương như đau xương, yếu cơ, biến dạng xương... Từ đó hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý về xương gồm còi xương, nhuyễn xương, u xương, bệnh Paget, tình trạng thiếu hụt vitamin D, hoặc nghi ngờ xương phát triển bất thường.
Xét nghiệm ALP còn được chỉ định thực hiện đối với những trường hợp sau:
- Theo dõi hiệu quả điều trị và sự tiến triển của các bệnh lý về gan hoặc xương.
- Hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý về thận và hệ tiêu hóa.
Phương pháp xét nghiệm Alkaline Phosphatase
Xét nghiệm Alkaline Phosphatase là xét nghiệm máu. Mẫu bệnh phẩm sẽ được lấy từ tĩnh mạch, thường ở cánh tay, sau đó đưa về phòng xét nghiệm để tiến hành phân tích.
Cách đọc chỉ số xét nghiệm Alkaline Phosphatase
Bảng tham chiếu chỉ số xét nghiệm Alkaline Phosphatase ở nữ (U/L)
Độ tuổi | Ngưỡng an toàn | Thấp hơn ngưỡng an toàn | Cao hơn ngưỡng an toàn |
Dưới 2 tuần tuổi | Từ 90 - 273 | < 90 | > 273 |
Từ 2 tuần đến 1 năm tuổi | Từ 134 - 518 | < 134 | > 518 |
Từ 1 - 3 tuổi | Từ 156 - 369 | < 156 | > 369 |
Từ 3 - 6 tuổi | Từ 144 - 327 | < 144 | > 327 |
Từ 6 - 11 tuổi | Từ 153 - 367 | < 153 | > 367 |
Từ 11 - 16 tuổi | Từ 64 - 359 | < 64 | > 359 |
Từ 16 - 30 tuổi | Từ 44 - 107 | < 44 | > 107 |
Trên 30 tuổi | Từ 46 - 122 | < 46 | > 122 |
Bảng tham chiếu chỉ số xét nghiệm Alkaline Phosphatase ở nam (U/L)
Độ tuổi | Ngưỡng an toàn | Thấp hơn ngưỡng an toàn | Cao hơn ngưỡng an toàn |
Dưới 2 tuần tuổi | Từ 90 - 273 | < 90 | > 273 |
Từ 2 tuần đến 1 năm tuổi | Từ 134 - 518 | < 134 | > 518 |
Từ 1 - 3 tuổi | Từ 156 - 369 | < 156 | > 369 |
Từ 3 - 6 tuổi | Từ 144 - 327 | < 144 | > 327 |
6 - 11 tuổi | Từ 153 - 367 | < 153 | > 367 |
Từ 11 - 16 tuổi | Từ 113 - 438 | < 113 | > 438 |
Từ 16 - 22 tuổi | Từ 56 - 167 | < 56 | > 167 |
Trên 22 tuổi | Từ 50 - 116 | < 50 | > 116 |
Lưu ý:
- Bảng tham chiếu có thể thay đổi tùy theo phòng xét nghiệm và chỉ có giá trị tham khảo.
- Phạm vi tham chiếu trên kết quả xét nghiệm tại Diag thay đổi dựa trên dữ liệu khoa học mới nhất và có thể không khớp hoàn toàn với bài viết này trong một số ít trường hợp website chưa kịp cập nhật.
Kết quả xét nghiệm ALP nằm trong ngưỡng an toàn: Sức khỏe gan trong trạng thái ổn định, không phát hiện các vấn đề hoặc nguy cơ sức khỏe khác.
Kết quả xét nghiệm ALP thấp hơn ngưỡng an toàn: Dấu hiệu của một số vấn đề như:
- Chế độ ăn thiếu chất dinh dưỡng.
- Mắc các bệnh di truyền về xương.
- Gợi ý tình trạng suy dinh dưỡng.
Kết quả xét nghiệm ALP cao hơn ngưỡng an toàn: Nguy cơ của nhiều vấn đề sức khỏe về gan và xương. Chỉ số ALP cao có thể là dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, ung thư gan, hoặc sỏi mật. Trẻ em có chỉ số ALP cao có nguy cơ mắc bệnh còi xương, xương thủy tinh, hoặc xương có khối u.
Chỉ số ALP tăng cao có thể do một số nguyên nhân khác như:
- Tăng vitamin D.
- Bệnh cường giáp.
- Lạm dụng rượu bia.
- Tắc mật.
- Hội chứng Gilbert.
- Gan nhiễm mỡ.
- Tiểu đường.
FAQ
1. Yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm ALP?
Kết quả xét nghiệm ALP có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau:
- Tuổi tác: Mức ALP ở trẻ em và thanh thiếu niên thường cao hơn so với người lớn do quá trình phát triển xương. Mức ALP có thể tăng nhẹ ở người lớn tuổi do sự thay đổi về xương và chức năng gan.
- Giới tính: Nam giới thường có mức ALP cao hơn phụ nữ.
- Bệnh lý nền: Các bệnh lý về gan mật, xương, hoặc tình trạng suy dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm ALP máu.
- Tình trạng mang thai: ALP nhau thai tăng đáng kể và có thể làm tăng tổng mức ALP trong máu, đặc biệt là trong 3 tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, những mức ALP tăng rất cao vượt ngưỡng cho phép khi mang thai cần được bác sĩ đánh giá và chẩn đoán.
- Thuốc: Các loại thuốc chống động kinh, thuốc chống viêm không steroid, ngừa thai, hoặc điều trị ung thư có thể làm tăng ALP.
Lưu ý: Cần kết hợp các kết quả lâm sàng, tình trạng sức khỏe hiện tại, cùng chỉ số xét nghiệm ALP để chẩn đoán bệnh chính xác nhất.
2. Vì sao nên xét nghiệm ALP để phát hiện nhiều bệnh lý liên quan đến ALP?
ALP là một enzyme có nhiều isoenzyme - là các dạng khác nhau của cùng một enzyme, được sản xuất bởi các mô và cơ quan trong cơ thể. Những isoenzyme này được sản xuất từ nhiều mô khác nhau, bao gồm gan, xương, ruột, thận, và nhau thai.
Việc xác định các isoenzyme của ALP rất quan trọng trong chẩn đoán y khoa. Điều này giúp xác định nguồn gốc dẫn đến sự tăng nồng độ ALP, từ đó hỗ trợ việc chẩn đoán chính xác hơn về bệnh lý liên quan đến gan, xương, hoặc các cơ quan khác.
- Isoenzyme ALP gan: Được sản xuất chủ yếu từ tế bào lót ống mật trong gan. Xét nghiệm ALP gan giúp phát hiện các bệnh lý về gan hoặc đường mật, như xơ gan, viêm gan, hoặc tắc nghẽn mật.
- Isoenzyme ALP xương: Được sản xuất từ các tế bào osteoblasts chịu trách nhiệm tạo xương và khoáng hóa xương. Xét nghiệm ALP xương nhằm chẩn đoán và theo dõi các rối loạn xương, đặc biệt quan trọng trong các bệnh lý liên quan đến quá trình tái tạo và tăng trưởng xương bất thường.
- Isoenzyme ALP ruột: Được sản xuất từ các tế bào biểu mô của ruột non. Xét nghiệm ALP ruột có thể phát hiện các bệnh lý đường ruột hoặc bệnh Celiac.
- Isoenzyme ALP nhau thai: Được sản xuất bởi nhau thai trong thai kỳ. Xét nghiệm ALP nhau thai thường được sử dụng để đánh giá sức khỏe thai kỳ.
3. Xét nghiệm ALP có phải là một xét nghiệm độc lập để chẩn đoán các bệnh về gan, xương, hay hệ tiêu hóa không?
Không, xét nghiệm ALP cần được kết hợp với các xét nghiệm khác và các dấu hiệu lâm sàng để hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh. Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm xét nghiệm ALT, AST, GGT, và những xét nghiệm chuyển hóa xương hoặc hình ảnh học để có cái nhìn toàn diện về sức khỏe gan, xương và hệ tiêu hóa của người bệnh.
4. Cẩn chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm ALP máu?
Không cần nhịn ăn hoặc sự chuẩn bị đặc biệt nào. Khách hàng có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường trước khi xét nghiệm ALP máu.