Albumin là gì?
Albumin là protein quan trọng trong máu, hỗ trợ vận chuyển dinh dưỡng, hormone, và thuốc đến các cơ quan trong cơ thể. Albumin có vai trò giữ nước trong mạch máu và ngăn ngừa tình trạng phù nề, đồng thời giúp duy trì áp lực thấu kéo trong máu, điều hòa cân bằng dịch giữa các khoang trong cơ thể. Nếu có sự rối loạn nồng độ albumin máu sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe đáng chú ý.
Xét nghiệm Albumin là gì?
Xét nghiệm Albumin là xét nghiệm đo nồng độ albumin trong máu. Đây là xét nghiệm quan trọng giúp đánh giá sức khỏe gan, thận, cùng nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
Ai nên thực hiện xét nghiệm Albumin?
Xét nghiệm Albumin được bác sĩ chỉ định trong trường hợp:
- Đánh giá chức năng gan, thận: Xét nghiệm Albumin thường được chỉ định để đánh giá chức năng gan và thận, đặc biệt ở người có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Theo dõi tình trạng dinh dưỡng: Xét nghiệm Albumin được dùng để theo dõi tình trạng dinh dưỡng, đặc biệt ở người có nguy cơ suy dinh dưỡng hoặc đang trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật.
- Chẩn đoán các bệnh lý liên quan: Xét nghiệm Albumin thường được chỉ định như một phần của đánh giá sức khỏe tổng quát hoặc khi có nghi ngờ về các bệnh lý liên quan.
- Triệu chứng lâm sàng: Khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi kéo dài, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân, vàng da, vàng mắt, và phù nề.
Mặc dù những triệu chứng này có thể liên quan đến các bệnh lý ảnh hưởng đến nồng độ albumin, nhưng chúng không đặc hiệu cho tình trạng giảm albumin. Có nhiều nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng này. Do đó, bác sĩ sẽ xem xét thêm các yếu tố khác như tiền sử bệnh, khám lâm sàng, và các xét nghiệm khác trước khi quyết định chỉ định xét nghiệm albumin.
Cách đọc kết quả xét nghiệm Albumin
Bảng tham chiếu chỉ số xét nghiệm Albumin ở nữ giới (g/L)
Độ tuổi | Mức thấp | Bình thường | Mức cao |
Dưới 2 tuần tuổi | ≥ 17 và < 33 | Từ 33 - 45 | > 45 và ≤ 68 |
Từ 2 tuần đến 1 năm tuổi | ≥ 17 và < 28 | Từ 28 - 47 | > 47 và ≤ 68 |
Từ 1 – 8 tuổi | ≥ 17 và < 38 | Từ 38 - 47 | > 47 và ≤ 68 |
Từ 8 - 15 tuổi | ≥ 17 và < 41 | Từ 41 - 48 | > 48 và ≤ 68 |
Từ 15 - 18 tuổi | ≥ 17 và < 40 | Từ 40 - 49 | > 49 và ≤ 68 |
Từ 18 - 60 tuổi | < 35 | Từ 35 - 50 | > 50 |
Từ 60 - 90 tuổi | < 32 | Từ 32 - 46 | > 46 |
Trên 90 tuổi | < 29 | Từ 29 - 45 | > 45 |
Bảng tham chiếu chỉ số xét nghiệm Albumin ở nam giới (g/L)
Độ tuổi | Mức thấp | Bình thường | Mức cao |
Dưới 2 tuần tuổi | ≥ 17 và < 33 | Từ 33 - 45 | > 45 và ≤ 68 |
Từ 2 tuần đến 1 năm tuổi | ≥ 17 và < 28 | Từ 28 - 47 | > 47 và ≤ 68 |
Từ 1 - 8 tuổi | ≥ 17 và < 38 | Từ 38 - 47 | > 47 và ≤ 68 |
Từ 8 - 15 tuổi | ≥ 17 và < 41 | Từ 41 - 48 | > 48 và ≤ 68 |
Từ 15 - 18 tuổi | ≥ 17 và < 41 | Từ 41 - 51 | > 51 và ≤ 68 |
Từ 18 - 60 tuổi | < 35 | Từ 35 - 50 | > 50 |
Từ 60 - 90 tuổi | < 32 | Từ 32 - 46 | > 46 |
Trên 90 tuổi | < 29 | Từ 29 - 45 | > 45 |
Lưu ý:
- Bảng tham chiếu có thể thay đổi tùy theo phòng xét nghiệm và chỉ có giá trị tham khảo.
- Phạm vi tham chiếu trên kết quả xét nghiệm tại Diag thay đổi dựa trên dữ liệu khoa học mới nhất và có thể không khớp hoàn toàn với bài viết này trong một số ít trường hợp website chưa kịp cập nhật.
Kết quả xét nghiệm Albumin thấp hơn mức bình thường: Cho thấy những vấn đề sức khỏe hoặc bệnh lý như:
- Các bệnh lý về gan như viêm gan, xơ gan, hoặc người nghiện rượu.
- Mắc bệnh thận.
- Mắc bệnh đái tháo đường.
- Gặp các vấn đề về viêm nhiễm mạn tính.
- Mắc các bệnh lý đường ruột.
- Bị bỏng nặng hoặc chấn thương.
- Mắc một số bệnh ung thư và bệnh lý rối loạn tự miễn như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp.
Kết quả xét nghiệm Albumin cao hơn mức bình thường: Cho thấy những vấn đề sức khỏe hoặc bệnh lý như:
- Tình trạng cơ thể bị mất nước.
- Người có chế độ ăn quá nhiều protein.
FAQ
1. Các yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm Albumin?
Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm Albumin gồm:
- Buộc garo quá lâu khiến nồng độ albumin máu tăng.
- Lấy mẫu máu tại vùng gần vị trí đang truyền dịch có thể khiến nồng độ albumin giảm.
- Phụ nữ mang thai khiến nồng độ albumin máu giảm, nồng độ globulin tăng.
- Người đang sử dụng các loại thuốc có thể gây tăng nồng độ albumin: Thuốc steroid đồng hóa, thuốc kháng viêm chứa steroid, thuốc dextrann, androgen, thuốc bổ sung hormone tăng trưởng Insulin, Progesterone, Phenazopyridine...
- Người đang sử dụng các loại thuốc có thể gây giảm nồng độ albumin: Thuốc estrogen, thuốc bổ sung ion.
- Người đang trong tình trạng mất nước.
2. Cần lưu ý những gì trước khi thực hiện xét nghiệm Albumin?
Để đảm bảo độ chính xác trong kết quả, trước khi thực hiện xét nghiệm, mọi người cần:
- Nên thực hiện xét nghiệm Albumin vào buổi sáng. Nhịn ăn trước khi xét nghiệm ít nhất 8 tiếng để các thành phần sinh hóa máu ổn định.
- Thông báo với bác sĩ nếu đang sử dụng các loại thuốc.
- Ngưng sử dụng các loại thuốc trước khi lấy mẫu.
- Không sử dụng rượu, bia, cà phê, đồ uống có cồn, và chất kích thích trong vòng 6 đến 8 tiếng trước khi lấy mẫu.
3. Các xét nghiệm nào có thể thực hiện cùng xét nghiệm Albumin để đánh giá sức khỏe?
Xét nghiệm AST, ALT, GGT, và Bilirubin có thể thực hiện cùng xét nghiệm Albumin để đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe gan, thận.
Ngoài ra, để kiểm tra tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm Albumin cùng xét nghiệm Prealbumin.
Để đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm Albumin cùng xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu. Đây là các xét nghiệm để phát hiện sớm các rối loạn của cơ thể hoặc bệnh lý về máu (nhiễm trùng máu, thiếu máu), và các bệnh liên quan.