Xét nghiệm AFB là gì?
Xét nghiệm AFB, còn được gọi là xét nghiệm BK đờm, là xét nghiệm tìm vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây bệnh lao. Do M. tuberculosis là vi khuẩn ưa khí, kháng cồn, và kháng axit nên có tên viết tắt là AFB (Acid Fast Bacillus). Xét nghiệm AFB được xem là tiêu chuẩn trong chẩn đoán lao phổi cũng như hỗ trợ đánh giá tình trạng tổn thương ở các cơ quan khác do bệnh lao. Bên cạnh đó, xét nghiệm cũng giúp xác nhận một người đã khỏi bệnh sau khi được điều trị bệnh lao.
Xét nghiệm AFB cũng rất hữu ích trong việc chẩn đoán bệnh lao đồng nhiễm với HIV/AIDS hoặc những tình trạng suy giảm miễn dịch tương tự.
Khi nào nên làm xét nghiệm AFB?
Xét nghiệm AFB thường được chỉ định thực hiện đối với người có triệu chứng điển hình là ho. Tình trạng ho thường kéo dài trên 2 tuần, ho khan, hoặc ho có đờm. Khi bệnh tiến triển có thể gây ho ra đờm mủ hoặc đờm máu. Một số triệu chứng đi kèm như sốt, mệt mỏi, sụt cân, đổ mồ hôi nhiều…
Xét nghiệm AFB có thể được chỉ định thực hiện ở những đối tượng sau:
- Tiếp xúc gần với người được chẩn đoán mắc bệnh lao.
- Suy giảm miễn dịch do bệnh lý hoặc nhiễm trùng gây suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS.
- Sống hoặc làm việc ở nơi có tỷ lệ và khả năng cao lây truyền bệnh lao.
- Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch suy yếu.
Phương pháp xét nghiệm AFB
Xét nghiệm AFB được thực hiện bằng phương pháp nhuộm soi Ziehl-Neelsen bằng mẫu đờm. Đây là phương pháp được ứng dụng chuyên biệt để phát hiện vi khuẩn kháng cồn-kháng axit, trong đó có Mycobacterium tuberculosis.
Phương pháp này sử dụng thuốc nhuộm màu đỏ để làm nổi vật vi khuẩn kháng acid. Trên thực tế, các vi khuẩn này có thành tế bào chứa lượng lớn acid mycolic khiến chúng khó bị nhuộm màu. Do đó, sau khi quá trình nhuộm kết thuốc thì các vi khuẩn kháng acid này sẽ giữ nguyên màu đỏ của thuốc nhuộm, trong khi những vi khuẩn khác không kháng axit được nhuộm xanh. Từ đó trực tiếp xác định được sự hiện diện của vi khuẩn M. tuberculosis trong mẫu đờm.
Cách đọc chỉ số xét nghiệm AFB
Bảng tham chiếu chỉ số xét nghiệm AFB (áp dụng cho mọi giới tính và mọi độ tuổi)
Kết quả bình thường | Kết quả cao bất thường | Kết quả báo động |
Không tìm thấy trực khuẩn kháng cồn | Tìm thấy trực khuẩn kháng cồn nhưng chưa đến ngưỡng báo động | Dương tính |
Lưu ý:
- Bảng tham chiếu có thể thay đổi tùy theo phòng xét nghiệm và chỉ có giá trị tham khảo.
- Phạm vi tham chiếu trên kết quả xét nghiệm tại Diag thay đổi dựa trên dữ liệu khoa học mới nhất và có thể không khớp hoàn toàn với bài viết này trong một số ít trường hợp website chưa kịp cập nhật.
Kết quả “không tìm thấy trực khuẩn kháng cồn” nghĩa là không tìm thấy sự tồn tại của vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis trong mẫu đờm.
Kết quả “tìm thấy trực khuẩn kháng cồn nhưng chưa đến ngưỡng báo động” nghĩa là đã tìm thấy vi khuẩn bệnh lao trong mẫu đờm. Tuy nhiên, kết quả này chưa đạt ngưỡng báo động để được xác định đã mắc bệnh lao.
Kết quả “dương tính” nghĩa là đã phát hiện vi khuẩn M. tuberculosis trong mẫu đờm và được xác định mắc bệnh lao.
FAQ
1. AFB (+) là gì?
AFB (+) là vi khuẩn lao dạng AFB dương tính. Đây là thuật ngữ dùng để chỉ kết quả xét nghiệm khi mẫu đờm được nhuộm soi dưới kính hiển vi cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis. AFB (+) xác nhận rằng bệnh nhân đang mang vi khuẩn lao hoạt động và có khả năng lây nhiễm cao.
2. AFB (-) là gì?
AFB (-) là vi khuẩn lao dạng AFB âm tính. Đây là thuật ngữ chỉ kết quả xét nghiệm khi không phát hiện được vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis theo phương pháp nhuộm soi. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng AFB âm tính không loại trừ hoàn toàn khả năng mắc bệnh lao. Đặc biệt nếu bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng điển hình hoặc kết quả chẩn đoán hình ảnh nghi ngờ lao. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm bổ sung để xác nhận chẩn đoán.
3. Nhuộm AFB là gì?
Nhuộm AFB là cách gọi khác của xét nghiệm AFB (hoặc xét nghiệm BK đờm) bằng phương pháp nhuộm soi Ziehl-Neelsen bằng mẫu đờm. Xét nghiệm AFB (Acid-Fast Bacilli) là một kỹ thuật nhuộm màu để phát hiện các vi khuẩn kháng acid, trong đó có Mycobacterium tuberculosis gây bệnh lao. Xét nghiệm BK đờm thường sử dụng kỹ thuật nhuộm AFB để tìm kiếm vi khuẩn lao trong mẫu đờm. Do đó, xét nghiệm AFB không chỉ giới hạn ở việc tìm vi khuẩn lao mà còn có thể phát hiện các vi khuẩn kháng acid khác.
4. Xét nghiệm AFB có thể phát hiện bệnh lý nào ngoài bệnh lao phổi?
Xét nghiệm AFB cũng có thể phát hiện các bệnh lý khác do vi khuẩn kháng acid gây ra.
- Lao ngoài phổi: Lao màng não, lao cột sống, lao hạch...
- Nhiễm trùng Mycobacteria không phải lao: Những bệnh này do nhiều loại Mycobacteria khác ngoài M. tuberculosis gây ra, thường gặp ở người bị suy giảm miễn dịch.
Mặc dù xét nghiệm AFB có thể phát hiện các bệnh lý khác do vi khuẩn kháng acid, nhưng độ đặc hiệu của nó không cao. Để chẩn đoán chính xác các bệnh lý này, cần phải thực hiện các xét nghiệm chuyên biệt khác như nuôi cấy vi khuẩn hoặc xét nghiệm PCR.
5. Xét nghiệm AFB có chính xác không?
Xét nghiệm AFB có độ chính xác cao trong chẩn đoán lao phổi, đặc biệt khi kết quả dương tính. Tuy nhiên, độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm AFB phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm chất lượng mẫu đờm, kỹ thuật nhuộm, và kinh nghiệm của người đọc kết quả. Việc lấy mẫu đờm đúng cách và tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ sẽ đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác.
Trên thực tế, độ nhạy của xét nghiệm AFB trong chẩn đoán lao phổi dao động từ 20-80%, có nghĩa là có thể bỏ sót một số trường hợp mắc bệnh. Do đó, cần kết hợp xét nghiệm AFB với các phương pháp chẩn đoán khác như nuôi cấy vi khuẩn hoặc xét nghiệm Xpert MTB/RIF để tăng độ chính xác của chẩn đoán.
6. Nên chọn xét nghiệm AFB, nuôi cấy vi khuẩn hay Xprt MTB/RIF để phát hiện và chẩn đoán bệnh lao?
Xét nghiệm AFB: Thường được sử dụng đầu tiên trong những tình huống khẩn cấp hoặc khi cần kết quả nhanh chóng. Tuy nhiên, xét nghiệm này chỉ có hiệu quả ở những trường hợp bệnh nặng với lượng vi khuẩn cao do có độ nhạy thấp.
Xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn: Xét nghiệm tiêu chuẩn để xác định bệnh lao với độ chính xác cao. Phương pháp này có độ nhạy cao hơn AFB, giúp phát hiện được ngay cả khi số lượng vi khuẩn trong mẫu bệnh phẩm thấp. Xét nghiệm này cũng có thể xác định chính xác chủng vi khuẩn gây bệnh và tình trạng kháng thuốc. Tuy nhiên, nhược điểm là thời gian cho kết quả kéo dài.
Xét nghiệm Xpert MTB/RIF: Sử dụng kỹ thuật PCR để phát hiện Mycobacterium tuberculosis và kiểm tra khả năng kháng rifampicin (một loại thuốc kháng sinh chủ đạo trong điều trị lao). Xét nghiệm này có độ nhạy cao và cho ra kết quả nhanh chóng, rất hữu ích trong các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh lao. Xpert MTB/RIF còn hỗ trợ trong việc định hướng phác đồ điều trị kháng thuốc.
Giữa 3 xét nghiệm, Xpert MTB/RIF là phương pháp tối ưu nhất nhờ khả năng phát hiện nhanh, độ nhạy cao, và khả năng kiểm tra kháng thuốc. Mặc dù vậy, việc chọn loại xét nghiệm phù hợp sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh và điều kiện thực tế. Bác sĩ có thể yêu cầu làm nhiều xét nghiệm để chẩn đoán bệnh chính xác.