Trở lại

Xét Nghiệm Quai Bị Có Ý Nghĩa Như Thế Nào?

Quai bị là bệnh lý không thể chủ quan vì mức độ lây lan nhanh chóng và có thể gây ra biến chứng nếu không được điều trị sớm, nhất là ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới. 

Vì thế, xét nghiệm quai bị có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm mục đích chẩn đoán người đó đã từng bị nhiễm hoặc đang bị nhiễm virus gây bệnh quai bị hay không. Từ đó, giúp bác sĩ theo dõi tiến triển và đưa ra phương pháp điều trị trong trường hợp cần thiết.

1. Tìm Hiểu Về Bệnh Quai Bị

Trước khi tìm hiểu xét nghiệm quai bị bao gồm các loại xét nghiệm nào, chúng ta cùng tìm hiểu thông tin về bệnh quai bị để hiểu được tầm quan trọng của xét nghiệm quai bị đối với sức khỏe.

Bệnh quai bị còn được gọi là bệnh má chàm bàm. Đây là một bệnh lý truyền nhiễm gây nên bởi tác nhân virus khiến tuyến bọt bị sưng, gây đau đớn. Thông thường, thời gian từ lúc người bệnh nhiễm virus này và khởi phát bệnh sẽ kéo dài trong khoảng từ 12 – 24 ngày.

xet-nghiem-quai-bi-1.jpg

Bệnh quai bị lây qua đường nào? Bệnh quai bị lây truyền từ người bệnh sang người lành theo đường hô hấp. Khi virus có trong những giọt nước bọt hay dịch tiết mũi bắn ra bên ngoài khi bệnh nhân hắt hơi, ho khạc nhổ, nói chuyện… vô tình người lành hít phải trực tiếp hay chạm vào những đồ dùng bị dính dịch hô hấp này thì có nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Những người bị bệnh quai bị rất có khả năng lây nhiễm trong thời điểm khoảng 2 ngày trước khi triệu chứng xuất hiện cho đến 6 ngày sau khi những triệu chứng này kết thúc.

Quai bị là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ, gây ra những triệu chứng điển hình như sốt cao trên 39 độ C, sau đó sẽ gây sưng tuyến nước bọt vào vài ngày tiếp theo. Không những vậy, vùng má trẻ cũng bị sưng lên, gây ra tình trạng đau khi nói, nhai nuốt thức ăn, đặc biệt là những loại nước có tính axit.

Những biểu hiện của bệnh quai bị cần chú ý là:

  • Có cảm giác đau 1 hoặc cả 2 bên má.
  • Bị đau khi nhai, nuốt thức ăn.
  • Đau đầu, lên cơn sốt.
  • Sưng vùng hàm hoặc tuyến mang tai, viêm họng.
  • Bị sưng bìu và đau tinh hoàn.

Tại sao bệnh quai bị gây vô sinh? Khi mắc bệnh quai bị không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, sẽ gây ra biến chứng vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là làm tăng nguy cơ vô sinh.

Cụ thể, bệnh không chỉ gây viêm tuyến mồ hôi mà còn gây ảnh hưởng, viêm ở những bộ phận khác như não bộ và cơ quan sinh sản như với những bệnh lý viêm não, viêm màng não, viêm tuỵ, viêm tinh hoàn ở nam giới sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Viêm tuyến nước bọt và quai bị khác nhau như thế nào? Mặc dù cả hai bệnh đều có chung biểu hiện ở tuyến nước bọt gần giống nhau, nhưng lại khác nhau về nguyên nhân và hậu quả.

Đối với viêm tuyến nước bọt sẽ khiến mang tai sưng to và lan rộng ra vùng xung quanh tuyến. Đồng thời, vùng da ở tuyến sẽ bị tấy đỏ, đau, có hạch viêm phản ứng với vị trí góc hàm hay sau tai cùng bên.

Khi ấn vào vùng tuyến mang tai có cảm giác mềm, gây đau có thể khiến mủ chảy ra ở miệng ống Stenon. Khi ăn, nói chuyện sẽ có cảm giác đau và khiến bệnh nhân sốt từ 38 – 39 độ.

Ngoài ra, đối với viêm tuyến nước bọt mang tai do sỏi thường chỉ bị một bên, hay tái phát. Trước bữa ăn ngon, hay nhìn thấy đồ chua, người bệnh thường rất dễ tăng tiết nước bọt trong khoang miệng.

Tuy nhiên, khi có dấu hiệu bất thường, không nên tự phán đoán tại nhà, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tiến hành kiểm tra, xét nghiệm để chẩn đoán chính xác nhất tình trạng bệnh, tránh những hậu quả nghiêm trọng do bệnh lý gây ra khi điều trị chậm trễ.

2. Xét Nghiệm Chẩn Đoán Bệnh Quai Bị Là Gì?

Xét nghiệm quai bị là gì? Xét nghiệm quai bị bao gồm những xét nghiệm nhỏ giúp bác sĩ xác định được chủng di truyền của virus, đồng thời có thể xác định được khả năng miễn dịch của cơ thể bệnh nhân với loại virus quai bị thông qua những kháng thể đặc trưng.

Nói rõ hơn, mục tiêu của xét nghiệm quai bị là:

  • Giúp chẩn đoán bệnh nhân đã từng nhiễm quai bị trước đó hay chưa.
  • Chẩn đoán người bệnh có đang nhiễm virus gây bệnh quai bị hay không.
  • Xác định được khả năng miễn dịch của cơ thể thông qua tìm kiếm sự hiện diện của kháng thể đối với virus quai bị.
  • Theo dõi tiến triển bệnh, góp phần giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị quai bị hiệu quả nhất.

3. Khi Nào Nên Tiến Hành Xét Nghiệm Quai Bị?

Xét nghiệm quai bị thường được bác sĩ chỉ định trong những trường hợp như sau:

  • Khi bệnh nhân có những dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh quai bị.
  • Chỉ định để xem cơ thể người bệnh có hệ miễn dịch với loại virus quai bị hay chưa.
  • Người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân được xác định mắc bệnh quai bị và đang có biểu hiện bệnh như sốt, đau hàm giống như bệnh quai bị.

4. Các Xét Nghiệm Chẩn Đoán Bệnh Quai Bị

4.1 Xét Nghiệm Kháng Thể

Xét nghiệm kháng thể là một trong những xét nghiệm quai bị giúp bác sĩ xác nhận khả năng miễn dịch của bệnh nhân. Từ đó, có thể chẩn đoán được bệnh quai bị hay theo dõi tình trạng bệnh nhân theo giai đoạn điều trị.

Kháng thể của quai bị chính là những protein cụ thể do hệ thống miễn dịch sản xuất ra, nhằm mục đích bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus gây bệnh quai bị.

Có hai loại kháng thể được sản xuất bao gồm:

  • Kháng Thể IgM

Kháng thể IgM là kháng thể xuất hiện đầu tiên trong máu khi người bệnh tiếp xúc với virus quai bị hay sau khi tiêm ngừa vacxin. Kháng thể IgM sẽ tăng cao trong vài ngày cho đến khi đạt mức tối đa, sau đó sẽ giảm dần trong những tuần tiếp theo.

xet-nghiem-quai-bi-2.jpg

Trong trường hợp những người chưa từng tiêm chủng nhưng lại có sự xuất hiện của kháng thể IgM thì rất có khả năng người này đã từng bị lây nhiễm quai bị. Nhưng nếu có cả kháng thể IgM và IgG xuất hiện cùng lúc thì cho thấy người này đã mắc bệnh quai bị.

  • Kháng Thể IgG

Kháng thể IgG sẽ xuất hiện muộn hơn so với IgM nhưng lại rất hiệu quả trong việc bảo vệ cơ thể trước khỏi tác nhân gây nhiễm trùng.

Nếu kháng thể IgG có mặt trong cơ thể thì người này đã được tiêm phòng hoặc/ và hiện tại không mắc bệnh. Điều này cũng có nghĩa là người này đã miễn dịch với virus gây bệnh quai bị.

Nhưng kết quả xét nghiệm kháng thể sởi quai bị rubella không có sự hiện diện của IgM và IgG thì không được xem là người bệnh đã miễn nhiễm với virus gây bệnh. Vì có thể do người này chưa từng tiếp xúc với các loại virus, bởi IgG có thể xuất hiện muộn hoặc do cơ thể người này không có phản ứng với kháng thể bình thường.

4.2 Nuôi Cấy Virus Hoặc Những Xét Nghiệm Vật Liệu Di Truyền Của Virus

Xét nghiệm nuôi cấy virus hay những xét nghiệm vật liệu di truyền của virus có thể thực hiện được trên một loại các mẫu xét nghiệm.

Nhưng có một điểm hạn chế là phương pháp này chỉ có thể giúp bác sĩ xác định được tình trạng bệnh, chứ không thể xác nhận được khả năng miễn dịch trong cơ thể bệnh nhân.

4.3 Xét Nghiệm Vật Liệu Di Truyền Của Virus (RT-PCR)

Thông qua xét nghiệm vật liệu di truyền của virus (RT-PCR) sẽ giúp bác sĩ xác định được chủng di truyền của virus.

Những xét nghiệm có thể phát hiện được trực diện virus, đôi khi cũng có thể được thực hiện nhằm mục đích tìm ra nguyên nhân của các biến chứng nghiêm trọng mà bệnh quai bị gây ra.

Đối với người bệnh có hệ miễn dịch đang suy yếu, có thể không có những phản ứng kháng thể miễn dịch điển hình. Chính vì lý do này, xét nghiệm vật liệu di truyền của virus sẽ được bác sĩ chỉ định để xác định chẩn đoán bệnh sởi, nhất là khi xét nghiệm cho kết quả kháng thể không phù hợp với kết quả nghiên cứu lâm sàng.

4.4 Xét Nghiệm Nuôi Cấy Virus

Nếu xét nghiệm nuôi cấy virus quai bị hay virus sởi cho kết quả dương tính hoặc khi thực hiện xét nghiệm chất liệu di truyền của virus có kết quả dương tính thì đồng nghĩa với việc người nay đang nhiễm virus gây bệnh.

xet-nghiem-quai-bi-3.jpg

Nhưng nếu kết quả xét nghiệm nuôi cấy virus quai bị hay xét nghiệm chất liệu di truyền của virus quai bị cho kết quả âm tính thì đồng nghĩa với việc người này không nhiễm bệnh. Những triệu chứng nghi ngờ do bệnh quai bị gây nên có thể là của nguyên nhân khác.

4.5 Xét Nghiệm Máu

Xét nghiệm máu có biết bị quai bị không? Xét nghiệm tổng phân tích máu ngoại vi, thường được chỉ định trong trường hợp nghi ngờ nhiễm virus quai bị.

Thông qua kết quả xét nghiệm máu, nếu bạch cầu giảm, bạch cầu đa nhân trung tính cũng giảm thì có thể là do nguyên nhân virus gây nên và thường tăng lên mức bình thường đối với nguyên nhân vi khuẩn. Bên cạnh đó, xét nghiệm nước tiểu và amylase máu cho kết quả tăng.

Ngoài ra, còn có một số xét nghiệm khác để chẩn đoán quai bị như xét nghiệm dịch não tủy, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm nước bọt, xét nghiệm kiểm tra phản ứng ức chế ngưng kết hồng cầu (HI), trung hòa đám hoại tử (NT), cổ định bổ thể (CI).

Như vậy, xét nghiệm quai bị có ý nghĩa trong việc kịp thời phát hiện bệnh quai bị và góp phần đưa ra phương pháp kiểm soát tốt những triệu chứng do bệnh gây nên, hạn chế biến chứng và tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.

Bên cạnh đó, để chủ động phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh quai bị, thì tiêm phòng vacxin quai bị ngay từ bé và tiêm phòng trong trường hợp khẩn cấp theo chỉ định của bác sĩ là vô cùng quan trọng.

Nếu bạn cần tư vấn thêm thông tin liên quan đến xét nghiệm quai bị khi có biểu hiện nghi ngờ, có thể gọi đến hotline 19001717 Diag – Trung tâm xét nghiệm chẩn đoán y khoa chất lượng cao tại TP.HCM để được chuyên viên y tế giải đáp và đặt lịch hẹn thăm khám dễ dàng nhất.

Trang này không thể và không chứa đựng thông tin tư vấn y khoa. Các nội dung này được cung cấp chỉ nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền, không thay thế cho bất kỳ tư vấn y khoa nào. Theo đó, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin này, vui lòng gặp nhân viên y tế phù hợp để được tư vấn.