Không ít chị em phụ nữ gặp các vấn đề khác nhau về kinh nguyệt, như chu kỳ không đều, đau bụng quằn quại hoặc ngày “đèn đỏ” kéo dài quá lâu hay quá ngắn và làm ảnh hưởng cuộc sống, thậm chí là vấn đề mang thai. Vậy, có mấy loại bất thường kinh nguyệt và chúng nguy hiểm như thế nào?
Kinh nguyệt bất thường (rối loạn kinh nguyệt) là những bất thường có liên quan đến hiện tượng hành kinh, thời gian (rong kinh, thiểu kinh, vô kinh), tần suất và lượng máu (cường kinh) và thống kinh (đau bụng kinh âm ỉ…)
Việc kinh nguyệt diễn ra bất thường đang ngầm ám chỉ khả năng mắc nhiều căn bệnh khác nhau và thậm chí ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chỉ cho rằng kinh nguyệt bất thường đến từ thói quen sinh hoạt, ăn uống, thời tiết,… mà ít tìm hiểu tường tận.
Vậy, kinh nguyệt bất thường xảy ra như thế nào và có bao nhiêu loại?
Kinh Nguyệt Thưa
Kinh nguyệt thưa là gì? Là khi từ 35 ngày trở lên, hoặc 3 tháng trở lên bạn mới có kinh 1 lần thì được xem là có chu kỳ kinh nguyệt thưa (chu kỳ kinh nguyệt bình thương kéo dài khoảng 21-35 ngày).
*Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên thấy kinh cho đến ngày đầu tiên của lần hành kinh tiếp theo.
Nguyên nhân dẫn đến thưa kinh gồm:
– Do bất thường ở trực tuyến dưới đồi và tuyến yên ở trong não – các hormone chi phối quá trình bài tiết estrogen (còn có tên gọi khác là oestrogen) và progesterone của buồng trứng, có vai trò làm biến đổi niêm mạc tử cung để tạo ra kinh nguyệt, hoặc làm tổ để đón trứng thụ tinh và phát triển thành thai.
*Progesterone và estrogen là hormone sinh dục nữ, được sản xuất chủ yếu ở buồng trứng sau khi xảy ra tình trạng rụng trứng, có chức năng điều hòa chu kì kinh nguyệt và hoạt động sinh sản.
– Do ít rụng trứng, noãn bào chậm tăng trưởng nên kéo dài giai đoạn noãn chín.
– Do buồng trứng đa nang, với số nang cùng phát triển rất nhiều nhưng không thể dùng được (vì không có nang nào chín và không phóng noãn, dẫn đến không có trứng rụng).
>>> Có thể bạn sẽ cần: Gói Xét Nghiệm Sức Khỏe Sinh Sản
Vậy, bị thưa kinh có gây vô sinh không? Có, kinh thưa dù không gây ảnh hưởng hay nguy hiểm sức khỏe, nhưng nếu không được điều trị hoặc tình trạng kéo dài sẽ dẫn đến khả năng vô sinh, vì trứng rụng càng ít đồng nghĩa với tỷ lệ mang thai càng giảm.
Rong Kinh, Rong Huyết
Khái niệm rong kinh có lẽ không còn xa lạ với nhiều chị em phụ nữ, với tình trạng phổ biến là khi kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày cùng lượng máu ra nhiều giữa đợt. Khi kỳ kinh kéo dài hơn 7 ngày hoặc lượng máu vượt quá 80ml/chu kỳ được gọi là rong kinh – rong huyết.
Nguyên nhân dẫn đến rong kinh, rong huyết gồm:
– Rối loạn hoạt động nội tiết của vùng dưới đồi hoặc buồng trứng chưa trưởng thành. Cụ thể, lượng estrogen tăng cao nhưng không phóng noãn, dẫn đến không cân đối với lượng progesterone được tiết ra. Vì thế, khi nội mạc càng dày, mạch máu lại không tăng trưởng kịp để nuôi dưỡng sẽ gây ra chảy máu, từ đó hình thành rong kinh.
*Phóng noãn là tình trạng rụng trứng.
– Do nhiễm khuẩn sau sinh, sau nạo thai, các bệnh lý về tử cung như u xơ, ung thư, viêm nội mạc tử cung,…
Vậy, rong kinh, rong huyết có những ảnh hưởng nào? Khi bị rong kinh, rong huyết, bạn có thể bị đau bụng dưới, mệt mỏi, hoa mắt,… gây phiền nhiễu sinh hoạt thường nhật. Nghiêm trọng hơn, rong kinh, rong huyết kéo dài có thể dẫn đến thiếu máu, giảm sức đề kháng, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm nhiễm bộ phận sinh dục.
Vô Kinh
Vô kinh là tình trạng không xuất hiện kinh nguyệt sau 1 mốc thời gian hoặc trong khoảng thời gian nhất định như sau:
– Vô kinh nguyên phát: Khi phụ nữ đã đến tuổi dậy thì (thường là 16 tuổi trở lên) nhưng chưa hề xuất hiện kinh nguyệt. Để nhận biết vô sinh nguyên phát, có thể dựa vào sự phát triển của vú và lông mu. Nếu 2 bộ phận này không phát triển, đồng nghĩa buồng trứng cũng không hoạt động và ngược lại.
Tuy nhiên, bạn cần thực hiện thăm khám nếu sau 18 tuổi vẫn chưa có kinh (không kèm đau bụng, kèm với vú và lông mu có phát triển).
– Vô kinh thứ phát: Là tình trạng xảy ra khi người phụ nữ đã có kình nguyệt nhưng mất kinh nguyệt trong thời gian liên tục trên 3 tháng.
Thống Kinh
Thống kinh là triệu chứng khi vùng bụng dưới đau thắt lại (thỉnh thoảng kèm đau lưng, nhức đầu tiểu chảy), tức ngực, căng vú,… gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày. Đây là tình trạng có thể xảy ra trước hoặc sau khi kỳ kinh nguyệt diễn ra. Thống kinh có 2 loại:
– Thống kinh nguyên phát: Khi chưa tìm thấy các nguyên nhân và bệnh lý cụ thể. Thông thường, prostaglandin được tiết ra từ nội mạc tử cung là nguyên nhân gây kích thích các cơ trơn tử cung và ruột non.
– Thống kinh thứ phát: Thường do các vấn đề bệnh lý gây ra như viêm tử cung, u xơ tử cung, dính nội mạc tử cung,…
Bế Kinh
Là tình trạng máu kinh hàng tháng vẫn được bài xuất, nhưng do những cản trở về mặt cấu trúc khiến máu kinh không thể được bài xuất ra ngoài. Các biểu hiện của bế kinh thường gặp là đau bụng dưới quằn quại (kéo dài 3-4 ngày/tháng) nhưng lại không hề ra máu. Cụ thể, bế kinh xảy ra do các nguyên nhân sau:
– Bế kinh do màng trinh không thủng: Là khi bộ phận sinh dục phát triển bình thường, nhưng màng trinh lại quá dày, không thủng nên không thể xuất huyết ra ngoài.
– Bế kinh do âm đạo có vách ngăn: Là khi trong âm đạo có vết ngăn ngang hoặc đoạn dưới của âm đạo không phát triển.
– Bế kinh do không có âm đạo: Là khi bộ phận sinh dục chỉ có tử cung và buồng trứng, dẫn đến huyết chảy ngược lên lại vòi tử cung do bị ứ đọng.
Bế kinh có nguy hiểm không? Khi bị bế kinh, huyết sẽ không thể chảy ra ngoài và kéo theo tình trạng ứ đọng làm căng phồng tử cung và vòi tử cung (vòi trứng). Sau đó, niêm mạc sẽ bị phá hủy dẫn đến vô sinh, hoặc tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở.
Cường Kinh & Thiếu Kinh
Đây cũng là các tình trạng quen thuộc trong ngày đèn đỏ, tuy nhiên ít ai biết được tên gọi thuật ngữ của chúng. Theo đó:
– Cường kinh là khi lượng máu vừa ra nhiều và kéo dài trong nhiều ngày, có thể khiến mất máu.
– Thiếu kinh là khi lượng máu ra ít và không kéo dài (từ 2 ngày trở xuống hoặc lượng máu mất dưới 20ml/). Tuy không gây mất máu, thiếu kinh cũng có thể là dấu hiệu cho các bệnh ở buồng trứng hoặc khả năng sinh sản.
Kinh nguyệt bất thường là dấu hiệu nhận biết của nhiều loại bệnh lý, đặc biệt là khả năng sinh sản của nữ giới. Cần thực hiện thăm khám với bác sĩ ngay khi có các triệu chứng bất thường để có phác đồ điều trị kịp thời, điều chỉnh lối sinh hoạt khoa học để cải thiện tình trạng kinh nguyệt.