Tai biến là những biến cố y khoa nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong bài viết này, Diag sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bản chất và các nguyên nhân bị tai biến. Qua đó bạn sẽ biết được cách xử trí cần thiết khi gặp các trường hợp bệnh nhân bị tai biến cần được cấp cứu.

Bản chất của tai biến là gì?

Trước khi tìm hiểu nguyên nhân thì chúng ta cần nắm rõ bản chất của tai biến là gì. Tai biến (complication) không phải là một bệnh lý cụ thể mà là một biến cố nghiêm trọng có thể xảy ra ở bất cứ chuyên khoa nào. Tai biến mang tính đột ngột, nguy hiểm và nằm ngoài ý muốn của cơ thể hoặc do sai sót y khoa. Do đó đòi hỏi bác sĩ phải xử lý ngay lập tức để giảm thiểu nguy cơ tử vong hoặc tổn thương lâu dài.

Nguyên nhân tai biến là do đâu?

Các nguyên nhân gây tai biến có thể xuất phát từ các yếu tố bên ngoài cơ thể, như sai sót y khoa, phản ứng thuốc. Tai biến cũng có thể do các yếu tố bên trong như bệnh lý nền, chấn thương hoặc sự thay đổi sinh lý trong cơ thể.

Vì có thể xảy ra trong bất cứ chuyên khoa nào nên tai biến cũng được chia thành nhiều loại khác nhau. Mỗi loại tai biến sẽ có nguyên nhân gây bệnh riêng biệt. Trong đó bao gồm 5 loại tai biến phổ biến là: tai biến sản khoa, tim mạch, hồi sức – cấp cứu, tai biến do phẫu thuật hoặc do dùng thuốc.

1. Tai biến sản khoa

Đây là những tình huống đột ngột và nguy hiểm trong quá trình mang thai, sinh nở hoặc sau sinh, có thể đe dọa tính mạng của mẹ và thai nhi. Nguyên nhân tai biến sản khoa chủ yếu liên quan đến sự thay đổi sinh lý trong cơ thể người mẹ, rối loạn tiền sản hoặc can thiệp y tế không đúng cách.

Tiền sản giật (Preeclampsia): Là tình trạng tăng huyết áp trong thai kỳ kèm theo sự xuất hiện của protein trong nước tiểu, gây tổn thương đa tạng cho người mẹ và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. Nguyên nhân chính xác chưa rõ ràng nhưng có liên quan đến sự phát triển bất thường của nhau thai và sự thay đổi trong các mạch máu của người mẹ. Ngoài ra có một số yếu tố nguy cơ dẫn đến tiền sản giật gồm cao huyết áp trước khi mang thai, bệnh lý thận, hoặc mẹ mang đa thai.

Thai ngoài tử cung (Ectopic Pregnancy): Xảy ra khi trứng đã thụ tinh làm tổ ngoài tử cung. Nguyên nhân là do sự bất thường trong ống dẫn trứng, có thể do viêm nhiễm, phẫu thuật trước đó hoặc các vấn đề di truyền làm cản trở sự di chuyển của trứng vào tử cung. Điều này có thể dẫn đến vỡ ống dẫn trứng, gây chảy máu nghiêm trọng và đe dọa tính mạng của mẹ.

Sảy thai (Miscarriage): Là tình trạng mất thai tự nhiên trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Nguyên nhân phổ biến thường do bất thường về nhiễm sắc thể của thai nhi, khiến thai không thể phát triển bình thường. Ngoài ra còn có một số yếu tố nguy cơ khác gồm tuổi tác, bệnh lý nội tiết, nhiễm trùng, hút thuốc, uống rượu, bệnh đái tháo đường, bệnh thận ở người mẹ, hoặc các vấn đề về tử cung.

Sự bất thường trong ống dẫn trứng là một nguyên nhân bị tai biến thai ngoài tử cung.
Sự bất thường trong ống dẫn trứng là một nguyên nhân bị tai biến thai ngoài tử cung.

2. Tai biến tim mạch

Đây là nhóm các tai biến xảy ra khi sự lưu thông máu đến não hoặc tim bị gián đoạn. Điều này có thể do các yếu tố như tắc nghẽn mạch máu, xơ vữa động mạch, huyết áp cao và các vấn đề liên quan đến tim, mạch máu.

Tai biến tim mạch rất phổ biến, trong đó bao gồm các tai biến mạch máu não (còn được gọi là đột quỵ). Dựa trên các nguyên nhân cụ thể mà tai biến mạch máu não được chia thành hai loại chính: tai biến do thiếu máu não cục bộ và tai biến do xuất huyết não.

Tai biến do thiếu máu não cục bộ (Ischemic Stroke): Tai biến do thiếu máu não xảy ra khi cục máu đông hoặc mảng xơ vữa làm tắc nghẽn mạch máu. Điều này khiến dòng máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến não bị ngừng đột ngột, có thể làm chết mô não.

Tai biến do xuất huyết não (Hemorrhagic Stroke): Xảy ra khi mạch máu trong não bị vỡ khiến máu chảy vào mô não hoặc các khoang xung quanh não. Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não do xuất huyết thường do huyết áp tăng quá cao hoặc vỡ túi phình mạch máu não. Một số trường hợp mắc các bệnh lý làm yếu mạch máu (bệnh Moyamoya) hoặc dị dạng mạch máu cũng là những người dễ bị tai biến mạch máu não.

Nguyên nhân tai biến mạch máu não do xuất huyết có thể do huyết áp tăng quá cao.
Nguyên nhân tai biến mạch máu não do xuất huyết có thể do huyết áp tăng quá cao.

3. Tai biến hồi sức – cấp cứu

Nhóm tai biến này xảy ra khi có sự cố nghiêm trọng trong quá trình cấp cứu hoặc hồi sức, dẫn đến tình trạng khẩn cấp đe dọa tính mạng. Nguyên nhân của những tai biến này rất đa dạng, có thể do phản ứng bất lợi với thuốc (như sốc thuốc mê) hoặc sai sót trong kỹ thuật. Một số trường hợp xảy ra do sự thay đổi đột ngột trong tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, như ngừng tim hoặc suy hô hấp.

Sốc thuốc mê (Anesthetic Shock): Là phản ứng nghiêm trọng đối với thuốc gây mê do dị ứng thuốc, hoặc do cơ thể phản ứng quá mức/tương tác bất thường với thuốc mê. Tình trạng này có thể dẫn đến hạ huyết áp, suy hô hấp, thậm chí gây ngừng tim đột ngột đe dọa tính mạng trong thời gian ngắn.

Ngừng tim (Cardiac Arrest): Là một trong những tai biến cấp cứu nguy hiểm nhất, xảy ra khi tim ngừng đập hoặc không thể bơm máu hiệu quả. Nguyên nhân gây ngừng tim có thể bao gồm nhiều vấn đề, như rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim hoặc các vấn đề cấu trúc của tim. Hệ quả là thiếu oxy đến các cơ quan quan trọng, có thể gây chết não hoặc suy đa cơ quan.

Suy hô hấp (Respiratory Failure): Là tình trạng cơ thể không nhận đủ oxy hoặc không loại bỏ được carbon dioxide. Hệ quả là thiếu oxy trong máu và các mô, có thể gây tổn thương não và đa cơ quan. Suy hô hấp có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân liên quan đến hệ hô hấp. Chẳng hạn như do bệnh lý về phổi, suy giảm chức năng hô hấp hoặc do các chấn thương vùng ngực.

Tai biến sốc thuốc mê có thể xảy ra do các bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim.
Tai biến sốc thuốc mê có thể xảy ra do các bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim.

4. Tai biến do phẫu thuật

Đây là những biến cố nghiêm trọng xảy ra trong hoặc sau khi thực hiện phẫu thuật, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bệnh nhân. Trong đó bao gồm hai tai biến phổ biến là chảy máu nội tạng và nhiễm trùng hậu phẫu. Nguyên nhân gây ra những tai biến này thường liên quan đến kỹ thuật phẫu thuật, phản ứng của cơ thể đối với kỹ thuật can thiệp và các yếu tố nguy cơ cá nhân của bệnh nhân.

Chảy máu nội tạng (Internal Bleeding): Là tình trạng máu thoát ra khỏi mạch máu vào các khoang hoặc mô trong cơ thể, gây tụ máu và có thể dẫn đến sốc mất máu. Nguyên nhân gây tai biến này thường bao gồm:

  • Tổn thương mạch máu: Trong quá trình phẫu thuật, việc cắt, kéo căng hoặc làm việc gần các mạch máu lớn có thể gây tổn thương và chảy máu.
  • Rối loạn đông máu: Bệnh nhân có vấn đề về đông máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông có nguy cơ chảy máu cao hơn.
  • Không cầm máu hiệu quả: Kỹ thuật cầm máu không đầy đủ hoặc không đúng cách trong phẫu thuật có thể dẫn đến chảy máu sau mổ.

Nhiễm trùng hậu phẫu (Postoperative Wound Infection): Là biến chứng phổ biến xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào vết thương phẫu thuật hoặc các khu vực khác trong cơ thể sau phẫu thuật. Nguyên nhân gây nhiễm trùng hậu phẫu bao gồm:

  • Sức đề kháng yếu: Bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu do bệnh lý nền hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.
  • Vệ sinh không đầy đủ: Môi trường phẫu thuật không được khử trùng kỹ lưỡng hoặc kỹ thuật viên y tế không tuân thủ quy trình đảm bảo vệ sinh.
  • Chăm sóc vết thương không đúng cách: Không tuân thủ hướng dẫn chăm sóc vết thương sau phẫu thuật. Chẳng hạn như thay băng không đúng cách hoặc để vết thương tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.
Chăm sóc vết thương sau phẫu thuật không đúng cách có thể gây nhiễm trùng.
Chăm sóc vết thương sau phẫu thuật không đúng cách có thể gây nhiễm trùng.

5. Tai biến do dùng thuốc

Những tai biến này là hệ quả của phản ứng dị ứng thuốc, tương tác thuốc hoặc sai sót trong liều lượng và cách thức sử dụng thuốc. Việc sử dụng thuốc không đúng cách hoặc sai liều lượng thường dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như khó thở, sưng, nôn mửa hoặc sốc.

Sốc phản vệ (Anaphylaxis): Là phản ứng dị ứng thuốc nghiêm trọng, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Nguyên nhân dẫn đến tai biến sốc phản vệ là do cơ thể phản ứng quá mức với một chất lạ, như thuốc, thực phẩm, hoặc các tác nhân dị ứng khác. Điều này khiến hệ miễn dịch giải phóng một lượng lớn hóa chất gây ra các triệu chứng nguy hiểm như sưng tấy, khó thở, tụt huyết áp và sốc.

Ngộ độc thuốc (Drug Poisoning): Là các phản ứng độc hại đối với cơ thể, xảy ra khi cơ thể tiếp nhận quá liều thuốc hoặc thuốc tương tác không đúng cách với các thuốc khác. Nguyên nhân có thể do sử dụng thuốc quá liều, tương tác thuốc không đúng, hoặc không tuân thủ các hướng dẫn về sử dụng thuốc. Các dấu hiệu ngộ độc thuốc có thể bao gồm nôn mửa, khó thở, hay các triệu chứng nghiêm trọng khác tùy thuộc vào loại thuốc bị ngộ độc.

Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng đặc biệt nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng.
Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng đặc biệt nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng.

Cần làm gì khi gặp tai biến?

Khi nhận thấy một người gặp tai biến, dù là loại tai biến nào thì vẫn cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Nếu không ở trong môi trường y tế (như bệnh viện) thì cần gọi 115 để được hỗ trợ cấp cứu ngay sau đó.

Xử lý kịp thời và đúng cách là vô cùng quan trọng để giảm thiểu tổn thương do tai biến gây ra. Tùy theo loại tai biến cụ thể mà có bước xử trí riêng biệt. Tuy nhiên, vẫn có một số biện pháp chung có thể áp dụng với nhiều loại tai biến.

Cần gọi cấp cứu 115 khi một người bị tai biến.
Cần gọi cấp cứu 115 khi một người bị tai biến.

Nếu một người bị tai biến mạch máu não (đột quỵ) thì cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Bạn có thể nhận biết thông qua các triệu chứng như yếu tay chân, khó nói, mất thăng bằng, hoặc đau đầu đột ngột. Bên cạnh đó, cần giữ người bệnh bình tĩnh và không cho họ ăn uống. Việc này tạo điều kiện thuận lợi để nhân viên y tế can thiệp phẫu thuật cấp cứu hoặc dùng thuốc.

Trường hợp tai biến ngừng tim thì bạn có thể thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) để khôi phục nhịp tim nhằm duy trì sự lưu thông máu và oxy đến các cơ quan. Sau đó chờ nhân viên y tế hỗ trợ cứu chữa.

Nếu bệnh nhân gặp phản ứng sốc thuốc thì cần ngừng sử dụng thuốc ngay lập tức. Sau đó bạn hãy báo ngay với bác sĩ, nhân viên y tế hoặc gọi cấp cứu để được hỗ trợ hô hấp cần thiết.

Trong trường hợp người bệnh xảy ra các tai biến nhiễm trùng hậu phẫu thì cần theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng. Nếu có biểu hiện sốt, sưng đỏ xung quanh vết mổ thì nhanh chóng thông báo cho bác sĩ để được điều trị kịp thời. Đồng thời, cần đảm bảo vết mổ được làm sạch và thay băng đúng quy trình y khoa.

Nếu có biểu hiện sốt, sưng đỏ xung quanh vết mổ thì nhanh chóng thông báo cho bác sĩ.
Nếu có biểu hiện sốt, sưng đỏ xung quanh vết mổ thì nhanh chóng thông báo cho bác sĩ.

Lời kết

Như vậy bài viết đã chia sẻ đến bạn những thông tin quan trọng về các nguyên nhân bị tai biến. Tai biến là những biến cố y khoa nghiêm trọng cần được bác sĩ cấp cứu ngay lập tức. Vậy nên bạn cần gọi cấp cứu 115 để được các nhân viên y tế hỗ trợ khi gặp phải các trường hợp tai biến.