HIV/AIDS là một bệnh xã hội nguy hiểm có ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe. Hiện tại nhiều người lo sợ về virus này nhưng vẫn băn khoăn không biết nguồn gốc của HIV. Vậy virus HIV từ đâu ra? Cấu tạo virus HIV như thế nào và chúng ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng ra sao? Cùng Diag tìm hiểu chi tiết về virus HIV trong bài viết bên dưới nhé.
Virus HIV từ đâu ra?
Một số nghiên cứu cho biết, virus HIV có nguồn gốc từ SIV (Simian Immunodeficiency Virus). Đây là loại virus làm suy giảm miễn dịch ở châu Phi, chủ yếu gây bệnh ở khỉ và tinh tinh. Trong quá trình lây nhiễm từ những con vật này sang người, virus dần biến đổi thành HIV (Human Immunodeficiency Virus) gây bệnh HIV/AIDS ở người. Sự lây nhiễm này diễn ra trong quá trình săn bắt, giết thịt hoặc tiếp xúc với máu của tinh tinh và khỉ.
Xem thêm: HIV là gì?
Sau khi lây nhiễm sang người trải rộng khắp châu Phi, đại dịch HIV bùng phát phát toàn cầu vào cuối những năm 1970. Ca nhiễm AIDS (giai đoạn cuối của HIV) được công nhận lần đầu tiên năm 1981.
Hiện nay, virus HIV được ghi nhận có 2 chủng là HIV-1 và HIV-2. Virus HIV-1 phổ biến trên toàn cầu với khả năng lây nhiễm cao, thường được nhắc đến khi nói về bệnh HIV. Trong khi đó, HIV-2 chủ yếu tập trung ở Tây Phi và một số khu vực khác như châu Âu, Hoa Kỳ, và Ấn Độ.
Nội dung phân tích về cấu tạo của virus HIV sẽ tập trung vào cấu trúc của HIV-1.
Xem thêm: Nguyên nhân bị HIV
Cấu tạo của virus HIV
Virus HIV thuộc họ Retroviridae, giống Lentivirus, có dạng hình cầu với kích thước rất nhỏ khoảng 80 – 10nm. Khi nhìn dưới kính hiển vi, thành phần cấu tạo virus HIV gồm 3 phần chính là vỏ ngoài, vỏ trong (vỏ capsid) và lõi.
Vỏ ngoài của virus HIV được tạo thành từ 72 núm gai, đây là những protein bề mặt gọi là glycoprotein 120 (gp120). Khi HIV tấn công tế bào Lympho T CD4+ của con người, glycoprotein 120 sẽ gắn vào các thụ thể trên tế bào TCD4+. Ngoài ra, vỏ virus HIV còn có một protein xuyên màng gọi là glycoprotein 41 (gp41).
Vỏ trong của virus HIV có cấu tạo gồm 2 lớp protein. Lớp ngoài hình cầu được cấu tạo bởi các protein p17. Lớp trong hình trụ, được tạo nên bởi các phân tử protein gọi là kháng nguyên p24. Kháng nguyên p24 là thành phần quan trọng nhất để phát hiện và chẩn đoán nhiễm HIV/AIDS.
Lõi virus HIV có cấu trúc phức tạp, chứa 2 bản sao của bộ gen RNA chuỗi đơn. Vật chất di truyền của HIV là RNA liên kết chặt chẽ với các protein nucleocapsid p6 và p7 – có nhiệm vụ bảo vệ RNA không bị tiêu hóa bởi các nuclease. Lõi virus còn chứa các enzyme phiên mã ngược (RT: reverse transcriptase), enzyme chỉnh hợp (integrase), và enzyme thủy phân (protease). Toàn bộ cấu trúc này được bao quanh bởi các kháng nguyên bề mặt p24.
Xem thêm: Các giai đoạn HIV
Cách thức gây bệnh của virus HIV
HIV gây bệnh bằng cách tấn công và làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể người. Chúng xâm nhập qua những con đường gồm: Quan hệ tình dục, đường máu, và từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở hoặc cho con bú.
HIV sử dụng các glycoprotein trên vỏ của nó (gp120 và gp41) để gắn kết với thụ thể CD4 trên bề mặt tế bào bạch cầu T CD4+. Sau khi gắn kết thành công, HIV hòa màng với màng tế bào TCD4+ và bắt đầu xâm nhập vào bên trong tế bào.
Bên trong tế bào bạch cầu, vật chất di truyền của virus hiv là RNA được chuyển đổi thành DNA nhờ enzyme phiên mã ngược (reverse transcriptase). DNA của virus sau đó được vận chuyển vào nhân tế bào và tích hợp vào DNA của tế bào chủ nhờ enzyme tích hợp (integrase). Khi đã tích hợp, DNA của virus được gọi là provirus.
Provirus trong DNA của tế bào chủ sử dụng cơ chế sao chép của tế bào để sản xuất RNA virus và các protein virus mới. Các thành phần này sau đó được lắp ráp thành các hạt virus mới tại màng tế bào. Các hạt virus mới nảy chồi khỏi màng tế bào, mang theo các mảnh vỏ bọc, và trở thành các virus hoàn chỉnh có khả năng lây nhiễm các tế bào TCD4+ khác.
Quá trình phát triển và nhân lên của HIV diễn ra với tốc độ cực nhanh trong 1 tuần đầu tiên kể từ lúc phơi nhiễm. Virus gây tổn thương và phá hủy tế bào TCD4+. Đồng thời, hệ miễn dịch cũng có thể tiêu diệt các tế bào nhiễm HIV do xác định đây là một tác nhân gây hại cho cơ thể. Điều này dẫn đến giảm số lượng TCD4+. Sự suy giảm liên tục số lượng tế bào TCD4+ sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng cơ hội và các bệnh khác.
Xem thêm: Dấu hiệu HIV
Virus HIV ảnh hưởng thể nào đến sức khỏe người bệnh?
HIV khi xâm nhập vào cơ thể sẽ để lại nhiều hệ quả nặng nề đối với sức khỏe người bệnh. Khi hệ miễn dịch suy yếu, cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh. Điều này dẫn đến nguy cơ mắc nhiễm trùng cơ hội từ vi khuẩn, virus, nấm, và ký sinh trùng.
Xem thêm: Nấm HIV
Dễ mắc các bệnh lý từ nhẹ đến nặng
Kể từ lúc phơi nhiễm, người nhiễm HIV sẽ có nhiều triệu chứng như sốt, tiêu chảy, nôn và buồn nôn, sưng hạch bạch huyết, phát ban, mệt mỏi, mất ngủ, đau nhức cơ thể… Đây là những triệu chứng của HIV giai đoạn đầu. Tình trạng diễn ra nhẹ không nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh chuyển sang giai đoạn cận AIDS là lúc các triệu chứng ban đầu bắt đầu nghiêm trọng. Những vấn đề viêm họng, đau họng nặng nề hơn khiến người bệnh khó ăn uống và nói chuyện.
Xem thêm: Người nhiễm HIV dễ mắc bệnh gì?
Bệnh AIDS
AIDS là giai đoạn cuối của bệnh HIV/AIDS, còn gọi là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Khi số lượng tế bào TCD4+ giảm xuống dưới 200 tế bào/mm³ máu, người bệnh chuyển sang giai đoạn AIDS.
Hệ miễn dịch ở giai đoạn AIDS gần như không còn khả năng bảo vệ cơ thể. Người bệnh có nguy cơ rất cao mắc các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng như lao, nhiễm nấm Candida, hoặc các bệnh lý ung thư hạch, ung thư Kaposi Sarcoma… Sức khỏe người bệnh trong giai đoạn AIDS rất yếu, cần can thiệp điều trị để kéo dài tuổi thọ.
Xem thêm: AIDS là gì?
Đối tượng có khả năng cao bị nhiễm HIV
Tất cả mọi người đều có thể bị nhiễm HIV. Các chuyên gia y tế chỉ ra những trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh:
- Quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su;
- Quan hệ với nhiều bạn tình hoặc với người không rõ lai lịch và tình trạng bệnh.
- Quan hệ qua đường miệng, âm đạo, và hậu môn…
- Tham gia quan hệ tình dục đồng giới.
- Có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh xã hội như sùi mào gà, lậu, giang mai…
- Tham gia vào các hoạt động tiêm chích ma túy, mại dâm…
- Sử dụng chung vật dụng sắc nhọn dễ gây chảy máu như bơm tiêm, kim tiêm, dao cạo… với người nhiễm/nghi nhiễm HIV.
- Vô tình bị kim hoặc vật sắc nhọn đâm vào người khi thăm khám tại các cơ sở y tế.
- Thường xuyên tiếp xúc và làm việc với các nguồn máu: y bác sĩ, kỹ thuật viên lấy máu và xét nghiệm máu, công an, quân đội…
- Người nhiễm virus viêm gan C.
- Người mắc bệnh lao: Người bệnh đã được khám lâm sàng và được xét nghiệm cận lâm sàng nhưng không phát hiện được nguyên nhân gây bệnh hoặc có các triệu chứng gợi ý nhiễm HIV.
- Mẹ đang mang thai đã nhiễm HIV.
Xem thêm: Tác hại của HIV/AIDS
Chẩn đoán, điều trị, và phòng ngừa HIV
Chẩn đoán HIV bao gồm việc thực hiện xét nghiệm kháng thể/kháng nguyên HIV để phát hiện sự hiện diện của virus trong cơ thể. Một số loại xét nghiệm có thể được thực hiện từ ngày thứ 10 kể từ lúc phơi nhiễm. Nếu kết quả xét nghiệm ban đầu dương tính, xét nghiệm Western Blot hoặc PCR sẽ được thực hiện để xác nhận kết quả. Việc đo số lượng tế bào T CD4+ và tải lượng virus giúp đánh giá mức độ suy giảm miễn dịch và theo dõi tiến triển bệnh.
Điều trị HIV chủ yếu sử dụng thuốc kháng virus ARV theo các phác đồ phù hợp. Liệu trình điều trị cần được thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo sức khỏe ổn định và gia tăng tuổi thọ. Người bệnh cũng cần duy trì thói quen sống lành mạnh cùng chế độ ăn đủ dinh dưỡng. Điều này giúp tăng đề kháng chống lại virus HIV tốt hơn.
Xem thêm: HIV từ đâu ra?
Các chuyên gia khuyến cáo nên lưu ý những điều sau để phòng ngừa HIV hiệu quả:
- Luôn quan hệ tình dục an toàn có sử dụng bao cao su, quan hệ 1-1.
- Hạn chế quan hệ tình dục với nhiều đối tượng.
- Đảm bảo biết rõ lai lịch và tiền sử bệnh xã hội của bạn tình.
- Luôn cẩn trọng những vật sắc nhọn ở bất cứ nơi đâu.
- Tránh đi đến những nơi có nhiều người nghiện ngập.
- Chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần.
Khách hàng có nhu cầu xét nghiệm HIV và các bệnh xã hội có thể liên hệ trực tiếp với đội ngũ Diag thông qua các kênh sau:
- Trang chủ Diag: https://diag.vn/
- Hotline: 1900 1717
Xem thêm: Virus HIV sống được bao lâu ngoài môi trường?
Lời kết
Như vậy, bài viết đã chia đầy đủ thông tin về virus HIV. Đây là loại virus gây bệnh HIV/AIDS ở người vô cùng nguy hiểm. Với cấu trúc phức tạp, virus có thể lây lan và phá hủy tế bào bạch cầu Lympho T CD4+ rất nhanh chóng. Vậy nên, ngay khi xác định nguy cơ lây nhiễm, cần nhanh chóng đến các trung tâm y tế để kiểm tra.
Xem thêm: Tải lượng virus HIV bao nhiêu là cao?