Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục với 5 giai đoạn tiến triển chính. Mỗi giai đoạn bệnh giang mai cho thấy đặc điểm phát triển của vi khuẩn cũng như cách nó ảnh hưởng đến cơ thể. Vậy làm thế nào để nhận biết bệnh giang mai để điều trị sớm? Hãy cùng Diag tìm hiểu các dấu hiệu giang mai qua bài viết bên dưới nhé!

1. Dấu hiệu bệnh giang mai giai đoạn nguyên phát

Săng là triệu chứng đầu tiên của bệnh giang mai, xuất hiện ở những nơi mà cơ thể tiếp xúc với vi khuẩn Treponema pallidum. Các vết loét có màu hồng hoặc đỏ thịt tươi, hình tròn hoặc bầu dục với kích thước từ 0,5 – 2cm. Những vết loét này này cứng và không có gờ nối cao.

  • Nam giới có săng tại dương vật, trực tràng, và hậu môn.
  • Nữ giới có săng tại trực tràng, hậu môn, cổ tử cung, vùng đáy chậu, và vùng sinh dục.
  • Săng có tại môi, vùng miệng nếu có quan hệ qua đường tình dục qua miệng hoặc hôn môi.

Đặc điểm của săng là không gây đau nhức và thường tự lành sau 3 – 12 tuần. Do đó, người bệnh có cảm giác hoàn toàn khỏe mạnh và nhầm tưởng đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, vi khuẩn vẫn đang phát triển mạnh mẽ và lan tỏa rộng khắp cơ thể.

Săng là biểu hiện giang mai giai đoạn nguyên phát.
Săng là biểu hiện giang mai giai đoạn nguyên phát.

2. Biểu hiện bị giang mai giai đoạn thứ phát

Dấu hiệu đặc trưng nhất là các vết phát ban (đào ban). Những vết này xuất hiện khắp cơ thể, có màu đỏ hồng, bề mặt gồ ghề hoặc phẳng, và không gây ngứa. Đồng thời, vi khuẩn cũng gây nhiều tổn thương đến da, niêm mạc, và nhiều hệ thống trong cơ thể.

Nếu không được điều trị, khoảng 25% bệnh nhân mắc giang mai nguyên phát sẽ phát triển thành giang mai thứ phát. Các triệu chứng bao gồm phát ban toàn thân và các biểu hiện giống như cúm.

Biểu hiện giang mai giai đoạn 2 có thể đa dạng như:

  • Sốt, nhức đầu, đau họng, và đau nhức cơ thể.
  • Buồn nôn, nôn mửa, và sụt cân.
  • Sưng hạch bạch huyết, chủ yếu là ở cổ, nách, và bẹn.
  • Rụng tóc từng vùng.
  • Mất thính giác.
  • Mất thăng bằng.
  • Rối loạn thị giác, mờ mắt.
  • Đau xương.
  • Nổi sẩn màu đỏ hồng, thâm nhiễm, có vảy viền xung quanh, với nhiều hình thái như dạng trứng cá, vảy nến, dạng hoại tử…
  • Nổi sẩn phì đại ở bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
  • Condyloma lata: Các thương tổn da lớn, có màu trắng viền đỏ, xám, hoặc xanh xám. Condyloma lata thường có ở miệng, cổ họng, thanh quản, dưới ngực, trực tràng, vùng sinh dục, hoặc hậu môn.
  • Viêm màng não nhẹ: Đau đầu, cứng cổ, bị điếc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dây thần kinh sọ, viêm thần kinh thị giác, và viêm võng mạc. Đối với bệnh nhân nhiễm HIV thì mức độ nghiêm trọng hơn, có thể gây đột quỵ.
Một số dấu hiệu giang mai giai đoạn thứ phát là mờ mắt, sốt...
Một số dấu hiệu giang mai giai đoạn thứ phát là mờ mắt, sốt, mất thính giác…

3. Biểu hiện bệnh giang mai giai đoạn muộn

Ở giai đoạn này, vi khuẩn tấn công và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều cơ quan như não, tim, và hệ thần kinh. Dựa vào những triệu chứng ở từng hệ cơ quan mà bệnh được chia thành 3 loại chính: Giang mai lan tỏa lành tính, giang mai tim mạch, và giang mai thần kinh.

3.1. Giang mai lan tỏa lành tính

Bệnh ảnh hưởng đến da, xương, và đa cơ quan. Dấu hiệu đặc trưng nhất là các gummas. Đây là những tổn thương viêm mãn tính, xuất hiện ở da, xương, hoặc nhiều cơ quan khác.

Đặc điểm của các gummas là khu trú tại một vùng, nhưng có khả năng xâm nhập sâu hơn vào mô và cơ quan lân cận. Quá trình phục hồi sau sự phá hủy mô của gummas diễn ra rất chậm. Các mô bị phá hủy có thể không tái tạo hoàn toàn và thường để lại những di chứng vĩnh viễn.

Trong nhiều trường hợp bệnh giang mai lành tính ở xương có thể gây ra viêm xương rất nặng. Vi khuẩn phá hủy mô xương và làm suy yếu cấu trúc xương. Người bệnh sẽ cảm thấy đau nhói buốt ở xương, đặc biệt là vào ban đêm.

3.2. Giang mai tim mạch

Vi khuẩn tấn công hệ tim mạch và gây nên một số vấn đề nghiêm trọng. Những vấn đề này là hệ quả của sự giãn nở và phình động mạch chủ lên do bệnh giang mai tim mạch.

Khi động mạch chủ giãn nở và hình thành túi phình sẽ dẫn đến đè nén các cấu trúc trong khoang ngực. Từ đó gây nên hàng loạt các vấn đề như:

  • Ho nặng và tắc nghẽn đường thở: Túi phình gây áp lực lên khí quản và phế quản. Người bệnh bị ho dai dẳng và khó thở, đặc biệt là khi nằm xuống hoặc khi gắng sức.
  • Khàn tiếng hoặc mất tiếng: Nguyên nhân do túi phình chèn ép dây thần kinh thanh quản quặt ngược trái có nhiệm vụ điều khiển âm thanh.
  • Đau ngực, vùng trước xương ức, xương sườn, và xương sống: Túi phình động mạch lớn tạo áp lực lên các cấu trúc xương gần đó và gây đau nhức sâu trong ngực và lưng.

Ngoài ra, bệnh giang mai tim mạch còn gây nên những vấn đề nguy hiểm như:

  • Suy van động mạch chủ: Gây ra hiện tượng trào ngược do van động mạch bị suy yếu hoặc không thể đóng kín hoàn toàn. Máu sẽ bị dội ngược từ động mạch chủ trở lại tâm thất trái, làm tăng gánh nặng cho tim và tăng nguy cơ suy tim.
  • Hẹp động mạch vành: Giảm lưu lượng máu đến cơ tim và gây nên tình trạng đau thắt ngực, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.

3.3. Giang mai thần kinh

Đây là một biến chứng khác ảnh hưởng nặng nề đến hệ thần kinh trung ương. Dấu hiệu bệnh rất đa dạng và chia thành 4 dạng chính: Giang mai thần kinh không triệu chứng, thần kinh mạch máu màng não, đau thần kinh thị giác, và Tabes tủy sống.

Giang mai thần kinh có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh giang mai. Biến chứng này có thể gây viêm màng não, đột quỵ, mất thính lực, mù lòa, liệt, và mất trí nhớ.

a. Giang mai thần kinh không triệu chứng

Đây là dạng phổ biến nhất. Vi khuẩn xâm nhập vào dịch não tủy và gây nên nhiều vấn đề về thần kinh mà không có triệu chứng rõ ràng.

  • Viêm màng não nhẹ: Có các biểu hiện như đau đầu, cứng cổ, và mệt mỏi.
  • Dây thần kinh sọ bị tổn hại: Gây điếc, đau mắt, suy giảm thị lực, và rối loạn nhận thức màu sắc.
  • Suy nhược thần kinh: Ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và hoạt động tinh thần của người bệnh.

b. Giang mai thần kinh mạch máu màng não

Dạng giang mai này gây ra các vấn đề liên quan đến cả màng não và hệ thống mạch máu não. Tình trạng này có thể dẫn đến thương tổn lâu dài cho não và tủy sống.

  • Chóng mặt, đau đầu, cứng cổ, rối loạn hành vi, kém tập trung, mất trí nhớ, mất ngủ, và mờ mắt.
  • Teo và yếu cơ: Ảnh hưởng đến cơ vai và cánh tay, sau đó lan dần xuống chân, gây khó khăn trong việc di chuyển và vận động.
  • Tiểu và đại tiện không tự chủ: Loại giang mai này dẫn đến mất kiểm soát bàng quang và ruột.
  • Đột quỵ đột ngột: Người bệnh có thể bị đột quỵ do huyết khối động mạch.
Đau đầu là một trong những triệu chứng của giang mai thần kinh mạch máu màng não.
Đau đầu là một trong những triệu chứng của giang mai thần kinh mạch máu màng não.

c. Giang mai đau thần kinh thị giác

Dạng giang mai này ảnh hưởng đến thị lực và tâm thần, gây nên các triệu chứng rối loạn hoặc chứng sa sút trí tuệ. Các biến chứng này khiến người bệnh bị suy giảm dần dần cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh sẽ gây nhiều biến chứng nghiêm trọng đến nhận thức, ngôn ngữ và hành vi.

Triệu chứng của giang mai đau thần kinh thị giác:

  • Rối loạn hành vi: Đây là hậu quả của việc tổn thương các vùng não liên quan đến điều chỉnh cảm xúc và hành vi. Người bệnh có thể có hành vi không ổn định, thay đổi cách cư xử hoặc trở nên khó đoán.
  • Rối loạn tâm thần: Biểu hiện rõ nhất là sự suy giảm trí tuệ và mất trí nhớ. Người bệnh có thể cảm thấy khó chịu, khó tập trung, mất ngủ, không tỉnh táo, mệt mỏi, lơ mơ và đau đầu dai dẳng.
  • Rối loạn cảm xúc và tâm lý: Bao gồm các dấu hiệu như trầm cảm, chán nản hoặc mất hứng thú với cuộc sống. Người bệnh có thể gặp ảo giác hoặc các vấn đề gây suy giảm nhận thức nghiêm trọng.
  • Động kinh và co giật: Một số trường hợp có thể trải qua các cơn động kinh với biểu hiện là các cơn co giật không kiểm soát. Điều này là hệ quả của sự tổn thương não do sự tiến triển của giang mai thần kinh.
  • Chứng mất ngôn ngữ (Aphasia): Người bệnh gặp khó khăn trong việc nói, viết hoặc hiểu ngôn ngữ. Nguyên nhân là do những tổn thương trong các khu vực não liên quan đến ngôn ngữ.
  • Liệt nửa người thoáng qua: Giang mai có thể gây ra tình trạng liệt nửa người trong một thời gian ngắn. Đây là dấu hiệu của tổn thương thần kinh nghiêm trọng, thường liên quan đến vùng não điều khiển vận động.
  • Run người: Dấu hiệu thường gặp là run miệng, lưỡi và tay, đôi khi là run toàn thân. Tình trạng này là biểu hiện của tổn thương thần kinh điều khiển vận động tinh và cơ bắp.

d. Tabes tủy sống

Đây là một dạng biến chứng muộn và nghiêm trọng của giang mai thần kinh, xảy ra khi vi khuẩn giang mai phá hủy tủy sống. Những ảnh hưởng của tabes tủy sống thường liên quan đến hệ thần kinh trung ương và ngoại biên. Người bệnh không chỉ chịu đựng những cơn đau dữ dội ở lưng và chi dưới, mà còn mất khả năng kiểm soát cảm giác và vận động. Điều này thường dẫn đến mất điều hòa và khó khăn trong việc sinh hoạt hàng ngày.

Tabes tủy giống do giang mai có thể gây những cơn đau dữ dội ở chân.
Tabes tủy giống do giang mai có thể gây những cơn đau dữ dội ở chân.

Dấu hiệu bệnh giang mai trên da là gì?

Trong giai đoạn nguyên phát thì biểu hiện giang mai trên da là các săng. Nếu quan hệ không an toàn như không dùng bao cao su thì sẽ có săng giang mai vùng kín tại dương vật, âm đao, hoặc hậu môn. Những trường hợp da, niêm mạc tiếp xúc trực tiếp với xoắn khuẩn thì sẽ có săng ngay tại vị trí tiếp xúc.

Đào ban là biểu hiện của giai đoạn thứ phát, có nhiều ở tay, chân, và rải rác khắp cơ thể.

Giang mai không triệu chứng là gì?

Đây là những giai đoạn của bệnh giang mai mà người bệnh không xuất hiện triệu chứng ra bên ngoài. Trong đó bao gồm giai đoạn ủ bệnh và ủ bệnh. Thời kỳ ủ bệnh cho thấy vi khuẩn chỉ vừa mới xâm nhập vào cơ thể và đang phát triển nên chưa biểu hiện triệu chứng. Giai đoạn tiềm ẩn sẽ diễn ra âm thầm sau khi các dấu hiệu trước đó dần biến mất.

Có thể thấy, bệnh giang mai đặc biệt nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Việc hiểu rõ các dấu hiệu giang mai là rất cần thiết trong việc nhận biết và xét nghiệm thăm khám kịp thời. Ngay khi có những biểu hiện cảnh báo là các săng thì cần nhanh chóng làm xét nghiệm giang mai.