Mẹ bầu khi mang thai cần làm nhiều loại xét nghiệm để có thể theo dõi tình trạng của mình và bé. Các loại xét nghiệm nào mẹ bầu cần thực hiện và ý nghĩa của chúng là gì, cùng Diag tìm hiểu nhé.
Vì Sao Khi Mang Thai Cần Xét Nghiệm?
Khi có thai mẹ sẽ dễ bị thiếu máu và xuất hiện các thay đổi khác, do đó, mẹ cần thực hiện xét nghiệm để có những điều chỉnh thích hợp, đồng thời theo dõi sức khỏe của cả mẹ và bé để đảm bảo hai mẹ con đều khỏe mạnh, an toàn.
Mẹ bầu vì thế khi mang thai cần làm các loại xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm đái tháo đường để kiểm tra tổng quát sức khỏe định kỳ trong thai kỳ.
Bên cạnh đó, mẹ sẽ thực hiện các xét nghiệm cho thai nhi như xét nghiệm double test, triple test, xét nghiệm NIPT, và xét nghiệm bệnh lý nhiễm trùng có khả năng lây truyền cho thai nhi và gây nên các bệnh lý bẩm sinh.
Khi Mang Thai Cần Làm Xét Nghiệm Gì?
Xét Nghiệm Máu Khi Mang Thai
Xét nghiệm máu là loại xét nghiệm cơ bản và cốt lõi mà mẹ bầu cần thực hiện. Dựa vào chỉ số xét nghiệm, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng máu như thiếu máu, nhóm máu để truyền máu khẩn cấp khi cần, xác định Rh+ hay Rh- để phát hiện sớm các trường hợp bất tường đồng nhóm máu mẹ – con và hàm lượng sắt.
Ngoài ra, nhờ vào kết quả xét nghiệm máu còn giúp đánh giá sức khỏe, dự đoán các tình huống, bệnh lý có thể xảy ra ở cả mẹ và bé.
Vậy, giai đoạn nào của thai kỳ cần xét nghiệm máu? Vì máu là loại mẫu cần thiết cho các loại xét nghiệm mà mẹ bầu cần thực hiện, vì thế xét nghiệm máu sẽ làm định kỳ ở mỗi lần khám thai, đặc biệt ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ.
Xét Nghiệm Nước Tiểu Khi Mang Thai
Cũng giống như xét nghiệm máu, dựa vào kết quả xét nghiệm nước tiểu khi mang thai, cụ thể là các chất khác nhau có trong nước tiểu sẽ giúp các mẹ nhận biết sớm tình trạng bản thân, phát hiện và phòng ngừa các rủi ro kịp thời.
Khi nào cần xét nghiệm nước tiểu khi mang thai? Mẹ bầu cần xét nghiệm nước tiểu trong các tình huống sau:
– Lần đầu tiên khám thai để chẩn đoán các bệnh lý về thận, nhiễm trùng đường tiểu,…
– Khi bước vào tuần thứ 12 của thai kỳ nhằm tầm soát các bệnh lý có nguy cơ mắc như các bệnh lây qua đường tình dục (STD), đái tháo đường (tiểu đường),…
– Khi thai trên 20 tuần, cần làm xét nghiệm nước tiểu để tầm soát và chẩn đoán các bệnh lý nguy hiểm trong thai kì như tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật…
– Khi có bất kì triệu chứng nghi ngờ nhiễm trùng tiểu như tiểu gắt buốt, tiểu rát,… Vì nhiễm trùng tiểu ở thai kì có thể dẫn đến nhiễm trùng ối, nhiễm trùng ở thai nhi.
Xét Nghiệm Đái Tháo Đường Thai Kỳ (Tiểu Đường Tiểu Kỳ)
Một loại xét nghiệm khác nhằm bảo vệ sức khỏe mẹ bầu là xét nghiệm tiểu đường thai kỳ, diễn ra khi tình trạng đường huyết quá cao so với mức quy định hoặc do bị rối loạn khả năng dung nạp đường huyết.
Theo đó, vì mẹ phải sản sinh ra gấp 3 insulin so với thông thường để ổn định lượng đường trong máu, nên khi insulin không đủ, sẽ dẫn đến lượng đường tăng cao gây tiểu đường thai kỳ. Tiểu đường thai kỳ thường xảy ra ở 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ, ảnh hưởng sức khỏe của mẹ và bé.
Cụ thể, khi mẹ bị tiểu đường, bé đã quen với tình trạng đường trong máu cao của người mẹ (do bé được nuôi dưỡng bởi máu mẹ trong suốt thai kỳ). Khi chào đời, bé không còn được máu mẹ truyền qua nhau thai nữa, do đó có nguy cơ gây hạ đường huyết của bé sơ sinh. Hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh có thể gây hôn mê, tổn thương não,…
Khi nào nên thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ? Thời gian lý tưởng các mẹ bầu cần thực hiện thường rơi vào tuần 24 – 28, tuy nhiên sẽ sớm hơn nếu mẹ bầu có nguy cơ mắc cao.
Xét Nghiệm Double test | Triple test Khi Mang Thai
Xét nghiệm Double test kiểm tra định lượng các chất có trong máu người mẹ do nhau thai tiết ra, là β-hCG tự do và PAPP-A. Từ đó, giúp phát hiện các bệnh liên quan đến các bất thường của nhiễm sắc thể như hội chứng Down (Trisomy 21), hội chứng Edwards (Trisomy 18) và hội chứng Patau (Trisomy 13).
Khi nào cần xét nghiệm Double test? Xét nghiệm Double test sẽ thực hiện vào khoảng tuần thứ 11 đến tuần thứ 13 của thai kỳ.
* Hội chứng Edwards khiến trẻ nhỏ, yếu, chậm phát triển.
* Hội chứng Patau khiến trẻ bị khiếm khuyết hoặc bị dị dạng.
Xét nghiệm Triple test giúp tầm soát trường hợp dị tật, khiếm khuyết ở thai nhi dựa vào kết quả xét nghiệm máu của mẹ. Khác với Double test có thể phát hiện hội chứng Patau (Trisomy 13), xét nghiệm Triple test giúp xác định nguy cơ bị dị tật ống thần kinh.
Xét nghiệm Triple test thực hiện khi nào? Từ tuần 15 – 20, các mẹ sẽ làm xét nghiệm Triple test. Để đảm bảo kết quả chính xác nhất, thời điểm lý tưởng thực hiện xét nghiệm Triple test rơi vào tuần thứ 16 – 18.
Xét Nghiệm NIPT
Vì các mảnh ADN nhỏ (đến từ tế bào của mẹ và tế bào từ nhau thai) thường giống hệt với DNA của thai nhi, cần tiến hành phân tích các mảnh ADN nhỏ để giúp phát hiện sớm các bất thường di truyền nhất định mà không gây hại cho thai nhi.
Khi nào cần xét nghiệm NIPT? Mẹ bầu sẽ cần thực xét nghiệm NIPT từ tuần thứ 10 thai kỳ.
* Nhau thai là mô trong tử cung liên kết với thai nhi và là nguồn cung cấp máu từ mẹ cho thai nhi.
Xét Nghiệm Bệnh Lý Lây Truyền Từ Mẹ Sang Con
Khi mẹ mắc các bệnh như HIV, viêm gan B, rubella, giang mai,… thì khả năng con bị lây nhiễm sẽ rất cao.
Cụ thể, 90% trẻ sinh ra có khả năng bị nhiễm virus viêm gan siêu vi B nếu mẹ bị viêm gan B, với tỷ lệ lên đến 90% chuyển thành viêm gan B mạn tính, xơ gan hay ung thư gan khi trẻ trưởng thành. Ngoài ra, mẹ bị giang mai, rubella sẽ dẫn đến thai nhi bị giang mai bẩm sinh hay rubella bẩm sinh.
Do đó, cần xét nghiệm càng sớm càng tốt các bệnh lý lây truyền từ mẹ sang con, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ.
* Bài viết được tham vấn chuyên gia y tế thuộc Diag. Tuy nhiên, các thông tin trên chỉ mang tính tham khảo và không thay thế tư vấn y khoa. Trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin đã cung cấp, vui lòng nhận sự chỉ định từ chuyên gia y tế.