Mẹ bầu khi mang thai không khỏi bỡ ngỡ khi cơ thể xuất hiện nhiều dấu hiệu khác lạ, cũng như đảo lộn thói quen sinh hoạt thường nhật,… Vậy các thay đổi khi mang thai mẹ bầu cần biết là gì? Cùng Diag tìm hiểu để chuẩn bị sẵn cho giai đoạn mang thai nhé.

mang-thai-thay-doi-gi.png

Cơ Thể Thay Đổi Như Thế Nào Khi Mang Thai?

Nổi Mụn

Khi mang thai, mẹ bầu sẽ dễ nổi mụn, đặc biệt là loại mụn trứng cá vì rối loạn nội tiết tố. Theo đó, da của thai phụ lúc này sản sinh ra sebum, chất dầu tự nhiên của da do nồng độ nội tiết tố tăng lên cao, gây ra mụn và lỗ chân lông nở to.

Mụn trứng cá có thể xảy ra ở tất cả mẹ bầu (ngay cả mẹ ít/chưa từng bị mụn), hay các mẹ bầu thường nổi mụn vào kỳ kinh nguyệt sẽ càng dễ có mụn khi mang thai. Tuy nhiên, các mẹ cũng đừng quá lo lắng vì mụn trứng cá xuất hiện chủ yếu ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ.

Khi qua giai đoạn này, nội tiết tố sẽ cân bằng trở lại và mụn sẽ tự biến mất. Mẹ bầu có thể sử dụng thuốc được kê đơn và cần tham vấn hướng dẫn bởi bác sĩ. Ngoài ra, mẹ cần kết hợp các phương pháp chăm sóc da tự nhiên, an toàn và phù hợp thể trạng cơ thể.

mang-thai-bi-noi-mun.png

Bị Nám Da, Đốm Và Tăng Sắc Tố Da

Bị nám da, sạm da không còn là dấu hiệu xa lạ đối với các mẹ bầu. Do các hormone nội tiết như oestrogen, progesterone, lưu lượng máu dẫn đến hình thành các hắc sắc tố melanin, từ đó xuất hiện đốm, các mảng nám bên ngoài da.

Ngoài ra, các nốt ruồi, hay các vết tàn nhang có từ trước khi mang thai cũng trở nên đậm hơn.

Kích Thước Vú Thay Đổi Và Sẫm Màu

Khi mang thai, mẹ bầu có thể cảm nhận vú có những thay đổi rõ rệt vì hormone gia tăng. Theo đó, các dấu hiệu thường gặp như:

– Vú, núm vú bị đau và lớn hơn: Mẹ sẽ cảm thấy căng ngực nhiều nhất ở giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên (3 tháng đầu khi mang thai). Bước sang tam cá nguyệt giai đoạn 2, bầu ngực vẫn tiếp tục phát triển nhưng cảm giác căng tức sẽ giảm.

– Màu sắc của núm vú và quầng vú sẫm hơn: Ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2, quầng vú của mẹ xuất hiện những nốt sần nhỏ li ti, hay còn gọi là hạt Montgomery (thường sẽ tự biến mất sau khi sinh con).

– Rạn da vú: Vì khi vú nở căng và tăng nhanh kích thước, da sẽ bị rạn. Mẹ bầu lúc này có thể cảm giác ngứa và khô da. Do đó, kem dưỡng sẽ là 1 vật dụng cần thiết cho làn da của các mẹ trong thời gian mang thai, không chỉ ở vú mà còn quanh da bụng để hạn chế rạn da.

– Vú tiết sữa non: Từ tháng thứ 6 của thai kỳ, sữa non sẽ tiết ra từ núm vú. Mặt khác, một vài mẹ bầu sẽ không tiết ra sữa non nhưng chúng không gây ảnh hưởng khả năng cho con bú của mẹ.

Bị Tăng Cân

Khi mang thai, mẹ chắc chắn sẽ tăng cân và điều này khiến không ít mẹ bị “khủng hoảng” vì số ký nhảy quá nhanh hoặc cơ thể nặng trĩu so với trước. Do đó, mẹ hãy tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ để tăng cân từ từ, tránh da bị rạn vì căng quá nhanh hoặc làm mẹ không kịp thích ứng thay đổi của cơ thể.

tang-can-bao-nhieu-khi-mang-thai.png

Theo đó, các mốc thay đổi số cân nặng lý tưởng dựa vào giai đoạn tam cá nguyệt:

– Tam cá nguyệt 1 (3 tháng đầu): Từ 0,4kg/tháng, tương đương 1,2kg/3 tháng.

– Tam cá nguyệt 2 (3 tháng giữa): Từ 0,45kg/tuần, tương đương 5kg/3 tháng.

– Tam cá nguyệt 3 (3 tháng cuối): Từ 0,5kg/tuần, tương đương 6kg/3 tháng.

Như vậy, trong suốt 9 tháng/40 tuần mang thai, mẹ bầu cần tăng khoảng 12kg. Ngoài ra, dựa vào thể chất và tình trạng của mỗi mẹ mà số cân nặng cần tăng sẽ khác nhau.

Cáu Gắt, Khó Chịu Khi Mang Thai

Nội tiết tố thay đổi, dẫn đến việc mẹ “nổi quạu” từ những tình huống rất đỗi thường nhật. Bên cạnh nguyên nhân từ bên trong, các tác động bên ngoài cũng khiến cơn tức giận của mẹ dễ dàng bộc phát. Chẳng hạn như vừa phải đảm đang “việc nước, việc nhà”, đồng thời tập làm quen với những thay đổi chưa từng thấy của cơ thể làm cơn giận dữ của các mẹ lên đến cao trào.

Cảm giác cáu gắt của mẹ còn đến từ những áp lực xung quanh. Đó có thể là lời khen, kỳ vọng về em bé “hoàn hảo” sắp chào đời cho đến lời chê bai về cơ thể của mẹ, hay cho rằng mẹ vẫn chưa đủ cố gắng để chăm sóc tốt cho con. Dần dà, mẹ tạo ra cho chính mình nỗi mặc cảm về bản thân, hoặc lo sợ con cái khi sinh ra không giống như mong đợi của mọi người.

tram-cam-khi-co-thai.png

Cáu gắt khi mang thai trong thời gian dài có nguy cơ cao ảnh hưởng thai nhi trong bụng, vì chỉ trong vài giây, các chất hóa học được giải phóng từ cảm xúc của mẹ sẽ thông qua máu truyền đến nhau thai. Từ đó, cáu gắt lâu dài gây ra các trường hợp như khó sinh, sinh non hoặc trẻ bị nhẹ cân và tác động đến tính cách của em bé.

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, mẹ có thể bị trầm cảm và nảy sinh ra suy nghĩ tiêu cực, thậm chí là ý định tuyệt mệnh. Mẹ lúc này tự đặt mình vào các tình huống nguy hiểm, mất dần nhận thức chăm sóc bản thân và thai nhi, cảm giác cô lập vì mất sự kết nối giữa mẹ và con.

Chế Độ Sinh Hoạt Thay Đổi Như Thế Nào Khi Mang Thai?

Đi Tiểu Thường Xuyên

Khi mẹ mang thai ngay từ giai đoạn tam cá nguyệt 1, mẹ sẽ đi tiểu nhiều hơn vì rối loạn nội tiết tố, đồng thời kích thước tử cung phát triển tạo sức ép lên bàng quang và làm giảm sức chứa nước tiểu.

Vì thế, đi tiểu thường xuyên là dấu hiệu bình thường ở mẹ bầu. Tuy nhiên, nếu mẹ tiểu buốt kèm nóng ruột, cần báo ngay bác sĩ để nhận điều trị phù hợp do đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý nhiễm trùng đường tiết niệu.

Buồn Nôn, Ốm Nghén, Chướng Bụng

Buồn nôn, ốm nghén là triệu chứng phổ biến nhất khi mang thai. Theo đó, với lượng lớn progesterone được giải phóng sẽ làm các cơ của hệ tiêu hóa giãn ra, dễ hiểu hơn là rơi vào trạng thái “nghỉ ngơi”, dẫn đến thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên tới thực quản gây ra cảm giác buồn nôn.

Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng gặp các giác khó tiêu vì progesterone làm chậm khả năng tiêu hóa, gây ra cảm giác đầy hơi, chướng bụng vì thức ăn khó tiêu.  

Buồn nôn, ốm nghén thông thường xảy ra ở giai đoạn đầu thai kỳ, tuy nhiên một số mẹ bầu vẫn bị ốm nghén dù bước sang tuần thứ 16 – 18. Lúc này, mẹ đã chuyển sang ốm nghé nặng, kéo theo thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Cần thăm khám bác sĩ và đặc biệt chú ý chế độ sinh hoạt.

om-nghen-khi-mang-thai.png

Thay Đổi Khẩu Vị

Thay đổi khẩu vị khi mang thai không chỉ khiến các bà mẹ trở nên khó hiểu, mà còn làm các ông chồng đau đầu không kém khi không biết “chiều ý” vợ như thế nào. Cụ thể, nguyên nhân thay đổi khẩu vị khi mang thai có thể đến từ sự thay đổi hormone (hCG), khiến mẹ vừa thèm ăn và chán ăn chỉ trong thời gian ngắn.

Hormone gonadotropin tiết ra lúc mang thai sẽ làm giảm khả năng bài tiết acid dạ dày, hay làm giảm khả năng tiêu hóa của mẹ. Từ đó, mẹ bầu dễ chán ăn nhưng lại thèm chua. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng trở nên nhạy cảm hơn khi ngửi các thực phẩm có mùi vị khá nồng, chẳng hạn như mắm, cà phê,…

chan-an-khi-mang-thai.png

Táo Bón

Khi mang thai, có rất nhiều nguyên nhân hình thành tình trạng táo bón ở mẹ bầu, như:

– Lượng progesterone tăng cao khiến ruột rơi vào trạng thái “nghỉ ngơi”, hoạt động chậm hơn và quá trình tiêu hóa cũng chậm hơn.

– Tử cung phát triển gây chèn ép các dây thần kinh.

– Thai nhi phát triển lớn và thu nhỏ không gian của đường tiêu hóa.

– Mẹ bầu bị mất nước hoặc ít vận động.

– Bổ sung quá mức các hợp chất có lợi cho thai nhi như canxi và sắt.

Táo bón nếu không được chữa trị gây ra bệnh trĩ ở mẹ bầu, hay đe dọa đến tính mạng của hai mẹ con khi có thể gây ra sảy thai, sinh non, bào thai bị suy dinh dưỡng,…

Những thay đổi khi mang thai có ảnh hưởng đáng kể đối với tâm lý, cơ thể và thói quen thường ngày của thai phụ. Mẹ bầu và cả ông bố hãy quan tâm và tìm hiểu tường tận về sức khỏe khi mang thai, đồng thời kết hợp các chế độ sinh hoạt lành mạnh và thực hiện thăm khám, xét nghiệm định kỳ để yêu thương và chăm sóc đúng cách, đảm bảo “mẹ tròn con vuông” nhé. 

* Bài viết được tham vấn chuyên gia y tế thuộc Diag. Tuy nhiên, các thông tin trên chỉ mang tính tham khảo và không thay thế tư vấn y khoa. Trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin đã cung cấp, vui lòng nhận sự chỉ định từ chuyên gia y tế. 

Tìm hiểu thêm Thông tin Y tế tại đây