Việc thực hiện các xét nghiệm định kỳ rất quan trọng trong quá trình theo dõi sự phát triển của thai nhi và phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn. Điều này nhằm đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và con trong suốt giai đoạn thai kỳ. Hãy cùng Diag tìm hiểu chi tiết các mốc xét nghiệm quan trọng khi mang thai trong bài viết bên dưới nhé!

Cần lưu ý: Tùy theo tình trạng sức khỏe của cả mẹ và thai nhi trong từng giai đoạn mà các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm phù hợp.

Sau khi trễ kinh từ 02 – 03 tuần

Thời điểm này đã có tim thai. Mục đích của việc xét nghiệm vào thời điểm này nhằm chắc chắn mẹ đã mang thai cũng như biết được vị trí làm tổ của thai. Đồng thời, các bác sĩ có thể xác định tuổi thai nhi từ đó tính được ngày dự sinh.

Siêu âm tử cung buồng trứng qua đường âm đạo: Phương pháp chẩn đoán giúp phát hiện vị trí chính xác của thai nhi trong tử cung mẹ, đồng thời đo kích thước và tính toán tuổi thai dựa trên kích thước này. Việc siêu âm cũng cho phép các bác sĩ phát hiện sự bất thường ở dị dạng, những vấn đề về cân nặng, dòng máu, và dòng chảy nước ối.

Xét nghiệm máu máu tổng quát khi mang thai.
Xét nghiệm máu cho biết các thông tin toàn diện về sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Xét nghiệm máu tổng quát: Được thực hiện ngay khi đã có kết quả xác định tim thai qua siêu âm tử cung buồng trứng. Xét nghiệm máu cung cấp 07 thông tin toàn diện về sức khỏe của mẹ và thai nhi. 

  • Huyết đồ: Đo lường tỷ lệ các loại tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, và tiểu cầu) để phát hiện sớm các vấn đề thiếu máu, tăng bạch cầu…
  • Nhóm máu ABO và nhóm máu Rhesus (Rh): Sẽ có trường hợp nhóm máu của mẹ là (Rh-) không tương thích với nhóm máu của con (Rh+). Điều này có thể dẫn đến thai nhi bị biến chứng tán huyết vô cùng nguy hiểm.
  • Viêm gan B, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục: Giúp phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh xã hội và các bệnh nguy hiểm như viêm gan B sang con.
  • Rubella IgM và IgG: Xác định mẹ có nhiễm Rubella hay không thông qua đo lường mức độ kháng thể IgM và IgG chống lại virus Rubella có trong máu của mẹ.
  • Đường huyết khi đói: Đo lường mức độ đường huyết trong máu của mẹ khi đói để đánh giá nguy cơ mắc tiểu đường hoặc tiểu đường thai kỳ.
  • Nước tiểu 10 thông số: Giúp phát hiện các vấn đề về chức năng thận, tiểu đường… qua các chỉ số: glucose (GLU), bilirubin (BIL), ketone (KET), tỷ trọng nước tiểu (SG), hồng cầu niệu (BLD), độ pH, protein (PRO), urobilinogen (UBG), nitrite (NIT), và bạch cầu (LEU).

Từ 11 – 14 tuần tuổi

Mục đích là sàng lọc dị tật ở thai nhi cũng như biết được liệu mẹ có khả năng bị tiền sản giật hay không. Hội chứng này nếu không điều trị kịp thời có thể khiến mẹ bị tổn thương đa tạng và đe dọa tính mạng của con.

Siêu âm:

  • Đo độ mờ da gáy: Đánh giá nguy cơ mắc các bệnh di truyền như hội chứng Down thông qua phương pháp đo độ dày lớp chất lỏng ở vùng gáy của thai nhi.
  • Đo chỉ số xung (PI) động mạch tử cung: Chẩn đoán tình trạng thai nhi kém phát triển trong tử cung bằng cách đánh giá mức độ truyền oxy và dinh dưỡng từ mẹ sang con, thông qua tốc độ truyền máu ở các vị trí quan trọng như tim, rốn, động mạch não giữa, và động mạch tử cung.

Xét nghiệm:

  • Double Test: Đo lường nồng độ các chất PAPP-A và hCG trong máu của mẹ để đánh giá nguy cơ mắc các bệnh di truyền như hội chứng Down, Edwards, và Patau.
  • Nồng độ PLGF: Các biến đổi trong mức độ PLGF có thể dự báo biến chứng nghiêm trọng như sự suy giảm tăng trưởng của thai nhi, do lượng máu lưu thông tới nhau thai bị hạn chế.
  • Nước tiểu: Tầm soát khả năng mắc đái tháo đường thai kỳ và tiền sản giật ở mẹ thông qua nồng độ đường máu và protein trong nước tiểu.

Đối với những phụ nữ mang thai chưa xét nghiệm máu tổng quát thì các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện vào giai đoạn này để đảm bảo sức khỏe cả mẹ và thai nhi.

Từ 16 – 20 tuần tuổi

Siêu âm:

  • Siêu âm thai đường bụng: Giúp phát hiện các bất thường ở thai nhi như đa ối, đa thai, nhau tiền đạo… 
  • Đo chiều dài cổ tử cung: Giúp dự đoán và can thiệp kịp thời để giảm thiểu rủi ro sảy thai hoặc nguy cơ sinh non.

Xét nghiệm:

  • Chọc dò nước ối: Giúp đánh giá sức khỏe thai nhi và phát hiện các nguy cơ bất thường như bệnh di truyền, nứt đốt sống, và các dị tật thần kinh.
  • Triple Test: Đo lường ba chất có trong máu mẹ là AFP, B-hCG, và uE3 để đánh giá nguy cơ mắc các bệnh di truyền ở thai nhi như hội chứng Down, Edwards, và Patau. Xét nghiệm này được chỉ định cho các mẹ bầu chưa thực hiện xét nghiệm Double Test ở mốc trước đó.
Triple Test
Triple Test đánh giá nguy cơ mắc các bệnh di truyền ở thai nhi.

Kể từ tuần thứ 16, mẹ sẽ được các bác sĩ chỉ định thực hiện xét nghiệm nước tiểu cho đến hết thai kỳ. Việc này giúp tầm soát nguy cơ mắc tiền sản giật và các vấn đề sức khỏe khác như tăng huyết áp thai kỳ, tiểu đường thai kỳ, và nhiễm trùng tiết niệu-sinh dục.

Từ 20 – 24 tuần tuổi

Mẹ sẽ được chỉ định siêu âm hình thái học 3D/4D giúp đánh giá chi tiết hình thái và sự phát triển của con. Kỹ thuật này tạo ra hình ảnh đa chiều (3D) và thước phim (4D) về những chuyển động diễn ra trong cơ thể mẹ, cho thấy các chi tiết của thai nhi (khuôn mặt, cánh tay, chân…), nhịp tim, hay cái ngáp của con. Không chỉ vậy, siêu âm hình thái học 3D/4D còn giúp phát hiện sớm các vấn đề về phát triển và dị tật ở thai nhi như hở hàm ếch, sứt môi, não úng thủy, dị tật ở tim…

Mốc này cũng sẽ được chỉ định cho những người mẹ mang thai chưa thực hiện siêu âm đo chiều dài cổ tử cung buồng trứng qua đường âm đạo trước đó.

Từ 24 – 28 tuần tuổi

Siêu âm thai đường bụng: Được thực hiện để đánh giá sự phát triển, đo lường kích thước của thai nhi. Các bác sĩ cũng có thể kiểm tra vị trí và lượng nước ối xung quanh thai nhi, đảm bảo sự phát triển bình thường của thai kỳ, và phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn.

Xét nghiệm:

  • Khả năng dung nạp đường huyết: Cơ thể mẹ có thể gặp gặp khó khăn trong việc xử lý đường huyết vào giai đoạn này. Việc xét nghiệm giúp sàng lọc và phát hiện sớm đái tháo đường thai kỳ.
  • Xét nghiệm kháng thể Rh: Tương tự như việc xét nghiệm nhóm máu Rh ngay từ giai đoạn đầu tiên của thai kỳ, đây cũng là thời điểm thích hợp để thực hiện nhằm đảm bảo sức khỏe cả mẹ và con.

Từ 29 – 32 tuần tuổi

Siêu âm thai vào giai đoạn này giúp xác định ngôi thai và hướng dẫn xoay ngôi thai, điều này đặc biệt quan trọng trong các trường hợp ngôi thai không nằm đúng hướng hoặc có nguy cơ ngôi thai nằm chéo. Siêu âm thai cũng giúp xác định vị trí nhau bám và độ trưởng thành của bánh nhau. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể ước lượng cân thai thông qua các chỉ số sinh học của thai nhi như vòng đầu, chiều dài xương đùi, vòng bụng… từ đó đánh giá cân nặng cũng như sự phát triển của con trong suốt giai đoạn thai kỳ.

Siêu âm màu cũng được thực hiện để kiểm tra tình trạng sức khỏe và đo lường chỉ số tăng trưởng của con qua các thông số Doppler, chúng được dùng để đánh giá luồng máu trong các động mạch ở các vị trí quan trọng như rốn và não giữa. Siêu âm màu sẽ được chỉ định để tiếp tục sàng lọc dị tật ở thai nhi nếu những lần siêu âm trước đó chưa được phát hiện.

Siêu âm màu phát hiện dị tật ở thai nhi
Siêu âm thai xác định ngôi thai và vị trí nhau bám, cũng như độ trưởng thành của bánh nhau.

Từ 33 – 35 tuần tuổi

Mốc này cũng được chỉ định các siêu âm và xét nghiệm tương tự như giai đoạn từ 29 – 32 tuần tuổi, bao gồm siêu âm thai và xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B.

Từ 36 – 40 tuần tuổi

Siêu âm thai và xét nghiệm nước tiểu cũng được chỉ định thực hiện như hai giai đoạn thai kỳ trước đó. Ngoài ra, có một số xét nghiệm quan trọng mà mẹ bầu cần được thực hiện:

  • Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS): Giúp ngăn chặn việc lây nhiễm từ mẹ sang con. Đây là loại vi khuẩn tồn tại tự nhiên trong hệ tiêu hóa và âm đạo của nhiều phụ nữ, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho thai nhi như viêm màng nước ối, viêm phổi, viêm màng não, hoặc nhiễm trùng máu sau sinh. 
  • Xét nghiệm Non-Stress-Test (NST): Xét nghiệm đo nhịp tim ghi lại các biến đổi trong nhịp tim khi con đang nghỉ ngơi hoặc vận động. Nếu nhịp tim tăng lên bình thường khi vận động, hệ thống tuần hoàn của thai nhi hoạt động tốt. Nếu không có sự tăng nhịp hoặc biến động ít thì có khả năng gặp vấn đề về tuần hoàn hoặc có sự phát triển không ổn định.

Lựa chọn xét nghiệm tầm soát sức khỏe thai kỳ an toàn và chính xác tại Diag

Được thành lập từ năm 1998, Diag là trung tâm y khoa mang đến nhiều dịch vụ đa dạng tạo sự hài lòng ở mọi đối tượng khách hàng. Hiện tại, Diag đang có mặt tại khắp các quận huyện TP. Hồ Chí Minh cùng nhiều tỉnh thành lân cận, thực hiện hơn 3.000 dịch vụ xét nghiệm tầm soát khác nhau.

Ưu điểm vượt trội khi lựa chọn xét nghiệm tại Diag:

  • Hệ thống xét nghiệm và phân tích tân tiến đến từ các thương hiệu hàng đầu Abbott, Roche.
  • Hệ thống trung tâm xét nghiệm chất lượng cao đạt chứng nhận ISO 15189.
  • Đội ngũ xét nghiệm nhiều kinh nghiệm cùng các bác sĩ chuyên môn tư vấn hoàn toàn MIỄN PHÍ.
  • Khách hàng có thể đăng ký lấy mẫu, theo dõi hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến ngay tại nhà.

Khách hàng có nhu cầu tầm soát sức khỏe thai kỳ và các bệnh truyền nhiễm khi mang thai tại nhà có thể liên hệ trực tiếp với đội ngũ Diag thông qua các kênh sau:

Lời kết

Việc tìm hiểu chi tiết các mốc xét nghiệm quan trọng khi mang thai là vô cùng cần thiết. Điều này sẽ giúp nhanh chóng phát hiện các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn để đảm bảo sức khỏe cả mẹ và con trong giai đoạn thai kỳ.