Xét nghiệm Toxoplasma khi mang thai quan trọng như thế nào?
Xét nghiệm toxoplasma khi mang thai là một biện pháp quan trọng giúp phát hiện sớm nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi. Trong bài viết lần này, Diag sẽ chia sẻ tầm quan trọng, quy trình xét nghiệm và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả đến nhiễm Toxoplasma khi mang thai.
Vì sao nên xét nghiệm Toxoplasma khi mang thai?
Toxoplasma gondii là một loại ký sinh trùng đơn bào gây ra bệnh toxoplasmosis. Ký sinh trùng này phổ biến trên toàn thế giới, ký chủ chính là mèo và có thể lây nhiễm cho hầu hết các loài động vật máu nóng, bao gồm cả con người.

Toxoplasma gondii rất phổ biến, với tỷ lệ nhiễm bệnh ở người dao động từ 11% ở Hoa Kỳ đến hơn 60% ở một số khu vực khác. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng gondii cũng khá cao, đặc biệt là ở những vùng nông thôn nơi tiếp xúc với động vật và đất đai nhiều hơn.
Phụ nữ mang thai nhiễm ký sinh trùng lần đầu tiên có thể truyền ký sinh trùng này sang thai nhi qua bào thai, gây ra toxoplasmosis bẩm sinh. Toxoplasmosis bẩm sinh có thể dẫn đến sảy thai, thai lưu, hoặc các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng như tổn thương hệ thần kinh trung ương, động kinh, chậm phát triển, mắt và các cơ quan khác.
Tỷ lệ lây truyền Toxoplasma từ mẹ sang thai nhi tăng dần theo tuổi thai (nguy cơ thấp nhất trong 3 tháng đầu và cao nhất trong 3 tháng cuối). Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của các tổn thương do nhiễm trùng bẩm sinh thường nặng nề hơn nhiều nếu thai nhi bị nhiễm trong giai đoạn sớm của thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu. Nhiễm trùng ở giai đoạn muộn vẫn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe cho trẻ, nhất là các di chứng ở mắt.
Việc xét nghiệm Toxoplasma khi mang thai là một biện pháp quan trọng giúp phát hiện sớm nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi, giúp bác sĩ kịp thời đưa ra các cách quản lý thai kỳ phù hợp.
Xem thêm: Nhiễm toxoplasma khi mang thai
Các phương pháp xét nghiệm Toxoplasma
Phương pháp xét nghiệm
Đối với phụ nữ có hệ miễn dịch suy yếu hoặc có ý định mang thai hoặc đang mang thai đều nên thực hiện xét nghiệm Toxoplasma. Ngoài ra, sau khi sinh, trẻ sơ sinh cũng cần được xét nghiệm để đánh giá nguy cơ lây truyền Toxoplasma từ mẹ hay không.
Các phương pháp xét nghiệm Toxoplasma bao gồm: Xét nghiệm huyết thanh học, phản ứng chuỗi polymerase và sinh thiết mô. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để chẩn đoán nguy cơ nhiễm ký sinh trùng ở thai phụ. Bên cạnh đó, dựa vào tình trạng sức khỏe của thai phụ và thai nhi khi siêu âm định kỳ, một số phương pháp khác cũng có thể được thực hiện.
Dưới đây là các phương pháp xét nghiệm cho thai phụ hiện nay:
Xét nghiệm huyết thanh học (Serologic tests): Đây là phương pháp phổ biến nhất để chẩn đoán toxoplasmosis. Xét nghiệm này đo lường kháng thể IgG và IgM trong máu.
- IgG: Xuất hiện vài tuần sau khi nhiễm và tồn tại suốt đời, cho thấy nhiễm trùng đã xảy ra trong quá khứ.
- IgM: Xuất hiện sớm trong giai đoạn nhiễm trùng cấp tính và giảm dần sau vài tháng.
Phản ứng chuỗi polymerase (PCR): PCR được sử dụng để phát hiện DNA của Toxoplasma gondii trong máu, dịch não tủy, hoặc dịch ối. Phương pháp này đặc biệt hữu ích trong việc chẩn đoán nhiễm trùng cấp tính hoặc nhiễm trùng ở thai nhi.
Sinh thiết mô (Histopathology): Sinh thiết mô có thể được thực hiện để tìm kiếm sự hiện diện của ký sinh trùng trong các mẫu mô.
Cách đọc kết quả xét nghiệm
Đối với kết quả IgG và IgM:
- IgG âm tính, IgM âm tính: Không có bằng chứng nhiễm trùng.
- IgG dương tính, IgM âm tính: Nhiễm trùng đã xảy ra trong quá khứ, không có nhiễm trùng cấp tính.
- IgG âm tính, IgM dương tính: Có thể là nhiễm trùng cấp tính hoặc kết quả dương tính giả.
- IgG dương tính, IgM dương tính: Có thể là nhiễm trùng gần đây hoặc kết quả dương tính giả.
Trong các trường hợp khó diễn giải, đặc biệt khi cả IgG và IgM đều dương tính, hoặc IgM dương tính kéo dài, bác sĩ thường chỉ định thêm xét nghiệm đo độ ái lực của IgG (IgG avidity). Kết quả IgG avidity giúp ước đoán thời điểm nhiễm bệnh:
- Avidity cao: Thường chỉ ra nhiễm trùng đã xảy ra > 3-4 tháng trước, giúp loại trừ khả năng nhiễm trùng mới mắc trong thời gian mang thai gần đây.
- Avidity thấp hoặc trung bình: Gợi ý nhiễm trùng xảy ra gần đây hơn (trong vòng 3-4 tháng qua), cần phải được đánh giá và quản lý thai kỳ chặt chẽ hơn.
Kết quả PCR:
- Dương tính: Xác nhận sự hiện diện của DNA Toxoplasma gondii, cho thấy nhiễm trùng hiện tại.
- Âm tính: Không phát hiện DNA của Toxoplasma gondii, không loại trừ hoàn toàn nhiễm trùng.
Sinh thiết mô:
- Dương tính: Phát hiện ký sinh trùng trong mẫu mô, xác nhận nhiễm trùng.
- Âm tính: Không phát hiện ký sinh trùng, không loại trừ hoàn toàn nhiễm trùng.
Cách điều trị và phòng ngừa nhiễm Toxoplasma
Cách điều trị bệnh Toxoplasma
Khi điều trị bệnh cho phụ nữ mang thai, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại thuốc như sau:
- Spiramycin: Được khuyến cáo trong giai đoạn đầu của thai kỳ (trước 18 tuần) để giảm nguy cơ truyền nhiễm từ mẹ sang thai nhi.
- Pyrimethamine và Sulfadiazine: Được sử dụng sau 18 tuần thai kỳ hoặc khi có bằng chứng nhiễm trùng thai nhi.
- Folinic acid (Leucovorin): Được sử dụng cùng với Pyrimethamine để giảm nguy cơ thiếu máu.
Lưu ý rằng chỉ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ ảnh hưởng sức khỏe của mẹ và bé. Đặc biệt, thai phụ nhiễm ký sinh trùng cần được theo dõi định kỳ để đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Biện pháp phòng ngừa nhiễm Toxoplasma
Tham khảo những cách phòng ngừa nhiễm Toxoplasma cho thai phụ dưới đây:
- Nấu chín thực phẩm và rửa rau quả sạch sẽ trước khi ăn.
- Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch sau khi tiếp xúc với đất hoặc phân động vật.
- Vệ sinh tay kỹ trước và sau khi ăn để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Sử dụng dao và thớt riêng cho thực phẩm sống và chín để tránh lây truyền chéo.
- Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh và không để thực phẩm sống tiếp xúc với thực phẩm chín.
- Thai phụ nên nhờ người khác dọn dẹp khay vệ sinh cho mèo. Nếu phải tự làm, hãy đeo găng tay và rửa tay kỹ sau khi dọn dẹp.
Tổng đài tư vấn bệnh ký sinh trùng MIỄN PHÍ
Trung tâm y khoa Diag – Hệ thống phòng khám và xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế
- Hơn 40 chi nhánh tại TPHCM
- Đối tác của hơn 6500+ bác sĩ và hơn 500+ bệnh viện
- Xét nghiệm sức khỏe tiện lợi, không chờ đợi
- Lấy mẫu ngoài giờ hành chính
Diag sẽ liên hệ lại trong vòng 5 phút
Lời kết
Xét nghiệm Toxoplasma khi mang thai rất quan trọng đối với thai phụ nhằm phát hiện nguy cơ nhiễm ký sinh trùng của mẹ và thai nhi. Hy vọng thông tin được Diag chia sẻ trong bài viết lần này giúp bạn hiểu rõ hơn về các liệu pháp điều trị và cách phòng ngừa nhiễm Toxoplasma khi mang thai.
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9756-toxoplasmosis