Sán dây bò (Taenia saginata) là một loại ký sinh trùng đường ruột lây qua thực phẩm, chủ yếu do ăn thịt bò chưa nấu chín. Vậy dấu hiệu nhiễm sán dây bò là gì? Cách phòng ngừa và điều trị thế nào? Tìm hiểu ngay qua bài viết của Diag!

Sán dây bò là gì?

Sán dây bò, hay sán dải bò, là một loại ký sinh trùng sống trong ruột non của con người. Loài sán này có thân dài, dẹt, và màu trắng kem, có thể phát triển tới 4 – 12 mét, thậm chí có trường hợp lên đến 25 mét.

Sán dây bò sống trong ruột non của con người
Sán dây bò sống trong ruột non của con người

Loại sán này không thể tự sinh trưởng trong cơ thể người ngay từ đầu mà phải trải qua một giai đoạn trung gian trong bò. Khi con người ăn thịt bò chưa nấu chín có chứa ấu trùng sán, chúng sẽ vào ruột, phát triển thành sán trưởng thành và sống ký sinh trong đó.

Theo thời gian, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, sút cân, hoặc cảm thấy mệt mỏi do sán hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn. Đặc biệt, các đốt sán trưởng thành có thể tự tách ra và bò ra khỏi hậu môn, khiến người bệnh cảm thấy khó chịu hoặc lo lắng. Tuy nhiên, bệnh có thể điều trị dứt điểm bằng thuốc. Nếu tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, mọi người có thể tránh được nguy cơ nhiễm bệnh.

Vòng đời và bộ phận bám của sán dây bò

Sán dây bò bám vào ruột người nhờ đầu sán (scolex), một bộ phận nhỏ chỉ khoảng 1 – 2 mm. Trên đầu sán có 4 giác hút lớn, giúp nó bám chặt vào thành ruột non mà không cần móc cài như sán dây lợn. Nhờ các giác hút này, sán có thể cố định trong ruột và hấp thụ chất dinh dưỡng trực tiếp từ thức ăn của vật chủ. Nếu không được điều trị, sán sẽ tiếp tục phát triển, kéo dài ra, và liên tục sinh sản, gây ra các vấn đề về tiêu hóa và dinh dưỡng.

Loại sán dây này có một vòng đời gồm ba giai đoạn chính: Trứng sán, ấu trùng trong bò, và sán trưởng thành trong người.

  • Trứng sán: Khi sán trưởng thành sống trong ruột người, chúng đẻ trứng và theo phân ra ngoài. Trứng sán có thể tồn tại lâu trong đất, nước, hoặc trên cỏ.
  • Ấu trùng trong bò: Bò ăn phải trứng sán khi gặm cỏ hoặc uống nước bẩn. Trứng vào dạ dày bò, nở thành ấu trùng, và di chuyển đến cơ bắp, phát triển thành nang ấu trùng (cysticercus).
  • Sán trưởng thành trong người: Khi con người ăn thịt bò chưa nấu chín có chứa nang ấu trùng, chúng vào ruột, phát triển thành sán trưởng thành, và tiếp tục chu kỳ sinh sản.

Một con sán có thể sống trong ruột người từ 10 – 25 năm, gây ra các vấn đề tiêu hóa và suy dinh dưỡng.

Sán có thể sống trong ruột người 10 - 25 năm, gây ra các vấn đề tiêu hóa và suy dinh dưỡng
Sán có thể sống trong ruột người 10 – 25 năm, gây ra các vấn đề tiêu hóa và suy dinh dưỡng

Đường lây của sán dây bò và nhóm đối tượng nguy cơ

Sán dây bò có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua nhiều đường, bao gồm:

  • Ăn thịt bò tái, sống có chứa ấu trùng sán.
  • Dùng thịt bò chưa chín trong bò tái, bò nhúng giấm, và phở bò tái.
  • Tiếp xúc với dao, thớt, và dụng cụ chế biến nhiễm trứng sán.
  • Ăn rau sống, thực phẩm nhiễm trứng sán từ phân bón chưa xử lý.
  • Uống nước nhiễm trứng sán từ nguồn nước ô nhiễm.
  • Sống hoặc làm việc ở khu vực chăn nuôi bò có trứng sán.
  • Tiếp xúc với đất, nước nhiễm trứng sán khi đi chân trần.
  • Không rửa tay sạch trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh.
  • Không rửa tay sau khi tiếp xúc với thịt bò sống.
  • Dùng chung vật dụng cá nhân với người nhiễm sán.
  • Ruồi, côn trùng mang trứng sán vào thức ăn, nước uống.
  • Dụng cụ bếp nhiễm trứng sán do không rửa sạch.
  • Tiếp xúc với động vật có trứng sán trên lông.

Nhóm đối tượng có nguy cơ cao:

  • Người ăn thịt bò chưa chín.
  • Nhân viên lò mổ, chế biến thịt: Tiếp xúc trực tiếp với thịt bò sống.
  • Người sống gần trang trại chăn nuôi bò: Dễ tiếp xúc với đất, nước nhiễm trứng sán.
  • Nhân viên vệ sinh, xử lý chất thải: Nguy cơ nhiễm trứng sán từ môi trường ô nhiễm.
  • Người có thói quen vệ sinh kém: Không rửa tay trước khi ăn, sử dụng nguồn nước không đảm bảo.

Xem thêm: Sán dải lùn

Các triệu chứng và nguy cơ biến chứng nếu nhiễm sán dây bò

Triệu chứng khi nhiễm sán dây bò

Nhiễm sán dây bò thường tiến triển âm thầm, nhiều người mắc bệnh nhưng không có triệu chứng rõ ràng trong thời gian dài. Tuy nhiên, khi sán phát triển lớn hoặc sinh sản mạnh, người bệnh có thể gặp các triệu chứng khó chịu.

  • Đau bụng âm ỉ, đầy hơi, và khó tiêu: Cơn đau thường nhẹ, không liên tục, kèm theo chướng bụng, khó chịu vùng bụng.
  • Buồn nôn, thay đổi cảm giác thèm ăn: Một số người bị chán ăn, trong khi người khác lại cảm thấy đói nhiều hơn bình thường.
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân: Sán hấp thụ chất dinh dưỡng từ ruột, khiến cơ thể thiếu hụt và gây mệt mỏi, suy nhược.
  • Ngứa hậu môn, thấy đốt sán bò ra ngoài: Đốt sán có thể tự rời khỏi cơ thể qua hậu môn, gây ngứa ngáy hoặc xuất hiện trong phân.
Đau bụng âm ỉ, đầy tức vùng bụng do sán bám vào ruột non
Đau bụng âm ỉ, đầy hơi, và khó tiêu

Các rủi ro biến chứng ở người nhiễm sán dây bò

Nếu không điều trị, sán có thể phát triển dài và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như:

  • Tắc ruột: Sán có thể phát triển quá dài, cuộn lại, và làm tắc một phần hoặc toàn bộ ruột. Gây đau bụng dữ dội, đầy hơi, táo bón, và có thể cần can thiệp y tế.
  • Viêm ruột thừa, viêm túi mật: Đốt sán dây bò có thể đi lạc vào ruột thừa hoặc túi mật, gây viêm nhiễm nghiêm trọng, dễ dẫn đến sốt, đau bụng dữ dội, và cần phẫu thuật cấp cứu.
  • Suy dinh dưỡng, thiếu máu: Sán hấp thụ chất dinh dưỡng trực tiếp từ ruột non, khiến người bệnh sụt cân, mệt mỏi, và thiếu hụt vitamin. TIềm ẩn nguy cơ bị thiếu máu nếu nhiễm sán kéo dài.
  • Xuất hiện tình trạng về tiêu hóa: Người bệnh có thể gặp tiêu chảy hoặc táo bón thường xuyên, đầy hơi, khó tiêu, và đau bụng âm ỉ, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
  • Ngứa hậu môn, đốt sán bò ra ngoài: Đốt sán có thể tự tách ra và di chuyển ra ngoài hậu môn, gây ngứa ngáy, khó chịu, thậm chí nhìn thấy đốt sán trong phân.
  • Phản ứng dị ứng: Một số người có thể bị phát ban, ngứa toàn thân, hoặc sưng phù nhẹ do phản ứng của cơ thể với chất tiết từ sán.

Nếu đau bụng kéo dài, sụt cân bất thường, ngứa hậu môn, hoặc thấy đốt sán trong phân, cần đi khám để được điều trị kịp thời.

Xem thêm: Sán dây cá

Phương pháp chẩn đoán nhiễm sán dây bò

Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán nhiễm sán dây bò, bác sĩ có thể chỉ định:

  • Xét nghiệm phân: Kiểm tra mẫu phân để tìm trứng sán hoặc đốt sán, đây là phương pháp phổ biến nhất giúp xác định nhiễm sán dây bò.
  • Xét nghiệm máu: Phát hiện kháng thể chống sán trong cơ thể, được áp dụng khi xét nghiệm phân chưa cho kết quả rõ ràng.
  • Nội soi đường ruột: Được thực hiện khi nghi ngờ có sán nhưng chưa phát hiện được qua xét nghiệm phân, giúp bác sĩ quan sát trực tiếp sán trưởng thành trong ruột non.

Thuốc điều trị sán dây bò

Điều trị sán dây bò chủ yếu sử dụng thuốc để đào thái sán khỏi cơ thể. Các loại thuốc bác sĩ có thể chỉ định gồm:

  • Praziquantel: Thuốc điều trị phổ biến, sử dụng một liều duy nhất (5 – 10 mg/kg). Thuốc Praziquantel giúp làm tê liệt và giết chết sán để thải ra ngoài qua phân.
  • Niclosamide: Một lựa chọn khác, dùng liều duy nhất (2 g), khiến sán mất khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và bị đào thải khỏi cơ thể.

Sau khi uống thuốc, sán bị giết chết và bị đẩy ra ngoài qua phân trong vòng vài giờ đến một ngày. Người bệnh có thể thấy sán trưởng thành trong bồn cầu, có trường hợp sán bị đào thải nguyên vẹn.

Phương pháp phòng ngừa nhiễm sán dây bò

Để phòng bệnh sán dây bò, mọi người nên:

  • Ăn chín uống sôi.
  • Nấu chín kỹ thịt bò, đặc biệt là thịt xay, để diệt ấu trùng sán.
  • Tránh ăn thịt bò tái hoặc sống như bò tái, bò nhúng giấm, và phở bò tái.
  • Rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
  • Rửa kỹ rau củ và trái cây để tránh nhiễm trứng sán.
  • Giữ vệ sinh khu vực chế biến thực phẩm để ngăn ngừa ô nhiễm.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ và tẩy giun để phát hiện sớm nếu có nhiễm sán.

Lời kết

Sán dây bò là loại ký sinh trùng có thể gây hại cho sức khỏe. Nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường, mọi người nên thăm khám y tế để kịp thời phát hiện và điều trị.

 

Xem thêm: