Ký sinh trùng là gì? Dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng ở người
- Ký sinh trùng là gì?
- Bệnh ký sinh trùng ở người và tác hại của chúng
- Bệnh do sinh vật đơn bào
- Bệnh do giun sán
- Ngoại ký sinh trùng
- Dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng
- Các phương pháp chẩn đoán ký sinh trùng
- Phác đồ điều trị nhiễm ký sinh trùng
- Phòng ngừa ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể
- Vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh
- Chế độ ăn uống an toàn
- Hạn chế tiếp xúc với động vật mang mầm bệnh
- Tẩy giun định kỳ và kiểm tra sức khỏe
- Các câu hỏi thường gặp về ký sinh trùng
Ký sinh trùng là sinh vật sống nhờ vào vật chủ để phát triển, có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nhận biết sớm dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng và điều trị kịp thời giúp bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Cùng Diag tìm hiểu bệnh ký sinh trùng là gì và những dấu hiệu của chúng nhé!
Ký sinh trùng là gì?
Ký sinh trùng là những sinh vật sống dựa vào vật chủ như con người, động vật hoặc thực vật để tồn tại và phát triển. Chúng lấy chất dinh dưỡng từ vật chủ, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Nếu không được điều trị, nhiễm phải ký sinh trùng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy dinh dưỡng, tổn thương cơ quan nội tạng và thậm chí tử vong.
Ký sinh trùng được chia thành ba loại chính là:
- Ký sinh trùng đơn bào – Ký sinh hoàn toàn (Ký sinh nội sinh)
- Ký sinh trùng đa bào (Giun sán) Ký sinh hoàn toàn (Ký sinh nội sinh)
- Ký sinh trùng ngoại ký sinh – Ký sinh không hoàn toàn
Chu kỳ sống của ký sinh trùng: Ký sinh trùng phát triển qua ba giai đoạn là trứng hoặc ấu trùng, lây nhiễm, và trưởng thành, sinh sản. Đầu tiên, chúng được thải ra môi trường qua phân và nước tiểu của vật chủ. Sau đó, xâm nhập vào vật chủ qua đường tiêu hóa, da, hoặc vết cắn côn trùng. Khi vào cơ thể, chúng phát triển, sinh sản và tiếp tục chu kỳ. Hiểu chu kỳ này giúp phòng ngừa và điều trị hiệu quả hơn bệnh ký sinh trùng ở người.
Xem thêm:
Bệnh ký sinh trùng ở người và tác hại của chúng
Ký sinh trùng không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Chúng có thể gây suy dinh dưỡng, tổn thương cơ quan nội tạng và làm suy yếu hệ miễn dịch. Dưới đây là những nhóm bệnh do ký sinh trùng gây nên phổ biến và ảnh hưởng của chúng đến cơ thể người bệnh.
Bệnh do sinh vật đơn bào
Sinh vật đơn bào (Protozoa) là những ký sinh trùng chỉ có một tế bào nhưng có khả năng sinh sản và phát triển trong cơ thể người. Chúng có thể lây lan qua nước, thực phẩm bị ô nhiễm, tiếp xúc trực tiếp hoặc qua vết cắn của côn trùng.

Những loại ký sinh trùng này thường xâm nhập vào đường ruột, máu và mô cơ thể, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, cụ thể:
Trùng roi Giardia
Giardia lamblia là ký sinh trùng đường ruột gây bệnh giardia, lây qua nước và thực phẩm nhiễm bẩn. Nó có thể tồn tại mà không gây triệu chứng nhưng khi phát bệnh sẽ làm tổn thương niêm mạc ruột, gây tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi và sụt cân. Chúng đặc biệt nguy hiểm với người có hệ miễn dịch yếu.
Trùng amip lỵ
Trùng amip lỵ (Entamoeba histolytica) gây bệnh amip lỵ, lây qua nước và thực phẩm nhiễm bẩn. Bệnh amip lỵ gây tiêu chảy ra máu, đau bụng, sốt nhẹ và có thể dẫn đến áp-xe gan. Nếu không điều trị, bệnh có thể tái phát nhiều lần và trở thành mãn tính.
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng sốt rét (Plasmodium spp.) là một loại ký sinh trùng máu lây truyền qua muỗi Anopheles, tấn công hồng cầu và gây ra các triệu chứng như sốt cao, ớn lạnh, đau đầu, thiếu máu. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành sốt rét ác tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến não, phổi, gan và đe dọa tính mạng.

Trùng bào tử Cryptosporidium
Cryptosporidium gây tiêu chảy Cryptosporidiosis, lây qua nước ô nhiễm. Triệu chứng gồm tiêu chảy kéo dài, đau bụng, buồn nôn, mất nước. Người có hệ miễn dịch yếu có thể bị bệnh nghiêm trọng và kéo dài hàng tháng.
Trùng Toxoplasma
Toxoplasma lây qua thịt sống, phân mèo hoặc từ mẹ sang con. Người nhiễm thường không có biểu hiện, nhưng ở thai phụ có thể gây dị tật thai nhi. Với người suy giảm miễn dịch, bệnh có thể gây viêm não nguy hiểm.
Xem thêm:
Bệnh do giun sán
Giun sán là nhóm ký sinh trùng đa bào, sống trong ruột, máu hoặc các mô khác trong cơ thể người. Chúng thường lây nhiễm qua thực phẩm, nước uống nhiễm trứng hoặc ấu trùng, hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất bị ô nhiễm.

Giun đũa
Giun đũa dài tới 30 cm, lây qua thực phẩm hoặc nước uống nhiễm phân chứa trứng giun. Khi vào cơ thể, ấu trùng di chuyển qua phổi rồi trở lại ruột để phát triển. Nhiễm giun đũa gây rối loạn tiêu hóa, thiếu dinh dưỡng và có thể dẫn đến tắc ruột hoặc viêm đường mật.
Giun kim
Giun kim nhỏ, dài khoảng 1 cm, chủ yếu gây nhiễm ở trẻ em. Chúng đẻ trứng quanh hậu môn vào ban đêm, gây ngứa dữ dội, mất ngủ và suy nhược. Nếu nhiễm kéo dài, trẻ có thể bị giảm tập trung, chán ăn và viêm nhiễm vùng sinh dục.
Giun móc
Giun móc xâm nhập vào cơ thể qua da khi tiếp xúc với đất nhiễm bẩn. Chúng hút máu từ thành ruột non, gây thiếu máu, suy nhược, chóng mặt và suy dinh dưỡng. Trẻ em nhiễm giun móc có thể chậm phát triển thể chất và trí tuệ.
Giun tóc
Giun tóc dài 3-5 cm, bám vào thành ruột già, gây viêm niêm mạc ruột. Nhiễm loại giun này có thể gây tiêu chảy kéo dài, thiếu máu và trong trường hợp nặng dẫn đến sa trực tràng. Trẻ em nhiễm giun tóc nặng có nguy cơ gây thiếu hụt dinh dưỡng, chậm phát triển.
Sán dây
Sán dây dài đến vài mét, nhiễm qua thịt bò hoặc lợn chưa nấu chín. Chúng sống trong ruột non, gây đau bụng, buồn nôn, sụt cân. Trong một số trường hợp, ấu trùng sán di chuyển đến não, mắt hoặc các cơ quan khác, gây biến chứng nghiêm trọng.
Sán lá gan
Sán lá gan nhiễm qua rau sống hoặc nước nhiễm ấu trùng, gây tổn thương gan và đường mật. Người bệnh có thể bị sốt, đau hạ sườn phải, vàng da, rối loạn chức năng gan. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sán lá gan có thể dẫn đến xơ gan, suy gan.
Sán máng
Sán máng lây qua nước ô nhiễm, xâm nhập qua da, di chuyển theo mạch máu đến gan, ruột và bàng quang. Bệnh gây sốt, ngứa da, tiêu chảy, tiểu ra máu và tổn thương gan. Nếu không điều trị, có thể dẫn đến suy thận, xơ gan và biến chứng nghiêm trọng.
Xem thêm:
Ngoại ký sinh trùng
Ngoại ký sinh trùng là những sinh vật sống trên da hoặc lông tóc của vật chủ, hút máu và gây ra các vấn đề về da liễu. Chúng có thể lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp hoặc thông qua vật dụng cá nhân như quần áo, giường chiếu.

Ve
Ve hút máu từ da động vật và người, có thể truyền bệnh Lyme hoặc sốt phát ban. Vết cắn gây sưng đỏ, ngứa, đau nhức. Nếu nhiễm bệnh Lyme, người bệnh có thể bị sốt, đau khớp, phát ban và tổn thương thần kinh nếu không điều trị.
Rận mu
Rận mu ký sinh chủ yếu ở vùng lông mu, lây lan qua tiếp xúc da kề da hoặc vật dụng cá nhân. Biểu hiện chính là ngứa dữ dội, đặc biệt vào ban đêm. Nếu gãi nhiều, da có thể bị viêm nhiễm, khó chịu.
Chí
Chí ký sinh trên da đầu, lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc vật dụng cá nhân. Dấu hiệu gồm ngứa da đầu, trầy xước, nhiễm trùng nếu gãi nhiều. Nếu không điều trị, tình trạng khó chịu kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Bọ chét
Khi bọ chét hút máu, nó có thể truyền bệnh dịch hạch hoặc sốt phát ban chuột. Vết cắn gây ngứa dữ dội, sưng đỏ. Nếu nhiễm bệnh dịch hạch, người bệnh có thể sốt cao, sưng hạch và nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị.
Mạt bụi nhà
Mạt bụi nhà là loài ký sinh cực nhỏ, không thể nhìn thấy bằng mắt thường, thường sống trong giường, thảm, rèm cửa và nơi có nhiều bụi. Chúng không cắn nhưng gây dị ứng qua phân và xác chết của chúng. Người nhạy cảm có thể bị viêm mũi dị ứng, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, hoặc bệnh hen suyễn, ảnh hưởng đến hô hấp.
Dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng
Khi bị nhiễm bệnh, cơ thể có thể xuất hiện nhiều dấu hiệu khác nhau. Bệnh tùy thuộc vào loại ký sinh trùng, mức độ nhiễm và cơ quan bị ảnh hưởng. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến:
- Rối loạn tiêu hóa: Tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, buồn nôn, đau bụng không rõ nguyên nhân.
- Ảnh hưởng đến hần kinh: Mệt mỏi, mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, suy giảm trí nhớ.
- Biểu hiện trên da: Ngứa da, phát ban, nổi mẩn đỏ, viêm da dị ứng.
- Thiếu máu, suy nhược: Da xanh xao, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Các dấu hiệu khác: Sốt, sưng hạch, đau cơ, viêm khớp, ho kéo dài.
Các phương pháp chẩn đoán ký sinh trùng
Chẩn đoán ký sinh trùng đòi hỏi các xét nghiệm chuyên sâu để xác định loại ký sinh trùng gây bệnh. Các phương pháp phổ biến bao gồm:
- Xét nghiệm phân: Dùng để phát hiện trứng, ấu trùng hoặc ký sinh trùng trưởng thành trong đường ruột.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra kháng thể hoặc kháng nguyên của ký sinh trùng trong máu, giúp phát hiện các bệnh như sốt rét, toxoplasmosis.
- Sinh thiết mô: Áp dụng trong các trường hợp nghi ngờ nhiễm ký sinh trong cơ, da hoặc nội tạng.
- Xét nghiệm PCR: Phương pháp sinh học phân tử giúp phát hiện DNA của ký sinh trùng với độ chính xác cao.
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang, siêu âm, CT, MRI để đánh giá tổn thương nội tạng do ký sinh trùng.
Phác đồ điều trị nhiễm ký sinh trùng
Việc điều trị bệnh phụ thuộc vào loại ký sinh trùng gây bệnh, mức độ nhiễm và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Phác đồ điều trị bao gồm:
- Xác định loại ký sinh trùng: Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ phù hợp.
- Dùng thuốc đặc trị: Thuốc chống ký sinh trùng sẽ được kê đơn để tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của ký sinh trùng.
- Hỗ trợ điều trị: Bệnh nhân có thể được bổ sung vitamin, chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.
- Theo dõi sau điều trị: Xét nghiệm lại sau khi dùng thuốc để đảm bảo ký sinh trùng đã được loại bỏ hoàn toàn.
Phòng ngừa ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể
Vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh
Giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên, cắt móng tay gọn gàng và tắm rửa sạch sẽ giúp loại bỏ trứng ký sinh trùng. Bên cạnh đó, việc dọn dẹp nhà cửa, giặt chăn ga gối nệm định kỳ và xử lý rác thải đúng cách góp phần hạn chế sự lây lan của ký sinh trùng.
Chế độ ăn uống an toàn
Thực phẩm bẩn là nguồn lây nhiễm phổ biến. Cần rửa sạch rau củ, nấu chín thịt và hải sản trước khi ăn, hạn chế các món sống như gỏi, tiết canh. Đồng thời, sử dụng nguồn nước sạch và tránh ăn uống ở những nơi không đảm bảo vệ sinh để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.
Hạn chế tiếp xúc với động vật mang mầm bệnh
Thú cưng như chó, mèo có thể mang ký sinh trùng, vì vậy cần tẩy giun định kỳ cho chúng và vệ sinh khu vực nuôi nhốt. Khi dọn phân vật nuôi, nên đeo găng tay và rửa tay sạch sẽ. Ngoài ra, tránh tiếp xúc với các loài vật hoang dã để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh nguy hiểm.
Tẩy giun định kỳ và kiểm tra sức khỏe
Ngay cả khi không có triệu chứng rõ ràng, cơ thể vẫn có thể bị nhiễm bệnh mà không hay biết. Do đó, tẩy giun định kỳ là biện pháp quan trọng để loại bỏ giun sán trước khi chúng gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ vì đây là nhóm đối tượng dễ nhiễm ký sinh trùng nhất.

Bên cạnh đó, xét nghiệm ký sinh trùng định kỳ giúp phát hiện sớm các loại ký sinh trùng ẩn trong cơ thể, từ đó có hướng điều trị kịp thời. Nếu có các dấu hiệu bất thường như tiêu chảy kéo dài, ngứa da, sụt cân không rõ nguyên nhân hoặc suy nhược cơ thể, cần đi kiểm tra ngay để tránh biến chứng nguy hiểm. Việc khám sức khỏe định kỳ kết hợp với xét nghiệm ký sinh trùng là cách hiệu quả để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi nguy cơ nhiễm bệnh.
Tổng đài tư vấn bệnh ký sinh trùng MIỄN PHÍ
Trung tâm y khoa Diag – Hệ thống phòng khám và xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế
- Hơn 40 chi nhánh tại TPHCM
- Đối tác của hơn 6500+ bác sĩ và hơn 500+ bệnh viện
- Xét nghiệm sức khỏe tiện lợi, không chờ đợi
- Lấy mẫu ngoài giờ hành chính
Diag sẽ liên hệ lại trong vòng 5 phút
Các câu hỏi thường gặp về ký sinh trùng
Nhiễm ký sinh trùng có lây không? Có, nhiễm ký sinh trùng có thể lây từ người sang người, từ động vật sang người hoặc qua môi trường. Một số loại ký sinh trùng như giun sán, đơn bào đường ruột có thể lây qua đường tiêu hóa khi ăn uống thực phẩm nhiễm mầm bệnh. Ngoài ra, một số ký sinh trùng như chấy, rận, ve có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp. Một số loại bệnh khác như sốt rét, lây truyền qua vết đốt của muỗi.
Nhiễm ký sinh trùng có nguy hiểm không? Mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào loại ký sinh trùng và tình trạng sức khỏe của người nhiễm. Một số loại chỉ gây triệu chứng nhẹ như tiêu chảy, ngứa da. Nhưng cũng có những loại có thể gây tổn thương nội tạng nghiêm trọng, suy gan, suy thận, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời. Đặc biệt, với những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ nhỏ, người cao tuổi hay bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, nhiễm ký sinh trùng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Nhiễm ký sinh trùng có chữa được không? Có, hầu hết các bệnh do ký sinh trùng đều có thể điều trị được nếu phát hiện sớm và áp dụng đúng phương pháp. Tùy vào loại ký sinh trùng, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc đặc trị phù hợp, có thể là thuốc kháng ký sinh trùng đường uống hoặc tiêm. Ngoài ra, việc kết hợp chế độ ăn uống hợp lý, giữ gìn vệ sinh cũng giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục và ngăn ngừa tái nhiễm.
Xem thêm:
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24911-parasites
https://www.medicalnewstoday.com/articles/220302