Bị dính bao quy đầu là gì? Cách lột bao quy đầu khi bị dính
- Dính bao quy đầu là gì?
- Nguyên nhân gây dính bao quy đầu
- Nguyên nhân sinh lý (thường gặp ở trẻ)
- Nguyên nhân bệnh lý (phổ biến ở trẻ lớn và người trưởng thành)
- Yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng dính bao quy đầu
- Da bao quy đầu dính vào quy đầu có sao không?
- Khi nào nên thực hiện tách dính bao quy đầu?
- Cách lột bao quy đầu khi bị dính tại nhà
- Cách lột cho trẻ em bị dính bao quy đầu dưới 5 tuổi
- Cách chữa dính bao quy đầu tại nhà cho trẻ trên 5 tuổi
- Khi nào cần gặp bác sĩ?
- Lời kết
Dính bao quy đầu là gì?
Dính bao quy đầu là hiện tượng lớp da bao quy đầu gắn chặt vào phần quy đầu của dương vật, khiến bao không thể tự tụt xuống để lộ phần quy đầu như bình thường. Tình trạng này thường gặp ở trẻ, đặc biệt là dưới 5 tuổi, và đa phần là hiện tượng sinh lý bình thường.
Tuy nhiên, nếu tình trạng dính bao quy đầu kéo dài, không được vệ sinh đúng cách, sẽ gây nên các vấn đề về viêm nhiễm, ảnh hưởng đến chức năng tiểu tiện và khả năng sinh sản sau này.

Nguyên nhân gây dính bao quy đầu
Dính bao quy đầu có thể xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra:
Nguyên nhân sinh lý (thường gặp ở trẻ)
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khoảng 96% trường hợp dính bao quy đầu là bình thường, được gọi là dính sinh lý. Nguyên nhân dính bao quy đầu là do:
- Bao quy đầu và quy đầu chưa phân tách hoàn toàn trong giai đoạn phát triển thai nhi.
- Sau khi sinh, lớp biểu mô giữa bao quy đầu và quy đầu còn chưa tiêu biến hết.
- Thiếu hoạt động kéo tuột bao quy đầu (ví dụ như chưa có quan hệ tình dục hoặc chưa vệ sinh kỹ).
Thông thường, dính bao quy đầu trong trường hợp này sẽ tự cải thiện và hết hẳn khi trẻ bước vào độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi. Tuy nhiên, một số trẻ vẫn có thể bị dính kéo dài đến 7–10 tuổi nếu không được chăm sóc và vệ sinh sinh dục đúng cách.

Nguyên nhân bệnh lý (phổ biến ở trẻ lớn và người trưởng thành)
Dính bao quy đầu bệnh lý xảy ra khi da bao quy đầu bị tổn thương, viêm nhiễm hoặc xơ hóa, dẫn đến việc dính chặt vào quy đầu. Các nguyên nhân bao gồm:
- Viêm nhiễm bao quy đầu do vệ sinh không sạch, tích tụ bựa sinh dục (smegma).
- Chấn thương vùng dương vật do va đập, kéo bao quy đầu quá mạnh hoặc không đúng cách.
- Biến chứng sau khi điều trị hẹp bao quy đầu hoặc cắt bao quy đầu không đúng kỹ thuật.
- Tác động của một số bệnh lý như: hẹp bao quy đầu, viêm da dị ứng, chàm sinh dục.
Việc điều trị viêm không triệt để có thể khiến da bị xơ hóa, gây dính chặt, khó lột bao quy đầu về sau.
Yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng dính bao quy đầu
Dưới đây là một số nguy cơ có thể khiến tình trạng dính bao quy đầu trở nên nghiêm trọng hơn:
- Vệ sinh kém: Việc vệ sinh kém tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển, dẫn đến viêm nhiễm, khiến bao quy đầu bị sưng tấy, bám dính vào quy đầu như:
- Không rửa sạch vùng sinh dục hàng ngày, đặc biệt là sau khi đi tiểu
- Dùng xà phòng có chất tẩy mạnh gây kích ứng da bao quy đầu.
- Không tuột bao quy đầu khi tắm (ở độ tuổi có thể tuột được).
- Quan hệ tình dục không an toàn: Ở thiếu niên hoặc người trưởng thành, việc quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su có thể dẫn đến lây nhiễm các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục, làm tăng nguy cơ dính bao quy đầu.
- Tiền sử mắc các bệnh da liễu: Những người từng bị viêm da cơ địa, chàm, vảy nến vùng sinh dục cũng có nguy cơ bị dính bao quy đầu cao hơn do tổn thương mô mềm.
- Mắc bệnh tiểu đường: Người mắc bệnh tiểu đường thường có khả năng miễn dịch kém, khiến cho vùng bao quy đầu dễ bị nhiễm trùng và lâu lành, từ đó dẫn đến dính bao quy đầu mạn tính.
- Biến chứng của hẹp bao quy đầu: Tình trạng hẹp bao quy đầu nếu không được điều trị sớm sẽ gây viêm, tạo sẹo xơ hóa, làm cho lớp da bao quy đầu bám chặt vào quy đầu, khó tách lột tự nhiên.

Da bao quy đầu dính vào quy đầu có sao không?
Trong giai đoạn đầu đời, nếu da bao quy đầu bị dính do yếu tố sinh lý thì không đáng lo. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài quá 5 tuổi mà không có dấu hiệu tách tự nhiên, trẻ dễ bị:
- Viêm nhiễm kéo dài do tích tụ chất bẩn, nước tiểu.
- Bao quy đầu khó tuột gây đau đớn, thậm chí tổn thương khi lột bao sai cách.
- Cản trở sự phát triển bình thường của dương vật, ảnh hưởng đến cả thẩm mỹ và chức năng sinh lý.
Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi kỹ, áp dụng các phương pháp hỗ trợ tách dính bao quy đầu đúng cách hoặc can thiệp y tế kịp thời nếu có dấu hiệu bất thường.
Khi nào nên thực hiện tách dính bao quy đầu?
Tách dính bao quy đầu nên được thực hiện khi:
- Trẻ trên 5 tuổi vẫn chưa thể lột được bao quy đầu.
- Trẻ bị viêm nhiễm tái phát nhiều lần kèm triệu chứng đau khi đi tiểu, dương vật sưng đỏ, có mùi hôi.
- Có hiện tượng hẹp bao quy đầu, da bao quy đầu dính gây đau, khó chịu.
- Bao quy đầu không thể kéo xuống khi cương, ảnh hưởng đến chức năng sinh lý.
Lưu ý, chỉ nên thực hiện tách dính bao quy đầu tại nhà khi có chỉ dẫn từ bác sĩ hoặc trong trường hợp nhẹ, không kèm theo viêm.
Cách lột bao quy đầu khi bị dính tại nhà
Nếu trẻ bị dính bao quy đầu phải làm sao? Tùy theo độ tuổi và mức độ dính, phụ huynh có thể áp dụng một số phương pháp tại nhà giúp tách dính bao quy đầu cho trẻ. Tuy nhiên, mọi thao tác cần đảm bảo an toàn, tránh tổn thương vùng kín và gây biến chứng.
Cách lột cho trẻ em bị dính bao quy đầu dưới 5 tuổi
Đối với trẻ nhỏ tuổi có thể tự cải thiện theo thời gian. Tuy vậy, cha mẹ vẫn nên hỗ trợ tách dính bao quy đầu nhẹ nhàng:
- Ngâm nước ấm: Vào mỗi lần tắm, cho trẻ ngồi ngâm vùng kín trong nước ấm 5 – 10 phút để làm mềm da bao quy đầu.
- Massage nhẹ: Dùng tay sạch nhẹ nhàng kéo da bao quy đầu về phía sau – chỉ kéo đến mức trẻ không thấy đau. Thực hiện mỗi ngày 1 – 2 lần.
- Sử dụng thuốc bôi: Một số trường hợp có thể sử dụng kem bôi chứa corticoid (theo chỉ định của bác sĩ) giúp làm mềm da và hỗ trợ tách dính bao quy đầu.

Cách chữa dính bao quy đầu tại nhà cho trẻ trên 5 tuổi
Khi trẻ từ 5 tuổi trở lên, tình trạng dính vẫn còn kéo dài có thể là dấu hiệu của bệnh lý hoặc không tự tách dính bao quy đầu như bình thường. Trong giai đoạn này, cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp tại nhà để hỗ trợ tách dính, giúp vùng bao quy đầu mềm mại, linh hoạt hơn và tránh được những biến chứng về sau.
- Sử dụng thuốc bôi corticoid tại chỗ: Thuốc bôi chứa corticoid như betamethasone 0.05% hoặc hydrocortisone 1% có thể giúp làm mềm da, hỗ trợ giảm viêm, đồng thời làm mỏng lớp mô liên kết giữa bao quy đầu và quy đầu, giúp việc tách bao trở nên dễ dàng hơn. Thoa thuốc vào vùng tiếp giáp giữa da bao quy đầu và quy đầu 2 lần/ngày trong 4 – 6 tuần, kết hợp với thao tác nhẹ nhàng kéo bao quy đầu.
- Tập kéo lột bao quy đầu hằng ngày: Phương pháp này không chỉ giúp làm giãn mô liên kết mà còn giúp trẻ làm quen với việc vệ sinh sinh dục về sau. Thời điểm thích hợp nhất để thực hiện là sau khi tắm, khi da bao quy đầu còn mềm và đàn hồi tốt. Dùng tay sạch kéo nhẹ nhàng da bao quy đầu về phía sau rồi trả lại vị trí cũ. Mỗi ngày chỉ cần thực hiện 1–2 lần, đều đặn và kiên trì.
- Tắm nước ấm kết hợp massage: Tắm nước ấm là một biện pháp hỗ trợ đơn giản nhưng hiệu quả trong việc điều trị dính bao quy đầu tại nhà. Nước ấm giúp làm mềm và giãn da bao quy đầu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình kéo lột nhẹ nhàng mà không gây đau.
- Vệ sinh đúng cách: Cha mẹ nên tập cho trẻ ý thức vệ sinh cá nhân đúng cách, đặc biệt là sau mỗi lần tiểu hoặc khi tắm. Hướng dẫn trẻ sử dụng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ để rửa vùng sinh dục, kết hợp với thao tác kéo nhẹ bao quy đầu (nếu đã bắt đầu lột được) để làm sạch bựa sinh dục – một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm nhiễm và tái dính.
Lưu ý khi thực hiện tại nhà:
- Không dùng lực quá mạnh khi kéo bao quy đầu để tránh rách, chảy máu.
- Nếu trẻ kêu đau, dừng ngay việc kéo bao.
- Không dùng các loại thuốc hay kem bôi không rõ nguồn gốc.
- Chỉ sử dụng corticoid bôi ngoài da khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Không phải trường hợp nào cũng có thể điều trị dính bao quy đầu tại nhà. Bạn cần đưa trẻ đi khám bác sĩ khi:
- Trẻ bị viêm nhiễm tái phátt, vùng bao quy đầu có mủ, sưng đỏ, nóng rát.
- Tách dính bao quy đầu tại nhà không hiệu quả sau 4–6 tuần thực hiện đúng hướng dẫn.
- Trẻ kêu đau rát, ngứa ngáy, hoặc gặp khó khăn khi tiểu tiện.
- Xuất hiện các dấu hiệu bất thường như: bao quy đầu phồng lên như bong bóng khi tiểu, hoặc không thể tuột xuống dù đã đến tuổi trưởng thành.

Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định:
- Thủ thuật tách dính bao quy đầu bằng dụng cụ y khoa.
- Dùng thuốc đặc trị chống viêm, kháng sinh.
- Trường hợp nghiêm trọng, có thể cần can thiệp phẫu thuật cắt bao quy đầu.
Lời kết
Việc lựa chọn đúng cách chữa dính bao quy đầu tại nhà sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng dính, giảm đau, ngứa, hạn chế viêm và ngăn ngừa các ảnh hưởng lâu dài. Tuy nhiên, phụ huynh và người chăm sóc cần thực hiện theo hướng dẫn y khoa an toàn, tránh những can thiệp mạnh tay gây tổn thương. Trong trường hợp dính nặng, kèm theo biểu hiện bất thường như đau, sưng đỏ, viêm tái phát… thì việc tái khám với bác sĩ chuyên khoa là điều cần thiết.
2. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16280-penile-adhesions-and-skin-bridges
3. https://www.chop.edu/conditions-diseases/penile-adhesions
4. https://ghtkids.com/holistic-care/penile-adhesion/
5. https://www.webmd.com/parenting/baby/what-to-know-about-a-penile-adhesion
6. https://www.verywellhealth.com/phimosis-8628019