Xét nghiệm lipid máu là gì?
Lipid là nhóm chất béo cần thiết cho cơ thể, đóng vai trò trong sản xuất năng lượng, hormone và cấu tạo màng tế bào. Xét nghiệm lipid máu (còn gọi là xét nghiệm mỡ máu) là một xét nghiệm máu giúp đo lường nồng độ cholesterol và triglyceride trong máu.
Trong đó, cholesterol là một dạng lipid cần thiết để tổng hợp hormone, vitamin D và hỗ trợ tiêu hóa, phần lớn được sản xuất từ gan và một phần hấp thụ qua thực phẩm. Triglyceride là dạng năng lượng dự trữ, được tạo ra từ calo dư thừa và lưu trữ trong tế bào mỡ. Khi các chỉ số này mất cân đối, sức khỏe tim mạch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại sao cần xét nghiệm lipid máu?
Bằng cách đo lường các thành phần mỡ máu khác nhau, các xét nghiệm mỡ máu đóng vai trò then chốt trong việc tầm soát, đánh giá nguy cơ tắc nghẽn động mạch do sự tích tụ mảng bám mỡ (xơ vữa động mạch), có thể dẫn đến các bệnh về tim mạch nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Việc kiểm tra định kỳ giúp phát hiện sớm các rối loạn lipid máu, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm như:
- Bệnh tim mạch: Nồng độ cholesterol cao, đặc biệt là LDL cholesterol, là một yếu tố nguy cơ chính gây bệnh về tim mạch và đột quỵ.
- Xơ vữa động mạch: Mỡ máu cao góp phần hình thành các mảng bám trong động mạch, làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan
- Viêm tụy: Triglyceride quá cao có thể gây viêm tụy cấp tính.
- Đái tháo đường: Rối loạn lipid máu thường đi kèm với bệnh đái tháo đường và làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.
Ai nên xét nghiệm lipid máu?
Theo đó, bạn cần xét nghiệm mỡ máu nếu có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ sau:
- Nam giới từ 45 – 65 tuổi và nữ giới từ 55 đến 65 tuổi
- Có tiền sử cholesterol cao trong các xét nghiệm trước
- Hút thuốc, béo phì, ít vận động
- Mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường hoặc tiền tiểu đường
- Tiền sử gia đình có bệnh về tim mạch
- Trẻ em ừ 9 đến 11 tuổi có yếu tố di truyền hoặc béo phì
- Có tình trạng viêm mạn tự miễn như: viêm khớp thấp, lupus ban đỏ hệ thống, vảy nến.
Các xét nghiệm chẩn đoán rối loạn lipid máu gồm chỉ số gì?
Để bảo vệ sức khỏe tim mạch một cách hiệu quả, việc hiểu rõ ý nghĩa của các chỉ số xét nghiệm mỡ máu là vô cùng quan trọng. Dưới đây là bảng giải thích chi tiết về ý nghĩa của các chỉ số xét nghiệm mà bạn có thể tham khảo:
Chỉ số mỡ máu | Định nghĩa | Chỉ số mỡ máu bình thường | Chỉ số rối loạn mỡ máu |
Cholesterol toàn phần | Tổng số lượng cholesterol trong máu, bao gồm cả HDL (cholesterol tốt), LDL (cholesterol xấu) và VLDL (cholesterol rất xấu). | < 200 mg/dL (5,1 mmol/L) | 200 – 239 mg/dL (5,1 – 6,2 mmol/L): Nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch. ≥ 240 mg/dL (6,2 mmol/L): Nguy cơ cao, có thể dẫn đến xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ và các bệnh về mạch máu. |
LDL-Cholesterol | Là cholesterol “xấu”, có thể tích tụ trong các mạch máu, làm tắc nghẽn và gây ra tình trạng xơ vữa động mạch. | < 130 mg/dL (< 3,3 mmol/L) | > 160 mg/dL (> 4,1 mmol/L): Nguy cơ mắc bệnh về tim mạch, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. |
HDL-Cholesterol | HDL-Cholesterol còn ược gọi là cholesterol “tốt”, giúp loại bỏ cholesterol dư thừa trong máu và vận chuyển về gan để thải ra ngoài cơ thể. | > 50 mg/dL (> 1,3 mmol/L) | < 40 mg/dL (< 1 mmol/L: Tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tai biến mạch máu não,… |
Triglycerides | Là loại chất béo trong máu được tạo ra khi cơ thể không tiêu thụ hết calo từ thức ăn. | < 100 mg/dL (1,7 mmol/L) | 150 – 199 mg/dL (1,7 – 2,0 mmol/L): Tăng nhẹ, có nguy cơ mắc bệnh tim. 200 – 499 mg/dL (2 – 6 mmol/L): Cao, tăng nguy cơ bệnh về tim mạch, hội chứng chuyển hóa hoặc tiểu đường type 2. > 500 mg/dL (6 mmol/L): Rất cao, nguy cơ bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, viêm tụy. |
Lưu ý:
- Chỉ số tham chiếu có thể thay đổi tùy theo phòng xét nghiệm và chỉ có giá trị tham khảo.
- Phạm vi tham chiếu trên kết quả xét nghiệm tại Diag thay đổi dựa trên dữ liệu khoa học mới nhất và có thể không khớp hoàn toàn với bài viết này trong một số ít trường hợp website chưa kịp cập nhật.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm mỡ máu:
- Tình trạng sức khỏe: Một số bệnh lý như bệnh tuyến giáp, bệnh gan, bệnh thận và một số bệnh tự miễn có thể ảnh hưởng đến nồng độ lipid trong máu.
- Thuốc: Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, corticosteroid và một số loại thuốc tránh thai, có thể làm thay đổi nồng độ lipid.
- Stress: Căng thẳng kéo dài cũng có thể ảnh hưởng đến nồng độ cholesterol và triglycerides.
- Chu kỳ kinh nguyệt: Ở phụ nữ, nồng độ lipid có thể thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt, nên tham khảo ý kiến bác sĩ về thời điểm xét nghiệm phù hợp.
Các phương pháp định lượng lipid
Có nhiều kỹ thuật khác nhau được sử dụng trong y khoa để định lượng mỡ máu, giúp cung cấp thông tin chính xác về tình trạng lipid máu như:
Phổ khối (MS)
Phổ khối (MS) là phương pháp phân tích chủ yếu trong lipidomics, giúp định lượng chính xác nhiều loại lipid với độ nhạy cao. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi thiết bị phức tạp, lượng mẫu tương đối lớn và có thể cần xử lý mẫu chuyên sâu. Do đó, MS có thể không phải là lựa chọn phù hợp cho tất cả các phòng thí nghiệm.
Cộng hưởng từ hạt nhân (NMR)
Phổ cộng hưởng từ hạt nhân proton (NMR) là một phương pháp khác để định lượng lipid. Dựa trên tính chất từ của hạt nhân nguyên tử, NMR đo sự hấp thụ và phát xạ năng lượng của chúng trong từ trường. NMR có ưu điểm là định lượng đồng thời tất cả các lipid với độ chính xác cao nhờ phản ứng tuyến tính của tín hiệu. Tuy nhiên, NMR kém nhạy hơn MS, đồng thời đòi hỏi thiết bị đắt tiền và yêu cầu lượng mẫu lớn hơn (tính bằng miligam).
Phổ hồng ngoại (IR)
Phương pháp quang phổ hồng ngoại (IR) định lượng lipid thông qua việc xác định tỷ lệ protein-lipid trong mẫu. Dựa vào việc protein và lipid hấp thụ ánh sáng hồng ngoại ở các bước sóng khác nhau, phổ IR có thể ước tính nồng độ lipid trong mẫu một cách đơn giản và hiệu quả. Tuy nhiên, giống như MS và NMR, phổ IR cũng yêu cầu thiết bị chuyên dụng.
Xét nghiệm sulfo-phospo-vanillin
Xét nghiệm sulfo-phospo-vanillin là một phương pháp đo màu đơn giản để xác định hàm lượng lipid, đặc biệt là các axit béo không bão hòa. Phương pháp này sử dụng phản ứng giữa axit béo và axit sunfuric, tạo ra dung dịch màu hồng có thể đọc được bằng máy đo đĩa. Đây là phương pháp dễ thực hiện và tiết kiệm, không cần thiết bị phức tạp, thích hợp cho các phòng thí nghiệm không có thiết bị đắt tiền.
Những lưu ý khi xét nghiệm máu
Khi xét nghiệm mỡ máu, có một số yếu tố quan trọng mà bạn cần lưu ý để đảm bảo kết quả chính xác:
- Thời điểm xét nghiệm: Nên lấy máu vào buổi sáng để đảm bảo tính tính xác vì nồng độ một số chất trong máu có thể thay đổi theo thời gian trong ngày.
- Nhịn ăn: Cần nhịn ăn ít nhất 10-12 tiếng trước khi lấy máu. Việc ăn uống trước xét nghiệm có thể làm huyết tương/huyết thanh bị đục, ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả.
- Kiêng các chất kích thích: Tránh hút thuốc lá, uống rượu bia và các đồ uống có ga ít nhất 24 giờ trước khi xét nghiệm. Các chất này có thể làm biến đổi các chỉ số sinh học trong máu, dẫn đến sai lệch kết quả.
- Uống đủ nước: Uống đủ nước lọc trước khi xét nghiệm giúp tránh tình trạng mệt mỏi, căng thẳng và giúp máu lưu thông tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lấy mẫu và đảm bảo chất lượng mẫu máu. Tuy nhiên, chỉ nên uống nước lọc, tránh các loại nước ngọt, nước ép hay các loại đồ uống khác.
- Thông báo cho bác sĩ về thuốc đang sử dụng: Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, hãy thông báo cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế trước khi xét nghiệm. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm mỡ máu.
Để đánh giá rối loạn lipid máu, bạn nên thăm khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện và cơ sở y tế uy tín. Trung tâm Y khoa Diag là một đơn vị chuyên sâu về xét nghiệm mỡ máu, cung cấp dịch vụ xét nghiệm chính xác, nhanh chóng cùng đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp. Đặc biệt, bạn có thể đăng ký thời gian để được bác sĩ tư vấn miễn phí sau khi nhận kết quả phù hợp với lịch trình cá nhân.
Lời kết
Xét nghiệm lipid máu không chỉ giúp phát hiện sớm các bất thường về mỡ máu mà còn là bước quan trọng để phòng ngừa bệnh tim mạch. Hãy chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ và áp dụng các biện pháp điều chỉnh lối sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình.