Nhiễm cholesterol thành túi mật là gì?
Nhiễm cholesterol thành túi mật, còn gọi là túi mật nhiễm mỡ hay cholesterol túi mật. Đây là một dạng tổn thương không viêm mạn tính, khi cholesterol dư thừa lắng đọng bất thường trong lớp niêm mạc hoặc thành của túi mật. Tình trạng này thường xuất hiện ở những người có mức cholesterol máu cao, béo phì, thừa cân, hoặc rối loạn chuyển hóa lipid.
Thông thường, một phần cholesterol do gan sản xuất được tiết vào dịch mật để hỗ trợ tiêu hóa chất béo. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì nồng độ cholesterol trong dịch mật quá cao so với khả năng hòa tan của các thành phần khác, như axit mật và lecithin. Lúc này, cholesterol có xu hướng kết tủa và bám vào niêm mạc túi mật, gọi là hiện tượng lắng đọng cholesterol thành túi mật.
Sự lắng đọng diễn ra khi lượng cholesterol dư thừa tích tụ trong các đại thực bào (một loại tế bào miễn dịch) nằm trong niêm mạc túi mật. Tế bào sẽ phình to, tạo nên các đốm màu vàng hoặc dạng lưới trên bề mặt niêm mạc túi mật. Những tổn thương này thường tập trung tại một chỗ nhưng cũng có thể lan rộng tùy thuộc vào mức độ lắng đọng cholesterol.
Nhiễm cholesterol thành túi mật có nguy hiểm không?
Tình trạng nhiễm cholesterol thành túi mật thường lành tính và không nguy hiểm trực tiếp. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát và tiến triển trong thời gian dài sẽ gây nên các biến chứng khó lường. Trong đó bao gồm các bệnh lý liên quan đến túi mật.
Phần lớn các trường hợp túi mật nhiễm mỡ không có triệu chứng, và chỉ được phát hiện qua siêu âm hoặc khi phẫu thuật túi mật. Lúc này tình trạng lắng đọng cholesterol nhẹ nên không gây viêm và tổn thương túi mật.
Khi tình trạng nhiễm trở nặng, người bệnh có thể bị đau vùng hạ sườn phải hoặc rối loạn tiêu hóa. Lúc này nhiễm cholesterol túi mật có thể trở nên nguy hiểm trong các trường hợp sau:
- Sỏi cholesterol: Gây đau quặn mật, viêm túi mật cấp, và tắc nghẽn đường mật chủ.
- Viêm túi mật mạn tính: Gây kích thích niêm mạc túi mật, dày thành túi mật, dẫn đến suy giảm chức năng hoặc xơ hóa túi mật.
- Ung thư túi mật: Mặc dù rất hiếm nhưng vẫn có khả năng xảy ra.
Sỏi cholesterol túi mật là gì?
Đây là một loại sỏi mật phổ biến nhất, xuất hiện do có sự kết tủa cholesterol trong dịch mật. Sỏi cholesterol thường hình thành trong túi mật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sỏi cũng có thể gây tắc nghẽn ở các ống dẫn mật nếu chúng di chuyển ra ngoài túi mật.
Quá trình tạo nên sỏi cholesterol túi mật là do sự mất cân bằng giữa các thành phần của dịch mật. Trong đó, dịch mật là hỗn hợp của nhiều chất có nhiệm vụ nhũ hóa và hòa tan chất béo, bao gồm acid mật, lecithin và cholesterol. Khi có sự mất cân bằng giữa 3 thành phần này (thường do cholesterol tăng cao hoặc acid mật/lecithin giảm), cholesterol không còn được hòa tan hoàn toàn và bắt đầu kết tủa trong dịch mật.
Cholesterol kết tủa càng nhiều sẽ tạo thành các tinh thể nhỏ và lắng đọng bên trong túi mật. Theo thời gian, những tinh thể nhỏ này có thể liên kết với nhau thành các viên sỏi cholesterol lớn hơn. Quá trình này thường diễn ra nhanh khi dịch mật bị cô đặc do túi mật co bóp kém hoặc ít hoạt động. Một số yếu tố ảnh hưởng khác có thể do tình trạng viêm hoặc niêm mạc túi mật bị kích ứng.
Sỏi cholesterol túi mật có nguy hiểm không?
Sỏi cholesterol túi mật có thể không nguy hiểm trong nhiều trường hợp sỏi nhỏ và không gây triệu chứng. Lúc này sỏi không làm cản trở sự lưu thông dịch mật và không gây viêm nhiễm trong túi mật.
Tuy nhiên, sỏi túi mật có thể trở nên nguy hiểm. Triệu chứng phổ biến là dễ buồn nôn và nôn mửa, hoặc đau quặn dữ dội ở hạ sườn phải sau những bữa ăn nhiều dầu mỡ. Điều này là do sỏi di chuyển và làm làm tắc nghẽn cổ túi mật hoặc ống mật chủ.
Tình trạng bệnh nguy hiểm là khi nó dẫn đến các biến chứng như:
- Viêm túi mật cấp: Đau kéo dài và dữ dội vùng hạ sườn phải, có thể dẫn đến hoại tử hoặc vỡ túi mật nếu không được điều trị kịp thời.
- Viêm đường mật: Triệu chứng rõ nét là sốt cao, vàng da, vàng mắt và đau bụng dữ dội. Đây là một biến chứng nguy hiểm có thể gây nhiễm trùng huyết và đe dọa tính mạng.
- Viêm tụy cấp: Sỏi chặn dòng chảy của dịch mật và dịch tụy tại cơ vòng Oddi, gây triệu chứng trào ngược và viêm tụy. Tình trạng này có thể dẫn đến suy đa tạng nếu không được điều trị.
- Ung thư túi mật: Hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, thường xảy ra khi người bệnh bị viêm mạn tính.
Sỏi cholesterol có liên quan đến nhiễm cholesterol túi mật không?
Cả hai tình trạng này đều có liên quan mật thiết với nhau, bởi chúng đều là hậu quả của sự lắng đọng cholesterol bất thường trong túi mật. Tuy nhiên, cả hai vẫn có những cơ chế phát triển khác nhau.
- Nhiễm cholesterol túi mật xảy ra trong lớp niêm mạc túi mật. Trong khi sỏi cholesterol túi mật được hình thành từ các tinh thể lắng đọng bên trong dịch mật.
- Sỏi cholesterol túi mật được tạo ra từ cơ chế kết tủa do mất cân bằng dịch mật. Còn túi mật nhiễm mỡ là do cholesterol tích tụ quá nhiều trong các đại thực bào trong niêm mạc túi mật.
Trên thực tế, nhiễm cholesterol có khả năng dẫn đến sỏi. Nguyên nhân là do hoạt động co bóp của túi mật bị suy giảm do túi mật bị nhiễm cholesterol. Điều này dẫn đến ứ đọng dịch mật, tạo điều kiện cho cholesterol kết tủa và hình thành sỏi.
Mặc dù vậy, không phải tất cả các trường hợp nhiễm cholesterol túi mật đều dẫn đến sỏi. Những yếu tố khác có thể do tình trạng thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid, hoặc giảm acid mật mà không liên quan đến nhiễm cholesterol.
Nhiễm cholesterol túi mật có xuất hiện cùng sỏi cholesterol không?
Cả hai tình trạng có thể cùng xảy ra, thường gặp ở bệnh nhân bị rối loạn lipid máu, béo phì hoặc lối sống kém lành mạnh. Một số trường hợp chỉ có nhiễm cholesterol túi mật mà không có sỏi, thường ở giai đoạn đầu khi cholesterol mới lắng đọng. Ngược lại, sỏi cholesterol cũng có thể xuất hiện mà không có dấu hiệu nhiễm cholesterol túi mật rõ rệt.
Chẩn đoán, điều trị nhiễm cholesterol túi mật và sỏi cholesterol
Nhiễm cholesterol túi mật không triệu chứng hoặc nhẹ thường không cần phẫu thuật mà chủ yếu tập trung vào kiểm soát chế độ ăn uống. Người bệnh cần giảm tiêu thụ chất béo bão hòa, tăng cường chất xơ, và duy trì cân nặng hợp lý. Một số trường hợp có thể được điều trị chung với rối loạn lipid máu, hoặc cần siêu âm nội soi phẫu thuật cắt túi mật nếu tổn thương nặng.
Tình trạng sỏi cholesterol cũng tương tự, cần theo dõi định kỳ và thay đổi lối sống. Việc điều trị chỉ cần thiết khi sỏi gây các triệu chứng đau quằn quại, hoặc khi xảy ra các biến chứng đường mật. Phương pháp chính là cắt túi mật nội soi hoặc nội soi cắt túi mật tụy ngược dòng (ERCP) để lấy sỏi ra khỏi cơ thể.
Lời kết
Bài viết đã chia sẻ đầy đủ thông về vấn đề nhiễm cholesterol thành túi mật là gì. Đồng thời, Diag chia sẻ thêm mối liên hệ giữa tình trạng này với sỏi cholesterol – một vấn đề sức khỏe liên quan đến túi mật. Đối với trường hợp nhẹ, chỉ cần thay đổi chế độ ăn với nhiều chất xơ, giảm chất béo bão hòa, và thường xuyên tập thể dục. Nếu bệnh tiến triển nặng với các triệu chứng như đau bụng, đau quặn mật thì cần phải gặp bác sĩ chuyên khoa để điều trị kịp thời.