Lipid máu là gì và gồm những chỉ số nào?
Lipid máu (mỡ máu), là các chất béo có trong máu, đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp năng lượng và xây dựng tế bào. Sự mất cân bằng mỡ máu, đặc biệt là nồng độ cholesterol cao, có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nguy hiểm.
Dưới đây là các thành phần chính của lipid máu:
- Cholesterol toàn phần: Tổng lượng cholesterol trong máu, bao gồm cả LDL và HDL.
- LDL-cholesterol (Cholesterol “xấu”): Vận chuyển cholesterol từ gan đến các tế bào. Nồng độ LDL cao có thể dẫn đến tích tụ mảng bám trong động mạch, gây xơ vữa động mạch, tiền đề của các bệnh về tim mạch như nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch và đột quỵ.
- HDL-cholesterol (Cholesterol “tốt”): Giúp loại bỏ cholesterol khỏi động mạch và đưa trở lại gan để xử lý và đào thải. Chỉ số HDL cao có lợi cho sức khỏe tim mạch.
- Triglyceride (TG): Một loại chất béo khác trong máu có vai trò dự trữ năng lượng cho cơ thể. Chỉ số TG cao cũng liên quan đến tăng nguy cơ bệnh về tim mạch, đặc biệt là khi kết hợp với nồng độ HDL thấp.
Chỉ số lipid máu được chẩn đoán như thế nào?
Để đánh giá nồng độ mỡ máu bình thường và nguy cơ bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu (xét nghiệm mỡ máu). Xét nghiệm này sẽ đo lượng cholesterol và TG trong máu, bao gồm tổng cholesterol, cholesterol xấu, cholesterol tốt và TG. Kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ đánh giá nguy cơ mắc bệnh về tim mạch và đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Người bệnh cần nhịn ăn từ 9-12 giờ trước khi xét nghiệm (chỉ được uống nước lọc) để đảm bảo kết quả chính xác. Tuy nhiên, một số xét nghiệm cholesterol có thể không yêu cầu nhịn ăn. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Các chỉ số lipid máu bình thường theo từng độ tuổi
Chỉ số mỡ máu có thể thay đổi theo độ tuổi và giới tính. Việc theo dõi các chỉ số mỡ máu theo từng độ tuổi giúp duy trì sự khỏe mạnh của tim mạch và ngăn ngừa các bệnh lý liên quan. Dưới đây là các chỉ số tham khảo được khuyến nghị bởi các tổ chức y tế uy tín.
Chỉ số lipid máu bình thường đối với trẻ em từ 19 tuổi trở xuống
Trẻ em dưới 19 tuổi cần được theo dõi chỉ số mỡ máu để ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến tim mạch từ sớm. Những yếu tố như chế độ ăn uống, mức độ vận động, cân nặng và tiền sử gia đình có thể ảnh hưởng đến nguy cơ tăng cholesterol ở trẻ. Để biết được chỉ số mỡ trong máu bình thường đối với trẻ em từ 19 tuổi trở xuống là bao nhiêu, hãy cùng tham khảo bảng chỉ số sau đây:
Loại lipid máu | Chỉ số lipid máu bình thường |
Cholesterol toàn phần | <170 mg/dL |
LDL cholesterol | <100 mg/dL |
HDL cholesterol | >45 mg/dL |
Triglyceride | <75 mg/dL (0-9 tuổi) |
<90 mg/dL (10-19 tuổi) |
Chỉ số lipid máu bình thường từ 20 tuổi trở lên đối với phụ nữ
Các chỉ số cholesterol được khuyến nghị là tương đương cho cả nam và nữ trên 20 tuổi. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt quan trọng cần lưu ý, đó là mức HDL-cholesterol (cholesterol tốt). Phụ nữ được khuyến nghị nên duy trì mức HDL cao hơn nam giới để bảo vệ tim mạch, cụ thể như sau:
Loại lipid máu | Chỉ số lipid máu bình thường |
Cholesterol toàn phần | <200 mg/dL |
LDL cholesterol | <100 mg/dL |
HDL cholesterol | >50 mg/dL |
Triglyceride | <150 mg/dL |
Chỉ số lipid máu bình thường từ 20 tuổi trở lên đối với nam giới
Nam giới trên 20 tuổi cũng cần theo dõi các chỉ số mỡ máu để đánh giá nguy cơ tim mạch. Trong đó, chỉ số HDL cần đạt ít nhất 40 mg/dL, trong khi các chỉ số khác như LDL và chỉ số triglyceride cũng cần được kiểm soát chặt chẽ. Sau đây là bảng chỉ số mỡ trong máu bình thường ở nam từ 20 tuổi:
Loại lipid máu | Chỉ số lipid máu bình thường |
Cholesterol toàn phần | <200 mg/dL |
LDL cholesterol | <100 mg/dL |
HDL cholesterol | >40 mg/dL |
Triglyceride | <150 mg/dL |
Nên xét nghiệm mỡ máu bao lâu một lần?
Việc xét nghiệm mỡ máu định kỳ giúp bạn theo dõi sức khỏe và phát hiện sớm các dấu hiệu rối loạn lipid. Theo đó, tần suất xét nghiệm phụ thuộc vào độ tuổi, nguy cơ bệnh lý và tiền sử gia đình. Dưới đây là khuyến nghị cụ thể:
- Trẻ em và thanh thiếu niên (2-19 tuổi): Lần xét nghiệm đầu tiên nên được thực hiện trong độ tuổi 9-11, sau đó lặp lại mỗi 5 năm. Nếu có tiền sử gia đình bị cholesterol cao, bệnh về tim mạch hoặc đột quỵ sớm, nên bắt đầu xét nghiệm từ 2 tuổi và kiểm tra thường xuyên hơn theo chỉ định của bác sĩ.
- Người lớn (20-65 tuổi): Xét nghiệm mỗi 5 năm nếu không có yếu tố nguy cơ. Nam giới 45-65 tuổi và nữ giới 55-65 tuổi nên xét nghiệm mỗi 1-2 năm/lần do nguy cơ tim mạch tăng cao. Đối với người trên 65 tuổi, nên thực hiện xét nghiệm mỗi năm để theo dõi và kiểm soát chỉ số mỡ máu.
Ngoài ra, những người có các yếu tố nguy cơ cao (tiền sử gia đình mắc bệnh về tim mạch, hút thuốc lá, béo phì, tiểu đường, cao huyết áp…) khám sức khỏe định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu bạn cần kiểm tra mỡ máu, hãy lựa chọn dịch vụ xét nghiệm tại Diag – nơi cung cấp các gói xét nghiệm chuyên sâu, kết quả nhanh chóng và chính xác. Tại đây, bạn sẽ được hỗ trợ bởi đội ngũ điều dưỡng tận tâm, có thể chọn lịch hẹn phù hợp để bác sĩ giải thích kết quả và tư vấn cụ thể.
Cách điều trị khi chỉ số lipid máu bất thường
Nếu chỉ số mỡ máu vượt ngưỡng bình thường, người bệnh cần thực hiện các biện pháp điều trị để bảo vệ tim mạch. Theo đó, bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, thường bao gồm:
- Thay đổi lối sống: Đây là nền tảng của việc điều trị rối loạn mỡ máu.
- Chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Chế độ ăn uống đảm bảo calo, giảm tiêu thụ chất béo bão hòa (có trong thịt đỏ, mỡ động vật, đồ chiên rán…), cholesterol (có trong nội tạng động vật, lòng đỏ trứng…), tăng cường chất xơ (có trong rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt…), omega-3 (có trong cá hồi, cá thu…).
- Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất ít nhất 150 phút mỗi tuần với cường độ vừa phải, hoặc 75 phút mỗi tuần với cường độ cao.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì.
- Bỏ hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm giảm HDL-cholesterol.
- Hạn chế rượu bia: Uống quá nhiều rượu bia có thể làm tăng TG.
- Sử dụng thuốc (theo chỉ định của bác sĩ): Trong trường hợp thay đổi lối sống không đủ để kiểm soát mỡ máu, bác sĩ có thể kê đơn thuốc. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:
- Statin: Nhóm thuốc này ức chế enzyme HMG-CoA reductase, một enzyme quan trọng trong quá trình tổng hợp cholesterol ở gan, từ đó giúp giảm cholesterol xấu.
- Fibrate: Chủ yếu được sử dụng để giảm triglyceride và tăng HDL-cholesterol.
- Resin (bile acid sequestrants): Giúp loại bỏ cholesterol qua đường tiêu hóa.
- Chất ức chế hấp thu cholesterol: Hạn chế hấp thụ cholesterol từ thức ăn, giảm cholesterol máu (như thuốc Ezetimibe – Zetia).
- Thuốc tiêm PCSK9 inhibitors: Giảm chỉ số LDL lưu thông trong máu (ví dụ: Alirocumab hoặc Evolocumab).
Lời kết
Chỉ số lipid máu bình thường là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe tim mạch và phòng ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm. Việc hiểu rõ các chỉ số mỡ máu và các phương pháp điều trị khi chỉ số bất thường sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc bảo vệ tim mạch của bản thân và gia đình. Hãy luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và điều trị tốt nhất.