Cholesterol là một loại chất béo (lipid) thiết yếu trong nhiều hoạt động sống của cơ thể. Việc thiếu hụt hoặc dư thừa cholesterol có thể dẫn đến các hệ quả sức khỏe nghiêm trọng. Trong bài viết này, hãy cùng Diag tìm hiểu chi tiết cholesterol là gì cùng những vai trò chủ chốt của nó nhé.

Cholesterol là gì?

Cholesterol là một loại lipid (chất béo) hiện diện chủ yếu trong máu. Nó được sản xuất chủ yếu tại gan hoặc được cung cấp qua những thực phẩm hàng ngày như thịt, trứng và sữa. Đặc điểm của cholesterol là không tan trong nước và không bị phân hủy khi ở trong máu. Thay vào đó, nó sẽ được vận chuyển đến các bộ phận cơ thể qua máu để thực hiện nhiều chức năng sống thiết yếu.

Công thức cholesterol là C₂₇H₄₆O. Đây là cấu trúc rất phức tạp gồm nhân steroid, nhóm hydroxyl (-OH) và chuỗi hydrocarbon. Chính nhờ cấu trúc đặc biệt này mà cholesterol có thể thực hiện nhiều chức năng sinh học đa dạng. Trong đó bao gồm cả việc duy trì sự linh hoạt và ổn định của màng tế bào.

Về bản chất, cholesterol hoàn toàn không gây hại, mà thực tế lại rất quan trọng đối với sự sống của con người. Chúng rất cần thiết để tạo ra màng tế bào, các hormone nội tiết và vitamin D. Tuy nhiên, nếu tích tụ quá nhiều cholesterol trong máu, đặc biệt là HDL cholesterol, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Trong đó bao gồm nguy cơ xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ.

Cholesterol là một loại lipid có cấu trúc rất phức tạp.
Cholesterol là một loại lipid có cấu trúc rất phức tạp.

Cholesterol được tổng hợp ở đâu?

Cholesterol được tổng hợp chủ yếu tại gan – đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì cân bằng cholesterol trong cơ thể. Ngoài gan, một số mô khác như ruột non, tuyến thượng thận hoặc cơ quan sinh sản cũng tham gia vào quá trình tổng hợp cholesterol. Tuy nhiên, các cơ quan này có mức độ tổng hợp thấp hơn.

Quá trình tổng hợp cholesterol là một chuỗi phản ứng sinh hóa phức tạp xảy ra trong tế bào, với sự góp mặt của nhiều enzyme khác nhau. Trên thực tế, lượng cholesterol được tổng hợp qua quá trình này chiếm khoảng 75% tổng lượng cholesterol có trong máu. Lượng còn lại thường được chuyển hóa sau khi bạn tiêu thụ các thực phẩm hàng ngày.

Các loại cholesterol trong máu

1. LDL (Low-Density Lipoprotein) – Cholesterol xấu

Đây là lipoprotein tỷ trọng thấp, còn được gọi là LDL cholesterol hay LDL-C. Nó có vai trò rất quan trọng, đảm nhiệm việc vận chuyển cholesterol từ gan đến các tế bào trong cơ thể để sử dụng hoặc lưu trữ.

Nếu có quá nhiều LDL trong máu, lượng cholesterol dư thừa gây tích tụ trên thành động mạch và hình thành các mảng xơ vữa. Những mảng này có thể làm hẹp động mạch, cản trở lưu thông máu và tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Vì tác hại này mà LDL-C được gọi là “cholesterol xấu” và cần được theo dõi định kỳ.

Mức LDL-C tăng có thể dẫn đến bệnh tim mạch.
Mức LDL-C tăng có thể dẫn đến bệnh tim mạch.

2. HDL (High-Density Lipoprotein) – Cholesterol tốt

Đây là lipoprotein tỷ trọng cao, còn được gọi là HDL cholesterol hay HDL-C. HDL có nhiệm vụ loại bỏ cholesterol dư thừa khỏi máu và vận chuyển về gan để xử lý hoặc đào thải qua mật. Từ đó giúp ngăn chặn sự tích tụ cholesterol trong động mạch và bảo vệ bạn khỏi nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nhờ vào khả năng làm sạch cholesterol này mà HDL thường được gọi là “cholesterol tốt”.

Mức HDL cao là dấu hiệu tốt đối với sức khỏe tim mạch. Cho thấy khả năng đào thải lượng LDL cholesterol của cơ thể đang hoạt động tốt.

3. VLDL (Very Low-Density Lipoprotein)

Đây là lipoprotein tỷ trọng rất thấp, còn được gọi là VLDL-C. Nó được sản xuất trực tiếp từ gan và là dạng lipoprotein chính giúp vận chuyển triglyceride (một dạng chất béo khác) từ gan đến các mô.

Về cơ bản, VLDL-C cũng là một chất béo cần thiết, nó cung cấp năng lượng cho các mô trong cơ thể. Tuy nhiên, VLDL-C cao thường liên quan đến mức triglyceride cao và có thể chỉ ra nhiều bệnh lý tiềm ẩn. Vậy nên VLDL cũng có thể xem là một loại cholesterol xấu.

Cholesterol có tác dụng gì?

Duy trì cấu trúc và chức năng của màng tế bào

Cholesterol là thành phần chính của màng tế bào, giúp duy trì cấu trúc và chức năng màng, từ đó bảo vệ và hỗ trợ hoạt động của tế bào. Chức năng của cholesterol trong màng tế bào được thể hiện cụ thể như sau:

  • Ổn định màng tế bào: Giúp màng không bị quá cứng ở nhiệt độ thấp hoặc quá mềm ở nhiệt độ cao. Từ đó hỗ trợ duy trì cấu trúc ổn định và linh hoạt của màng.
  • Kiểm soát tính thấm của màng: Điều chỉnh sự di chuyển của các phân tử nhỏ qua màng tế bào. Nó giúp kiểm soát cũng như bảo vệ tế bào khỏi mất nước và các ion thiết yếu.
  • Hỗ trợ hoạt động của protein màng: Giúp các protein màng hoạt động hiệu quả trong việc vận chuyển các chất, tiếp nhận tín hiệu và liên kết tế bào.
  • Hình thành các mảng lipid (lipid rafts): Các mảng lipid này được cholesterol tạo ra. Chúng là nơi nơi tập trung các protein quan trọng, giúp tăng cường giao tiếp và truyền tín hiệu giữa các tế bào.

Tạo ra các hormone

Cholesterol là tiền chất của các hormone steroid quan trọng. Trong đó bao gồm những hormone liên quan đến điều hòa đường huyết, cân bằng nước và duy trì chức năng sinh dục.

  • Cortisol: Liên quan đến phản ứng stress, điều hòa đường huyết và tham gia vào việc bảo vệ cơ thể trước nhiễm trùng.
  • Aldosterone: Giúp điều chỉnh cân bằng lượng nước và muối trong cơ thể.
  • Estrogen và Progesterone: Cần thiết cho chu kỳ kinh nguyệt và duy trì thai kỳ ở nữ giới.
  • Testosterone: Hỗ trợ phát triển đặc điểm nam tính và chức năng sinh sản của nam giới.

Hỗ trợ tiêu hóa

Cholesterol là thành phần chính để sản xuất muối mật cùng nhiều hợp chất quan trọng giúp tiêu hóa và hấp thụ chất béo từ thực phẩm. Cholesterol được chuyển hóa thành axit mật tại gan. Sau đó nó được kết hợp với glycine hoặc taurine để tạo thành muối mật.

Trong quá trình tiêu hóa, muối mật được lưu trữ trong túi mật và tiết vào ruột non khi có thức ăn. Chúng giúp phá vỡ chất béo thành các giọt nhỏ hơn. Từ đó hỗ trợ enzyme tiêu hóa (lipase) dễ dàng phân giải chất béo thành các phân tử đơn giản để hấp thụ.

Hỗ trợ tổng hợp vitamin D

Cholesterol trong da đóng vai trò tiền chất trong quá trình sản xuất vitamin D. Dưới tác động của tia UV từ ánh mặt trời, cholesterol sẽ được chuyển hóa thành tiền vitamin D3. Sau đó tiếp tục được chuyển thành dạng hoạt động vitamin D (calcitriol) trong gan và thận.

Việc thiếu hụt cholesterol hoặc không hấp thụ đủ ánh sáng mặt trời có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin D. Điều này có thể dẫn đến nhiều hệ quả sức khỏe nghiêm trọng, như làm giảm khả năng hấp thụ canxi và photpho. Từ đó khiến xương kém chắc khỏe cũng như góp phần suy giảm hệ miễn dịch.

Vì sao cần phải kiểm soát chỉ số cholesterol máu?

HDL-C và LDL-C là hai loại cholesterol quan trọng trong đánh giá nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch. Khi mức LDL quá cao hoặc mức HDL quá thấp, cholesterol dư thừa có thể tích tụ và tạo thành các mảng xơ vữa. Từ đó làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, và những bệnh động mạch vành. Ngoài ra, cholesterol cao có thể dẫn đến rối loạn lipid máu (mỡ máu), gây tổn thương gan, tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ không do rượu.

Vậy nên, kiểm soát tốt mức cholesterol trong máu giúp duy trì cân bằng giữa LDL và HDL. Điều này là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa các biến chứng lâu dài.

Hàm lượng cholesterol cao là một nguyên nhân dẫn đến xơ vữa động mạch, do đó cần kiểm tra cholesterol định kỳ.
Hàm lượng cholesterol cao là nguyên nhân dẫn đến xơ vữa động mạch, nên cần kiểm tra cholesterol định kỳ.

Chỉ số cholesterol máu an toàn

Để đánh giá toàn diện cholesterol cần dựa trên 4 chỉ số: cholesterol toàn phần, LDL-C, HDL-C và triglyceride. Các chỉ số an toàn thường được khuyến nghị như sau.

  • Cholesterol toàn phần: Dưới 200 mg/dL (5.2 mmol/L).
  • LDL cholesterol (người khỏe mạnh): Dưới 100 mg/dL (2.6 mmol/L).
  • LDL cholesterol (người có nguy cơ tim mạch cao): Dưới 70 mg/dL (1.8 mmol/L).
  • HDL cholesterol (nam giới): Trên 40 mg/dL (1.0 mmol/L).
  • HDL cholesterol (nữ giới): Trên 50 mg/dL (1.3 mmol/L).
  • Triglyceride: Dưới 150 mg/dL (1.7 mmol/L).

Cách giữ mức cholesterol luôn ở mức ổn định

Việc cân bằng mức cholesterol máu cần kết hợp thay đổi lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học và quản lý tốt các yếu tố nguy cơ:

  • Tăng cường sử dụng chất béo không bão hòa từ dầu ô-liu, các loại hạt, và cá béo giàu omega-3.
  • Bổ sung nhiều chất xơ từ rau xanh, yến mạch, trái cây mọng nước, và các loại đậu.
  • Tránh các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như mỡ động vật, bơ, phô mai, và chế phẩm từ sữa nguyên kem.
  • Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chiên rán, đồ nướng, và thức ăn nhanh.
  • Tránh các loại thực phẩm giàu đường và tinh bột tinh chế như bánh kẹo, nước ngọt, và bánh mì trắng.
  • Tập thể dục đều đặn để ít nhất 30 phút mỗi ngày.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Giảm cân nếu cần thiết nhưng phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Ngừng hút thuốc và hạn chế rượu bia.
Cần ăn uống lành mạnh và loại bỏ thói quen xấu để ổn định mức cholesterol.
Cần ăn uống lành mạnh và loại bỏ thói quen xấu để ổn định mức cholesterol.

Những thắc mắc về cholesterol máu

1. Tăng cholesterol là gì?

Đây là tình trạng mà cholesterol có trong máu tăng vượt ngưỡng an toàn, đặc biệt là LDL-C hoặc cholesterol toàn phần. Tình trạng này thường do chế độ ăn giàu chất béo bão hòa, lối sống ít vận động, hoặc các yếu tố di truyền, và bệnh lý nền.

Cholesterol este là gì?

Cholesterol este là một dạng chuyển hóa của cholesterol, giúp lưu trữ và vận chuyển cholesterol trong cơ thể. Nó được hình thành khi cholesterol kết hợp với một axit béo thông qua liên kết este.

Dietary cholesterol là gì?

Đây là một cholesterol tự nhiên được tìm thấy trong thịt, trứng, sữa, hải sản, và sản phẩm có nguồn gốc động vật. Loại cholesterol này có ít ảnh hưởng đến cholesterol bên trong máu so với chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Mặc dù vậy, nó vẫn có khả năng làm tăng mức cholesterol máu vượt ngưỡng an toàn.

Cholesterol Cobas và Cholesterol Architect là gì?

Đây là các thuật ngữ liên quan đến những hệ thống phân tích cholesterol thường được sử dụng trong xét nghiệm máu. Cholesterol Cobas được dùng để chỉ những xét nghiệm trên hệ thống máy Cobas. Cholesterol Architect chỉ các xét nghiệm sử dụng hệ thống xét nghiệm tự động ARCHITECT do Abbott phát triển.

Lời kết

Tóm lại, bài viết đã chia sẻ đầy đủ thông tin về cholesterol. Đây là một loại chất béo quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong nhiều hoạt động sống của cơ thể. Tuy nhiên, việc tích tụ quá nhiều cholesterol có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, vậy nên cần kiểm soát ở mức ổn định.