Thừa cân béo phì là gì?
Béo phì là tình trạng cơ thể tích tụ quá nhiều mỡ thừa vượt ngưỡng bình thường. Đây là vấn đề gây ra nhiều vấn đề, tăng nguy cơ bệnh tim mạch, ung thư, rối loạn cơ xương khớp, tiểu đường…
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng béo phì được xác định dựa trên chỉ số khối của cơ thể (BMI). Ngoài ra, tỷ lệ mỡ và cách cơ thể phân bố mỡ là các yếu tố khác được dùng để đánh giá tình trạng béo phì, thừa cân.
Mức độ béo phì theo chỉ số BMI
Chỉ số BMI (Body Mass Index – Chỉ số khối cơ thể) có giá trị trong đánh giá tình trạng thừa cân, béo phì. Đây là chỉ số phổ biến và dễ tính, thực hiện dựa trên cách so sánh cân nặng với chiều cao. Công thức tính chỉ số BMI như sau: BMI = Cân nặng (kg) / (Chiều cao (m))².
Tuy nhiên, không thể đưa ra kết luận chính xác một người bị thừa cân, béo phì nếu chỉ dựa trên chỉ số BMI. Để xác định chính xác, bác sĩ sẽ kiểm tra tỷ lệ mỡ và cách phân bổ trong cơ thể, đo vòng eo, v.v.
Ở trẻ em, chỉ số BMI được tính giống người lớn nhưng được đánh giá dựa trên độ tuổi và giới tính để phù hợp với giai đoạn phát triển. BMI ở trẻ chỉ mang tính chất sàng lọc. Việc chẩn đoán béo phì cần xem xét thêm các yếu tố như quá trình phát triển, chế độ ăn uống, mức độ vận động.
Bảng phân loại BMI ở người trưởng thành theo cách tính của WHO và Hiệp hội Đái tháo đường các nước châu Á (IDI & WPRO) như sau:
Thang đo | BMI – WHO (kg/m2) |
Gầy độ 3 | < 16 |
Gầy độ 2 | 16 – 16.9 |
Gầy độ 1 | 17 – 18.4 |
Bình thường | 18.5 – 24.9 |
Tiền béo phì | 25 – 29.9 |
Béo phì độ 1 | 30 – 34.9 |
Béo phì độ 2 | 35 – 39.9 |
Béo phì độ 3 | ≥ 40 |
Lưu ý:
Chỉ số BMI không áp dụng hoặc cần thực hiện thêm các chẩn đoán tổng quát khác để đánh giá tình trạng thừa cân, béo phì ở:
- Vận động viên, người có cơ bắp phát triển.
- Phụ nữ mang thai.
Nguyên nhân béo phì là gì?
Béo phì là hiện tượng cơ thể nạp vào quá nhiều năng lượng từ thực phẩm nhưng không tiêu hao hết qua hoạt động hằng ngày. Tuy nhiên, tình trạng này còn xuất hiện do nhiều yếu tố khác như:
Chế độ ăn uống không hợp lý
Chế độ ăn uống không hợp lý là nguyên nhân của béo phì, thừa cân hàng đầu. Việc duy trì các thói quen ăn uống không khoa học khiến cơ thể tích lũy mỡ thừa, dẫn đến hiện tượng tăng cân khó kiểm soát.
Ăn nhiều đồ ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn
Thức ăn nhanh và đồ chế biến sẵn như gà rán, pizza, khoai tây chiên, bánh ngọt thường được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, trong các loại thực phẩm này có nhiều đường, chất béo không lành mạnh và calo rỗng. Đây là chất cung cấp năng lượng nhưng không có vitamin, khoáng chất và chất xơ tốt cho cơ thể.
Duy trì thói quen ăn uống không kiểm soát
Thói quen ăn uống không kiểm soát là nguyên nhân phổ biến dẫn đến thừa cân, béo phì. Nhiều người thường ăn vặt cả ngày, ăn khuya, hoặc ăn quá nhiều khi buồn chán, căng thẳng. Những thực phẩm thường được chọn như đồ ngọt hoặc nhiều chất béo chứa lượng calo cao, vượt quá nhu cầu cơ thể. Nếu duy trì thói quen này, mỡ thừa sẽ tích tụ dần, gây tăng cân nhanh chóng.
Chế độ ăn ít hoặc không có chất xơ
Chất xơ chủ yếu có trong các loại rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt. Đây là chất hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, đồng thời tạo cảm giác no lâu. Khi cơ thể nhận vào lượng chất xơ quá ít hoặc không có, mọi người sẽ có cảm giác mau đói hơn bình thường.
Thiếu hụt chất xơ làm tăng nguy cơ tăng cân, béo phì. Ngoài ra, người có chế độ ăn nghèo chất xơ tiềm ẩn rủi ro mắc các vấn đề khác như táo bón, tiểu đường, bệnh tim mạch.
Lối sống ít vận động
Lối sống ít vận động là một trong những nguyên nhân gây bệnh béo phì. Lúc này, cơ thể không thể sử dụng hết lượng năng lượng đã nạp vào trước đó, dẫn đến tích tụ mỡ thừa, gây thừa cân, béo phì. Các thói quen hàng ngày khiến mọi người sử dụng ít năng lượng, làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì như:
Ngồi nhiều
Đây là một trong những hoạt động chủ yếu của người trưởng thành, đặc biệt là nhân viên văn phòng, sinh viên học sinh cần sử dụng máy tính. Khi ngồi lâu, cơ thể chỉ duy trì hoạt động ở mức tối thiểu, lượng năng lượng tiêu hao rất ít.
Việc ngồi nhiều cũng làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể. Điều này dẫn đến tích tụ mỡ, đặc biệt là ở vùng bụng. Đây là điều làm ảnh hưởng đến vóc dáng, gây béo phì, tăng nguy cơ các vấn đề như tiểu đường, bệnh tim mạch.
Ít tập thể dục
Ở người không thường xuyên tập thể dục hoặc tham gia các hoạt động thể chất, năng lượng dư thừa từ thức ăn sẽ không được tiêu thụ. Lâu dần, năng lượng sẽ chuyển hóa thành mỡ và tích tụ trong cơ thể gây bệnh béo phì.
Mọi người có thể ưu tiên các hoạt động thể chất đơn giản với cường độ vừa phải như đi bộ nhanh, chạy bộ, tập yoga. Các bài tập này cũng có thể đốt cháy năng lượng. Ngược lại, nếu một người thường xuyên ngồi nhiều, không tập luyện hoặc vận động, lượng năng lượng dư thừa sẽ tích tụ và gây tăng cân, béo phì.
Do các vấn đề về sức khỏe và rối loạn nội tiết
Khi cơ thể xuất hiện các vấn đề về sức khỏe hoặc rối loạn nội tiết cũng làm tăng nguy cơ béo phì, thừa cân. Nguyên nhân do quá trình trao đổi chất, điều tiết năng lượng và lưu trữ mỡ bị ảnh hưởng, khiến cơ thể dễ dàng tích tụ mỡ thừa. Các bệnh lý và rối loạn nội tiết thường gặp ở người bị béo phì:
Suy giáp
Thói quen ăn uống không kiểm soát là nguyên nhân phổ biến dẫn đến thừa cân, béo phì. Nhiều người thường ăn vặt cả ngày, ăn khuya, hoặc ăn quá nhiều khi buồn chán, căng thẳng. Những thực phẩm thường được chọn như đồ ngọt hoặc nhiều chất béo chứa lượng calo cao, vượt quá nhu cầu cơ thể. Nếu duy trì thói quen này, mỡ thừa sẽ tích tụ dần, gây tăng cân nhanh chóng.
Hội chứng Cushing
Hội chứng Cushing xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều cortisol, khiến người bệnh thường xuyên thèm ăn hơn. Mỡ thừa tích tụ chủ yếu ở mặt, cổ và bụng, trong khi tay chân vẫn thon nhỏ. Người mắc hội chứng này cũng thường có da mỏng, dễ bầm tím và cơ bắp suy yếu. Khả năng vận động ở bệnh nhân giảm, dẫn đến tích mỡ và béo phì.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
PCOS là bệnh lý liên quan đến rối loạn hormone, xuất hiện chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh gây tình trạng mất cân bằng hormone trong cơ thể. Đặc biệt là tăng insulin và androgen (hormone nam). Điều này dẫn đến cơ thể khó kiểm soát lượng đường trong máu.
Ở bệnh nhân PCOS, mọi người có thể thường xuyên cảm thấy thèm ăn, dễ tích mỡ, đặc biệt là ở vùng bụng gây bệnh béo phì. Ngoài ra, phụ nữ còn có thể gặp các vấn đề khác như rối loạn kinh nguyệt, nổi mụn trứng cá, rụng tóc.
Do di truyền và yếu tố gia đình
Di truyền
Nếu trong gia đình có bố mẹ, người thân bị béo phì thì nguy cơ người đó bị cũng cao hơn. Nguyên nhân do gene di truyền ảnh hưởng đến khả năng của cơ thể trong việc sử dụng năng lượng và điều tiết cảm giác no, đói.
Thói quen gia đình
Môi trường sống và thói quen sinh hoạt cũng có thể ảnh hưởng đến cân nặng và gây béo phì. Nếu gia đình sử dụng nhiều đồ ngọt, đồ chiên rán, thức ăn nhanh nhiều chất béo, người trong nhà dễ hình thành sở thích không lành mạnh.
Các nguyên nhân khác
Các nguyên nhân khác có thể gây tăng cân, béo phì gồm:
- Thiếu ngủ: Ngủ ít hơn 6–7 tiếng mỗi đêm làm tăng ghrelin (gây đói), giảm leptin (báo cơ thể đã no), khiến ăn nhiều hơn. Thiếu ngủ cũng làm cơ thể mệt mỏi, ít vận động, dễ tích mỡ và gây béo phì.
- Bỏ bữa chính: Khi bỏ bữa, cơ thể đói hơn và có xu hướng ăn nhiều hơn vào các bữa sau, làm tăng lượng calo nạp vào.
- Uống nhiều nước ngọt, rượu bia: Lượng đường và calo cao trong nước ngọt, bia rượu dễ tích tụ thành mỡ trong cơ thể.
- Ăn vặt không kiểm soát: Snack, bánh ngọt, và đồ chiên chứa nhiều calo, nếu ăn thường xuyên sẽ gây tăng cân nhanh.
- Tác dụng phụ của thuốc: Thuốc chống viêm (corticosteroids), thuốc chống trầm cảm, thuốc trị tiểu đường, hoặc thuốc tránh thai. Thuốc có thể làm tăng cảm giác thèm ăn và thay đổi cách cơ thể sử dụng năng lượng, dẫn đến tăng cân.
Đối tượng có nguy cơ béo phì, thừa cân
Thừa cân, béo phì có thể xảy ra với bất kỳ ai. Tuy nhiên, nhóm đối tượng nguy cơ cao hơn gồm:
- Người cao tuổi: Cơ bắp giảm, mô mỡ tăng, trao đổi chất chậm, khả năng đốt năng lượng suy giảm. Nguy cơ cao hơn ở người không vận động và ăn uống thiếu khoa học.
- Trẻ em và thanh thiếu niên: Ăn nhiều đồ ăn nhanh, nước ngọt, ít vận động, ngồi nhiều khi học hoặc sử dụng thiết bị điện tử lâu. Dẫn đến năng lượng dư thừa, dễ béo phì.
- Phụ nữ mang thai và sau sinh: Tăng cân trong thai kỳ nếu ăn uống không kiểm soát. Sau sinh, thay đổi hormone và chế độ ăn không hợp lý làm tăng nguy cơ thừa cân.
- Người có tiền sử gia đình béo phì.
- Người ít vận động: Không tập thể dục, ngồi nhiều khiến năng lượng dư thừa chuyển thành mỡ.
- Người bị stress, thiếu ngủ: Stress và thiếu ngủ làm thay đổi hormone, tăng cảm giác đói và tích mỡ thừa.
- Người sử dụng thuốc: Thuốc như corticosteroids, thuốc trị tiểu đường, hoặc trầm cảm có thể gây tăng cân do thay đổi chuyển hóa và tăng thèm ăn.
Tác hại của béo phì
Ngoài việc ảnh hưởng đến ngoại hình, béo phì còn có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần như:
Gây tâm lý tự ti, trầm cảm
Người béo phì thường không hài lòng với ngoại hình, dễ có tâm lý xấu hổ, lo âu khi giao tiếp. Họ có thể bị kỳ thị, dẫn đến áp lực tâm lý, cô lập bản thân, và thậm chí trầm cảm.
Có thể mắc các bệnh về xương khớp
Thừa cân tạo áp lực lớn lên các khớp như gối, hông, cột sống, gây thoái hóa khớp, viêm khớp, đau lưng mạn tính. Tình trạng này khiến vận động khó khăn, làm bệnh nặng hơn.
Tăng nguy cơ mắc tiểu đường và bệnh tim mạch
Béo phì là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh đái tháo đường type 2. Nguyên nhân do tình trạng kháng insulin làm tăng đường huyết, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Mỡ thừa, đặc biệt ở bụng, gây xơ vữa động mạch, tăng cholesterol, dẫn đến đau tim, đột quỵ, cao huyết áp.
Dễ dẫn đến các bệnh ung thư
Béo phì làm tăng nguy cơ các loại ung thư như:
- Ung thư vú: Do tăng nồng độ estrogen ở phụ nữ sau mãn kinh.
- Ung thư đại trực tràng: Do chế độ ăn ít chất xơ, ít vận động, và viêm mạn tính.
- Ung thư nội mạc tử cung, thận, và gan: Do rối loạn hormone và viêm mạn tính.
Dễ gặp các vấn đề sức khỏe khác
Béo phì có thể làm giảm chất lượng cuộc sống, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác như:
- Ngưng thở khi ngủ: Mỡ thừa ở cổ gây hẹp đường thở, làm giấc ngủ gián đoạn, gây mệt mỏi.
- Sỏi mật: Rối loạn chuyển hóa cholesterol làm hình thành sỏi, gây đau bụng dữ dội.
- Khó thở và bệnh phổi: Mỡ thừa cản trở phổi lấy oxy, gây hen suyễn, giảm thông khí.
- Suy giảm miễn dịch: Viêm mạn tính làm yếu hệ miễn dịch, cơ thể dễ nhiễm trùng, hồi phục chậm.
Phương pháp chẩn đoán béo phì
Để xác định tình trạng thừa cân, béo phì, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp như:
- Đo chỉ số BMI: Công cụ đánh giá cân nặng của một người dựa trên chiều cao và cân nặng.
- Đo vòng eo: Đánh giá lượng mỡ tích tụ ở bụng. Vòng eo ở người béo phì rời vào mức trên 80 cm (ở nữ giới) – trên 90 cm (ở nam giới).
- Đo tỷ lệ mỡ cơ thể bằng thiết bị chuyên dụng để xác định tỷ lệ mỡ so với trọng lượng cơ thể: Giúp phân biệt giữa mỡ, cơ, và nước trong cơ thể.
- Xét nghiệm đường huyết, cholesterol, triglyceride và hormone: Đánh giá nguy cơ tiểu đường, rối loạn lipid máu, rối loạn nội tiết…
Phương pháp điều trị béo phì
Để điều trị béo phì, bác sĩ có thể gợi ý các phương pháp như:
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Tăng cường chất xơ qua rau củ quả, trái cây và protein lành mạnh. Giảm tiêu thụ thực phẩm giàu calo, đường và chất béo xấu. Gợi ý chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Ăn chậm, nhai kỹ tạo cảm giác no lâu.
- Thay đổi chế độ vận động: Khuyến khích vận động ít nhất 30 phút/ ngày. Có thể đi bộ, bơi lội, tập yoga.
- Điều chỉnh về sinh hoạt: Ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng bằng yoga, thiền, hoặc hoạt động thư giãn như gặp gỡ mọi người, vẽ tranh…
- Sử dụng thuốc giảm cân hoặc phẫu thuật (đặt vòng dạ dày, cắt dạ dày): Chỉ thực hiện ở trường hợp thật sự cần thiết và có sự hướng dẫn, theo dõi của bác sĩ sát sao.
Lưu ý: Mọi người tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc giảm cân hoặc các phương pháp truyền miệng khác. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp với thể trạng mỗi người.
Phòng ngừa béo phì, thừa cân
Hạn chế thừa cân, béo phì là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần. Mọi người có thể chủ động phòng ngừa béo phì bằng các cách như:
- Có chế độ ăn uống lành mạnh giàu chất xơ, protein lành mạnh.
- Hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, thực phẩm giàu calo, nước ngọt có gas, rượu, bia…
- Duy trì cường độ vận động phù hợp để thúc đẩy quá trình cơ thể sử dụng năng lượng.
- Theo dõi cân nặng định kỳ để kịp thời điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và vận động.
Với tình trạng béo phì ngày càng gia tăng, việc chủ động bảo vệ sức khỏe là vô cùng quan trọng. Một chế độ ăn lành mạnh, vận động đều đặn và kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp giảm nguy cơ mắc béo phì.