Thận đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc khám thận. Khi thận không được kiểm tra và chăm sóc đúng cách sẽ gây nên nhiều bệnh lý nguy hiểm như suy thận, sỏi thận, hoặc viêm cầu thận. Vậy quá trình khám thận như thế nào? Cùng Diag tìm hiểu về vấn đề kiểm tra thận cùng quy trình khám thận chi tiết nhất.

Vai trò của thận trong hoạt động của cơ thể

Thận đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động chuyển hóa của cơ thể bằng cách thực hiện nhiều chức năng thiết yếu. Thận có nhiệm vụ lọc máu để loại bỏ các chất thải chuyển hóa như urea, creatinine, và acid uric. Cơ quan này cũng tham gia vào quá trình điều chỉnh huyết áp cũng như sản xuất erythropoietin kích thích tạo hồng cầu. Ngoài ra, thận còn đảm nhiệm việc điều chỉnh lượng nước trong cơ thể, điều hòa cân bằng điện giải và độ pH máu.

Với những chức năng quan trọng này, thận không chỉ là cơ quan bài tiết mà còn giữ vai trò trung tâm trong việc duy trì sự cân bằng nội môi và hỗ trợ các hoạt động chuyển hóa cơ bản của cơ thể. Sự suy giảm chức năng thận có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng như rối loạn điện giải, tăng huyết áp, thiếu máu, và loãng xương.

Xem thêm: Xét nghiệm chức năng thận

khám thận như thế nào
Thận đóng vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động chuyển hóa của cơ thể.

Khi nào cần đi khám thận?

Kiểm tra thận là một phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe tổng thể. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, cần khám thận mỗi 6 tháng 1 lần. Người lớn tuổi là đối tượng cần được kiểm tra thận định kỳ. Không chỉ thận mà chức năng của các cơ quan khác cũng suy yếu theo tuổi tác.

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thận giai đoạn đầu không quá rõ ràng, có thể giống với nhiều bệnh thông thường. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sỏi thận, suy thận và viêm cầu thận, đặc biệt là ung thư thận. Vậy nên, khi có những dấu hiệu hoặc triệu chứng sau cần chủ động đi khám thận:

  • Nước tiểu sẫm màu hoặc có máu.
  • Tiểu gắt, tiểu buốt.
  • Tiểu thường xuyên, tần suất tiểu nhiều hơn 8 lần, đặc biệt vào ban đêm.
  • Khó tiểu, tiểu ít, hoặc không tiểu.
  • Sưng phù ở mặt, bàn tay, bàn chân, và mắt cá chân.
  • Đau dai dẳng tại vùng hông ngang thắt lưng.
  • Chán ăn, sụt cân.
  • Khó ngủ, rối loạn giấc ngủ.
  • Tinh thần không tỉnh táo: Kém tập trung, suy giảm trí nhớ…
  • Chuột rút cơ bắp.
  • Khó thở.
  • Cao huyết áp.
Nước tiểu sẫm màu là dấu hiệu phổ biến của bệnh thận
Nước tiểu sẫm màu là dấu hiệu phổ biến của bệnh thận.

Nhiều số liệu cho thấy, tỷ lệ người mắc bệnh thận đang gia tăng ở độ tuổi rất trẻ. Nguyên nhân có thể do lối sống sinh hoạt kém lành mạnh hoặc tiền sử bệnh lý. Theo các chuyên gia, người từng mắc đái tháo đường, bệnh tim mạch có nguy cơ cao mắc bệnh lý về thận.

Trong một số trường hợp, bệnh thận có thể do di truyền. Một người có khả năng cao mắc bệnh thận nếu có người thân trong gia đình cũng mắc các bệnh về thận.

Xem thêm: Dấu hiệu nên đi khám thận

Khám thận như thế nào? Quy trình khám thận chi tiết

Đây là quá trình đánh giá chức năng và cấu trúc của thận, từ đó phát hiện và chẩn đoán các vấn đề sức khỏe liên quan đến thận. Ở nhiều bệnh viện và trung tâm y tế, quy trình khám thận sẽ qua 2 bước chính: khám lâm sàng và khám cận lâm sàng.

Kiểm tra thận lâm sàng

Quá trình kiểm tra lâm sàng giúp bác sĩ có được những thông tin cần thiết trước khi có phương hướng chẩn đoán và điều trị. Việc này bao gồm các câu hỏi về bệnh sử và khám thể chất.

Câu hỏi bệnh sử:

  • Tiền sử bệnh lý về thận: Sỏi thận, suy thận, nhiễm trùng đường tiết niệu…
  • Tiền sử các bệnh lý có ảnh hưởng đến thận: Tiểu đường, cao huyết áp…
  • Tiền sử bệnh thận gia đình: Đặc biệt cần thiết nếu bệnh nhân là trẻ em.
  • Các loại thuốc đang sử dụng: Bao gồm thuốc kê đơn/không kê đơn, vitamin, thực phẩm chức năng…
  • Thói quen sinh hoạt: Chế độ ăn uống, tập luyện thể thao, và sử dụng chất kích thích.

Xem thêm: Kiểm tra thận tại nhà

Bác sĩ cần kiểm tra các thông tin bệnh sử để chẩn đoán bệnh thận
Bác sĩ cần kiểm tra các thông tin bệnh sử để chẩn đoán bệnh thận.

Khám thể chất là hình thức kiểm tra thận bằng cách: Quan sát, sờ nắn, gõ, và nghe. Từ đó kiểm tra tổng quan các triệu chứng bệnh hiện tại.

  • Quan sát để tìm các dấu hiệu bất thường như phù nề và sưng tấy, chủ yếu ở mặt, bàn tay, bàn chân, và mắt cá chân.
  • Sờ nắn bụng và vùng thận để phát hiện khối u hoặc đau bất thường. Ngoài ra còn khám vùng bụng và lưng dưới.
  • Gõ vùng thận, bàng quang để phát hiện các khối u trong hoặc ngoài phúc mạc.
  • Nghe bụng để phát hiện tiếng thổi mạch máu bất thường liên quan đến lưu lượng máu đến thận.
  • Đo huyết áp để đánh giá mức độ kiểm soát huyết áp.
  • Kiểm tra da, niêm mạc để đánh giá dấu hiệu thiếu máu hoặc mất nước như thay đổi màu da, khô da. Những dấu hiệu này có thể liên quan đến bệnh thận.
  • Đo cân nặng và chiều cao: Thay đổi cân nặng đột ngột có thể liên quan đến vấn đề thận. Tăng cân nhanh chóng có thể do giữ nước trong cơ thể.

Xem thêm: Xét nghiệm thận có cần nhịn ăn?

Đo huyết áp để đánh giá mức độ kiểm soát huyết áp của cơ thể.
Đo huyết áp để đánh giá mức độ kiểm soát huyết áp của cơ thể.

Khám thận cận lâm sàng

Khám thận cận lâm sàng gồm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để đánh giá chức năng và cấu trúc của thận. Thông qua các kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể xác định chính xác tình trạng bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Một số xét nghiệm phổ biến như sau:

Xét nghiệm máu:

  • Urea: Đo nồng độ nitơ urê trong máu để đánh giá chức năng thận. Nồng độ urea cao ngoài ngưỡng an toàn có thể gợi ý các bệnh lý như sỏi thận, viêm cầu thận, và suy thận.
  • Creatinine: Nồng độ creatinine tăng cao cho thấy sự suy giảm chức năng thận hoặc tổn thương thận. Đây là chỉ số quan trọng trong đánh giá tình trạng suy thận.
  • Độ lọc cầu thận ước tính (eGFR): Cho biết khả năng lọc máu của thận bằng cách ước tính lượng máu đi qua cầu thận mỗi phút. eGFR có giá trị trong hỗ trợ đưa ra quyết định điều trị và theo dõi tiến triển bệnh thận mạn tính.
  • Điện giải đồ: Đo nồng độ các khoáng chất như natri (Na), kali (K), và clorua (Cl), giúp đánh giá sự mất cân bằng điện giải và suy giảm chức năng thận. Từ đó giúp phát hiện suy thận cấp, suy thận mạn, viêm cầu thận, và hội chứng thận hư.
  • Hormone tuyến cận giáp (iPTH): Đánh giá mức độ rối loạn cân bằng khoáng chất. Chỉ số iPTH cao cho thấy tăng hoạt động của tuyến cận giáp do suy thận mạn tính.

Xem thêm: Xét nghiệm chức năng gan thận

Urea và Creatinine là 2 chỉ số xét nghiệm máu phổ biến trong khám thận
Urea và creatinine là 2 chỉ số xét nghiệm máu phổ biến trong khám thận.

Xét nghiệm nước tiểu:

  • Tổng phân tích nước tiểu: Kiểm tra nồng độ protein, glucose, ketone, hemoglobin, bilirubin, urobilinogen, các chỉ số nhiễm trùng, hoặc tinh thể hình thành sỏi thận. Kết quả xét nghiệm cung cấp cái nhìn toàn diện về tình trạng và chức năng của thận, giúp bác sĩ chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý thận. Từ đó điều chỉnh kế hoạch điều trị phù hợp.
  • Cặn lắng nước tiểu (cặn Addis): Đo lường chỉ số hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu, và trụ niệu. Xét nghiệm này giúp phát hiện nhiễm trùng đường tiểu, sỏi thận. Đồng thời hỗ trợ theo dõi bệnh lý về thận, đặc biệt là hội chứng thận hư.

Chẩn đoán hình ảnh:

  • Siêu âm bụng: Sử dụng sóng âm để đánh giá chức năng và phát hiện các bất thường về cấu trúc và kích thước của thận. Từ đó phát hiện khối u, sỏi thận, thận ứ nước, suy thận, viêm cầu thận, và bệnh thận mãn tính.
  • Chụp CT: Tạo ra hình ảnh chi tiết của thận, cung cấp thông tin về cấu trúc, kích thước, và hình dạng, giúp phát hiện khối u, sỏi thận, nhiễm trùng, và tắc nghẽn. Chụp CT đặc biệt hữu ích trong đánh giá các bất thường phức tạp và xác định nguyên nhân các triệu chứng không rõ ràng.

Xem thêm: Siêu âm thận

Siêu âm là hình thức chẩn đoán hình ảnh thận phổ biến
Siêu âm là hình thức chẩn đoán hình ảnh thận phổ biến.

Chuẩn bị gì trước khi đi khám thận?

Cần chú ý những vấn đề sau trước khi đi khám thận để đảm bảo kết quả chính xác:

  • Chuẩn bị thông tin chi tiết về triệu chứng hiện tại, tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình.
  • Mang theo hồ sơ y tế và kết quả xét nghiệm trước đây.
  • Tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình kiểm tra.
  • Thực hiện đúng lời dặn của bác sĩ trong quá trình uống thuốc và làm xét nghiệm.
  • Giữa tâm lý thoải mái, điều này giúp ích trong việc đo huyết áp.

Xem thêm: Chuẩn bị gì trước khi khám thận?

Giải đáp một số thắc mắc về vấn đề đi khám thận

1. Khám nội thận là gì?

Đây là thuật ngữ dùng để chỉ quá trình thăm khám và đánh giá chức năng thận chuyên sâu. Các bác sĩ nội khoa thận sẽ thực hiện chẩn đoán và điều trị các vấn đề sức khỏe, bệnh lý liên quan đến thận.

2. Khám rung thận là gì?

Đây là phương pháp khám thận lâm sàng bằng cách “gõ”, còn gọi là nghiệm pháp rung thận. Gõ thận được sử dụng để tìm ra các dấu hiệu đau thận. Bác sĩ sẽ thực hiện bằng cách dùng ngón tay hoặc nắm tay để gõ vào vùng thắt lưng. Khám rung thận thường được áp dụng trong khám lâm sàng vùng thận và bàng quang.

3. Khám thận ở khoa nào?

Tùy từng trường hợp bệnh mà khám thận có thể được thực hiện tại các khoa sau:

  • Khoa Thận – Tiết niệu: Đây là khoa chuyên điều trị các bệnh lý liên quan đến thận và đường tiết niệu. Bác sĩ chuyên khoa thận sẽ trực tiếp thực hiện và theo dõi quá trình khám, chẩn đoán, và điều trị các bệnh lý về thận.
  • Khoa Nội tổng quát: Với những trường hợp khám sức khỏe định kỳ hoặc có triệu chứng không đặc hiệu, bác sĩ nội tổng quát sẽ thực hiện các xét nghiệm và kiểm tra lâm sàng. Sau đó, người bệnh sẽ được chuyển đến chuyên khoa thận nếu cần thiết.
  • Khoa Nhi: Nếu trẻ em có các triệu chứng hoặc vấn đề liên quan đến thận, khoa nhi sẽ có các bác sĩ chuyên điều trị bệnh thận ở trẻ em.
  • Khoa Cấp cứu: Đây là khoa dành cho những trường hợp cấp cứu như suy thận cấp tính, nhiễm trùng đường tiết niệu nặng, hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác. Bệnh nhân sẽ được theo dõi tình trạng đến khi qua cơn nguy kịch. Sau đó được chuyển đến khoa thận – tiết niệu và tiến hành điều trị chuyên sâu.

Xem thêm: Khám thận ở đâu?

Lời kết

Như vậy, bài viết đã chia sẻ đầy đủ thông tin quan trọng về vấn đề khám thận. Việc tìm hiểu quy trình khám thận như thế nào rất hữu ích trong việc chuẩn bị trước khi khám. Điều này giúp bác sĩ dễ dàng chẩn đoán và có phương án điều trị bệnh thận một cách hiệu quả.

 

Xem thêm: Chi phí xét nghiệm chức năng thận