Viêm gan A có chữa được không? Viêm gan A là bệnh do virus gây ra, lây qua thực phẩm, nước uống nhiễm bẩn. Bệnh thường tự khỏi, nhưng ở một số trường hợp, có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng. Cùng Diag tìm hiểu về viêm gan A cũng như các cách phòng ngừa, điều trị bệnh hiệu quả.

Viêm gan A là gì?

Viêm gan A là một bệnh nhiễm trùng gan cấp tính do virus viêm gan A (HAV) gây ra. Đây là một loại virus lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa, đặc biệt khi ăn hoặc uống thực phẩm, nước uống bị nhiễm virus, hoặc tiếp xúc với các bề mặt và đồ vật nhiễm bẩn. Virus HAV thường xuất hiện ở những khu vực có điều kiện vệ sinh kém hoặc nguồn nước không đảm bảo.

Virus viêm gan A không chỉ gây tổn thương gan mà còn làm suy giảm sức khỏe tổng thể của người bệnh trong giai đoạn nhiễm. Triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng, bao gồm mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, vàng da và sốt. Tuy nhiên, viêm gan A không chuyển thành mạn tính và phần lớn các trường hợp có thể tự khỏi nếu được chăm sóc đúng cách.

Viêm gan A là bệnh dễ lây nhiễm, đặc biệt trong các môi trường có điều kiện vệ sinh kém hoặc thói quen vệ sinh không tốt. Một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm:

  1. Người sống hoặc du lịch đến khu vực có điều kiện vệ sinh kém:
    1. Các khu vực có hệ thống xử lý nước thải kém, thiếu nước sạch, hoặc không có thói quen vệ sinh đúng cách.
    2. Du khách quốc tế, đặc biệt khi đến các vùng có tỷ lệ viêm gan A cao, dễ tiếp xúc với nguồn thực phẩm và nước uống nhiễm bẩn.
  2. Người tiêu thụ thực phẩm hoặc nước uống không an toàn:
    1. Sử dụng hải sản sống hoặc chưa được nấu chín kỹ, đặc biệt là động vật có vỏ như hàu, nghêu từ nguồn nước nhiễm bẩn.
    2. Uống nước chưa qua xử lý, nước không được đun sôi hoặc các loại nước giải khát không đảm bảo vệ sinh.
  3. Người làm việc trong môi trường tiếp xúc với chất thải nhiễm bẩn:
    1. Các nhân viên xử lý nước thải, rác thải hoặc làm việc trong các cơ sở vệ sinh công cộng thường xuyên tiếp xúc với chất thải, dễ bị phơi nhiễm virus viêm gan A nếu không tuân thủ các biện pháp bảo hộ.
  4. Trẻ em tại các khu vực có dịch viêm gan A:
    1. Hệ miễn dịch của trẻ em chưa phát triển hoàn thiện, khiến trẻ dễ nhiễm bệnh hơn.
    2. Trẻ em thường xuyên tiếp xúc gần nhau tại trường học, nhà trẻ hoặc khu dân cư đông đúc, tạo điều kiện cho virus lây lan qua tay hoặc đồ chơi bị nhiễm bẩn.

Xem thêm: Xét nghiệm viêm gan bao nhiêu tiền?

Nguyên nhân và con đường lây truyền virus viêm gan A

Virus viêm gan A chủ yếu lây qua đường tiêu hóa khi tiếp xúc với phân của người bị nhiễm.

  1. Tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm virus
  • Lây truyền có thể xảy ra khi sống chung, chăm sóc hoặc tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm virus, đặc biệt trong gia đình hoặc cộng đồng có mối quan hệ gần gũi. Virus cũng có thể lây qua quan hệ tình dục, đặc biệt qua đường hậu môn, do tiếp xúc trực tiếp với vùng nhiễm bẩn.
  1. Sử dụng thực phẩm hoặc nước uống nhiễm virus
  • Thực phẩm không đảm bảo như hải sản sống hoặc chưa nấu chín kỹ, rau sống, trái cây không rửa sạch hoặc chế biến từ nguồn nước nhiễm bẩn có thể mang virus. Nước không được xử lý hoặc đun sôi, nước đá làm từ nguồn nước ô nhiễm cũng là nguồn lây bệnh phổ biến, đặc biệt trong các khu vực có điều kiện vệ sinh kém.
  1. Tiếp xúc với phân hoặc bề mặt bị nhiễm virus
  • Lây nhiễm dễ xảy ra nếu người bệnh không rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh, dẫn đến lây lan virus qua tay hoặc bề mặt tiếp xúc. Virus có thể tồn tại trên các bề mặt như tay nắm cửa, nhà vệ sinh, hoặc đồ dùng cá nhân trong thời gian dài. Lây lan có thể xảy ra khi tay chạm vào các bề mặt này rồi tiếp xúc với miệng. Ở những nơi đông đúc, không đảm bảo vệ sinh như nhà vệ sinh công cộng, trường học hoặc cơ sở y tế, nguy cơ tiếp xúc với virus tăng cao.

Virus viêm gan A có khả năng tồn tại trong môi trường thời gian dài và rất dễ lây nhiễm khi không tuân thủ các biện pháp vệ sinh an toàn. Trẻ em, người già và những người sống trong khu vực điều kiện vệ sinh kém là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất.

Dấu hiệu bệnh viêm gan A

Các triệu chứng của viêm gan A thường xuất hiện sau khoảng 2 đến 6 tuần kể từ khi cơ thể nhiễm virus viêm gan A. Các triệu chứng của viêm gan A có thể khác nhau ở từng người nhưng thường bao gồm:

  • Sốt nhẹ là dấu hiệu đầu tiên, kèm theo cảm giác ớn lạnh. Cơn sốt có thể kéo dài vài ngày trước khi các triệu chứng khác xuất hiện.
  • Người bệnh thường cảm thấy yếu ớt, mệt mỏi kéo dài. Cảm giác mệt mỏi này ảnh hưởng đến khả năng làm việc, sinh hoạt hàng ngày và khiến người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều hơn.
  • Buồn nôn, nôn mửa và chán ăn là các triệu chứng phổ biến, khiến người bệnh mất khẩu vị và sụt cân.
  • Cơn đau thường tập trung ở vùng hạ sườn phải – nơi gan bị viêm và sưng lên. Mức độ đau có thể dao động từ nhẹ đến nặng, gây khó chịu.
  • Nước tiểu chuyển sang màu vàng đậm hoặc màu trà, do gan bị tổn thương làm tăng bilirubin trong máu.
  • Phân nhạt màu hoặc giống màu đất sét, nguyên nhân là do sự giảm bài tiết bilirubin qua phân.
  • Vàng da, vàng mắt là dấu hiệu đặc trưng nhất của viêm gan A. Sự tích tụ bilirubin trong máu khiến da và lòng trắng mắt chuyển sang màu vàng.
Triệu chứng bệnh viêm gan A gồm buồn nôn, sốt nhẹ, vàng da, mệt mỏi, đau bụng, phân nhạt màu...
Triệu chứng bệnh viêm gan A gồm buồn nôn, sốt nhẹ, vàng da, mệt mỏi, đau bụng, phân nhạt màu…

Biến chứng của bệnh

Mặc dù phần lớn các trường hợp viêm gan A không gây biến chứng nghiêm trọng, một số trường hợp hiếm gặp có thể dẫn đến:

  • Suy gan cấp tính: Bệnh nhân có thể gặp tình trạng gan mất chức năng đột ngột, đặc biệt là người cao tuổi hoặc người đã có bệnh gan mạn tính trước đó. Suy gan cấp cần điều trị khẩn cấp tại bệnh viện và có nguy cơ đe dọa tính mạng.
  • Viêm túi mật: Một số bệnh nhân bị viêm túi mật do ảnh hưởng của viêm gan A. Tình trạng này gây đau bụng dữ dội, cần được can thiệp y tế kịp thời để tránh biến chứng nặng hơn.

Chẩn đoán bệnh viêm gan A

Việc chẩn đoán viêm gan A thường dựa vào sự kết hợp giữa đánh giá lâm sàng (triệu chứng) và các xét nghiệm y khoa, nhằm xác định chính xác tình trạng nhiễm bệnh và mức độ tổn thương gan. Dưới đây là các phương pháp chẩn đoán quan trọng:

  1. Xét nghiệm máu nhằm phát hiện kháng thể chống virus HAV
  • Xét nghiệm máu giúp xác định sự hiện diện của kháng thể IgM chống HAV: – một chỉ dấu đặc hiệu cho nhiễm viêm gan A cấp tính. IgM thường xuất hiện trong giai đoạn sớm của bệnh, ngay sau khi cơ thể bắt đầu phản ứng với virus. Đây là xét nghiệm quyết định để khẳng định bệnh nhân có nhiễm viêm gan A hay không.
  • Xét nghiệm IgG thường được thực hiện để xác định liệu bệnh nhân đã từng nhiễm viêm gan A trước đây hoặc đã được tiêm vaccine phòng ngừa. Sự hiện diện của IgG cho thấy bệnh nhân đã có miễn dịch lâu dài với virus.
  1. Xét nghiệm chức năng gan để đánh giá mức độ tổn thương
  • Xét nghiệm chỉ số men gan ALT (Alanine Aminotransferase) là enzyme có trong tế bào gan. Khi gan bị tổn thương, ALT sẽ giải phóng vào máu, khiến nồng độ tăng cao. Tương tự như ALT thì AST (Aspartate Aminotransferase) cũng tăng cao khi gan bị viêm. Sự gia tăng đồng thời của ALT và AST giúp đánh giá mức độ viêm và tổn thương gan.
  • Xét nghiệm đo nồng độ bilirubin trong máu giúp xác định mức độ vàng da – một triệu chứng điển hình của viêm gan.
  • Albumin và thời gian đông máu (PT) được kiểm tra để đánh giá chức năng tổng hợp của gan, đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân có biến chứng suy gan.
Xét nghiệm máu để tầm soát vieurs viêm gan A
Xét nghiệm máu để tầm soát vieurs viêm gan A
  1. Siêu âm gan giúp quan sát cấu trúc và tình trạng gan
  • Siêu âm giúp phát hiện sự phì đại hoặc bất thường ở gan – dấu hiệu cho thấy gan đang bị viêm hoặc tổn thương.
  • Phương pháp này cũng hỗ trợ loại trừ các nguyên nhân khác gây tổn thương gan như u gan, xơ gan, hoặc sỏi mật.
  • Mặc dù không đặc hiệu, siêu âm có thể cung cấp thông tin về tình trạng gan và các biến chứng liên quan.

Người mắc bệnh viêm gan A cần làm gì?

Hiện nay, viêm gan A không có thuốc điều trị đặc hiệu, và việc chữa trị tập trung vào giảm triệu chứng, hỗ trợ hồi phục gan, và ngăn ngừa biến chứng. Dưới đây là các biện pháp chăm sóc cần thiết:

  • Nghỉ ngơi đầy đủ là điều cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn bệnh nặng khi cơ thể mệt mỏi. Giảm các hoạt động thể chất nặng và dành thời gian để cơ thể có thể hồi phục hoàn toàn.
  • Uống đủ nước để duy trì sự cân bằng nước và điện giải, giúp hỗ trợ gan hoạt động tốt hơn. Có thể bổ sung nước ép trái cây hoặc nước bù điện giải nếu có dấu hiệu mất nước do nôn hoặc tiêu chảy.
  • Tránh các chất gây hại cho gan, tuyệt đối không sử dụng rượu bia. Rượu là chất độc đối với gan, làm tăng gánh nặng lên gan và kéo dài thời gian hồi phục. Hạn chế các loại thuốc không cần thiết, đặc biệt là thuốc giảm đau và thuốc chống viêm, có thể gây tổn thương gan. Chỉ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Theo dõi và kiểm soát triệu chứng. Có thể sử dụng thuốc chống nôn theo chỉ định của bác sĩ để giảm khó chịu, buồn nôn. Thuốc giảm đau nhẹ có thể được sử dụng khi bị đau bụng nhưng cần tránh các loại thuốc có nguy cơ gây tổn hại gan. Theo dõi sát sao các biến chứng nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường như vàng da tăng, đau bụng dữ dội, hoặc mệt mỏi kéo dài, cần thông báo ngay cho bác sĩ.
  • Chế độ ăn uống hợp lý chọn các loại thức ăn dễ tiêu như cháo, súp, hoặc thức ăn mềm để giảm áp lực tiêu hóa. Tăng cường rau xanh và trái cây cung cấp vitamin và khoáng chất, hỗ trợ phục hồi chức năng gan. Tránh thực phẩm dầu mỡ, khó tiêu gây gánh nặng cho gan và làm tình trạng bệnh nặng hơn.

Xem thêm: Phòng bệnh viêm gan A

Các câu hỏi thường gặp về bệnh viêm gan A

Viêm gan A có chữa được không?

Viêm gan A thường không cần điều trị đặc hiệu và hầu hết các trường hợp sẽ hồi phục hoàn toàn sau vài tuần đến vài tháng. Điều quan trọng là phải chăm sóc bản thân đúng cách và theo dõi sức khỏe thường xuyên. Người bệnh cần được nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý và uống đủ nước. Nếu códấu hiệu nặng, cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị.

Thời gian ủ bệnh của bệnh viêm gan A là bao lâu?

Thời gian ủ bệnh của viêm gan A thường từ 15 đến 50 ngày, trung bình khoảng 28 ngày. Triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện sau khoảng 2 đến 6 tuần kể từ khi nhiễm virus. Thời gian ủ bệnh kéo dài và biểu hiện có thể không rõ ràng, làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Virus HAV có thể bị tái nhiễm hay không?

Một khi đã nhiễm viêm gan A và hồi phục, cơ thể sẽ phát triển miễn dịch với virus HAV, do đó, việc tái nhiễm viêm gan A là rất hiếm. Cơ thể sẽ sản xuất kháng thể bảo vệ suốt đời, giúp ngăn ngừa tái nhiễm. Tuy nhiên, việc duy trì vệ sinh cá nhân và môi trường sống là điều quan trọng để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng khác.

Tổng kết

Qua các thông tin trên, Trung tâm y khoa Diag mong rằng chúng tôi có thể giúp Quý khách hiểu hơn về khả năng chữa khỏi khi mắc bệnh viêm gan A. Đặc biệt hiểu rõ về dấu hiệu, những ảnh hưởng sức khỏe để có thể phát hiện sớm và thực hiện các biện pháp phòng ngừa bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

Liên hệ 1900 1717 để nhận tư vấn từ Diag. Hỗ trợ đặt lịch xét nghiệm viêm gan A nhanh chóng ngay khi có nhu cầu.