Viêm gan B là một bệnh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến gan, và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, cần chú ý làm gì khi bị viêm gan B để có thể bảo vệ sức khỏe và tránh lây lan. Cùng Diag tìm hiểu rõ những điều cần chú ý nhằm thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe một cách đúng đắn.
Tổng quan về viêm gan B
Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm có thể gặp phải ở mọi đối tượng với tỷ lệ lây nhiễm cao.
Virus HBV khả năng lây truyền từ người sang người nhanh hơn virus HIV từ 50 – 100 lần. Virus này lây truyền qua đường máu và các chất dịch cơ thể khác như tinh dịch, dịch âm đạo, và sữa mẹ. Viêm gan B có thể gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng như xơ gan, suy gan, và ung thư gan nếu không được chữa bệnh kịp thời.
Xem thêm: Xét nghiệm viêm gan bao nhiêu tiền?
Viêm gan B lây qua đường nào?
Viêm gan B có thể lây truyền qua nhiều con đường khác nhau:
- Qua đường máu: Xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp với máu của người bị nhiễm, cụ thể là khi dùng chung kim tiêm, kim xăm, dao cạo râu, hoặc các dụng cụ y tế không được khử trùng đúng cách.
- Qua đường quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm viêm gan B: Đây là một trong những con đường lây truyền phổ biến.
- Từ mẹ sang con: Phụ nữ mang thai bị nhiễm viêm gan B có thể truyền virus cho con trong quá trình sinh nở. Tuy nhiên, việc tiêm phòng viêm gan B cho trẻ ngay sau khi sinh có thể giúp ngăn ngừa lây nhiễm.
Xem thêm: Viêm gan B có chữa được không?
Triệu chứng của viêm gan B
Nhiều người mắc bệnh nhưng không có triệu chứng rõ ràng, đặc biệt trong giai đoạn đầu. Khi triệu chứng xuất hiện, chúng có thể bao gồm:
- Mệt mỏi.
- Sốt.
- Đau bụng, đặc biệt là vùng hạ sườn phải.
- Buồn nôn và nôn mửa.
- Vàng da và mắt.
- Nước tiểu sẫm màu.
- Phân nhạt màu.
Những triệu chứng này có thể xuất hiện từ 1 đến 4 tháng sau khi tiếp xúc với virus. Việc nhận biết sớm và chữa trị kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh phát triển nặng.
Xem thêm: Người bị viêm gan B có béo được không?
Làm thế nào để biết mình bị viêm gan B?
Để biết mình có mắc bệnh hay không, bạn cần thực hiện các xét nghiệm máu để kiểm tra sự hiện diện của virus trong cơ thể. Các xét nghiệm này bao gồm kiểm tra kháng nguyên bề mặt HBV (HBsAg), kháng thể chống lại HBV (anti-HBs), và DNA của HBV.
Các triệu chứng thường gặp gồm có: Mệt mỏi, đau bụng, vàng da, nước tiểu sẫm màu, và buồn nôn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh không có triệu chứng rõ rệt, vì vậy kiễm máu định kỳ là cách tốt nhất để phát hiện bệnh. Nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao như người tiêm chích ma túy, có quan hệ tình dục không an toàn, làm việc trong môi trường y tế, hoặc đã từng tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể của người nhiễm HBV, bạn nên thực hiện kiểm tra định kỳ.
Xem thêm: Viêm gan B bao lâu thì phát bệnh?
Làm gì khi bị viêm gan B?
Do bệnh có thể gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nên khi bị viêm gan B cần làm gì là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.
Thực hiện xét nghiệm chuyên sâu
Bị viêm gan B nên làm gì? Sau khi được chẩn đoán mắc viêm gan B, bạn cần thực hiện thêm các phương pháp kiểm tra chuyên sâu. Việc kiểm tra nhằm hỗ trợ đánh giá mức độ tổn thương và tình trạng virus trong cơ thể:
- Kiểm tra chức năng gan: Đo lường mức độ enzyme gan (AST, ALT) để đánh giá mức độ viêm và tổn thương gan.
- Đo tải lượng virus: Đánh giá mức độ hoạt động của virus trong cơ thể.
- Siêu âm gan: Kiểm tra cấu trúc gan và phát hiện sớm các biến chứng như xơ gan hoặc ung thư.
- Sinh thiết gan: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết gan để có cái nhìn chi tiết hơn về mức độ tổn thương.
Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chữa trị. Một chế độ ăn uống hợp lý không chỉ giúp bảo vệ gan mà còn tăng cường sức đề kháng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về chế độ dinh dưỡng, các loại thực phẩm phù hợp và không phù hợp cho người mắc bệnh.
Các thực phẩm phù hợp:
1. Chất đạm (Protein):
- Thịt gà là nguồn cung cấp protein nạc, ít chất béo bão hòa, tốt cho người bệnh viêm gan B. Thịt gà giúp cung cấp protein cần thiết để tái tạo và duy trì các tế bào gan bị tổn thương.
- Các loại cá như cá hồi, cá thu, và cá ngừ chứa nhiều axit béo omega-3, có tác dụng chống viêm và bảo vệ gan. Axit béo omega-3 cũng giúp giảm mỡ và cải thiện chức năng gan.
- Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành là nguồn protein thực vật tốt, giàu axit amin cần thiết cho cơ thể.
- Trứng cung cấp protein chất lượng cao và các chất dinh dưỡng như choline, giúp duy trì chức năng gan.
- Các loại hạt như hạnh nhân, hạt óc chó, hạt chia, và hạt lanh cung cấp protein, chất béo lành mạnh, và chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ và cải thiện chức năng gan.
2. Rau xanh và trái cây tươi:
Có nhiều loại rau quả tốt cho người mắc bệnh như:
- Rau xanh: Rau cải bó xôi, bông cải xanh, cải xoăn, và rau chân vịt chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, C, E, và chất xơ, giúp chống lại viêm nhiễm và tái tạo tế bào gan.
- Trái cây: Táo, cam, chuối, dâu tây, việt quất, và nho chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ gan khỏi tổn thương. Bên cạnh đó, trái cây cũng giúp hỗ trợ tiêu hóa và loại bỏ độc tố.
- Cà rốt và củ cải đường: Chứa nhiều beta-carotene và flavonoid, giúp gan sản xuất và giải độc enzyme, tăng cường chức năng gan.
3. Ngũ cốc nguyên hạt
- Gạo lứt chứa nhiều chất xơ, vitamin B, và khoáng chất, giúp cung cấp năng lượng bền vững và hỗ trợ chức năng tiêu hóa.
- Yến mạch giàu chất xơ hòa tan, giúp kiểm soát lượng đường trong máu và cholesterol, hỗ trợ gan trong việc chuyển hóa mỡ.
- Bánh mì nguyên cám giúp duy trì năng lượng và cải thiện tiêu hóa.
4. Chất béo lành mạnh
- Dầu ô liu là nguồn cung cấp chất béo không bão hòa đơn, có tác dụng chống viêm, và bảo vệ gan. Sử dụng dầu ô liu trong nấu ăn và trộn salad là lựa chọn tốt cho người mắc bệnh.
- Dầu cá chứa axit béo omega-3, giúp giảm viêm, và hỗ trợ chức năng gan. Bạn có thể bổ sung dầu cá thông qua các loại thực phẩm như cá hồi, cá thu, hoặc viên dầu cá.
- Quả bơ chứa chất béo không bão hòa đơn và chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ gan và cải thiện chức năng gan.
5. Uống đủ nước
- Nước giúp cơ thể loại bỏ độc tố và hỗ trợ các chức năng gan. Hãy đảm bảo uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung nước thông qua các loại nước trái cây tươi (không thêm đường) và các loại trà thảo mộc như trà xanh, trà nghệ để hỗ trợ chức năng gan.
- Trà xanh có chứa catechin, một loại chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp bảo vệ tế bào gan khỏi tổn thương và tăng cường chức năng gan. Uống trà xanh hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh gan nhiễm mỡ và xơ gan.
- Trà nghệ: Chứa curcumin, một chất chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ. Uống trà nghệ giúp giảm viêm, bảo vệ gan khỏi tổn thương, và hỗ trợ quá trình tái tạo tế bào gan.
- Nước ép củ dền: Củ dền chứa nhiều chất chống oxy hóa và các hợp chất có lợi cho gan, giúp tăng cường chức năng gan và hỗ trợ quá trình thải độc.
Các thực phẩm cần hạn chế:
Bên cạnh những loại thức ăn phù hợp cho bệnh nhân, cũng có một số loại thực phẩm kiêng kỵ mọi người cần chú ý.
1. Thực phẩm chiên, nướng:
- Khoai tây chiên, gà rán, và các món chiên rán khác chứa nhiều chất béo bão hòa, làm tăng gánh nặng và gây viêm gan.
- Thịt nướng và các món nướng khác chứa các hợp chất gây ung thư như acrylamide và polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs), có thể gây hại cho gan.
2. Thực phẩm chứa đường và tinh bột tinh chế:
- Bánh ngọt, kẹo, nước ngọt, và các món tráng miệng chứa nhiều đường tinh luyện, có thể gây tăng mỡ gan và cản trở quá trình chuyển hóa.
- Tinh bột tinh chế: Bánh mì trắng, bún, phở, và các sản phẩm từ bột mì tinh chế không cung cấp nhiều chất xơ và dinh dưỡng, dễ gây tăng đường huyết và mỡ gan.
3. Rượu và các thức uống có cồn:
- Rượu là tác nhân chính gây tổn thương gan, tăng nguy cơ xơ gan, và làm nặng thêm tình trạng viêm gan B. Người mắc viêm gan B cần tránh hoàn toàn các loại thức uống có cồn.
- Bia và các loại cocktail: Dù có nồng độ cồn thấp hơn rượu mạnh, bia và cocktail vẫn gây hại cho gan và cần được hạn chế hoặc tránh hoàn toàn.
Lưu ý về các “mối quan hệ”
Người mắc bệnh cần lưu ý về các mối quan hệ tình dục và sinh hoạt chung để tránh lây nhiễm cho người khác. Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để ngăn ngừa lây nhiễm qua đường tình dục. Không dùng chung kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải đánh răng, và các vật dụng cá nhân khác để tránh lây nhiễm qua đường máu. Đối với phụ nữ mang thai mắc viêm gan B, cần có kế hoạch chăm sóc y tế đặc biệt để tránh lây nhiễm cho con, bao gồm việc tiêm phòng viêm gan B cho trẻ ngay sau khi sinh.
Ngoài ra, việc thông báo cho đối tác tình dục và những người sống cùng biết về tình trạng viêm gan B của bạn là rất quan trọng để họ có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa phù hợp. Điều này không chỉ bảo vệ họ mà còn giúp bạn nhận được sự hỗ trợ và thông cảm từ những người xung quanh.
Xem thêm: Kháng thể viêm gan B tồn tại bao lâu?
Điều trị bệnh viêm gan B như thế nào?
Việc chữa bệnh nhằm mục đích kiểm soát sự phát triển của virus, giảm các tổn thương, và ngăn ngừa các biến chứng như xơ gan và ung thư. Quá trình chữa trị cần được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa gan mật.
Lưu ý rằng tùy vào mức độ bệnh mà người bệnh sẽ được bác sĩ đề suất sử dụng thuốc trong quá trình chữa trị. Để đảm bảo an toàn, không được tự ý sử dụng thuốc và cần phải sử dụng đúng loại, đúng liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Dưới đây là các phương pháp chữa bệnh chính cho viêm gan B.
Trị bằng thuốc kháng virus
Các loại thuốc kháng virus giúp kiểm soát sự phát triển của virus bên trong cơ thể, giảm tải lượng virus trong máu, và ngăn ngừa tổn thương gan. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:
- Tenofovir (Viread): Đây là một trong những thuốc kháng virus hiệu quả nhất, có khả năng ức chế sự nhân lên của virus. Tenofovir thường được sử dụng cho bệnh nhân có tải lượng virus cao và tổn thương gan rõ rệt.
- Entecavir (Baraclude): Một loại thuốc kháng virus mạnh, có khả năng giảm tải lượng virus và cải thiện chức năng gan. Thuốc này thường được chỉ định cho bệnh nhân viêm gan B mãn tính.
- Lamivudine (Epivir-HBV): Thuốc kháng virus được sử dụng phổ biến trong chữa trị viêm gan B, nhưng có nguy cơ phát triển kháng thuốc cao hơn so với Tenofovir và Entecavir.
- Adefovir (Hepsera): Được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng tốt với các thuốc kháng virus khác. Tuy nhiên, thuốc này có thể gây tổn thương thận nên cần được giám sát chặt chẽ.
Liệu trình: Việc chữa trị bằng thuốc kháng virus thường kéo dài trong nhiều năm, thậm chí suốt đời, tùy thuộc vào đáp ứng của bệnh nhân và mức độ tổn thương gan. Bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ, tái khám định kỳ, và làm các xét nghiệm theo dõi tải lượng virus và chức năng gan để điều chỉnh liệu trình kịp thời.
Xem thêm: Mua huyết thanh viêm gan B ở đâu?
Điều trị triệu chứng và biến chứng
Xử lý triệu chứng: Trong giai đoạn cấp tính hoặc khi có triệu chứng rõ rệt, bác sĩ có thể chỉ định các thuốc giảm đau, thuốc chống nôn, và thuốc giảm viêm để giảm bớt các triệu chứng khó chịu.
Điều trị xơ gan: Nếu bệnh nhân phát triển xơ gan, các biện pháp chữa trị sẽ tập trung vào việc ngăn ngừa và quản lý các phát triển nặng hơn của bệnh:
- Thuốc lợi tiểu: Được sử dụng để giảm tích tụ dịch trong cơ thể (cổ trướng) và ngăn ngừa phù.
- Thuốc chẹn beta: Giúp giảm áp lực tĩnh mạch cửa và ngăn ngừa xuất huyết do giãn tĩnh mạch thực quản.
- Chế độ ăn ít muối: Giúp kiểm soát tình trạng phù và cổ trướng.
Điều trị ung thư gan: Trong trường hợp bệnh phát triễn, dẫn đến ung thư gan, các phương pháp bao gồm:
- Phẫu thuật: Loại bỏ khối u nếu phát hiện sớm và khối u còn nhỏ.
- Hóa trị: Sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của khối u.
- Xạ trị: Sử dụng tia xạ để tiêu diệt tế bào ung thư.
- Ghép gan: Biện pháp cuối cùng cho những trường hợp ung thư tiến triển hoặc suy gan nặng. Ghép gan giúp thay thế phần bị tổn thương bằng một lá gan khỏe mạnh từ người hiến tặng.
Lối sống lành mạnh
- Duy trì chế độ ăn uống khoa học, giàu dinh dưỡng: Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, đường, và muối. Tăng cường ăn rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, và thực phẩm giàu protein như cá, thịt gà, và đậu nành.
- Tập thể dục, thể thao đều đặn giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, cải thiện chức năng gan và hệ miễn dịch. Các bài tập như đi bộ, bơi lội, và yoga là lựa chọn tốt cho người mắc viêm gan B.
- Căng thẳng kéo dài có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và ảnh hưởng đến quá trình hồi phục. Hãy thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng như thiền hoặc các hoạt động giải trí yêu thích.
- Tránh hút thuốc, tiếp xúc với hóa chất độc hại, và sử dụng các loại thuốc không cần thiết. Những yếu tố này có thể gây thêm gánh nặng cho gan và làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.
Theo dõi định kỳ
- Bệnh nhân viêm gan B cần thường xuyên làm các xét nghiệm máu để theo dõi tải lượng virus, chức năng gan, và phát hiện sớm các biến chứng. Các xét nghiệm này bao gồm AST, ALT, HBV DNA, và các xét nghiệm khác theo chỉ định của bác sĩ.
- Siêu âm gan định kỳ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của xơ gan, ung thư gan, và các biến chứng khác. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm bổ sung để xác định tình trạng gan và đề xuất phương pháp chữa bệnh phù hợp.
Hỗ trợ tâm lý
- Hỗ trợ từ gia đình và bạn bè đóng vai trò quan trọng trong quá trình chữa trị và phục hồi. Sự quan tâm và động viên từ người thân giúp bệnh nhân cảm thấy an tâm và có động lực hơn trong việc tuân thủ liệu trình.
- Tham gia các nhóm hỗ trợ dành cho người mắc viêm gan B giúp bệnh nhân chia sẻ kinh nghiệm, nhận được lời khuyên hữu ích, và giảm bớt cảm giác cô đơn. Các nhóm hỗ trợ cũng là nơi cung cấp thông tin mới nhất về phương pháp chữa trị và chăm sóc người bệnh. Tuy nhiên, trước khi tự áp dụng bất kỳ phương pháp nào cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn.
Điều trị và quản lý viêm gan B cho phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai mắc bệnh cần được chăm sóc y tế đặc biệt để bảo vệ cho mẹ và bé. Việc tiêm phòng viêm gan B cho trẻ ngay sau khi sinh là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây nhiễm từ mẹ sang con. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc kháng virus an toàn trong thai kỳ để giảm tải lượng virus và ngăn ngừa lây nhiễm.
Tổng kết
Với những thông tin trên, mong rằng trung tâm y khoa Diag đã giúp bạn hiểu rõ nên làm gì khi bị viêm gan B. Việc hiểu rõ và thực hiện đúng các biện pháp chăm sóc, chữa trị khi mắc bệnh sẽ giúp người bệnh kiểm soát bệnh tình, duy trì chất lượng cuộc sống tốt, và ngăn ngừa lây nhiễm cho cộng đồng. Chăm sóc sức khỏe toàn diện, nắm rõ về chế độ dinh dưỡng phù hợp, và ý thức phòng ngừa chính là chìa khóa để sống khỏe mạnh với bệnh viêm gan B.
Xem thêm: Viêm gan B sống được lâu không?