Giải nghĩa tăng đường huyết
Tăng đường huyết, hay còn gọi là đường huyết cao. Đây là tình trạng cơ thể không thể sản xuất đủ insulin hoặc insulin không hoạt động hiệu quả để kiểm soát glucose trong máu. Nguyên nhân chính là kháng insulin, khi tế bào không đáp ứng với insulin, khiến glucose tích tụ trong máu.
Ngoài kháng insulin, các yếu tố như chế độ ăn không lành mạnh, thừa cân, căng thẳng (stress) và bệnh lý như đái tháo đường cũng góp phần làm tăng đường huyết. Nếu không được kiểm soát, tình trạng này có thể dẫn đến những ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng. Các ảnh hưởng có thể kể đến như bệnh tim mạch, suy thận, tổn thương thần kinh và các vấn đề về thị lực.
Xem thêm: Nguyên nhân gây tăng đường huyết
Dấu hiệu và biến chứng tăng đường huyết
Khi đường huyết tăng cao, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như:
- Tiểu nhiều do thận cố gắng loại bỏ lượng glucose thừa trong máu.
- Cảm thấy luôn khát nước do tình trạng tiểu nhiều làm cơ thể mất nước.
- Mệt mỏi do cơ thể không thể sử dụng glucose hiệu quả để cung cấp năng lượng
- Hôn mê có thể xảy ra trong trường hợp nghiêm trọng, khi đường huyết quá cao và không được kiểm soát
Khi các dấu hiệu không được kiểm soát và điều trị sẽ gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan trong cơ thể:
- Tăng nguy cơ bệnh tim mạch, như nhồi máu cơ tim.
- Làm suy giảm chức năng thận, có thể dẫn đến suy thận.
- Tăng đường trong máu kéo dài có thể gây ra bệnh võng mạc, thậm chí dẫn đến mù lòa.
- Tăng nguy cơ đột quỵ do mức đường huyết cao làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến đột quỵ.
Xử trí tăng đường huyết
Việc chữa và kiểm soát tăng đường huyết tại nhà không chỉ bao gồm việc thay đổi chế độ ăn uống và tăng cường vận động thể chất, mà còn yêu cầu sự kết hợp giữa kiểm soát căng thẳng, giấc ngủ, kiểm tra sức khỏe định kỳ và tuân thủ điều trị y tế.
- Giảm đường và tinh bột đã qua chế biến (như đồ ngọt, bánh mì trắng, gạo trắng). Những thực phẩm này làm tăng nhanh mức glucose trong máu, gây khó khăn trong việc kiểm soát lượng đường máu
- Ăn nhiều chất xơ như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, và các loại đậu giúp làm chậm quá trình hấp thụ glucose, từ đó hỗ trợ việc kiểm soát mức đường huyết.
- Cung cấp đủ vitamin và khoáng chất như vitamin D, vitamin B, và magiê. Điều này giúp duy trì sự cân bằng đường huyết và hỗ trợ quá trình chuyển hóa glucose trong cơ thể.
- Hoạt động thể chất đều đặn giúp cải thiện khả năng sử dụng đường của cơ thể và tăng cường độ nhạy cảm của tế bào với insulin. Lựa chọn các bài tập phù hợp sức khỏe như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, hay đạp xe.
- Kiểm soát cân nặng, thực hiện giảm cân, đặc biệt là giảm mỡ bụng nếu cần. Điều này có thể giúp cải thiện khả năng sử dụng insulin và giảm nguy cơ mắc đái tháo đường.
- Căng thẳng kéo dài có thể làm tăng mức đường huyết do cơ thể tiết ra hormone cortisol. Việc thực hành các biện pháp giảm căng thẳng (stress) như yoga, thiền, hoặc các hoạt động thư giãn sẽ giúp kiểm soát lượng đường và cải thiện sức khỏe tổng thể.
- Theo dõi đường huyết tại nhà thường xuyên là một cách quan trọng. Việc này giúp kiểm tra sự thay đổi của đường huyết và có biện pháp can thiệp kịp thời khi cần. Đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao, việc kiểm tra định kỳ sẽ giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường và phòng ngừa các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
- Ngủ không đủ giấc có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng hormone và làm tăng mức đường huyết. Ngủ đủ giấc và đảm bảo chất lượng giấc ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm giúp cơ thể phục hồi, hỗ trợ kiểm soát đường huyết và duy trì sức khỏe tổng thể.
- Nếu bác sĩ đã kê đơn thuốc thì việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị, sử dụng thuốc đúng chỉ định là rất quan trọng. Đặc biệt đối với những người mắc tiền tiểu đường hoặc đái tháo đường, việc dùng thuốc đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến bệnh.
- Trong một số trường hợp, có thể cần tiêm thêm 1-2 đơn vị insulin so với liều thường dùng để giảm nhanh mức glucose trong máu. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ nên thực hiện khi người bệnh đang được chỉ định sử dụng insulin và cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.
Kiểm tra đường huyết chỉ 159k
- Kiểm tra 3 chỉ số đường huyết và tầm soát tiểu đường.
- Nhanh chóng, không chờ đợi với hệ thống 40 chi nhánh Diag.
- Lấy mẫu ngoài giờ hành chính.
- Có ngay kết quả trong vòng 24h qua Zalo.
Diag sẽ liên hệ lại trong vòng 5 phút
Xem thêm: Tăng đường huyết sau ăn
Tăng đường huyết cấp cứu
Khi mức đường máu tăng quá cao, cấp cứu là điều cần thiết để tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra. Các biến chứng đó có thể là:
- Kết quả kiểm tra lượng đường trong máu luôn cao trên 240mg/dl.
- Trong nước tiểu nghe mùi ceton.
- Có dấu hiệu hoặc có bệnh lý nền như tim mạch, hôn mê, tai biến mạch máu não, không thể ăn hay uống bất kỳ thứ gì…
Khi đường huyết tăng cao, nguyên tắc cấp cứu đầu tiên là ngăn ngừa tình trạng mất nước nghiêm trọng. Khi cơ thể mất nước có thể làm tăng mức đường huyết và gây các ảnh hưởng sức khỏe nguy hiểm. Việc cung cấp nước và dịch điện giải (natri, kali) giúp phục hồi lượng dịch mất đi và duy trì ổn định tình trạng bệnh nhân. Để kiểm soát tình hình, các chỉ số trong cơ thể phải được theo dõi liên tục. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu mất nước nặng, có thể cung cấp dịch qua đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch để hỗ trợ.
Khi tình trạng trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để nhận sự điều trị chuyên sâu. Tại bệnh viện, tùy vào tình trạng người bệnh mà bác sĩ sẽ truyền insulin và bù dịch để khôi phục sự cân bằng các chất trong cơ thể. Các dấu hiệu nhiễm khuẩn và các tình trạng nghiêm trọng khác sẽ được kiểm tra để ngăn ngừa bệnh phát triển nặng.
Việc kiểm tra liên tục các chỉ số glucose, huyết áp, và điện giải (natri, kali), cùng với giám sát triệu chứng lâm sàng được thực hiện xuyên suốt quá trình là vô cùng quan trọng. Điều này có thể hỗ trợ nắm bắt tình hình sức khỏe người bệnh chuẩn xác, đảm bảo quá trình điều trị hiệu quả và phát hiện kịp thời bất kỳ vấn đề phát sinh.
Tổng kết
Tăng đường huyết có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời. Vậy xử trí tăng đường huyết như thế nào? Việc điều trị tại nhà và cấp cứu đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng này. Ngoài việc thực hiện các phương pháp đảm bảo sức khỏe và phòng ngừa bệnh, bạn cần chủ động theo dõi các triệu chứng.