Tăng glucose máu là gì?
Đây là tình trạng nồng độ glucose trong máu tăng cao hơn mức bình thường, còn gọi là tăng đường huyết. Thực tế, glucose tăng trong trường hợp tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa carbohydrate. Nếu glucose tăng quá nhanh mà cơ thể không thể chuyển hóa kịp thời thì sẽ dẫn đến tình trạng tăng glucose máu.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì tăng đường huyết cũng diễn ra ở những người mắc bệnh tiểu đường hoặc các hội chứng rối loạn khác. Trong đó, nồng độ các hormone điều hòa glucose máu (như insulin) có thể bị mất cân bằng do nhiều yếu tố khác nhau.
Xem thêm: Nồng độ glucose trong máu người là bao nhiêu?
Glucose máu tăng trong trường hợp nào?
Tình trạng sinh lý tự nhiên
Tăng glucose máu sinh lý gặp trong các trường hợp phản ứng bình thường của cơ thể mà không liên quan đến bệnh lý. Tình trạng này có thể xảy ra sau khi ăn, hoạt động thể chất mạnh hoặc khi sử dụng một số loại thuốc điều trị.
- Đường huyết thường tăng sau bữa ăn, đặc biệt là bữa ăn chứa nhiều carbohydrate.
- Uống các loại rượu ngọt hoặc cocktail có thể tăng đường huyết.
- Hoạt động thể chất cường độ cao.
- Căng thẳng hoặc stress.
- Thay đổi hormone thai kỳ trong giai đoạn mang thai.
- Phản ứng với các loại thuốc như corticosteroid, thuốc tránh thai hoặc thuốc lợi tiểu, có thể gây tăng đường huyết tạm thời.
Tình trạng liên quan đến bệnh lý
Tình trạng glucose trong máu tăng cao có thể do nhiều bệnh lý khác nhau. Trong đó bao gồm bệnh tiểu đường type 2, các rối loạn nội tiết hoặc sau khi phẫu thuật.
Bệnh đái tháo đường:
- Đái tháo đường type 1: Tình trạng tự miễn, trong đó cơ thể tấn công tế bào beta của tuyến tụy và khiến chúng không thể sản xuất insulin. Thiếu insulin dẫn đến tăng mức đường huyết
- Đái tháo đường type 2: Dạng phổ biến nhất. Bệnh xảy ra khi cơ thể trở nên kháng insulin hoặc không sản xuất đủ insulin để duy trì mức đường huyết ổn định.
- Đái tháo đường thai kỳ: Tiểu đường phát triển trong thời kỳ mang thai do sự thay đổi hormone thai kỳ. Tình trạng này thường gây tăng glucose máu ở phụ nữ mang thai.
Hội chứng chuyển hóa hoặc rối loạn nội tiết:
- Bao gồm một nhóm các tình trạng: Béo phì, tăng mỡ máu, và tăng huyết áp.
- Hội chứng Cushing: Tình trạng cơ thể sản xuất quá nhiều cortisol, gây kháng insulin, và tăng glucose máu.
- U tuyến tụy: Một số khối u gây rối loạn sản xuất hormone và gây ảnh hưởng đến mức đường huyết.
Bệnh lý về gan:
- Xơ gan: Gan bị tổn thương không thể dự trữ và giải phóng glucose đúng cách.
- Gan nhiễm mỡ: Rối loạn chức năng gan có thể ảnh hưởng đến việc điều hòa glucose.
Xem thêm: Hội chứng tăng glucose máu
Dấu hiệu và triệu chứng khi glucose máu tăng cao
Các triệu chứng có thể biểu hiện từ nhẹ đến nặng. Điều này phụ thuộc vào mức độ tăng đường huyết và thời gian mà tình trạng này kéo dài.
Dấu hiệu sớm của tăng glucose máu
Khi mức đường huyết tăng nhẹ hoặc trung bình, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng sau:
- Khát nước nhiều.
- Đi tiểu nhiều.
- Khô miệng.
- Mệt mỏi.
- Mờ mắt.
Triệu chứng nặng hơn nếu không được kiểm soát
Các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu mức đường huyết tiếp tục tăng cao mà không được điều trị.
- Đói liên tục.
- Sụt cân bất thường và không rõ nguyên nhân.
- Vết thương lâu lành.
- Nhiễm trùng tái phát, như nhiễm trùng da, cơ quan sinh dục hoặc đường tiết niệu.
Triệu chứng khi tăng glucose máu nghiêm trọng
Nhiều vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra khi mức đường huyết quá cao trong thời gian dài.
- Hơi thở có mùi trái cây (nhiễm toan xeton): Xảy ra khi có sự tích tụ của xeton trong máu do thiếu hụt insulin nghiêm trọng.
- Khó thở (hơi thở Kussmaul): Phản ứng tự nhiên của cơ thể để chống lại tình trạng nhiễm toan.
- Lú lẫn hoặc mất ý thức: Dấu hiệu của tình trạng tăng đường huyết cấp tính hoặc hôn mê do tăng đường huyết.
Tăng glucose máu có dẫn đến tiểu đường không?
Tăng glucose trong máu có thể dẫn đến đái tháo đường nếu tình trạng này kéo dài hoặc lặp đi lặp lại mà không được kiểm soát. Khi chỉ số đường huyết tăng từ 5.6 đến 6.9 mmol/L (100 – 125 mg/dL) có thể gợi ý tiền tiểu đường. Nếu mức glucose máu tăng mạnh từ 7.0 mmol/L (126 mg/dL) trở lên thì nguy cơ cao đã mắc đái tháo đường.
Có những biến chứng tăng glucose máu nào ngoài tiểu đường?
Mức đường huyết tăng cao có thể làm tổn thương nhiều cơ quan và hệ thống bên trong cơ thể. Điều này dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Tổn thương mạch máu
- Xơ vữa động mạch: Tăng glucose máu làm tổn thương nội mạc mạch máu, dẫn đến sự hình thành các mảng bám xơ vữa. Tình trạng này làm tăng cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim và bệnh động mạch ngoại vi.
- Tổn thương mao mạch: Các cơ quan như mắt, thận, và thần kinh có thể bị tổn thương do mao mạch bị phá hủy bởi mức đường huyết cao.
Biến chứng thần kinh
- Bệnh thần kinh ngoại biên: Gây tê, đau, và mất cảm giác ở tay chân, làm tăng nguy cơ loét hoặc nhiễm trùng.
- Rối loạn thần kinh tự chủ: Gây ảnh hưởng đến nhịp tim, khả năng tiêu hóa, và chức năng sinh lý.
Tăng nguy cơ nhiễm trùng
- Nhiễm trùng da: Như nhiễm trùng do nấm, viêm nang lông, và áp xe da.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Tăng glucose máu tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
- Chậm lành vết thương: Xảy ra do mức đường huyết cao làm tổn thương mạch máu và suy giảm chức năng miễn dịch.
Tổn thương gan và thận
- Gan nhiễm mỡ: Tăng glucose máu có liên quan đến sự tích tụ mỡ trong gan, gây viêm gan hoặc xơ gan không do rượu.
- Bệnh thận mạn tính: Tăng đường huyết gây tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận và làm suy giảm chức năng thận. Trường hợp nặng có thể dẫn đến suy thận giai đoạn cuối.
Rối loạn tâm lý và sức khỏe tinh thần
- Rối loạn cảm xúc: Tăng glucose máu kéo dài có thể gây suy nhược, căng thẳng và trầm cảm.
- Suy giảm nhận thức: Mức glucose máu cao có thể tăng nguy cơ sa sút trí tuệ, đặc biệt là bệnh Alzheimer.
Kiểm tra đường huyết chỉ 159k
- Kiểm tra 3 chỉ số đường huyết và tầm soát tiểu đường.
- Nhanh chóng, không chờ đợi với hệ thống 40 chi nhánh Diag.
- Lấy mẫu ngoài giờ hành chính.
- Có ngay kết quả trong vòng 24h qua Zalo.
Diag sẽ liên hệ lại trong vòng 5 phút
Cần làm gì khi gặp tình trạng tăng glucose máu?
Nếu đường huyết chỉ tăng nhẹ hoặc khi nhận thấy các dấu hiệu của tình trạng này thì bạn có thể tạm thời theo dõi tại nhà. Sử dụng máy đo đường huyết để kiểm tra mức glucose trong máu và ghi lại kết quả để cung cấp cho bác sĩ khi cần thiết. Các số liệu cần ghi chú là chỉ số đo được, số lần tăng, và thời điểm ghi nhận.
Trong trường hợp có các triệu chứng tăng glucose máu nghiêm trọng thì cần thăm khám ngay với bác sĩ để được điều trị kịp thời. Chữa trị càng sớm thì hiệu quả càng cao.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng chỉ ra một số biện pháp giúp cải thiện tình trạng tăng glucose máu tạm thời như sau:
- Uống nhiều nước để pha loãng lượng glucose trong máu và hỗ trợ cơ thể đào thời glucose qua nước tiểu.
- Tránh các thức uống có đường hoặc caffeine vì có thể làm tình trạng tăng đường huyết tồi tệ hơn.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống với nhiều rau xanh, thực phẩm giàu chất xơ và protein.
- Tránh các thực phẩm nhiều carbohydrate như bánh kẹo, nước ngọt và tinh bột nhanh hấp thụ (cơm trắng, bánh mì).
- Tập thể dục nhẹ nhàng để ổn định đường huyết thông qua việc kích thích cơ bắp sử dụng glucose.
- Chú ý theo dõi các triệu chứng của tăng glucose máu và đến thăm khám bác sĩ ngay nếu tình trạng không thuyên giảm.
Xem thêm: Định lượng glucose máu thấp
Lời kết
Như vậy, bài viết đã chia sẻ đầy đủ thông tin về tình trạng tăng glucose máu. Đây là một vấn đề sức khỏe quan trọng, cần có kế hoạch phòng ngừa và can thiệp y tế sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm.