Insulin là hormone đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết mức đường huyết. Hiểu rõ về insulin và tác dụng của insulin lên đường huyết giúp quản lý sức khỏe tốt hơn, hỗ trợ trong việc điều trị các bệnh lý liên quan. Tìm hiểu chi tiết qua bài viết bên dưới của Diag.
Insulin là gì?
Insulin là hormone protein các tế bào β trong tụy sản xuất. Hormone này đóng vai trò then chốt trong việc điều chỉnh lượng glucose (đường) trong máu, đảm bảo cơ thể có đủ năng lượng để hoạt động. Khi chúng ta ăn uống, cơ thể chuyển hóa thức ăn thành glucose. Lúc này, insulin giúp vận chuyển glucose từ máu vào các tế bào để sử dụng làm năng lượng hoặc lưu trữ dưới dạng glycogen trong gan và cơ bắp.
Ngoài việc điều chỉnh đường huyết, insulin còn tham gia vào quá trình tổng hợp protein và lipid, giúp cơ thể xây dựng và duy trì các mô cơ, da và các cơ quan khác. Sự thiếu hụt hoặc sử dụng insulin không hiệu quả có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như đái tháo đường.
Xem thêm: Đường huyết bao nhiêu thì tiêm insulin?
Cơ chế hạ đường huyết của insulin
Quá trình cơ thể sản xuất insulin
Insulin do tuyến tụy, một cơ quan nằm sau dạ dày, sản xuất. Khi ăn uống, lượng đường trong máu tăng lên, khiến tụy tiết ra insulin. Insulin giúp hạ đường huyết và điều chỉnh năng lượng cho cơ thể.
Quá trình sản xuất insulin bắt đầu từ các tế bào trong tụy. Insulin được lưu trữ trong những túi nhỏ và được giải phóng vào máu khi cơ thể cần. Nhờ có insulin, đường từ thức ăn được chuyển vào các tế bào để sử dụng làm năng lượng hoặc lưu trữ cho sau này.
Cách insulin làm hạ đường huyết
Insulin hỗ trợ cơ thể hạ đường huyết bằng nhiều cách như:
1. Tăng cường hấp thụ đường vào tế bào
Khi cơ thể giải phóng insulin, hormone này sẽ hỗ trợ các cơ, mô mỡ hấp thụ đường (glucose) từ máu. Insulin giúp các cổng vào tế bào (GLUT4) hoạt động tốt hơn, hỗ trợ đường dễ dàng đi vào.
Nhờ vậy, lượng đường trong máu sẽ giảm xuống. Song song với đó là các tế bào trong cơ thể có đủ năng lượng để duy trì hoạt động.
2. Chuyển đổi đường thành glycogen
Insulin là hormone giúp gan và cơ bắp chuyển hóa đường thành glycogen. Đây là một dạng dự trữ năng lượng cho cơ thể.
Khi ăn uống, lượng đường trong máu tăng lên. Insulin hỗ trợ chuyển hóa glucose thành glycogen để lưu trữ lại. Khi cơ thể cần năng lượng nhưng không có đủ đường từ thức ăn (do nhịn ăn hoạt tập thể dục), glycogen sẽ chuyển hóa ngược lại thành glucose để cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Việc lưu trữ glycogen giúp cơ thể duy trì mức đường huyết ổn định, đảm bảo có đủ năng lượng để hoạt động. Nếu không lưu trữ glycogen đúng cách, mức đường huyết có thể thay đổi đột ngột, gây ra các vấn đề về sức khỏe.
3. Ngăn tình trạng gan sản xuất đường
Thông thường, gan có thể tạo đường từ các chất như protein và chất béo. Insulin ngăn gan làm việc này, giúp máu không chứa quá nhiều đường mới. Nhờ đó, mức đường trong máu được duy trì ổn định và tránh được tình trạng đường huyết tăng cao.
4. Hỗ trợ xây dựng mỡ và cơ bắp
Insulin giúp cơ thể sử dụng năng lượng hiệu quả hơn bằng cách thúc đẩy việc tạo ra protein và chất béo. Nhờ đó, cơ thể có thể xây dựng và duy trì cơ bắp, da cũng như các cơ quan khác khỏe mạnh.
Tác dụng của insulin lên đường huyết trong điều trị đái tháo đường
Đái tháo đường là bệnh mà cơ thể không thể kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả do thiếu insulin hoặc insulin không hoạt động tốt. Insulin được sử dụng để điều trị đái tháo đường giúp kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Kiểm tra đường huyết chỉ 159k
- Kiểm tra 3 chỉ số đường huyết và tầm soát tiểu đường.
- Nhanh chóng, không chờ đợi với hệ thống 40 chi nhánh Diag.
- Lấy mẫu ngoài giờ hành chính.
- Có ngay kết quả trong vòng 24h qua Zalo.
Diag sẽ liên hệ lại trong vòng 5 phút
Đối với đái tháo đường type 1
Đái tháo đường type 1 là bệnh lý xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin do hệ miễn dịch tấn công ngược trở lại tế bào β trong tụy. Tình trạng thiếu hụt insulin xảy ra khiến lượng đường trong máu không được vận chuyển vào tế bào, dẫn đến tăng đường huyết.
Đối với bệnh nhân tiểu đường type 1, cơ thể không thể sản xuất đủ lượng insulin cần thiết. Vì vậy, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm insulin trong trường hợp thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt không hiệu quả. Việc tiêm insulin giúp duy trì mức đường huyết ổn định, cung cấp năng lượng cho cơ thể, ngăn ngừa các biến chứng ở thận, mắt, tim mạch, thần kinh.
Đối với đái tháo đường type 2
Đái tháo đường type 2 xảy ra khi cơ thể vẫn có thể sản xuất insulin nhưng không sử dụng hiệu quả. Lúc này, mức đường huyết trong cơ thể vẫn cao hơn bình thường. Trong trường hợp thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định dùng insulin và kết hợp các loại thuốc khác để ổn định đường huyết.
Tác dụng phụ khi sử dụng insulin
Mặc dù insulin mang lại nhiều lợi ích, nhưng việc sử dụng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ và cần chú ý để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Hạ đường huyết
Đây là phản ứng phụ thường gặp ở bệnh nhân sử dụng insulin. Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu giảm quá thấp, gây ra các triệu chứng như run rẩy, đổ mồ hôi, chóng mặt, mệt mỏi. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn thì người bệnh có thể ngất xỉu, thậm chí co giật.
Tăng cân
Insulin có thể gây tăng cân vì nó giúp cơ thể lưu trữ nhiều đường hơn dưới dạng glycogen và chuyển dư thừa thành chất béo. Khi dùng insulin, mọi người có thể cảm thấy đói hơn và ăn nhiều hơn, dẫn đến tăng cân. Để kiểm soát cân nặng, hãy duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn.
Dị ứng tại vị trí tiêm
Một số người có thể bị viêm, sưng hoặc ngứa tại nơi tiêm insulin. Trong một số trường hợp hiếm gặp thì có thể xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sưng đường hô hấp, khó thở, tụt huyết áp đột ngột.
Thay đổi tình trạng da
Sử dụng insulin lâu dài có thể dẫn đến thay đổi tình trạng da tại vị trí tiêm. Các vấn đề thường gặp bao gồm sẹo hoặc thay đổi kết cấu da.
Những lưu ý khi sử dụng insulin
- Sử dụng đúng liều lượng insulin theo chỉ dẫn của bác sĩ là rất quan trọng để tránh các biến chứng như hạ đường huyết hoặc tăng cân.
- Kết hợp giữa việc sử dụng insulin, chế độ ăn uống hợp lý và luyện tập thể dục thường xuyên giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn và giảm nguy cơ biến chứng.
- Thường xuyên kiểm tra mức đường huyết tại nhà giúp bệnh nhân điều chỉnh liều insulin kịp thời và phát hiện sớm các dấu hiệu hạ đường huyết.
- Insulin cần được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp, tránh ánh sáng và nhiệt độ cao để đảm bảo hiệu quả của thuốc.
- Để tránh các vấn đề về da và tăng cường hiệu quả hấp thu insulin, cần thay đổi vị trí tiêm định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Cần biết các dấu hiệu của hạ đường huyết và các tác dụng phụ khác để có thể xử lý kịp thời và thông báo cho bác sĩ khi cần thiết.
Lưu ý: Chỉ sử dụng insulin và thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt theo hướng dẫn của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng.
Lời kết
Insulin đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết đường huyết và là một phần thiết yếu trong điều trị đái tháo đường. Hiểu rõ về tác dụng của insulin lên đường huyết giúp sử dụng thuốc một cách hiệu quả, giảm thiểu các tác dụng phụ và duy trì sức khỏe tốt hơn.