HbA1c và glucose là các chỉ số xét nghiệm quan trọng giúp đánh giá tình trạng đường huyết của một người. Trong bài viết này, Diag chia sẻ các thông tin về sự khác nhau giữa glucose và HbA1c theo 6 tiêu chí khác nhau.

1. Ý nghĩa phản ánh

Chỉ số glucose trong máu phản ánh nồng độ đường huyết tại thời điểm cụ thể khi mẫu máu được lấy. Đây là một chỉ số tức thời, có thể thay đổi nhanh chóng tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, xét nghiệm glucose thường phù hợp để đánh giá tình trạng đường huyết ngắn hạn. Trong đó bao gồm các trường hợp cấp cứu, hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết đột ngột.

Xét nghiệm HbA1c đo mức đường huyết trung bình trong khoảng 2 – 3 tháng gần nhất. Trong đó, Hemoglobin A1c (HbA1c) hình thành khi glucose trong máu gắn kết không hồi phục với hemoglobin trong hồng cầu, gọi là quá trình glycosyl hóa. Quá trình này diễn ra liên tục trong suốt vòng đời của hồng cầu (khoảng 120 ngày). Do đó HbA1c phản ánh mức đường huyết trung bình trong 2 – 3 tháng qua, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tức thời. Chỉ số này giúp đánh giá hiệu quả điều trị tiểu đường, bằng việc phản ánh xu hướng kiểm soát đường huyết dài hạn của cơ thể.

Xem thêm: 1g glucose bao nhiêu calo?

Xét nghiệm HbA1c phản ánh lượng glucose trong máu theo thời gian qua tỷ lệ glycosyl hóa của hemoglobin.
Xét nghiệm HbA1c phản ánh lượng glucose trong máu theo thời gian qua tỷ lệ glycosyl hóa của hemoglobin.

2. Mục đích thực hiện

Mục đích chính của xét nghiệm glucose là phát hiện các vấn đề cấp thời liên quan đến đường huyết. Nghĩa là nó giúp đánh giá tình trạng đường huyết tức thời trong các trường hợp như hạ hoặc tăng đường huyết quá mức. Hơn nữa, chỉ số glucose máu còn hỗ trợ chẩn đoán tiền đái tháo đườngtiểu đường type 2.

HbA1c không chỉ giúp chẩn đoán đái tháo đường mà còn hỗ trợ đưa ra các quyết định điều trị hiệu quả. Bác sĩ có thể theo dõi hiệu quả dựa trên xu hướng của mức glucose máu trung bình trong vài tháng gần đây. Và điều này hoàn toàn không phụ thuộc vào các giá trị biến động ngắn hạn của mức đường huyết.

Chỉ số glucose và HbA1c có những ứng dụng khác nhau trong theo dõi, chẩn đoán và điều trị tiểu đường.
Chỉ số glucose và HbA1c có những ứng dụng khác nhau trong theo dõi, chẩn đoán, và điều trị tiểu đường.

3. Giá trị tham chiếu

Trên thực tế, ứng dụng của xét nghiệm glucose và HbA1c nằm ở giá trị của mức đường huyết mà nó đo lường. Từ đó phản ánh nồng độ đường huyết ở ngưỡng bình thường, tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường. Cụ thể như sau:

Chỉ số glucose máu (lúc đói):

  • Bình thường: Dưới 5.6 mmol/L (100 mg/dL).
  • Tiền tiểu đường: Từ 5.6 đến 6.9 mmol/L (100 – 125 mg/dL).
  • Tiểu đường: Từ 7.0 mmol/L (126 mg/dL) trở lên.

Chỉ số HbA1c:

  • Bình thường: Dưới 5.7% (39 mmol/mol).
  • Tiền tiểu đường: Từ 5.7% đến 6.4% (39 – 47 mmol/mol).
  • Tiểu đường: Từ 6.5% (48 mmol/mol) trở lên.

4. Những yếu tố tác động

Nồng độ glucose máu có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố. Trong đó bao gồm chế độ ăn uống, các loại thuốc điều trị, tâm lý căng thẳng hoặc sau khi hoạt động thể chất. Các yếu tố này sẽ khiến mức đường huyết có tính biến động, từ đó dễ làm sai lệch kết quả đo lường. Vì kết quả có thể thay đổi nhanh chóng theo thời gian, nên xét nghiệm yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt các điều kiện trước khi lấy mẫu.

Mặc dù kết quả HbA1c ít bị ảnh hưởng bởi thực phẩm hoặc biến động ngắn hạn, nhưng vẫn có một số yếu tố tác động. Các bệnh lý liên quan đến hồng cầu có thể làm sai lệch kết quả, như thiếu máu, tan máu, hoặc bệnh lý hemoglobin bất thường. Trong đó, thời gian sống của hồng cầu là yếu tố quan trọng. Bởi chỉ số HbA1c dựa trên sự gắn kết của glucose với hemoglobin trong suốt vòng đời của hồng cầu.

Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho thấy HbA1c cũng bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc. Chúng có thể làm giảm mức HbA1c nếu có phản ứng thay đổi quá trình đường hóa, tăng phá hủy hoặc kích thích tạo hồng cầu. Một số loại thuốc như aspirin liều cao cũng có thể làm tăng mức HbA1c.

Thói quen ăn uống có thể ảnh hưởng đến mức glucose máu.
Thói quen ăn uống có thể ảnh hưởng đến mức glucose máu.

5. Thời điểm xét nghiệm

Xét nghiệm glucose có những thời điểm thực hiện khác nhau. Nếu đo đường huyết lúc đói thì yêu cầu người bệnh nhịn ăn trước đó ít nhất 8 tiếng để đảm bảo kết quả chính xác. Nếu đo glucose máu sau ăn 2 giờ thì cần xét nghiệm sau 2 tiếng kể từ lúc kết thúc bữa ăn. Các chỉ số này đều có điểm chung là giúp xác định nồng độ đường huyết khi có/không bị ảnh hưởng bởi việc ăn uống.

Còn xét nghiệm HbA1c không yêu cầu bệnh nhân phải nhịn ăn trước khi thực hiện. Điều này là do nó chỉ phản ánh mức glucose trung bình trong thời gian dài mà không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi glucose tức thời. Do đó, HbA1c luôn được ưu tiên trong quản lý bệnh đái tháo đường lâu dài.

Kiểm tra đường huyết chỉ 159k

  • Kiểm tra 3 chỉ số đường huyết và tầm soát tiểu đường.
  • Nhanh chóng, không chờ đợi với hệ thống 40 chi nhánh Diag.
  • Lấy mẫu ngoài giờ hành chính.
  • Có ngay kết quả trong vòng 24h qua Zalo.

GỌI LẠI CHO TÔI

Diag sẽ liên hệ lại trong vòng 5 phút

6. Tính ổn định trong quá trình bảo quản mẫu máu

Nồng độ glucose trong mẫu máu không ổn định nếu không được bảo quản đúng cách. Khi máu không được xử lý ngay thì lượng glucose trong mẫu có thể giảm do bị các tế bào máu tiêu thụ. Do đó, mẫu cần được bảo quản lạnh hoặc xử lý trong vòng 1 – 2 giờ để tránh sai lệch kết quả.

Nồng độ HbA1c trong máu ổn định hơn nhiều so với glucose, vì nó phản ánh một chỉ số tích lũy (đường gắn với hemoglobin). Thực tế, HbA1c không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời gian bảo quản hay môi trường, miễn là mẫu máu được lưu trữ trong điều kiện chuẩn. Điều này khiến HbA1c trở thành chỉ số rất đáng tin cậy trong trường hợp không thể xử lý mẫu ngay lập tức.

Lời kết

Như vậy, bài viết đã chia sẻ đầy đủ thông tin về sự khác nhau giữa glucose và HbA1c. Đây là hai xét nghiệm quan trọng, tùy theo từng trường hợp sẽ có hướng thực hiện riêng biệt.