Glucose là một chất vô cùng quan trọng đối với cơ thể, và việc thiếu hụt glucose có thể gây nên nhiều hệ quả khó lường. Vậy vai trò của glucose là gì? Quá trình chuyển hóa glucose trong cơ thể người diễn ra thế nào? Cùng Diag tìm hiểu chi tiết qua bài viết bên dưới.

Glucose và vai trò của nó đối với cơ thể

Glucose là một loại đường đơn, được chuyển hóa từ carbohydrate – một chất có trong nhiều loại thực phẩm mà chúng ta ăn vào hàng ngày. Carbohydrate từ thực phẩm sẽ được chuyển hóa thành glucose thông qua quá trình tiêu hóa và hấp thu. Glucose sau đó được vận chuyển qua máu đến các tế bào và được sử dụng như một nguồn năng lượng chính của cơ thể.

Glucose cũng là một phần quan trọng của quá trình duy trì mức đường huyết ổn định. Khi lượng đường trong máu tăng thì insulin được tuyến tụy tiết ra để giúp tế bào hấp thụ glucose, từ đó giúp giảm đường huyết. Ngược lại, khi glucose giảm thì tuyến tụy sẽ sản xuất glucagon kích thích phân giải glycogen dự trữ thành glucose để tăng đường huyết về mức bình thường.

Hơn nữa, glucose còn tham gia vào nhiều quá trình sinh hóa phức tạp như tổng hợp axit nucleic, lipid và protein. Đây là những chất cần thiết để cơ thể sử dụng nhằm đảm bảo chức năng các cơ quan hoạt động ổn định. Điều này góp phần vào việc duy trì sức khỏe tổng thể luôn trong trạng thái tốt nhất.

Glucose là một phần quan trọng giúp duy trì mức đường huyết ổn định.
Glucose là một phần quan trọng giúp duy trì mức đường huyết ổn định.

Quá trình chuyển hóa glucose trong cơ thể diễn ra thế nào?

Quá trình chuyển hóa glucsoe là một quá trình trao đổi chất, bao gồm cả việc tổng hợp và phân giải glucose. Những phản ứng này rất quan trọng giúp cơ thể duy trì năng lượng, phục hồi tế bào, và thực hiện nhiều chức năng sinh lý.

1. Thoái hóa glucose để cung cấp năng lượng

Đây là quá trình phân giải glucose để tạo ra năng lượng, diễn ra ngay sau khi glucose được hấp thụ vào máu. Khi glucose đến các tế bào, nó được vận chuyển qua màng tế bào nhờ sự hỗ trợ của insulin (hormon do tuyến tụy tiết ra).

Bên trong tế bào, glucose được chuyển hóa qua một loạt các phản ứng hóa học trong quá trình phân giải gọi là glycolysis. Quá trình này diễn ra trong tế bào chất và phân giải mỗi phân tử glucose (C6H12O6) thành hai phân tử pyruvate (C3H4O3). Đồng thời, glycolysis cũng giải phóng một lượng nhỏ năng lượng ATP (adenosine triphosphate) cho tế bào.

Sau khi glycolysis hoàn thành, nếu có đủ oxy thì pyruvate sẽ được vận chuyển vào ti thể để tham gia vào chu trình Krebs. Lúc này, pyruvate được chuyển hóa thành acetyl-CoA và kết hợp với oxaloacetate để tạo thành citrat. Sau đó citrat tiếp tục qua một chuỗi phản ứng tạo ra hai phân tử mang điện tử quan trọng là NADH và FADH2. Những điện tử này sẽ tiếp tục tham gia vào chuỗi chuyển electron ở màng trong của ti thể. Từ đó chúng được sử dụng để tạo ra một lượng lớn ATP qua quá trình phosphoryl hóa oxi hóa.

Cuối cùng, ATP được tạo ra trong ti thể sẽ được sử dụng cho tất cả các hoạt động sống của tế bào. Sau đó, khi glucose được sử dụng xong mà vẫn dư thừa sẽ được chuyển hóa thành glycogen dự trữ để sử dụng khi cần thiết.

Nếu không có đủ oxy thì quá trình glycolysis vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, pyruvate sẽ được chuyển hóa thành lactate trong quá trình lên men và gây ra sự tích tụ axit lactic trong cơ thể. Mặc dù vậy, quá trình này ít hiệu quả hơn trong việc tạo ra ATP so với quá trình chuyển hóa có oxy.

Quá trình chuyển hóa glucose thành năng lượng sẽ tạo ra ATP.
Quá trình chuyển hóa glucose thành năng lượng sẽ tạo ra ATP.

2. Chuyển hóa glucose để dự trữ năng lượng dưới dạng glycogen

Quá trình chuyển hóa glucose để dự trữ năng lượng chủ yếu diễn ra dưới dạng glycogen – một polysaccharide được tổng hợp từ các phân tử glucose. Nếu glucose trong máu vượt quá nhu cầu năng lượng tức thời của cơ thể thì quá trình tổng hợp glycogen sẽ diễn ra – gọi là glycogenesis.

Glycogenesis bắt đầu bằng việc hormone insulin (do tuyến tụy tiết ra) kích thích các tế bào ở gan và cơ bắp hấp thụ glucose từ máu. Tại đây, glucose sẽ được chuyển hóa thành glycogen thông qua một chuỗi phản ứng enzyme. Trong đó, enzyme glycogen synthase hỗ trợ liên kết các phân tử glucose và tạo thành một chuỗi glycogen để lưu trữ.

Khi cơ thể cần năng lượng nhưng không có sẵn glucose từ thực phẩm, glycogen sẽ được phân giải trở lại thành glucose thông qua quá trình glycogenolysis. Quá trình này bắt đầu khi nồng độ glucose trong máu giảm, từ đó kích thích tuyến tụy tiết ra hormon glucagon. Glucagon kích hoạt enzyme glycogen phosphorylase, giúp cắt đứt các liên kết giữa các phân tử glucose trong glycogen và giải phóng glucose vào máu. Khi glucose đi vào máu sẽ được hấp thụ và tạo ra năng lượng, đồng thời khiến mức đường huyết tăng lên đến mức ổn định.

Trên thực tế, glycogen được dự trữ chủ yếu tại gan và cơ bắp. Glycogen tại gan là một nguồn năng lượng dự trữ quan trọng. Bởi nó có thể được phân giải khi cơ thể cần năng lượng ngay lập tức cũng như giúp ổn định đường huyết. Trong khi đó, glycogen ở cơ bắp chủ yếu được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các hoạt động thể chất tại chỗ.

Glycogen được cơ thể lưu trữ tại gan và cơ bắp dưới dạng chuỗi gồm nhiều phân tử glucose được liên kết lại với nhau.
Glycogen được cơ thể lưu trữ tại gan và cơ bắp dưới dạng chuỗi gồm nhiều phân tử glucose được liên kết lại với nhau.

3. Chuyển hóa glucose thành axit béo và lipid

Quá trình này thường diễn ra sau khi glucose đã được hấp thụ và mức năng lượng của cơ thể đã được đáp ứng. Lúc này, lượng glucose dư thừa có thể được chuyển thành các dạng dự trữ khác ngoài glycogen là axit béo.

Việc tổng hợp axit béo bắt đầu với việc xử lý glucose dư thừa thành acetyl-CoA thông qua quá trình glycolysis. Trong đó, acetyl-CoA sẽ tham gia vào các phản ứng sinh hóa trong tế bào, bao gồm tổng hợp tạo thành axit béo.

Các axit béo sẽ tiếp tục kết hợp với glycerol để tạo thành triglycerides, sau đó được lưu trữ trong các tế bào mỡ của cơ thể. Triglycerides là một dạng lipid, đóng vai trò như nguồn năng lượng dự trữ dài hạn của cơ thể. Tương tự như glycogen, triglycerides có thể được phân giải lại thành axit béo và glycerol khi cơ thể cần sử dụng năng lượng.

Ngoài ra, quá trình tổng hợp axit béo còn hữu ích trong việc tổng hợp nên các lipid quan trọng khác như phospholipid và sterol. Đây đều là những chất cần thiết cho sự sống và chức năng hoạt động của tế bào.

Xem thêm: Sự khác nhau giữa glucose và HbA1c

4. Chuyển hóa glucose thành protein

Glucose còn có thể được chuyển hóa thành các protein thông qua quá trình tổng hợp protein. Phần glucose dư thừa không được sử dụng để tạo năng lượng có thể được chuyển hóa thành axit amin không thiết yếu. Các axit amin này sau đó có thể được sử dụng để tổng hợp protein trong cơ thể. Chúng cung cấp các thành phần cần thiết cho xây dựng và sửa chữa mô, cơ bắp và enzyme.

5. Chuyển hóa glucose để điều hòa chức năng sinh lý

Quá trình chuyển hóa glucose còn ảnh hưởng đến nhiều chức năng sinh lý khác trong cơ thể. Đặc biệt là trong việc điều hòa trao đổi chất và duy trì chức năng các cơ quan. Mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ về khối lượng cơ thể, nhưng não bộ lại tiêu thụ một lượng lớn glucose để duy trì hoạt động. Mức glucose trong máu ổn định giúp não bộ hoạt động bình thường, duy trì khả năng tập trung, suy nghĩ và xử lý thông tin.

Nếu lượng glucose trong máu quá thấp, cơ thể có thể gặp phải các vấn đề như mệt mỏi, chóng mặt hoặc choáng váng. Do đó, quá trình chuyển hóa glucose có vai trò quan trọng trong việc điều hòa ổn định nhiều hoạt động sinh lý thiết yếu của cơ thể.

Kiểm tra đường huyết chỉ 159k

  • Kiểm tra 3 chỉ số đường huyết và tầm soát tiểu đường.
  • Nhanh chóng, không chờ đợi với hệ thống 40 chi nhánh Diag.
  • Lấy mẫu ngoài giờ hành chính.
  • Có ngay kết quả trong vòng 24h qua Zalo.

GỌI LẠI CHO TÔI

Diag sẽ liên hệ lại trong vòng 5 phút

Xem thêm: 1g glucose bao nhiêu calo?

Yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa glucose

Quá trình chuyển hóa glucose trong cơ thể có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Chúng có thể tăng nhanh hoặc làm chậm quá trình xử lý glucose. Từ đó ảnh hưởng đến khả năng duy trì mức đường huyết và cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Hormone

  • Insulin: Hormone insulin giúp giảm mức glucose trong máu bằng cách thúc đẩy quá trình tổng hợp glycogen và chuyển hóa glucose vào tế bào. Thiếu insulin (như trong bệnh tiểu đường) có thể làm giảm khả năng sử dụng glucose.
  • Glucagon: Ngược lại với insulin, glucagon giúp tăng nồng độ glucose trong máu bằng cách kích thích phân giải glycogen. Quá trình này diễn ra khi có tình trạng suy glucose máu (hạ đường huyết).
  • Adrenaline: Kích thích phân giải glycogen và tăng khả năng giải phóng glucose vào máu trong các tình huống căng thẳng.
Người bệnh tiểu đường có thể cần tiêm insulin để cải thiện khả năng sử dụng glucose.
Người bệnh tiểu đường có thể cần tiêm insulin để cải thiện khả năng sử dụng glucose.

Chế độ ăn uống

  • Nhiều carbohydrate: Kích thích quá trình phân giải glucose, từ đó cung cấp glucose nhanh chóng cho tế bào.
  • Ít carbohydrate: Cơ thể sẽ dựa vào việc sản xuất glucose từ các nguồn khác không phải carbohydrate như axit amin và glycerol.
  • Nhiều chất béo và protein: Làm giảm nồng độ glucose trong máu, thúc đẩy cơ thể sử dụng các nguồn năng lượng khác như axit béo.

Tình trạng sức khỏe

  • Bệnh tiểu đường: Trong tiểu đường loại 1, thiếu insulin dẫn đến việc glucose không thể được hấp thu đúng cách. Trong tiểu đường loại 2, kháng insulin làm giảm hiệu quả của insulin và dẫn đến tình trạng tương tự.
  • Căng thẳng, viêm nhiễm và các bệnh lý khác: Có thể làm tăng mức cortisol và adrenaline, kích thích tạo mới glucose và giải phóng glucose từ các nguồn dự trữ.
  • Thiếu ngủ: Làm giảm độ nhạy insulin và dẫn đến giảm khả năng sử dụng glucose hiệu quả.

Xem thêm: Glucose khan

Hoạt động thể chất

  • Tập thể dục: Cơ bắp sử dụng glucose và glycogen dự trữ để tạo năng lượng.
  • Cạn kiệt glycogen do tập luyện liên tục: Kích thích quá trình tổng hợp glucose từ các nguồn không phải carbohydrate (từ thức ăn).
Hoạt động thể chất sẽ kích thích cơ thể sử dụng glycogen dự trữ để tạo ra năng lượng.
Hoạt động thể chất sẽ kích thích cơ thể sử dụng glycogen dự trữ để tạo ra năng lượng.

Lời kết

Như vậy, bài viết đã giải thích chi tiết về quá trình chuyển hóa glucose trong cơ thể. Đây là những quá trình phức tạp, giúp tổng hợp, tạo mới và phân giải glucose thành những dạng đặc biệt. Từ đó cung cấp năng lượng, cũng như hỗ trợ cơ thể duy trì những chức năng sinh hóa quan trọng.