Nghiệm pháp dung nạp đường huyết là một xét nghiệm quan trọng giúp chẩn đoán các rối loạn chuyển hóa glucose và đái tháo đường. Trong bài viết này, hãy cùng Diag tìm hiểu về nghiệm pháp dung nạp glucose. Bên cạnh đó, Diag chia sẻ thêm quy trình và cách đọc kết quả nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75g chi tiết.
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống là gì?
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (Oral Glucose Tolerance Test – OGTT) là xét nghiệm nhằm đánh giá khả năng chuyển hóa glucose của cơ thể. OGTT thường được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán các rối loạn liên quan đến đường huyết, như đái tháo đường và rối loạn dung nạp glucose. Phương pháp này đặc biệt hữu ích trong các trường hợp khi đường huyết lúc đói hoặc HbA1c không đủ để chẩn đoán chính xác.
Đối với trường hợp để tầm soát và chẩn đoán tiểu đường thai kỳ, OGTT sẽ được gọi là nghiệm pháp dung nạp đường huyết thai kỳ. Xét nghiệm thường được thực hiện ở phụ nữ mang thai vào tuần thứ 24 đến tuần thứ 28 của thai kỳ.
Xem thêm: Uống đường glucose có tác dụng gì?
Ai cần thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose?
Đối với người không mang thai
OGTT giúp chẩn đoán hoặc phát hiện sớm tiểu đường type 2 và rối loạn dung nạp glucose ở những đối tượng sau không mang thai sau:
- Có chỉ số đường huyết lúc đói từ 5.6 đến 6.9 mmol/L (100 – 125 mg/dL), hoặc có chỉ số HbA1c từ 5.7% đến 6.4% (39 – 47 mmol/mol).
- Có triệu chứng nghi ngờ đái tháo đường: khát nước nhiều, tiểu nhiều, mệt mỏi, suy nhụy, giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Người trên 45 tuổi.
- Người thừa cân hoặc béo phì, ít vận động.
- Người đang gặp tình trạng mỡ máu cao, huyết áp cao.
- Người có tiền sử mắc bệnh tim mạch.
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, béo phì, cao huyết áp.
- Phụ nữ không mang thai có tiền sử mắc đái tháo đường thai kỳ.
Đối với phụ nữ mang thai
OGTT giúp tầm soát và hỗ trợ chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ ở những phụ nữ đang mang thai. Ở những mẹ bầu có sức khỏe ổn định thì nghiệm pháp sẽ được thực hiện từ tuần thứ 24 – 28.
Nếu mẹ nằm trong nhóm đối tượng có yếu tố nguy cơ cao thì sẽ được chỉ định thực hiện sớm hơn hoặc trong lần khám thai đầu tiên:
- Thai phụ từ 25 tuổi trở lên.
- Thai phụ có tiền sử rối loạn dung nạp glucose hoặc đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước đó.
- Thai phụ có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường.
- Thai phụ thừa cân hoặc béo phì.
- Thai phụ có tiền sử sinh non, thai lưu, sảy thai trên 3 lần.
- Thai phụ có tiền sử sinh con mắc dị tật, hoặc sinh con có cân nặng trên 4kg.
Xem thêm: Xét nghiệm sinh hóa máu glucose
Quy trình làm nghiệm pháp dung nạp glucose
Nghiệm pháp thường được thực hiện qua ba bước, cụ thể như sau.
Bước 1: Lấy mẫu máu lúc đói
Nếu đường huyết lúc đói vượt ngưỡng 7.0 mmol/L (126 mg/dL), xét nghiệm OGTT thường không được tiếp tục. Bởi kết quả này cho thấy bạn có khả năng cao mắc bệnh đái tháo đường.
Bước 2: Uống dung dịch glucose
- Bạn cần uống một dung dịch chứa 75g glucose trong vòng 5 phút. Dung dịch này có vị ngọt, có thể hơi khó uống với một số người.
- Đối với thai phụ, lượng glucose trong dung dịch có thể là 50g hoặc 100g.
Bước 3: Lấy mẫu máu sau khi uống dung dịch glucose
- Lấy mẫu sau 1 giờ: Đánh giá khả năng hấp thụ và xử lý glucose nhanh chóng.
- Lấy mẫu sau 2 giờ: Đánh giá khả năng chuyển hóa và trở lại nồng độ glucose bình thường.
Lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm
- Nhịn đói tối thiểu 8 tiếng trước, chỉ uống nước lọc và không thay đổi chế độ ăn đột ngột.
- Nên xét nghiệm vào buổi sáng.
- Tránh tập thể dục và hoạt động thể chất quá mức trước khi xét nghiệm.
- Không tiêu thụ rượu bia, chất kích thích.
- Không sử dụng các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, trừ khi có chỉ định dùng thuốc từ bác sĩ.
- Thông báo đến bác sĩ/kỹ thuật viên lấy mẫu về các loại thuốc đang sử dụng.
Đọc kết quả nghiệm pháp dung nạp đường huyết
Kết quả xét nghiệm dung nạp glucose thường tập trung vào chỉ số đường huyết lúc đói và sau 2 giờ kể từ lúc uống dung dịch glucose.
Đối với người không mang thai
Kết quả đường huyết lúc đói:
- Bình thường: Dưới 5.6 mmol/L (100 mg/dL).
- Rối loạn đường huyết (tiền đái tháo đường): Từ 5.6 đến 6.9 mmol/L (100 – 125 mg/dL).
- Tiểu đường: Từ 7.0 mmol/L (126 mg/dL) trở lên.
Kết quả đường huyết sau 2 giờ kể từ lúc uống dung dịch glucose:
- Bình thường: Dưới 7.8 mmol/L (140 mg/dL).
- Rối loạn đường huyết (tiền đái tháo đường): Từ 7.8 đến 11.0 mmol/L (140 – 199 mg/dL).
- Tiểu đường: Từ 11.1 mmol/L (200 mg/dL) trở lên.
Kiểm tra đường huyết chỉ 159k
- Kiểm tra 3 chỉ số đường huyết và tầm soát tiểu đường.
- Nhanh chóng, không chờ đợi với hệ thống 40 chi nhánh Diag.
- Lấy mẫu ngoài giờ hành chính.
- Có ngay kết quả trong vòng 24h qua Zalo.
Diag sẽ liên hệ lại trong vòng 5 phút
Đối với phụ nữ mang thai
Kết quả đường huyết lúc đói:
- Bình thường: Dưới 5.1 mmol/L (92 mg/dL).
- Rối loạn đường huyết (tiền đái tháo đường): Từ 5.1 đến 5.9 mmol/L (92 – 106 mg/dL).
- Tiểu đường: Từ 6.1 mmol/L (110 mg/dL) trở lên.
Kết quả đường huyết sau 2 giờ kể từ lúc uống dung dịch glucose:
- Bình thường: Dưới 7.8 mmol/L (140 mg/dL).
- Rối loạn đường huyết (tiền đái tháo đường): Từ 7.8 đến 8.9 mmol/L (140 – 160 mg/dL).
- Tiểu đường: Từ 8.9 mmol/L (160 mg/dL) trở lên.
Lời kết
Như vậy, bài viết đã chia sẻ đầy đủ thông tin về nghiệm pháp dung nạp glucose. Đây là một xét nghiệm quan trọng giúp đánh giá tình trạng rối loạn đường huyết. Đặc biệt, nghiệm pháp OGTT rất hữu ích trong việc xác định nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ ở phụ nữ đang mang thai.