Nếu mức đường huyết lúc đói tăng cao từ 7.0 mmol/L (hoặc 126 mg/dL) trở lên thì được xem là mắc hội chứng tăng glucose máu. Đây là một tình trạng cần được kiểm soát y tế tốt để tránh những hệ quả nghiêm trọng. Trong bài viết này, hãy cùng Diag tìm hiểu chi tiết về hội chứng nhé.

Hội chứng tăng glucose máu là gì?

Đây là tình trạng khi mức đường huyết trong máu (glucose máu) cao hơn giới hạn bình thường. Hội chứng này là một dấu hiệu quan trọng, thường xuất hiện ở những người mắc bệnh tiểu đường hoặc do các nguyên nhân khác. Trong y khoa, hội chứng này thường được xác định khi mức glucose trong máu vượt quá các ngưỡng bình thường như sau:

  • Glucose máu lúc đói: Từ 7.0 mmol/L (126 mg/dL) trở lên.
  • Glucose máu sau ăn 2 giờ: Từ 11.1 mmol/L (200 mg/dL) trở lên.
Hội chứng tăng glucose máu - Hyperglycemia Syndrome (bên phải).
Hội chứng tăng glucose máu – Hyperglycemia Syndrome (bên phải).

Cơ chế tăng đường huyết trong hội chứng tăng glucose máu

Hội chứng này là do sự mất cân bằng giữa quá trình cung cấp và khả năng sử dụng glucose máu ở tế bào. Trong đó, sự thiếu hụt hoặc kháng insulin là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Insulin là hormone do tuyến tụy tiết ra, chịu trách nhiệm chính trong việc đưa glucose từ máu vào tế bào để sử dụng hoặc dự trữ. Thiếu hụt insulin thường do cơ thể không sản xuất đủ insulin, như trong tiểu đường type 1. Còn kháng insulin là tình trạng tế bào không thể sử dụng insulin hiệu quả, như trong tiểu đường type 2. Chính sự thiếu hụt hoặc đề kháng insulin này sẽ khiến glucose không được chuyển hóa trong tế bào mà tích tụ trong máu. Từ đó dẫn đến tăng đường huyết.

Hơn nữa, sự sản sinh quá mức các hormone đối kháng (như glucagon và cortisol) cũng ảnh hưởng đến nồng độ đường huyết. Chúng có thể làm tăng đường huyết bằng cách kích thích gan sản xuất glucose và ức chế hoạt động của insulin. Nếu sự mất cân bằng giữa insulin và hormone đối kháng kéo dài sẽ dẫn đến hội chứng tăng đường huyết.

Xem thêm: Nồng độ glucose trong máu người là bao nhiêu?

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng tăng glucose máu

Dựa trên cơ chế gây tăng glucose máu mà các chuyên gia đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến hội chứng. Trong đó bao gồm tăng đường huyết đặc hiệu và không đặc hiệu.

Tăng đường huyết đặc hiệu

Đây là những nguyên nhân liên quan trực tiếp đến các bệnh lý hoặc yếu tố cụ thể gây ra hội chứng tăng đường huyết.

  • Tiểu đường (type 1, type 2, tiểu đường thai kỳ): Do thiếu hụt hoặc giảm hiệu quả của insulin, làm tăng đường huyết kéo dài.
  • Các bệnh nội tiết: Hội chứng Cushing (tăng cortisol), u tuyến tụy tiết glucagon, cường giáp…
  • Tác động của thuốc: Sau khi sử dụng các loại thuốc như corticosteroid, thuốc lợi tiểu thiazid, hoặc thuốc ức chế miễn dịch.

Xem thêm: Cơ chế điều hòa glucose trong máu

Tăng đường huyết không đặc hiệu

Đây là những nguyên nhân khiến mức đường huyết tăng tạm thời do các yếu tố không liên quan trực tiếp đến rối loạn chức năng nội tiết. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân không được xử lý kịp thời sẽ gây ra các biểu hiện cấp tính. Điều này đặc biệt nguy hiểm ở những đối tượng có nguy cơ cao như người lớn tuổi hoặc có tiền sử tiểu đường tiềm ẩn.

Một số nguyên nhân bao gồm:

  • Stress cấp tính: Chấn thương, phẫu thuật, hoặc nhiễm trùng nặng có thể kích thích giải phóng hormone căng thẳng và làm tăng đường huyết.
  • Chế độ ăn uống không khoa học: Tiêu thụ nhiều carbohydrate đơn giản như (bánh mì, cơm trắng) có thể làm tăng đường huyết tạm thời.
  • Ít vận động: Lối sống thiếu vận động có thể gây tăng đường huyết nhẹ mà không có bệnh nền rõ ràng.
  • Uống rượu bia: Tiêu thụ rượu bia có thể rối loạn quá trình chuyển hóa glucose, từ đó gây tăng đường huyết tạm thời.
Uống rượu bia thường dẫn đến tăng đường huyết.
Uống rượu bia thường dẫn đến tăng đường huyết.

Triệu chứng của hội chứng tăng đường huyết

Trên thực tế, có nhiều dấu hiệu và triệu chứng nhận biết một người đang gặp hội chứng tăng đường huyết. Trong đó chia thành dấu hiệu ban đầu, triệu chứng muộn và nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

Triệu chứng ban đầu:

  • Khát nước nhiều.
  • Đi tiểu nhiều.
  • Mệt mỏi, suy nhược.
  • Khô miệng và khô da.
  • Mờ mắt hoặc suy giảm thị lực.
  • Đói nhiều.

Triệu chứng muộn:

  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Đói liên tục.
  • Nhiễm trùng tái phát, đặc biệt là ở đường tiết niệu, da và miệng.
  • Vết thương chậm lành.

Triệu chứng nghiêm trọng:

  • Lú lẫn, hôn mê.
  • Yếu cơ, co giật.
  • Tăng áp lực thẩm thấu máu.
  • Thở nhanh, thở sâu.
  • Mất nước.
  • Đau bụng, buồn nôn, nôn mửa.
  • Hơi thở có mùi trái cây, cho thấy tình trạng nhiễm toan ceton.

Kiểm tra đường huyết chỉ 159k

  • Kiểm tra 3 chỉ số đường huyết và tầm soát tiểu đường.
  • Nhanh chóng, không chờ đợi với hệ thống 40 chi nhánh Diag.
  • Lấy mẫu ngoài giờ hành chính.
  • Có ngay kết quả trong vòng 24h qua Zalo.

GỌI LẠI CHO TÔI

Diag sẽ liên hệ lại trong vòng 5 phút

Biến chứng của hội chứng tăng đường huyết

Hội chứng này có thể gây nên nhiều vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến nhiều cơ quan và hệ thống trong cơ thể. Trong đó chia thành hai nhóm chính: biến chứng cấp tính và mạn tính.

Biến chứng cấp tính

Đây là các biến chứng xảy ra nhanh chóng, đột ngột và có thể gây nguy hiểm tức thời. Người bệnh thường có nguy cơ tử vong cao nếu không xử lý kịp thời.

Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu máu (Hyperosmolar Hyperglycemic State – HHS):

  • Tình trạng này thường gặp ở người mắc đái tháo đường type 2, với mức glucose máu tăng rất cao (trên 600 mg/dL).
  • Biểu hiện: Mất nước nặng, lú lẫn, co giật, và hôn mê.
  • Biến chứng hôn mê có thể gây tổn thương não, sốc do giảm thể tích tuần hoàn, dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao.

Nhiễm toan ceton đái tháo đường (Diabetic Ketoacidosis – DKA):

  • Thường gặp ở người mắc tiểu đường type 1. Cơ thể trong tình trạng thiếu insulin và phải sử dụng mỡ làm năng lượng thay thế cho glucose. Lúc này chất béo được gan phân hủy thành ceton. Khi gan chuyển hóa chất béo quá nhiều sẽ khiến ceton tích tụ nhiều trong máu, gọi là nhiễm toan ceton.
  • Biểu hiện: Thở nhanh, thở sâu, hơi thở có mùi trái cây lên men, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, lú lẫn, và hôn mê.
  • Nhiễm toan ceton có thể gây rối loạn điện giải, suy thận cấp, sốc, và dẫn đến nguy cơ tử vong.

Biến chứng mạn tính

Tình trạng tăng đường huyết kéo dài sẽ làm tổn thương mạch máu và hệ thần kinh. Từ đó dẫn đến nhiều bệnh mãn tính nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Bao gồm các bệnh về võng mạc, bệnh mạch vành hoặc rối loạn các chức năng thần kinh quan trọng.

  • Bệnh võng mạc đái tháo đường (Diabetic Retinopathy): Gây tổn thương mắt và các mao mạch ở võng mạc, dẫn đến xuất huyết, phù hoàng điểm, thậm chí là mù lòa.
  • Bệnh thận đái tháo đường (Diabetic Nephropathy): Dẫn đến suy thận mãn tính, với những biểu hiện phổ biến như protein niệu, sưng phù và tăng huyết áp.
  • Bệnh thần kinh đái tháo đường (Diabetic Neuropathy): Gây tổn thương thần kinh ngoại biên, dẫn đến tê bì, đau nhức, yếu cơ ở tay chân. Đường huyết cao gây tổn hại đến hệ thần kinh tự chủ, gây rối loạn tiêu hóa, huyết áp và chức năng bàng quang.
  • Bệnh mạch vành (Coronary Heart Disease): Đường huyết cao kéo dài gây tổn thương nội mạc mạch máu, thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa và cục máu đông. Từ đó dẫn đến hẹp động mạch cung cấp máu cho tim, gây nên bệnh mạch vành. Tình trạng này không được xử lý kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Bệnh mạch vành là một hậu quả nguy hiểm của hội chứng tăng đường huyết.
Bệnh mạch vành là một hậu quả nguy hiểm của hội chứng tăng đường huyết.

Cách phòng ngừa hội chứng tăng đường huyết

Hội chứng tăng đường huyết có thể không tiến triển nhanh và nguy hiểm nếu có những biện pháp phòng ngừa phù hợp. Chuyên gia y tế hướng dẫn cụ thể như sau.

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh

  • Cân bằng dinh dưỡng: Đảm bảo đủ protein, chất béo lành mạnh và các vi chất thiết yếu.
  • Kiểm soát khẩu phần ăn: Tránh ăn quá nhiều trong một lần và duy trì thói quen ăn uống đúng giờ.
  • Ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ: Tăng cường rau xanh, trái cây ít đường, ngũ cốc nguyên hạt.
  • Hạn chế carbohydrate đơn giản: Tránh thực phẩm chứa đường tinh luyện, bánh kẹo, và đồ uống có đường.

Tăng cường hoạt động thể chất

  • Tập thể dục đều đặn: Ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nên kết hợp giữa các bài tập thể dục nhẹ và cường độ cao.
  • Duy trì vận động hàng ngày: Hạn chế ngồi lâu, xen kẽ các khoảng thời gian đứng dậy và di chuyển.

Theo dõi đường huyết

  • Kiểm tra đường huyết định kỳ: Đặc biệt ở những người có nguy cơ cao như tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, thừa cân, béo phì, hoặc trên 40 tuổi.
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý nền: Tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu.

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ

  • Giảm căng thẳng: Thông qua các hoạt động nhẹ nhàng, cải thiện tâm trạng.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia và thuốc lá: Để tránh làm tăng đường huyết.

Lời kết

Như vậy, bài viết đã chia sẻ đầy đủ thông tin về hội chứng tăng glucose máu. Đây là một tình trạng đáng chú ý, có thể dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng nếu không được kiểm soát tốt.